Thursday, June 30, 2016

Ân huệ của nhà nước đối với ngành ngoại giao

( Nguyễn Thị Thừ Huy phỏng vấn Đặng Xương Hùng, phần 1)

AuthorNguyễn Thị Từ Huy Đặng Xương HùngSourceThông LuậnPosted on: 2016-06-30
“…ông Đặng Xương Hùng đã từ bỏ tương lai nghề nghiệp trong ngành ngoại giao để dấn thân đấu tranh cho quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam, chúng tôi thực hiện cuộc trò chuyện với ông để hiểu thêm về cách thức vận hành và tổ chức của bộ máy quyền lực ở Việt Nam…”
Nguyễn Thị Từ Huy : Trước tiên, ông có thể cho biết, ông đã đến với ngành ngoại giao như thế nào, là một lựa chọn cá nhân, hay là tuân theo mong muốn của gia đình… ?
Đặng Xương Hùng : Tôi đến với ngành ngoại giao là do yếu tố gia đình. Bố và anh trai cả của tôi đều làm ở Bộ Ngoại giao. Bố tôi là bạn của ông Nguyễn Cơ Thạch, cố Bộ trưởng Ngoại giao. Hai ông là đồng hương với nhau, quê tại Nam Định, đã cùng nhau làm việc ởỦy ban kháng chiến liên khu ba (trước 1954). Khi Bộ ngoại giao được thành lập, ông Thạch đã rủ (hoặc đưa) Bố tôi về đây làm cùng nhau. Vốn tiếng Pháp của Bố tôi cũng khá.
Tôi vốn học giỏi ở những môn tự nhiên (toán, lý, hóa) hơn, nên khi thi vào đại học (năm 1978), tôi đã chọn thi vào Đại học Bách khoa. Lúc đó, đại học Ngoại giao không có trong danh sách để thi, mà họ đi thu nạp sinh viên từ con em trong ngành, có kết quả tốt ở các trường đại học khác. Năm đó, tôi được 21 điểm, chỉ thiếu nửa điểm là đi học ở nước ngoài (đây là sự đáng tiếc, tôi sẽ nhớ đến suốt đời, vì rằng trong bài thi toán tôi đã có sự nhầm không thể tưởng tượng được, đó là 2 :1=1/2, nếu không nhầm ở đây bài thi toán tôi sẽ có điểm rất cao). Sau đó, đã có một người của trường đại học ngoại giao (anh Nguyễn Hồng Phong) đã đến gia đình tôi, thuyết phục đưa tôi vào đại học ngoại giao. Tất nhiên, gia đình tôi ai cũng đồng ý, bản thân tôi không thích thú lắm, vì rằng nó đi ngược với ý thích muốn làm nghiên cứu khoa học của tôi. Tuy nhiên, cuối cùng cậu thanh niên mới có 17 tuổi cũng đã đồng ý theo ý kiến mọi người và cậu ta cũng phải thừa nhận rằng vào ngoại giao là một diễm phúc và danh giá thời bấy giờ.
Tuy nhiên, khi vào sơ tuyển tại đại học ngoại giao, tôi gặp khó khăn, do ngoại hình của tôi vô cùng tệ hại, mắt híp bẩm sinh, thấp bé, lúc đó tôi chỉ nặng có 38 kg, ngoại hình này không thể đủ để vào làm ngoại giao đại diện cho Việt Nam tiếp xúc với người nước ngoài. Nhưng số phận vẫn muốn đẩy tôi vào với ngành ngoại giao. Câu chuyện lại một lần nữa liên quan đến ông Nguyễn Cơ Thạch. Năm đó, ông Thạch đang làm Thứ trưởng, phụ trách trường đại học ngoại giao. Khi được nghe báo cáo về trường hợp của tôi, con ông Đặng Thế Xương, ông Thạch đã nói « Nó bé thì nó sẽ lớn và sẽ nên người, cứ cho nó vào ». Thế là tôi đã trở thành sinh viên trường đại học ngoại giao. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp đại học ngoại giao, tôi đã chính thức vào Bộ Ngoại giao, làm ở Vụ Châu Á 2 (phụ trách Lào và Cămpuchia).
Nguyễn Thị Từ Huy : Trong tư cách một người làm ngoại giao, hẳn ông đã có nhiều đóng góp ? Tại sao ông không tiếp tục đóng góp qua con đường ngoại giao mà lựa chọn từ bỏ hệ thống, nghĩa là lựa chọn một cuộc sống bấp bênh và cả nguy hiểm nữa ?
Đặng Xương Hùng : Thật lòng, theo cách nghĩ của tôi, tôi đóng góp không nhiều cho ngành ngoại giao và cho đất nước. Tôi chỉ là một công chức hoàn thành nhiệm vụ. Tôi là một người làm ngoại giao rất xoàng, tầm thường. Ăn nói không thật trôi chảy, tiếng Pháp, tiếng Anh không thật giỏi. Ngoài ra, ngoại hình cũng làm tôi trở ngại rất nhiều, nhất là những năm đầu tiên. Tôi thực sự tự ti về hình ảnh của mình, đã có lúc, khi thấy một số người bạn rời bỏ ngành ngoại giao, tôi đã có ý định tương tự, nhưng quả thực tôi không có cơ hội và năng lực cần thiết nào khác để mà có thể từ bỏ được.
Hơn nữa, cùng với năm tháng, tôi đã tự trả lời cho chính mình câu hỏi tại sao mình không thành công trong ngành ngoại giao cho lắm. Mình sẽ không thể giỏi lên ở một môi trường mà mình ít có lòng yêu mến. Điều này thì có phần hơi bào chữa, nhưng vẫn có giá trị sự thật. Tiếp nữa, là việc có « thành công » ở một cơ quan nhà nước như Bộ ngoại giao thì ta phải có sự hiểu biết nhất định về « luật chơi » của nó. Những thứ luật chơi phải là người thật tinh quái mới nhận biết hết được. Hoặc nếu anh không đủ tinh quái thì chí ít anh phải đủ « hèn » để kìm nén những ý kiến cá nhân, răm rắp tuân thủ ý kiến lãnh đạo. Cả hai thứ trên tôi đều không có.
Tôi đã nhận thức ra từ khá lâu rằng Bộ ngoại giao mới chỉ dừng lại ở chỗ là môi trường để tôi kiếm ra đồng tiền nuôi sống tôi và gia đình, chứ nó ít là môi trường cho tôi sự thoải mái. Càng ngày tôi lại càng cảm thấy Bộ ngoại giao mất dần ký ức đẹp của nó trong tôi. Có một cái gì đó không thật ổn trong ngành ngoại giao. Những người tâm huyết vắng dần, đồng nghĩa với việc cán bộ « tinh khôn » tăng dần. Những cuộc đấu đá, chạy chọt để lên chức, lên quyền, đi luân chuyển nước ngoài ngày càng trở thành những câu chuyện thường ngày ở Bộ. Những câu nói thật tình chỉ nghe được ở những buổi chơi golf và những buổi rượu bia bạn bè vui vẻ. Ai cũng tỏ quan tâm tình hình khó khăn của đất nước, nhưng để chịu suy nghĩ sâu thêm hoặc thực thi ý nghĩ của mình thì ít người quan tâm thể hiện, hoặc không dám hoặc chặc lưỡi chấp nhận sự bình yên.
