Author: Phạm Trần | Source: Dân Làm Báo | Posted on: 2016-06-18 |
Đảng Cộng sản Việt Nam đã mất định hướng và đang trên đà tự tan rã vì nhân dân hết còn tin đảng trong khi cán bộ thì ngày một xa dân. Đó là nhận xét chung đang lan rộng ở Việt Nam sau Đại hội đảng XII, kết thúc ngày 28/01/2016. Tại sao có hiện tượng này?
Thứ nhất, sau 5 năm tích cực thực hiện, từ Khóa đảng XI, mục tiêu “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” đã không đạt được.
Quốc nạn tham nhũng vẫn ngập đầu khắp mọi ngõ ngách trong hệ thống. Không đâu trong bộ máy đảng có chỗ sạch. Ở cấp nào cũng rệu rã và bao phủ quyền lợi cá nhân và phe nhóm của cán bộ, đảng viên.
Tệ nạn chạy chức, mua quyền trong hệ thống cai trị; nạn gây bè kết phái, cấu kết, ăn chia đan xen giữa các nhóm lợi ích từ chính trị đến kinh tế; từ hành chính sang kinh doanh và từ đoàn thể sang tổ chức đảng, cơ quan, ngành nghề được liên kết với nhau chưa bao giờ chặt chẽ như ngày nay.
Thứ hai, công tác cán bộ đặt trọng tâm vào học tập và làm theo điều được gọi là “tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chỉ còn là hình thức, làm cho có lệ để báo cáo. Nhiều nơi coi học tập bị miễn cưởng và tìm cách lơ là.
Những cảnh giác về chủ nghĩa cá nhân thời ông Hồ còn sống vẫn tồn tại và lan rộng trong cán bộ, đảng viên. Khẩu hiệu “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”buộc cán bộ phải thực hành đã tan nhanh trước đồng tiền, danh vọng và tài sản bất chính. Chuyện Kê khai tài sản và 19 Điều cấm đảng viên không được làm, ban hành ngày 01/11/2011, chỉ để làm cảnh để hù họa.
Công tác “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”, vẫn đứng nguyên ở chỗ khởi hành từ Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) thời Khóa đảng VIII (từ 25-1 đến ngày 2-2-1999). Nay lại phát sinh thêm hai bệnh hiểm nghèo “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đe dọa sự tồn vong của đảng và sự sống còn của chế độ.
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng ngày 13/06/2016 thì những bệnh mới này đang “có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội.”
Vì vậy, noi theo Nghị quyết 6 (lần 2), Khóa đảng XI lại ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 ngày 16/1/2012 nêu ra “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Vào thời điểm Nghị quyết ra đời đảng đã thừa nhận có: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”
Đến nay, hơn 5 năm sau, những tệ nạn này vẫn chưa được đẩy lùi nên Đảng sẽ thảo luận lần nữa tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII), dự trù họp vào tháng 10/2016.
Theo nội dung một bài viết trong Tạp chí Xây dựng Đảng (13/06/2016) của ông Phó Giáo sư (PGS), Tiến sĩ (TS) Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thì từ nay đảng vẫn phải tiếp tục tập trung vào “đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.”
Sau đó, Hội nghị Trung ương 6 dự trù vào tháng 10/2017 đảng lại tiếp tục thảo luận công tác: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.”
Đến Hội nghị Trung ương 7, tháng 5-2018, dự trù sẽ bàn tiếp chủ trương: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.”
Như vậy thì có gì mới so với những việc làm đã thất bại của khóa đảng XI. Loanh quanh cũng chỉ có mấy chuyện: suy thoái đạo đức, xuống cấp tư tưởng; tham nhũng, lãng phí; xây dựng lại guồng máy lãnh đạo cho tinh gọn, đào tạo đội ngũ cán bộ đủ khả năng và phẩm chất; ngăn chặn bệnh xa dân, coi thường và khinh dân của cán bộ, đảng viên v.v...
Tại sao dân xa đảng?
Nhưng tại sao dân đã mất hết niềm tin vào đảng để phải xa đảng? Vì đảng đã nói mà không làm nhiều việc từ xưa đến nay. Đảng cũng đã nói một đường làm một nẻo.
Nhiều cán bộ lãnh đạo thích trò đánh trống bỏ dùi để đi kiếm ăn lợi hơn. Đảng cũng thiếu quyết tâm hành động minh bạch để giải quyết những bức xúc cấp thời của dân. Đảng cũng không có các giải pháp nhanh chóng và hữu hiệu để giải quyết vấn đề có liên quan đến sự sống chết của dân.
Bằng chứng này đã thấy trong vụ điều tra nguyên nhân cá chết dọc bờ biển miền Trung từ ngày 06/04/2016. Nhiều tuyến bố có nội dung tiền hậu bất nhất hay chân phải đá chân trái của một số viên chức nhà nước đã xuất hiện trên báo chí khiến dân đã bị hoang mang lại nghi ngờ thêm.
