Wednesday, June 1, 2016

Ít nhất 800.000 chai C2 và Rồng Đỏ có hàm lượng chì cao quá mức công bố nhưng không thể thu hồi?

 
SourceKênh 14Posted on: BODY
Với quy cách đóng thùng 24 chai/thùng, 800.000 chai sẽ tương ứng hơn 33.000 thùng sản phẩm vi phạm. Trong khi đó, URC chỉ thu hồi được 1.184 thùng hàng.
Phó Chánh thanh tra Bộ Y Tế - Trưởng đoàn thanh tra Công ty TNHH URC Việt Nam Nguyễn Văn Nhiên đã ký quyết định xử phạt hành chính trên 5,8 tỷ đồng đối với Công ty URC Việt Nam, do các vi phạm sản xuất và bán 2 lô nước trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu có hàm lượng chì cao quá mức công bố.
Đáng chú ý, công ty URC đã bán 2 lô sản phẩm với tổng giá trị hàng hóa vi phạm gần 3,9 tỷ đồng không thu hồi được.
3,9 tỷ đồng tương ứng với bao nhiêu chai C2 và Rồng đỏ?
Trên thị trường, một chai C2 và Rồng Đỏ được bán trên dưới 5.000 đồng/chai, còn giá bán của URC cho các nhà phân phối, đại lý, siêu thị thấp hơn giá 5.000 đồng.
Như vậy, nếu tạm tính theo giá 5.000 đồng/chai nói trên, giá trị 3,9 tỷ đồng tiền hàng của URC sẽ tương ứng khoảng 800.000 chai C2 và Rồng Đỏ.
Điều này cũng có nghĩa, khoảng 800.000 chai C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì cao quá mức công bố không thể thu hồi, tiêu hủy mà vẫn còn trôi nổi trên thị trường. Không thể biết được trong số này có bao nhiêu chai đã được tiêu thụ? Bao nhiêu chai còn bày bán?
Với quy cách đóng thùng 24 chai/thùng, 800.000 chai sẽ tương ứng hơn 33.000 thùng sản phẩm vi phạm. Trong khi đó, URC chỉ thu hồi được 1.184 thùng hàng.
Chánh Thanh tra Bộ Y Tế, ông Đặng Văn Chính cho biết, quyết định xử phạt 5,8 tỷ đồng là quyết định xử phạt vi phạm hành chính cao nhất kể từ khi ông làm chánh Thanh tra Bộ Y Tế.
Trước đó, tối 20/5, Thanh tra Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu thu hồi sản phẩm C2 và Rồng Đỏ trong 3 lô sản xuất có hàm lượng chì vượt ngưỡng công bố tối đa là 0,05 mg/l. Việc thu hồi tiến hành ngay từ ngày 20/5/2016.
- Lô trà xanh hương chanh C2, ngày sản xuất 4/2/2016, hạn sử dụng 4/2/2017, có hàm lượng chì là 0,085 mg/l. Mức vượt là 0,035 mg/l, tương đương vượt 70%.
- Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, ngày sản xuất 19/2/2016, hạn sử dụng 19/11/2016, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì là 0,053 mg/l. Mức vượt là 0,003 mg/l, tương đương vượt 6%.
- Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, ngày sản xuất 10/11/2015, hạn sử dụng 10/08/2016, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì là 0,068 mg/l. Mức vượt là 0,018 mg/l, tương đương vượt 36%.
Sau đó, ngày 24/5, thêm 2 lô C2 và Rồng Đỏ bị triệu hồi là trà xanh hương chanh C2 (ngày sản xuất: 11/1/2016; hạn sử dụng: 11/1/2017) và nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ (ngày sản xuất: 14/1/2016; hạn sử dụng: 14/10/2016).
Theo Cafebiz/Trí Thức Trẻ
Bị uống chì độc hại, người tiêu dùng không thể kiện URC?