Đó là cái vòng luẩn quẩn của Bộ ngoại giao nói riêng và của cả hệ thống nói chung. Người thực sự yêu ngành nghề của mình hiếm lắm. Cả xã hội đang sống với cảnh nhanh tay kiếm lợi từ chỗ đứng riêng của mình. Công an, quân đội, bác sĩ, giáo viên, đều như vậy. Trong một lần phỏng vấn về chuyện visa của các sứ quán bên ngoài, tôi đã từng ví nó như thể công an giao thông đứng đường ăn chặn lộ phí vậy. Cái tệ hại của chế độ này là đảng cộng sản muốn mua sự trung thành và ngoan ngoãn của công chức nhà nước bằng việc ban phát bổng lộc nào đó cho từng ngành nghề, nếu không ban phát được họ bịt mắt cho qua những tiêu cực ngành nghề mà đó tạo ra. Thí dụ như họ bỏ qua cho công an những nhũng nhiễu mà công an gây ra cho nhân dân, thậm chí đổ lỗi là do người dân. Bỏ qua cho giáo viên việc dạy thêm. Bỏ qua cho bác sĩ trong việc nhận phong bì. Với ngoại giao chúng tôi được họ mua bằng những chuyến đi công tác nước ngoài và lệ phí visa. Trong bộ chúng tôi hay đùa nhau rằng, rốt cuộc chỉ là « vấn đề Cămpuchia » (mâu thuẫn nội bộ các sứ quán là vấn đề chia chác lệ phí visa).
Nguyễn Thị Từ HuyCâu chuyện visa cụ thể là thế nào, thưa ông?
Đặng Xương Hùng: Chuyện visa, khi tôi tiết lộ những chi tiết cụ thể, tôi biết những người bạn tôi ở Bộ ngoại giao chắc sẽ trách tôi nhiều lắm. Vì rằng chỉ mới ba, bốn năm nay thôi, tôi vẫn còn sống vì nó và kiếm ra đồng tiền vì nó. Nhưng cái lòng tôi muốn nói ra vì rằng tôi có một người bạn còn trẻ ở Bộ mới lần đầu ra nước ngoài và khi tiếp xúc với câu chuyện visa, đã thốt lên rằng : « Thu tiền lệ phí visa như thế làm mất uy tín của Bộ Ngoại giao quá anh nhỉ ». Tôi đã trả lời : « Đi công tác ở sứ quán, không có tiền chia từ visa, mình không còn thừa ra đồng nào để mà tiết kiệm đâu em ạ. Rồi em sẽ quen dần thôi ». Và vì rằng cả hai chúng tôi đều cùng một ý nghĩ là thà nếu nhà nước cho chúng tôi hưởng một chế độ tiền lương chính đáng tương đương nào đó, còn hơn là dành cho chúng tôi một « chế độ mập mờ » để chúng tôi phải « gian dối » trong lệ phí visa. Nhưng từ lâu tôi đã có câu trả lời cho mình là, do nhà nước không thể có đủ để cung cấp cho chúng tôi một khoản tiền chính đáng nào đó, nên họ cho chúng tôi một «mảnh sân » để chúng tôi « tự do trong kín đáo » kiếm thêm để bù vào. Họ sẽ bịt mắt cho qua.
Câu chuyện visa có thể tóm tắt như sau:
Bộ Tài chính quy định một visa có giá là 35 đô la Mỹ. Số tiền này sẽ đưa vào ngân sách nhà nước. Có chia để lại cho Bộ Ngoại giao một phần. Bảng lệ phí visa theo giá nói trên lẽ ra phải treo công khai tại nơi làm lãnh sự của các sứ quán. Nhưng nếu chỉ thu như vậy, các sứ quán chỉ làm « không công » cho nhà nước, tức không có chênh lệch nào cả. Bộ Tài chính hàng năm có tổ chức đoàn sang kiểm tra các sứ quán nhất là những sứ quán có số thu lệ phí cao. Tuy nhiên, đấy là cái dịp để các bên đóng kịch. Sứ quán sẽ đóng kịch bằng việc treo bảng lệ phí visa lên để cho cán bộ Tài chính trông thấy rồi cất ngay đi. Nộp cho Bộ Tài chính đủ biên lai thu tiền visa đúng với giá 35 đô la đó.
(Chúng tôi có hai loại biên lai, một nộp cho bộ tài chính, một biên lai cho khách theo giá thực thu, cái này sẽ hủy đi ngay sau đó). Một lần kiểm tra như vậy cũng là dịp Bộ Ngoại giao « bồi dưỡng » cho cán bộ tài chính nói riêng và Bộ Tài chính nói chung về việc cho qua sự việc này. Theo tôi thì các Bộ Ngành của Việt Nam đều làm như vậy. Bỏ qua việc làm ăn mập mờ để thu về một « khoản thù lao » nào đó.
Giá thực thu một visa cho khách ở các cơ quan đại diện ngoại giao mỗi nơi một khác. Ngay cả trong một nước cũng có khi khác nhau. Thí dụ ở Genève, chúng tôi thu 70 CHF, sứ quán ở Bern thu 80 CHF. Tại Paris, hình như họ thu 70 euros. Để lý giải cho việc chênh lệch đó, có cơ quan đại diện bị bí khi bị chất vấn thì giải thích rằng phần chênh lệch là chi phí hành chính và chi phí xin chấp nhận xuất nhập cảnh từ một công ty du lịch trong nước. Phần lớn các công ty du lịch làm dịch vụ xin phép nhập xuất cảnh đều là có chân của Bộ Công an, vì như vậy việc xin phép sẽ được nhanh hơn.
Tóm lại, nhà nước định ra một giá cho visa, các sứ quán lẽ ra chỉ được thu như thế hoặc hơn lên đôi chút về những chi phí hành chính. Nhưng nếu làm như thế cán bộ ngoại giao đi công tác nước ngoài sẽ không còn có thêm được gì. Đã nhiều năm Bộ Ngoại giao đã rất muốn điều chỉnh tìm ra một phương cách thu sao cho hợp lý, cho chính đáng hơn. Nhưng đều bất lực. Cuối cùng, đều chấp nhận nhắm mắt cho qua chấp nhận như vậy. Cũng là ân huệ mà nhà nước muốn đổi lấy sự trung thành của các cán bộ ngoại giao và cũng là cách mà các quan chức ngoại giao đủ sống khi ở nước ngoài. Họ chỉ có lương cơ bản chừng khoảng 500 USD/tháng. Cuối hàng tháng, chúng tôi dùng phần chênh lệch, chia cho các nhân viên sứ quán. Đây cũng là câu chuyện gây mẫu thuẫn nội bộ do chia chác. Ai được chia, chia tỷ lệ bao nhiêu ? Có những nơi phần chia visa mới là phần quan trọng nhất trong các khoản thu nhập. Trước khi xin đi luân chuyển, mọi người đều tìm hiểu thu nhập visa ở nơi đó là bao nhiêu. Có những nơi rất cao ở khoản này, thí dụ ở San Fancisco, Washington, London, Paris… Vậy nên, người ta mới lý giải được tại sao ông Thứ trưởng Ngoại giao, ủy viên trung ương đảng lại đi làm Tổng Lãnh sự tại San Fancisco, một chức vụ trong ngoại giao chỉ hơn cấp Lãnh sự của tôi một cấp.
Tôi cũng chỉ mong rằng một ngày nào đó, đất nước thay đổi, để những người đi làm ngoại giao không còn phải cam chịu những chê trách trong visa, hộ chiếu, thay vào đó là những khoản thu nhập chính đáng, xứng đáng với công việc và năng lực của họ.
Paris – Genève, tháng 6/2016
Nguyễn Thị Từ Huy phỏng vấn Đặng Xương Hùng
Nguồn: rfavietnam.com

