Tính đến hôm nay, đã gần 2 tháng tròn thảm họa môi trường xảy ra tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Tại sao các cơ quan chức năng vẫn im lặng?
Cuộc họp thảo luận về nguyên nhân cá chết tại miền Trung của liên bộ và buổi công bố nguyên nhân vì sao cá chết với thời gian kỷ lục 7 phút của bộ Tài Nguyên Môi Trường được xem là bước công khai thông tin thảm họa môi trường đầu tiên của các cơ quan chức năng. Ngoài việc khẳng định công ty Formosa không liên quan hết sức nhanh nhạy thì nguyên nhân cá chết được kết luận có thể do tự nhiên (tảo độc), hoặc do con người tác động. Tuy nhiên, các phản ứng từ giới chuyên môn, các nhà khoa học sau đó đã khiến kết luận cá chết do “thuỷ triều đỏ” bị lung lay.
Để trấn an dư luận, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường, ông Trần Hồng Hà có phát ngôn trước báo giới về ống xả thải ngầm tại công ty Formosa. Tính hợp pháp, do cơ quan chức năng cấp phép của hệ thống xả thải ngầm này đã bị chính ông bộ trưởng đầu ngành phủ nhận với tuyên bố sẽ buộc Formosa đưa ống thải lên vị trí dễ quan sát vào ngày 30/4/2016.
Tuy nhiên đến nay, trên thực tế, công ty Formosa vẫn xả thải bình thường, và chưa có động thái gì cho thấy họ sẽ phải thay đổi ống xả thải ngầm đã được Bộ TN-MT cấp phép trước đó.
Thật ra từ đầu đến cuối, Formosa luôn tuyên bố họ tuân thủ quy định pháp luật và làm đúng giấy phép đã ký. Vì vậy việc các nhóm khảo sát độc lập tuyên bố có tìm thấy chất độc trong mẫu nước được phân tích buộc người ta phải nhìn lại quy trình cấp phép của Việt Nam.
Công ty Formosa. Photo bạn đọc Dân Làm Báo
Tác giả Phạm Hồng Phong đã đặt câu hỏi về một số quy chuẩn Việt Nam sau khi thảm họa môi trường xảy ra khá hay. Trong bài viết của mình, tác giả có nêu rõ:
Có 2 Quy chuẩn Việt Nam dùng để áp dụng và so sánh cho trường hợp xả thải của Fomosa:
1- Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển: QCVN 10-MT: 2015/BTNMT ban hành năm 2015 thay thế Quy chuẩn QCVN 10-MT: 2008/BTNMT
2- Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất thép: QCVN 52: 2013/BTNMT ban hành năm 2013
Theo giấy phép xả thải 3215/GP-BTNMT của Bộ Tài nguyên và môi trường cấp cho Formosa do Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai ký ngày 11-12-2015 dựa trên Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất thép: QCVN 52: 2013/BTNMT ban hành năm 2013, công suất xả thải tối đa Formosa được phép là: 45,000m3/ngày đêm.
Vấn đề ở đây là nếu áp dụng theo QCVN 52: 2013/BTNMT để tính toán nước thải thì cá vẫn có thể chết.
Theo báo Tuổi trẻ, sau khi có giấy phép xả thải, trong Quý 1/2016, Fomorsa đã xả thải 931.830 m3 nước (đã qua xử lý) ra biển, bình quân 10.000m3/ngày đêm, nghĩa là Formosa mới chỉ xả thải chưa đến 1/4 công suất tối đa được phép (45.000m3/ngày đêm) và đó mới chỉ là giai đoạn khởi động, xúc rửa đường ống.
Nếu Formosa đi vào sản xuất thực sự và xả thải tới công suất được phép với hàm lượng theo như giấy phép, có thể dự báo thảm họa môi trường sẽ kéo dài đến Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu thậm chí đến Cà Mau. Dù họ hoàn toàn theo đúng các Quy định, Quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam. (*)
Liệu đây có phải là lý do mà các cơ quan chức năng im lặng?
Trong tòa nhà hành chính của công ty Formosa có treo khá nhiều ảnh của các lãnh đạo trung ương đến tham quan và làm việc tại nhà máy. Các hình ảnh liên quan đến cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị gỡ bỏ dần dần, chỉ còn lại hình ảnh của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ảnh bên trong toà nhà hành chính. Photo Bạn đọc Dân Làm Báo
Sự im lặng quá lâu của các cơ quan chức năng trong việc kết luận nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường, khiến người ta hoàn toàn có lý do tin rằng “không thể sửa lỗi hệ thống”.
Việc cấp phép xả thải quá dễ dàng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiện trạng môi trường không còn là trách nhiệm của công ty Formosa và nằm ở cấp cao hơn và liên quan đến hệ thống cầm quyền?
Ngày thứ 55, cá chết chưa rõ nguyên nhân.
0 comments:
Post a Comment