NguồnThới BáoNgày đăng: 2016-06-01
Trong vụ việc nước giải khát URC nhiễm độc chì gây thiệt hại cho người tiêu dùng, việc đòi bồi thường thiệt hại gặp rất nhiều khó khăn.
Thanh tra Bộ Y tế đã có thông báo tạm dừng lưu thông và tiến hành thu hồi 3 lô sản phẩm C2 và Rồng đỏ của URC vì kết quả xét nghiệm cho thấy có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.
Thông tin trên khiến người tiêu dùng hoang mang và lo ngại cho sức khỏe của chính mình và gia đình.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, cho biết: Hợp đồng mua bán hàng hóa là quan hệ dân sự, quan hệ thương mại được quy định tại Bộ luật dân sự và Luật thương mại.
Khi những giao dịch đó phát sinh tranh chấp hoặc có thiệt hại của một trong các bên thì bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bên nào có lỗi, gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường. Thiệt hại có thể là thiệt hại vật chất hoặc thiệt hại phi vật chất.


Bộ Y tế đã có yêu cầu tạm ngừng lưu thông sản phẩm C2 và Rồng đỏ của URC nhiễm chì.
Trong vụ việc nước giải khát URC nhiễm độc chì gây thiệt hại cho người tiêu dùng, có hai đối tượng có thể khởi kiện URC để yêu cầu bồi thường thiệt hại là các đại lý, doanh nghiệp bán loại nước giải khát này (pháp nhân) và các cá nhân người tiêu dùng – những người đã sử dụng loại nước giải khát này và bị mắc bệnh, gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe.
Về mặt khoa học thì chì là một kim loại nặng độc khi vào trong cơ thể sẽ khiến xương bị hủy hoại, nếu vào não thì sẽ hủy hoại não. Vì vậy, người nào uống nhiều loại nước giải khát nhiễm độc chì này thì có thể bị bệnh về xương và não.
Tuy nhiên, những khách hàng là những cá nhân muốn khởi kiện URC tới tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì phải có căn cứ chứng minh là mình đã sử dụng sản phẩm đó và để lại hậu quả là thiệt hại về sức khỏe, tài sản…
Tuy nhiên, việc chứng minh có quan hệ mua bán, tiêu thụ sản phẩm không hề dễ dàng bởi việc mua bán nước giải khát của người tiêu dùng không có văn bản, có hóa đơn chứng từ. Vấn đề thứ hai là chứng minh những bệnh tật của người đó là do nước giải khát của URC trực tiếp gây ra cũng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, việc chứng minh những thiệt hại như chi phí cứu chữa, thu nhập bị mất bị giảm sút… cũng là điều khó thực hiện.
Đối tượng thứ hai có thể khởi kiện URC là các pháp nhân, các doanh nghiệp đã mua sản phẩm này về để thực hiện hoạt động thương mại. Những doanh nghiệp này có thể kiện URC vì sản phẩm không tiêu thụ được nữa, giảm doanh thu…
Những pháp nhân này thường có chứng từ về việc mua bán và việc chứng minh thiệt hại không khó. Tuy nhiên, với tâm lý ngại kiện tụng, thiệt hại của từng doanh nghiệp bán sản phẩm này cũng không nhiều nên có lẽ sẽ không nhiều vụ tranh chấp xảy ra khiến tòa án phải giải quyết.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho biết: “Vấn đề VSATTP đang là vấn đề nóng, đặc biệt hiện đang là mùa nóng các sản phẩm nước giải khát là nhu cầu rất lớn của người tiêu dùng. Nếu nguyên liệu sản xuất nước C2 và Rồng đỏ của URC có nồng độ chì vượt ngưỡng như vậy thì cơ quan chức năng phải có biện pháp đình chỉ lưu thông, thu hồi sản phẩm và thông báo rộng rãi cho người tiêu dùng được biết. Để những trường hợp mua sản phẩm rồi thì không dùng nữa thậm chí còn phải tính đến việc bồi thường cho người tiêu dùng”.
“Nếu sản phẩm không an toàn thì cần có biện pháp đình chỉ lưu thông, thu hồi sản phẩm và yêu cầu đơn vị sản xuất phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng nếu có yêu cầu” – ông Hùng chia sẻ thêm.
(Theo Gia Đình Pháp Luật) 

0 comments:

Powered By Blogger