Người dân nói gì về cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết

 
AuthorQuốc HiếuSourceSBTNPosted on: 2016-06-30
Cuộc họp báo để công bố nguyên nhân cá chết của chính quyền CSVN vào ngày 30/06/2016 đã gây ra nhiều phản ứng trên mạng xã hội.


Hình: FB Hoàng Dũng
Thông tin công bố cho thấy nguyên nhân khiến hàng trăm ngàn tấn cá chết là do Formosa đã xả thải trực tiếp hóa chất cực độc phenol, Xyanua… ra biển.
Tại buổi họp báo, ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công ty Formosa đã thay mặt Formosa chính thức nhận tội, xin lỗi người dân Việt Nam vì đã gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt, khiến môi trường biển miền Trung bị ô nhiễm từ tháng 4/2016.
Formosa cũng cam kết “khắc phục” hệ thống xử lý chất thải, không để tái diễn, đồng thời sẽ bồi thường thiệt hại cho người dân và xử lý môi trường biển với số tiền tương đương 500 triệu USD.
Nhiều blogger cũng như cư dân mạng tỏ ra giận dữ trước cách giải quyết không thỏa đáng của chính quyền CSVN và Formosa.
Luật sư Lê Luân sống ở Hà Nội cho rằng cần "truy tố những kẻ trực tiếp và cả gián tiếp gây ra thảm hoạ kinh hoàng” này. Ông nói: “Đến nước này, số tiền 500 triệu đô la bồi thường, chưa tính đến khắc phục hậu quả, nhưng do thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, gây cá chết hàng loạt, người (thợ lặn) đã chết và một số phải điều trị bệnh, nhiều người dân khác ngộ độc do ăn hải sản trong thời gian thảm hoạ, biển bị đầu độc về lâu dài,…thì hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự và truy tố những kẻ trực tiếp và cả gián tiếp gây ra thảm hoạ kinh hoàng chưa từng có tiền lệ này đối với nền kinh tế, an ninh quốc gia ra trước vành móng ngựa để xét xử nghiêm minh. Sự ngông cuồng được dung dưỡng là bởi sự vô pháp, coi thường luật lý và chính quyền sở tại mà ra. Và chính Formosa đã không còn coi dân chúng cũng như Việt Nam ra gì ngay trên chính mảnh đất này. Tuy họ cúi đầu nhưng tâm họ không cúi.”
Nhiều người khác cho rằng chuyện “hứa bồi thường 500 triệu USD” (nếu có thực hiện thật và đầy đủ) là quá nhỏ so với thiệt hại của người dân Việt Nam phải gánh chịu. Và khi Formosa đã cương quyết sẽ cho nhà máy hoạt động bình thường trở lại, không ai có thể ngăn cấm họ tiếp tục xả chất độc xuống biển một lần nữa, nhưng lần này sẽ kín đáo hơn.
Nói về tuyên bố đền bù của Formosa, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn từ Đà Nẵng nói: "Lời lỗ thế nào mọi người tự tính. Nên nhớ Formosa là một tập đoàn lão luyện trên thương trường quốc tế, đừng tưởng qua được họ về chuyện làm ăn tính toán. Trong 5 năm qua, theo nhóm luật sư đang đại diện 74 gia đình ở Vân Lâm, Đài Loan khởi kiện Formosa, tập đoàn này đã vi phạm pháp luật về môi trường hơn 645 lần, nộp phạt khoảng 6.3 triệu USD, nhưng con số này chẳng bõ bèn gì so với lợi nhuận khổng lồ mà họ thu được từ việc vi phạm."
Còn nhà hoạt động Agelina Trang Huỳnh từ Hoa Kỳ cũng bình luận rằng kỳ này Formosa đã "lời to". Cô nói: "Thế là mọi tội lỗi và trách nhiệm đã được đặt lên Formosa. Formosa chỉ cần ôm hết trách nhiệm dùm cho tất cả thủ phạm và cúi đầu xin lỗi để chỉ phải trả 500 triệu USD cho vụ này. Như thế Formosa đã lời to rồi! Một vài so sánh về con số:
Để cho thấy tầm mức kinh tế, bồi thường vấn đề tai họa môi trường biển: Vào năm 2010 khi công ty dầu hỏa British Petroleum gây ra thảm họa tại vùng biển Gulf of Mexico tại Hoa Kỳ. BP sau cùng phải bồi thường, dọn sạch biển, chi phí luật sư, tòa án v.v với tổng cộng 54 tỉ USD cho vụ việc. Tuy hai tai họa không thể so sánh 100% nhưng chúng ta thấy được Formosa đã thắng lợi quá dễ dàng. Chỉ phải trả gần 1% của BP đã phải tốn ở Mỹ. Trong khi đó tai hại ở Việt Nam quá rõ rệt."
Cũng cần nhắc lại, một số chuyên gia luyện kim đã đánh giá ngay từ đầu rằng với một qui mô như Formosa Hà Tĩnh, nhà đầu tư phải bỏ ra ít nhất 1 tỉ USD cho hệ thống chế biến chất thải, chứ không phải 40 triệu USD như Formosa đã làm. Và nay, có chắc là họ sẽ sẵn sàng đầu tư số tiền không lồ như vậy để bảo vệ môi trường cho người dân Việt Nam hay không? Trên mạng xã hội hiện nay, các nhà hoạt động đang đòi hỏi nhà cầm quyền CSSVN phải:
• Đóng cửa vĩnh viễn nhà máy Formosa Hà Tĩnh
• Triệt để xử lý hậu quả biển chết
• Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân, tập thể có liên quan đến thảm họa môi trường này
• Nhà nước CSVN phải xin lỗi người dân Việt Nam về những đàn áp mà họ đã dành cho những cuộc biểu tình vì môi trường. Không có tiếng nói của người dân, có lẽ kết quả của cuộc điều tra đã khác đi. Nhà nước phải biết ơn người dân, thay vì lại tiếp tục đe dọa người dân như trong cuộc họp báo
Quốc Hiếu / SBTN
600 công nhân cảng Quy Nhơn đình công sang ngày thứ nhì

AuthorHuy LamSourceSBTNPosted on: 2016-06-30
Sau hai ngày đình công của khoảng 600 công nhân, cảng Quy Nhơn lâm vào tình trạng tê liệt.


Cảng quy nhơn tê liệt vào chiều 29-8-2015. (Hình: Tuổi Trẻ)
Cuộc đình công bắt đầu từ 6 giờ chiều 29 tháng 6 tại các bộ phận bốc xếp và vận chuyển của công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn. Đến 3 giờ chiều 30/06, mọi hoạt động tại cảng bị đình trệ hoàn toàn.
Theo tin của báo Tuổi Trẻ, các công nhân đình công yêu cầu ban giám đốc cảng Quy Nhơn phải tăng lương cho người lao động, và tăng đơn giá bốc xếp hàng hóa tại cảng.
Tờ báo này dẫn lời phó tổng giám đốc công ty Cảng Quy Nhơn, ông Trình Văn Nhất, cho biết vào buổi chiều hôm nay, các đại diện của ban giám đốc, Cục Hàng Hải Việt Nam và chính quyền địa phương đã tổ chức đối thoại với công nhân.
Theo lời ông Nhất, thì công nhân cảng Quy Nhơn phản đối vì nhận thấy mức lương hiện thời, khi công ty đã được cổ phần hóa, thấp hơn mức lương hồi trước, khi cảng Quy Nhơn thuộc sở hữu nhà nước. Ông Nhất giải thích rằng, ngày trước nếu cảng kinh doanh lỗ thì nhà nước bù, còn bây giờ nhà đầu tư phải tính toán làm thế nào để khỏi bị lỗ.
Ông Nhất hy vọng cuộc đối thoại giữa ban giám đốc và công nhân sẽ tháo gỡ các vướng mắc.
Hồi cuối tháng 8 năm ngoái, hàng trăm công nhân cảng Quy Nhơn đã đình công suốt 16 giờ để phản đối việc bị cắt giảm tiền lương và tiền thưởng. Lần đó, ban giam đốc đã sử dụng tiền lương dự trữ để giải quyết ổn thỏa.
Huy Lam / SBTN

Formosa nhận lỗi, đảng nhận công

Thế nào là kịp thời khi cá chết gần 1 tháng thì các cơ quan chức năng mới lục tục rủ nhau đến hiện trường xem xét?  Đảng chỉ đạo kịp thời, minh bạch bằng cách đưa các con chốt thí ra xui dân ăn cá, tắm biển trong những ngày biển ô nhiễm nặng nề phải không? Dân ngộ độc và thiệt mạng sau khi ăn hải sản đánh bắt ở biển là sự chỉ đạo kịp thời của đảng? Thợ lặn chết trong khu vực xả thải đến nay chưa rõ nguyên nhân là sự minh bạch của đảng? Đảng luôn kịp thời đúng lúc, chỉ có nhân dân chết sai thời điểm mà thôi phải không? Trong mọi sự cố hoặc thảm hoạ tại Việt Nam từ xưa đến nay, công đầu lúc nào cũng thuộc về đảng, còn nhân dân luôn là những người chịu trận...

