Monday, June 20, 2016

Đánh dân, phá rối buổi sinh hoạt tôn giáo: Trách nhiệm của Công an là gì…?

 
AuthorTHIÊN HÀSourceCalitodayPosted on: 2016-06-20


Người dân phẩn nộ khi chứng kiến 2 cảnh sát cơ động đánh dân ở Quảng Bình (ảnh: Hồ Huy Khang)
Cali Today News – “Không chỉ đánh mà nó (công an) còn giết dân một cách ngang nhiên ngay chính tại phòng hỏi cung, nơi tạm giữ, tạm giam. Bằng chứng là trong gần 4 năm nay đã có hơn 260 cái chết của công dân vô tội.”, theo chia sẻ của anh Hải hiện đang cư ngụ tại Sài Gòn.
Đánh dân gây thương tích khi đang lưu thông trên đường ở Quảng Bình và phá rối buổi sinh hoạt tôn giáo của giáo dân ở Lào Cai là hai vụ việc diễn ra trong mấy ngày qua, là “chiến tích” tội lỗi ghi thêm cho những người mặc áo công an nhân dân Việt Nam. Tại sao một lực lượng nắm trong tay quyền thừa hành pháp luật như lực lượng công an có trách nhiệm bảo vệ dân lại để xảy ra nhiều trường hợp lạm quyền đánh dân, thậm chí giết dân ở mức độ ngày càng nhiều và công khai khiến dư luận rất phẩn nộ?…
Đánh dân, phá rối buổi sinh hoạt tôn giáo của dân
Khoảng 15h30 ngày 12/6/2016, có khoảng 30 công an, cảnh sát và các lực lượng chức năng khác của chính quyền ở tỉnh Lào Cai ập vào nhà của một giáo dân tên Trần Thị Trầm ở huyện Mường Khương đòi mời cha xứ là Lm Nguyễn Văn Thành lên huyện làm việc. Lúc này, Lm Nguyễn Văn Thành đang cùng các giáo dân cử hành thánh lễ tại nhà bà Trầm nên việc bắt Lm Thành của những viên công an, lực lượng công quyền không thành và thế là họ quay sang hạch sách, đánh giáo dân.
Anh Thắng, một giáo dân có mặt trong thánh lễ tại nhà bà Trầm và cũng là nạn nhân của trận đánh đá ngay sau đó đã chia sẻ với Cali Today như sau:
“Nói đánh đập thì không thể nói đánh đập, họ (công an, lực lượng công quyền) có đập đầu tôi xuống đất, bóp cổ và đá vào người. Tuy là đường bê tông nhưng lúc đập đầu may mắn là đúng bên ngoài ở chỗ có đất và cỏ nên chỉ trầy sướt và đau”.
Anh Thắng còn chia sẻ thêm, lúc xảy ra vụ việc có người dân và trẻ em chụp hình, quay video ghi lại vụ việc thì bị những viên công an, lực lượng công quyền đe dọa, không cho quay phim. Bản thân anh Thắng, lúc bắt anh, phía công an và lực lượng công quyền không có lệnh bắt, lôi anh đi như một cái xác, 4 người tay chụp cổ, tay thì khóa tay anh lôi đi cả một km. Nếu đi bình thường thì chẳng phải làm vậy. Lên đến công an thị trấn, phía công an yêu cầu anh Thắng ký vào một biên bản do phía công an viết nhưng anh Thắng không ký.
“Họ bắt tôi lên công an thị trấn, công an lập biên bản nhưng tôi không ký bởi không đồng ý với những gì họ viết. Họ nói tôi chống người thi hành công vụ là không đúng.”
Theo thông tin tìm hiểu, Cali Today biết được người giáo dân ở Mường Khương có nguyện vọng xây dựng nhà thờ để có nơi sinh hoạt tôn giáo, đã nhiều lần làm đơn gửi lên các cấp chính quyền xin phép xây dựng nhà thờ nhưng chưa được nên hiện tại chỉ dâng lễ ở nhà dân.
Đã vậy, nhiều lần công an và các lực lượng công quyền có những hành động gây khó khăn hễ khi các giáo dân tụ tập lại sinh hoạt các hoạt động tôn giáo.
Cali Today cũng ghi nhận thêm, vào chiều ngày 9/6/2016, tại thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình có hai thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm khi đang lưu thông trên đường đã bị hai cảnh sát cơ động dùng gậy chuyên dụng đánh gây thương tích. Anh Nguyễn Văn Điệp, một trong hai người thanh niên là nạn nhân của vụ viêc, cho Cali Today biết:
“Lúc tôi và bạn tôi đang đi xem máy trên đường thì gặp hai cảnh sát cơ động đi chiều ngược lại chặn xe chúng tôi, họ không ra hiệu lệnh mà đã vụt gậy vào người bạn tôi đang láy xe, bạn tội né và chiếc gậy va vào đầu tôi, chiếc xe mất tay lái đã va vào tường.”