Phía nhà nước thì đã nói nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu tại cuộc họp báo ngày 02/06/2016 của liên Bộ.
Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cùng Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp báo.
Quan điểm của Chính phủ là: “Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân cá chết. Thủ tướng đã giao các cơ quan chức năng mời tư vấn trong và ngoài nước để phản biện độc lập. Hay nói các khác, trước khi kết luận chính thức, có mời các nhà khoa học trong và ngoài nước tư vấn để phản biện. Vì Chính phủ xác định đây là vấn đề rất quan trọng, khi công bố phải đảm bảo tính pháp lý, khách quan”.
Tại sao lại cần phải “phản biện” khi nguyên nhân làm con cá chết đã được các nhà khoa học xác định?
Việc “mổ xẻ” nguyên nhân làm cá chết có thể chỉ làm cho sai lệch hay mờ dần kết luận ban đầu của các Nhà Khoa học. Tục ngữ Việt Nam đã có câu “nhiều Thầy thối ma, nhiều Cha con khó lấy chồng” đấy nhá.
Dân chỉ mong có câu trả lời đơn giản, dễ hiểu và được tin chắc rằng nước biển đã bảo đảm không còn độc hại và ngư dân có thể an tâm đánh bắt gần bờ để kiếm sống trong tương lai từ đời nay qua đời khác như trước ngày 06/04/2016.
Bởi vì con cá đã chết mục xương rồi mà đảng chưa hết cãi nhau để kết luận về nguyên nhân và thủ phạm gây ô nhiễm môi trường thì dân phải xuống đường đòi công lý là lẽ thường. Khi nhà nước tìm mọi cách che đậy, nói năng lắt léo, không minh bạch và thiếu công chính khi chụp mũ các vị đòi Nhà nước phải trả lời dân, như trường hợp Đức cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh thì dân không còn muốn gần đảng là phải.
Ngoài ra Bộ trưởng Trương Minh Tuấn còn lôi báo chí vào trận hỏa mù mới khi ông nói: “Việc xác định nguyên nhân cá chết còn liên quan tới xác định thủ phạm gây ra nguyên nhân đó. Việc này không chỉ cần bằng chứng khoa học mà còn phải điều tra đầy đủ chứng cứ vi phạm pháp luật, nhất là pháp luật về môi trường.”
Như vậy là nhà nước đã làm hai cuộc điều tra một lúc: nguyên nhân cá chết và thủ phạm làm cá chết.
Chắc nhà nước muốn nói với dân “chúng tôi làm việc gì cũng có bài bản” nên phải cẩn thận từng li từng tí chứ không thể làm nhanh mà sai.
Dân cũng chỉ mong có thế, nhưng nhà nước phải biết rằng mỗi ngày chậm là một năm dài làm hại dân về kinh tế và làm cho dân không riêng miền Trung mà cà các Tỉnh phía nam vùng cá chết đã nghèo càng đói thêm trong tương lai.
Hàng triệu người dân, đa số là ngư dân, làm nghề muối và các loại mắm và nước mắm nhờ cá biển đang bị treo niêu từ ngày cá chết nên dân phải bắt buộc phẫn uất nghi ngờ cách làm việc khuất tất và chậm hơn rùa của nhà nước.
Ngay sau khi xảy ra vụ cá chết ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, mọi nghi ngờ đã tập trung vào việc xả chất thải độc hiểm của Khu Công nghệ Formosa do Đài Loan khai thác nhưng hầu hết công nhân làm việc tại đây lại đến từ Trung Quốc.
Như vậy có phải vì có bàn tay của Bắc Kinh mà việc tìm ra thủ phạm gây ra nạn cá chết ở miền Trung bị chậm trễ, trở ngại ?
Theo báo chí trong nước thì: “Bên lề cuộc họp báo, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay trong tháng 6 Chính phủ sẽ công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung.”
Cũng mong là ông Tuấn nói thật. Nhưng dân cũng muốn biết tại sao Đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam đã từ chối sự giúp đỡ điểu tra của phía Mỹ và cả của Liên Hiệp Quốc. Chẳng lẽ sợ người ta biết thủ phạm chính là Formosa nên Nhà nước không muốn họ nhúng tay vô?
Hay là các đỉnh cao trí tuệ khoa học và môi trường của đảng và nhà nước tự cho mình siêu việt và thông thái hơn các Nhà Khoa học và viện nghiên cứu nổi tiếng Quốc tế nên không muốn người ngoài nhúng tay vào, sợ làm nát cuộc điều tra?
Hay chỉ vì mặc cảm, nặng tính tự ái vặt, hay sợ lòi cái dốt của mình cho người ngoài biết nên cứ âm thầm và ngấm ngầm điều tra “theo tiêu chuẩn” của Việt Nam?
Chẳng lẽ tư duy lãnh đạo của đảng và nhà nước Việt Nam đã suy thoái đến mức mất định hướng như thế nên không biết tụt hậu hay tan rã đã đến ở sau lưng?
16.06.2016
Phạm Trần
Phạm Trần
0 comments:
Post a Comment