*

Sau gần 90 ngày chờ đợi, cuối cùng người dân Việt Nam cũng được biết nguyên nhân cá chết là do Formosa xả chất thải độc hại vào biển. 

Trong một cuộc họp báo được chuẩn bị khá công phu từ hai tháng trước, chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho đại diện nhà máy thép Formosa diễn lời xin lỗi trước ống kính máy quay rất chuyên nghiệp. 

Cuộc xin lỗi trình diễn được tổ chức vào ngày 29/6 tại Bộ Tài Nguyên Môi Trường, và báo VnExpress cũng chuẩn bị sẵn bài “tâm tư” giãi bày để biện minh cho sự “trăn trở” của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường khá hoàn thiện. Tuy nhiên bài viết này đã bị phù phép trước giờ họp báo quy định. (*)

Công ty Formosa cam kết công khai xin lỗi chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bên cạnh đó công ty cũng đưa ra lời hứa bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD. 

Tại sao là nhận lỗi mà không phải nhận tội? 

Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ về tội gây ô nhiễm nguồn nước và tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Nhận lỗi là thoát tội phải không? 

Màn trình diễn hôm nay tại phiên họp chính phủ ngoài việc đổ lỗi cho Formosa còn có phần nhận công của đảng như thường lệ. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, ông Trương Minh Tuấn cho rằng: “Việc công bố hôm nay chứng tỏ đảng, nhà nước chủ trương công khai minh bạch. Thủ tướng và các phó Thủ tướng đã tổ chức hàng chục cuộc họp về vấn đề này, đánh giá thiệt hại, giữ vững trật tự an toàn xã hội, xử lý nghiêm tổ chức sai phạm dù họ là ai...” 

Có lẽ ông Tuấn sớm quên việc 6 bộ liên ngành trong cuộc họp chóng vánh hôm 27/4 đã “chối tội” giúp Formosa trước công luận từ rất sớm. 

Thế nào là minh bạch khi trong suốt ba tháng qua truyền thông lề đảng ra sức tung hỏa mù đánh tráo các nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường? 

Thế nào là kịp thời khi cá chết gần 1 tháng thì các cơ quan chức năng mới lục tục rủ nhau đến hiện trường xem xét? 

Đảng chỉ đạo kịp thời, minh bạch bằng cách đưa các con chốt thí ra xui dân ăn cá, tắm biển trong những ngày biển ô nhiễm nặng nề phải không? 

Dân ngộ độc và thiệt mạng sau khi ăn hải sản đánh bắt ở biển là sự chỉ đạo kịp thời của đảng? 

Thợ lặn chết trong khu vực xả thải đến nay chưa rõ nguyên nhân là sự minh bạch của đảng? 

Đảng luôn kịp thời đúng lúc, chỉ có nhân dân chết sai thời điểm mà thôi phải không? 

Trong mọi sự cố hoặc thảm hoạ tại Việt Nam từ xưa đến nay, công đầu lúc nào cũng thuộc về đảng, còn nhân dân luôn là những người chịu trận. 

Ông Tuấn phát biểu tiếp: “Dư luận trên mạng xã hội có phản ứng về sự chậm trễ, bức xúc đó là dễ hiểu, vì liên quan an lành của đất nước, đời sống hàng vạn người dân nhưng phản ứng thái quá, có thế lực thù địch đã kích động gây mất trật tự công cộng. Chúng tôi tôn trọng bức xúc nhưng không chấp nhận lợi dụng bức xúc đó để chống phá đảng, nhà nước. Đến nay tôi khẳng định công bố hôm nay là kịp thời.” 

Thế nào là kịp thời? Thế nào là chống phá đảng? 

Nếu hàng ngàn người dân không xuống đường yêu cầu minh bạch thông tin, yêu cầu trả lời vì sao cá chết thì đảng có công bố “kịp thời” sau gần 3 tháng loay hoay dàn xếp như hôm nay hay không? 

Cuộc họp báo hôm nay không hề nhắc đến ống xả thải ngầm trái pháp luật dưới lòng biển và phương án xử lý nó. 

Cuộc họp báo hôm nay cũng không nhắc đến việc thiệt hại sinh mạng con người trong đợt thảm hoạ môi trường vừa qua. 

Đảng đã quyết định chọn 500 triệu đô la để tiếp tục khẳng định sự chỉ đạo kịp thời và đúng đắn trên sinh mạng của nhân dân 4 tỉnh miền Trung và trên sự trong lành của môi trường biển cả nước. 

500 triệu - 11 ngàn tỷ đồng là cái giá Formosa trả cho hàng trăm ngàn km2 biển chết, là cái giá để mua hẳn ngư trường 4 tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế, là cái giá để buộc ngư dân bỏ biển lên bờ? 

Formosa xin lỗi, hứa bồi thường khắc phục hậu quả là thắng lợi của cuộc đấu tranh phức tạp mà chính các lãnh đạo Cộng sản bày ra trên lung nhân dân mình sao? 

Hôm nay, chấp nhận kiểu xin lỗi này của Formosa, ngày mai sẽ tiếp tục còn nhiều Formosa khác sẵn sàng bỏ tiền để làm suy thoái và triệt tiêu nòi giống Việt bằng các căn bệnh hiểm nghèo do nhiễm độc. 

Dân có thể chết, có thể bị đánh bị nhốt vì bức xúc, còn đảng vẫn tiếp tục thắng lợi vẻ vang trên mồ hôi, nước mắt và sinh mệnh của người dân như thường lệ. 

Hôm nay, nếu tiếp tục lựa chọn Formosa, một công ty đầy tai tiếng trong việc bảo vệ môi trường, thì đảng Cộng sản Việt Nam là nguyên nhân chính yếu đang tiếp tục đầu độc và triệt tiêu dân tộc Việt này.