Người dân phẩn nộ xúm lại bắt giữ 2 cảnh sát cơ động đánh dân ở Quảng Bình (ảnh: Hồ Huy Khang)
Anh Điệp cho biết, tình trạng thương tích của mình không biết sao nhưng qua mấy ngày rồi mà vẫn thấy đầu rất đau. Lúc vụ việc diễn ra, người dân ở xung quanh chứng kiến đã tỏ bất bình xúm lại bắt giữ hai cảnh sát cơ động và giải về giáo xứ Cồn Sẻ để đối chất bởi một trong hai thanh niên bị đánh là giáo dân của giáo xứ. Các giáo dân cùng Cha quản xứ là Lm Hoàng Anh Ngợi đã đứng ra cùng với các đại diện chính quyền đàm phán vụ việc.
Trách nhiệm bảo vệ dân lại lạm quyền đánh dân, giết dân
Việc anh Thắng bị đánh trong lúc sinh hoạt tôn giáo ở Lào Cai và vụ anh Điệp cùng bạn bị đánh khi đang lưu thông trên đường ở QuảngBình, Cali Today không xoáy sâu vào vấn đề mâu thuẫn giữa Tôn giáo với Chính quyền mà muốn nói đến vấn nạn công an Việt Nam ngày càng tỏ ra lạm quyền, thay vì có trách nhiệm phải bảo vệ dân thì có không ít cá nhân lại đi đánh dân, giết dân. Đây là một vấn nạn đang gây bực tức lớn trong lòng người dân Việt Nam hiện nay.


Người dân bắt giữ 2 cảnh sát cơ động đánh dân đưa vào nhà thờ để làm rõ vụ viêc (ảnh: Hồ Huy Khang)
Điều thứ Tư trong 6 Điều mà Hồ Chí Minh dạy Công an nhân dân Việt Nam là: Đối với nhân dân phải lễ phép. Hay, lời thề thứ Ba trong 5 lời thề danh dự của công an nhân dân Việt Nam là: Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tuỵ phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Và Điều thứ Năm trong 10 Điều kỷ luật của công an nhân dân Việt Nam là: Nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân không điều kiện. Có thái độ niềm nở, lịch sự, đúng mực khi tiếp xúc với mọi người; kính trọng người già, yêu mến trẻ em, tôn trọng phụ nữ, giúp đỡ người tàn tật. Không hách dịch, cửa quyền, thô bạo, gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân.
Thế nhưng, chỉ cần vào trang Google gõ từ chìa khóa “công an đánh dân” thì cho ra một con số kinh khủng, hơn 16 triệu kết quả trong vòng chưa đầy một phút. Một con số biết nói, đã nói lên tình trạng phẩm chất đạo đức của người công an Việt Nam hiện đang quá xấu trong mắt người dân. Tình trạng công an đánh dân trở nên “nóng bỏng” và đặc biệt nghiêm trọng bởi nó hiện diện không chỉ công khai ngoài đường phố, nơi công cộng mà còn ở những nơi như; đồn công an, nhà giam nơi mà một khi người dân bị bắt vào thì quyền sinh tử coi như hoàn toàn nằm trong tay những người công an định đoạt.
Theo chia sẻ của anh Hải hiện đang cư ngụ tại Sài Gòn thì:
“Không chỉ đánh mà nó (công an) còn giết dân một cách ngang nhiên ngay chính tại phòng hỏi cung, nơi tạm giữ, tạm giam. Bằng chứng là trong gần 4 năm nay đã có hơn 260 cái chết của công dân vô tội.”
Chắc hẳn con số 260 người chết trong gần 4 năm qua tại các nơi tạm giam, tạm giữ là anh Hải trích từ các báo đài đăng tải. Không chỉ người dân bức xúc mà cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nói “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” và bày tỏ xúc động với con số thống kê trên. Nguyên nhân từ đâu? Anh Hải nói:
“Nó (công an) muốn thể hiện bàn tay thép để triệt tiêu ý chí phản kháng của mọi công dân đối với các chủ trương, đường lối, chính sách phản dân hại nước…. không ngoài mục đích trấn áp tinh thần phản kháng”.
Không giống như thời bưng bít thông tin trước đây, ngày nay, với sự phát triển mạng mẽ của Internet, các trang mạng xã hội đang là “vũ khí” giúp cho người dân bảo vệ mình và tố cáo những hành vi sai trái, những tội ác của những người khoác bộ áo công an nhân dân, thay vì bảo vệ dân lại tỏ lạm quyền đánh dân, giết dân. Liệu tình trạng này có chấm dứt hay giảm đi trong thời gian tới hay không? Đây là câu hỏi mà Cali Today đã hỏi anh Hải, anh Hải đáp;
“Điều đó nó tùy thuộc vào phản ứng của truyền thông lề dân. Hãy xem hành vi của Cảnh sát giao thông trong mấy tháng gần đây thì sẽ thấy. Tôi quan sát thấy Cảnh sát giao thông đã không còn hung hăng hay quyết liệt đuổi bắt người tham gia giao thông nữa.”
Xã hội Việt Nam ngày càng phản ánh nhiều phẩn nộ của người dân đối với chính quyền, kéo theo đó là sự phản kháng của người dân càng gia tăng. Trong khi đó, công an là lực lượng được ví “thanh gươm lá chắn” bảo vệ Đảng cộng sản (ĐCS) Việt Nam, vì Đảng hẳn sẽ gia tăng mức độ đàn áp người dân. Sẽ còn bao nhiêu người dân bị công an đánh, chết trong đồn công an, chết nơi tạm giam và tạm giữ? Nên gọi đúng tên công an nhân dân Việt Nam hay phải đổi tên gọi là công an ĐCS Việt Nam để được đúng hơn?
THIÊN HÀ

0 comments:

Powered By Blogger