30.06.2016



____________________________________

(*) Bài báo đã bị lấy xuống. Còn tìm thấy ở đây:

Formosa nóng, Trọng lú tiếp tục lúi húi đập ruồi

Tư nghèo (Danlambao) - Trong khi cả nước lên cơn sốt vì chuyện Formosa giết biển, sát cá, tàn phá môi trường thì người đứng đầu đảng cộng sản, kẻ cướp quyền cầm gậy "dẫn dắt" 90 triệu người lầm lũi trên con đường đi tìm xã hội chủ nghĩa ở nơi mô, lại lúi húi với chuyện đả muỗi đập ruồi của ông ta.

Sau khi hiện tượng hàng loạt cá chết xảy ra, Trọng lú tạm thời cất đi đồ nghề ruồi muỗi, thân hành đến tận Formosa để ủy lạo những kẻ đã góp tiền nuôi đảng của ông. Cá chết nhưng mấy nị không được chết!

Sau đó Lú về tiếp tục sự nghiệp đập ruồi, đập muỗi giống Cà Mau.

Ngày 30, tháng 6, sau hơn 2 tháng chuẩn bị kịch bản, dựng tuồng, đúng lúc màn trình diễn của gánh hát TN&MT được kéo màn cho vở Cá Chết Vì Sao thì Trọng lú đã ra lệnh "khẩn trương" điều tra, xét xử vụ án tại Ngân hàng Xây dựng. Đối tượng nhắm tới là đại gia Phạm Công Danh - nguyên chủ tịch HĐQT và "đồng phạm". Trong số đồng phạm này không biết Trọng lú có nhắm đến con ruồi cựu Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình, hiện đang là Trưởng ban Kinh tế TƯ đảng hay không!?

Theo đúng truyền thống cướp chính quyền của đảng, theo tinh thần đảng biểu Chú Phỉnh phải nghe, Tổng bí lú của đảng đã ra lệnh cho các bộ phận hành pháp, tư pháp phải khẩn trương điều tra để nhanh chóng diệt bọn tà gian trong đảng và bọn làm giàu nhờ ăn theo với đảng. "Đảng chủ đến thế là cùng!"

Tinh thần khẩn trương của Tổng bí lú khác với tinh thần cá chết 3 tháng chưa chôn bởi vì theo "người phải biết lý luận" như Lú thì đây là chuyện được "dư luận xã hội đặc biệt quan tâm".

Chuyện ruồi, muỗi là quan tâm hàng đầu của Tổng bí thư. Còn chuyện cua cá, biển chết, dân ngắc ngoải là chuyện của... chúng nó. Thế mới... lú!

01.07.2016

Cá chết Formosa: Tại sao? Tại cái con khỉ đột!

Sau nhiều ngày câu giờ, câu cá chết, tắm biển mị dân, "chính phủ" cuối cùng cũng miễn cưởng phải công bố nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung trong cuộc họp báo chiều nay 30/6/2016. Trong đó thủ phạm được chỉ đích danh là Formosa.

Một trong những câu hỏi được nhiều người quan tâm và đặt ra tại cuộc họp báo là"tại sao sau gần 3 tháng chính phủ mới công bố nguyên nhân cá chết?" 

Rất dễ dàng để đọc, nghe và xem câu trả lời của những người có trách nhiệm như Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, hay Bộ trưởng Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn... trên truyền thông lề đảng. Vì thế, không cần nhắc lại ở đây nữa.

Cần phải khẳng định rằng ngay từ đầu, giới chóp bu cộng sản biết rõ "thành tích" hủy hoại môi trường của Formosa nhưng vẫn mở cửa đón tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam để được hưởng những khoản lợi nhuận bất chính không nhỏ. Đứng đầu giới chóp bu này là 16 tên Ủy viên TƯ đảng gốc Hà Tĩnh trong đó có bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà và bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Khi có thông tin ô nhiễm môi trường, cá chết hàng loạt, các "cơ quan chức năng" vẫn là đối tượng đầu tiên biết rõ nguyên nhân gây ra thảm trạng trên. Và tất nhiên, việc đầu tiên họ nghĩ đến vẫn là lấp liếm và bưng bít thông tin. Bởi về nguyên nhân căn bản thì thủ phạm chính vẫn cứ là kẻ rước Formosa vào nhà. Dễ gì đưa tay cho người ta trói. Tuy nhiên, khi hàng chục ngàn người dân xuống đường đòi minh bạch thông tin cá chết, nhà cầm quyền mới giật mình nghĩ cách đối phó. Khỏi cần nhắc lại những tội ác mà chế độ côn an trị đã áp dụng để đối phó với người dân trong 84 ngày qua. Câu trả lời cho việc vì sao gần 3 tháng sau mới công bố thông tin cá chết, ngắn gọn có thể giải thích vài lý do sau:

Thứ nhất là cần thời gian để đối phó với dư luận, nhất là với xu thế phản kháng đang ngày một rõ ràng trong dân chúng. 

Thứ hai là cần bàn tính, tạm thời phịa ra nguyên nhân nào đó đóng thế, để không phải công bố nguyên nhân thật nhưng vẫn xoa dịu được công luận. Tuy nhiên việc này khó như hóc xương gà nên phải đi đến quyết định ngoài mong muốn là thừa nhận nguyên nhân thật. Chứ nếu mà không chỉ đích danh Formosa thì người dân lại ầm ầm kéo nhau xuống đường thì chết dở. Việc này đưa đến lý do kế tiếp.

Thứ ba là cần thời gian thương lượng với Formosa đạt được mục tiêu tiếp tục hoạt động của Formosa bằng mọi giá, giống như những gì mà chủ tịch HĐQT của FMS nhắn nhủ với nhân viên của ông ta: "Trong bất kỳ tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động". Thế là những hình ảnh giàn lãnh đạo công ty này "nhận tội" rất lâm ly được trình làng trước màn hình vô tuyến.

Tất nhiên, trước đó những thỏa thuận song phương để đôi bên cùng chấp nhận được đã được "nhất trí đồng ý" giữa nhà cầm quyền và tập đoàn gây thải, miễn sao chấm dứt làn sóng phản đối của người dân vốn luôn có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nhà cầm quyền.

Thế thôi, mọi chuyện tạm gọi là giải quyết xong. Mọi lời hứa hẹn đến từ "chính phủ", đến từ Formosa từ nay lại trở thành chuyện nội bộ của hai thế lực này. Nhân dân chúng ta, lại trở về với điểm xuất phát ban đầu là bị gạt ra rìa như hàng trăm ngàn, hàng triệu sinh vật trên biển đã bị gạt ra khỏi cuộc sống của chúng.

Cho nên đừng hỏi "chú phỉnh" tại sao bây giờ mới công bố nguyên nhân cá chết sau bao lần vòng vo tam quốc. Tại sao? Tại cái con khỉ đột.

30.06.2016

[Vietsub] “Việt Nam Cá Chết” - Phóng sự gây chấn động dư luận Đài Loan của đài truyền hình PTS


Danlambao - Đài truyền hình PTS vừa công chiếu một video phóng sự gây chấn động dư luận Đài Loan về thảm hoạ cá chết tại miền Trung Việt Nam, trong đó có nêu lên nghi vấn của người dân về sự liên quan của tập đoàn Formosa.

Có thể nói, đây là một phóng sự công phu nhất từ trước đến nay về tình cảnh bi đát của người dân miền Trung từ khi xảy ra hiện tượng biển nhiễm độc cho đến nay.

Các phóng viên của PTS đã bất chấp nguy hiểm, trực tiếp đến tận hiện trường để nêu lên những vấn đề mà chưa một tờ báo chính thống nào của Việt Nam dám đăng tải. 

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, Formosa còn là nguyên nhân khiến cho cuộc sống người dân Hà Tĩnh bị đảo lộn. Để có đất giao cho tập đoàn này, nhà cầm quyền địa phương đã cưỡng ép nhiều hộ dân phải di dời với giá rẻ mạt. Những gia đình nào không chịu di dời thì bị CA dùng nhiều thủ đoạn để trấn áp, trẻ em không được đến trường,,,

Ngay sau khi phát sóng, phóng sự này đã dấy lên nhiều phản ứng dữ dội của dư luận Đài Loan về tập đoàn Formosa, đồng thời yêu cầu chính phủ nước này cần phải can thiệp và có trách nhiệm trong vấn đề này.

Danlambao xin chân thành cảm ơn bạn đọc Hồ Như Ý đã hỗ trợ dịch thuật để chuyển nội dung phóng sự này sang tiếng Việt.

Nhà nước CSVN đại diện cho ai?

 Sau thời gian câu giờ trước đòi hỏi của nhân dân về nguyên nhân gây thảm họa môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, họ cần 3 tháng để soạn kịch bản cho vở tuồng "Chuyện tình Formosa và CSVN". Sở dĩ nhà cầm quyền phải câu giờ đến hôm nay mới công bố là nhằm tránh sự phẫn nộ có thể ảnh hưởng đến hệ thống chính trị, thứ hai là tranh thủ đàm phán với Formosa để tìm ra phương hướng tốt nhất cho sự phát-triển-bền-vững của nhà đầu tư chuyên phá hoại môi trường. Thế là quá đẹp gọi là hợp tác đôi bên đều có lợi. CS còn muốn đốt cả Trường Sơn và hy sinh đến người Việt Nam cuối cùng để đánh Mỹ là đánh cho Liên Sô và Trung Cộng thì đất nước và dân tộc họ coi ra chi.

Xin nhắc lại ông Chu Xuân Phàm, trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội đã phát biểu ngày 25/04/16 nguyên văn như sau:

"Tôi công nhận việc xả thải là ít nhiều có ảnh hưởng đến môi trường, nước xả thải là nước ngọt khi xả thải ra hòa lẫn với nước biển chắc chắn làm thay đổi môi trường, cá tôm ít đi là điều đương nhiên. Trước khi xây dựng dự án này thì công ty phải xin phép Nhà nước VN. Nhiều khi được cái nọ mất cái kia, đây là tôi nói thật lòng. Hôm nay nhà nước mình muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn cái nhà máy thép ở đây, đương nhiên Nhà nước phải có sự cân nhắc.

Nếu xả thải thì đương nhiên sẽ thay đổi sinh học ở đây, ở vùng biển quanh đây. Nhưng bây giờ mà nói tôi không thể xây dựng nhà máy thép ở đây mà không ảnh hưởng đến con cá, con tôm. Đương nhiên mình cố gắng làm một nhà máy đạt được tiêu chuẩn quy định của nhà nước. Có khi được cái này thì phải mất cái kia chứ.

Cũng như việc vùng đất này lấy làm nhà máy thì không thể trồng lúa gì được. Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này.

Công ty khi xây dựng nhà máy ở đây có hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng đến con cháu mình hay không là vấn đề cần quan tâm. Trách nhiệm của công ty, của tập đoàn mình cố gắng làm theo quy định của VN.

Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được...”.

Ông Phàm đã gián tiếp tự thú khi nói về nguyên nhân cá tôm đồng loạt ngưng thở. Tuy lúc đó chưa xác định nhưng nhân dân có quyền đặt nghi vấn và đòi hỏi sự giải thích minh bạch từ phía nhà cầm quyền. Một trong những quyền tối thiểu của con người được ghi rõ trong Hiến pháp 2013, điều 25 (tự do ngôn luận, báo chí tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình) và điều 43 (môi trường) nhưng bị côn an đàn áp dã man, chứng minh nhà nước này coi thường nhân dân và như vậy nên vứt luôn vào thùng rác thứ gọi là Hiến pháp. Chưa xác định nguyên nhân thì một nhà nước pháp quyền sẽ giữ thái độ tôn trọng đòi hỏi ôn hòa và hợp Hiến của nhân dân. Nên nhớ là nhân dân hiện nay chưa bị thế lực "thù địch" nào giống như CS khích động biểu tình bạo lực phá hoại đất nước như họ vẫn làm dưới thời VNCH.

Nhân dân thấy gì đó bất thường của nhà nước CS, khi xuất phát cá chết hàng loạt là từ Vũng Áng nơi Formosa hiện hữu thì quyền nghi ngờ nguyên nhân là đương nhiên. Nhân dân mới nghi ngờ chớ chưa khẳng định nhưng nhà cầm quyền cứ nhảy nhổm như bầy khỉ sổng chuồng hay từ rừng lạc vào thành phố. Chính ông Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân trong cuộc họp báo kỳ lạ, độc nhất vô nhị trong tối 27/04/2016 chỉ đọc khoảng 5 phút cho rằng có hai nguyên tố chính là do "độc tố hóa học của con người và trên biển (?!), thứ hai là do tảo nở hoa hay còn gọi là thủy triều đỏ (?!). Hiện chưa thấy mối liên hệ với hoạt động của Formosa và các công ty trong khu vực với tình trạng cá chết hàng loạt này" (sic). Rồi chẳng cho ai hỏi câu nào, ông bỏ chạy trước sự ngỡ ngàng của phóng viên, cứ như quân Tàu-lạ đang tấn công vào hang ổ của ông.

Làm Thứ hay Phó thời CS cũng khó thiệt, cứ bị đẩy ra bất quá rút-kinh-nghiệm hoặc thuyên chuyển công tác, hoàn toàn đúng-quy-trình. Làm quan CS sướng ghê, hậu quả nhân dân gánh, trách nhiệm dân chịu. Sai là tập thể, công là cá nhân. Ở xứ Tư bản giãy chết thì sự nghiệp chính trị đã theo ông Trưởng đội nón ra đi.

Trong buổi họp báo ngày 30/06/2016, đại diện hãng thông tấn AP đặt câu hỏi là có khởi tố vụ án hay không? Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ dẫn giải lòng vòng với đại ý "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại" (sic). Các nhà đầu tư nước ngoài nếu có vi phạm nhưng nhận lỗi trước Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ được xem xét. Vậy nhà đầu tư trong nước thì sao? Sao lại coi thường công ty trong nước và kính trọng nước ngoài? Dân mình gọi là vọng ngoại đấy. Cùng là nhà đầu tư nhưng có sự kỳ thị của nhà cầm quyền và phân biệt đối xử trên pháp luật.

Đảng chỉ thích những kẻ đem tiền về cho đầy túi tham của lãnh đạo để mong tiếp tục cai trị, nên nhà đầu tư nước ngoài càng lớn luôn được ôm hôn thắm thiết, miễn đừng làm gì lộ liễu để dư luận phát hiện. Còn ông Bob Kerrey, chủ tịch đại học Fulbright Việt Nam ra sao? Những thương binh VNCH và thân nhân của họ thế nào, họ có chạy lại vẫn bị đảng ghẽ lạnh và đánh tơi bời như thường. Đảng CS giết bao nhiêu đồng bào vô tội trong Cải cách ruộng đất? Đã giết và đày đọa bao nhiêu thường dân trước và sau 1975 nhưng ông bà đã làm gì để xoa dịu nỗi đau của đất nước? Chính đảng CSVN mới là kẻ gây căm thù và nuôi dưỡng thù oán với nhân dân. Có bao giờ đảng CS tin những người có liên quan quá khứ thời VNCH đâu mà nói chạy tới chạy lui.

Một số câu hỏi được đặt ra:

- Môi trường biển bị hủy hoại, môi trường sống của ngư dân bị thiệt hại, đời sống nhân dân bị đảo lộn, các dịch vụ khách sạn, nhà hàng,... sẽ cần bao lâu để trở lại giai đoạn như trước đây?

- Nhà cầm quyền có chương trình cụ thể và khả thi nào để cải thiện môi trường biển nhiễm độc? Giải pháp nào cho thu nhập lâu dài của người bị hại? Làm cách nào để kiểm soát những tôm cá chết trôi giạt trong thời gian qua được đông lạnh, nay sẽ tuồn ra thị trường?

- Với 500 triệu USD thì sẽ có bao nhiêu lọt vào túi quan tham nằm trên và quan nhỏ bò phía dưới?

- Chưa bàn đến khía cạnh cam kết từ phía Formosa khi một tháng trước nhà nước nói là đã tìm ra nguyên nhân nhưng biết đâu có thể đã thông báo và cho phép Formosa phản biện nên cần thêm một tháng nữa? Trong khi những vi phạm dù nhỏ của những công ty khác ít nhất là cũng bị xử phạt hành chánh hoặc bị khởi tố?

- Điều quan trọng nhất là trách nhiệm của nhà cầm quyền trước nhân dân. Nếu không có khả năng quản lý đất nước thì làm ơn dẹp cái điều 4 trong Hiếp pháp của nhà-nước-ngập của ông bà và rút lui có trật tự cho dân nhờ. Nói vậy thôi chớ tham quyền cố vị là đặc tính của độc tài CS và nhân dân có ai bầu ông bà đâu? Toàn đám phường tuồng hề.

- Đảng CS đã tham khảo ý người bị thiệt hại có đồng ý hay không với cam kết của Formosa? Và liệu "sự cố" có tái diễn với Formosa hoặc với những công ty khác?

Vài câu hỏi để chứng minh cho sự độc tài chuyên chế của nhà cầm quyền và thái độ coi thường nhân dân và dư luận của đảng CSVN.

Vấn đề kế tiếp là người dân phải đoàn kết lại, cử ra đại diện để khởi kiện tập thể đối với Formosa. Hãng xe VW với scandal về khí thải đã mất 12 tỷ USD chỉ riêng trên nước Mỹ, thì can phạm Formosa đã được xác định là hủy hoại môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và đời sống bao triệu người chỉ cam kết 500 triệu USD vậy quyền lợi của người dân, nhất là ngư dân rẻ hơn bèo. Nhà nước này đại diện cho nhân dân hay cho Formosa? Hãy liên kết với người bị hại của Đài Loan và tìm sự hỗ trợ của các Luật sư có tâm với dân để kiện Formosa.

01.07.2016

Powered By Blogger