Sunday, June 5, 2016

Tuần hành vì cá chết 'bị chặn' ở Hà Nội

 
SourceBBCPosted on: 2016-06-05


Cuộc tuần hành vì môi trường hôm 5/6/2016 ở Hà Nội chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn thì bị giải tán, theo các nhà hoạt động.
Một cuộc tuần hành nhân ngày Môi trường Thế giới và vì 'cá chết hàng loạt, bất thường' đã bị giải tán không lâu sau khi diễn ra ở Hà Nội, hôm Chủ nhật, theo các nhà hoạt động.
Cuộc tuần hành chỉ diễn ra được vài chục phút thì bị nhà cầm quyền và các lực lượng an ninh ngăn chặn, một số người tham gia đã bị bắt đưa đi, theo thành viên của nhóm Vì một Hà Nội Xanh (Green Trees).
Trao đổi với BBC hôm 05/6/2016, kỹ sư Đặng Vũ Lượng, nhà hoạt động tham gia cuộc tuần hành nói:
"Cuộc tuần hành ngày hôm nay do nhóm Green Trees, một nhóm xã hội dân sự về môi trường ở Việt Nam tổ chức nhân ngày Quốc tế về Môi trường. Cuộc tuần hành này bắt đầu từ khởi điểm đi được từ 10 - 15 phút thì bị các lực lượng an ninh ngăn chặn và bắt khoảng hơn 20 người lên xe bus.
"Hiện tại, một số người đã được thả ra và những người còn lại, thì (chúng tôi) tiếp tục yêu cầu thả ra, còn khoảng hai người nữa."
Giải thích lý do chính quyền được cho là đã ngăn chặn cuộc tuần hành, ông Lượng nói:
"Phía chính quyền họ đang rất nhạy cảm về chuyện thảm họa môi trường ở Vũng Áng về cá chết. Tại thời điểm này, sau 60 ngày, thì bên phía chính quyền vẫn chưa có được kết luận về nguyên nhân tại sao cá chết.
"Đấy cũng là một cái gây bức xúc cho người dân, người ta muốn biết nguyên nhân tại sao cá chết và giải pháp tức thời của chính quyền để giải quyết hậu quả trước cho những người dân ở những vùng bị thảm họa, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời nên người dân rất bức xúc.
"Và chính người dân bức xúc như thế, chính quyền cũng cảm thấy rất là nhạy cảm vì vấn đề này, mặc dù buổi tuần hành này thuần túy về môi trường nói chung và tổ chức vào ngày quốc tế, nhưng mà vì lý do là đã có một thảm họa về cá chết mà chưa có câu trả lời, nên nó là vấn đề nhạy cảm, nên chính quyền cũng muốn dẹp luôn đi cho nó khỏi rắc rối, theo quan điểm cá nhân của tôi là như vậy."
'Thể hiện tiếng nói'


Nhiều người tham gia cuộc tuần hành vì môi trường hôm 5/6 là những người trẻ tuổi.
Cũng hôm Chủ nhật một thành viên khác tham gia cuộc tuần hành thuật lại việc mình 'bị bắt' ra sao, trước hết nhà hoạt động Cao Vĩnh Thịnh nói với BBC:
"Tại Việt Nam, vụ việc bốn tỉnh miền Trung, biển đang chết và cá chết trắng bờ biển, cũng nhân ngày hôm nay, là ngày bảo vệ môi trường trên toàn thế giới, tất cả anh chị em, những người quan tâm đến vấn đề về môi trường của Việt Nam cùng nhau xuống đường, để góp phần thể hiện tiếng nói của mình, đối với những người dân xung quan," cô nói.
"Và với phía nhà cầm quyền, mong rằng sẽ có câu trả lời đích đáng càng sớm, càng tốt để cho người dân có thể yên tâm, những người như là ngư dân họ có thể yên tâm, có thể ra khơi hay là có thể đánh bắt cá, phía người dân có thể thỏa đáng trong việc như là có thể phân biệt được cá nào là cá an toàn và vấn đề về muối, vấn đề về nước mắm, rồi hàng trăm tấn cá đã chết như thế, nhà nước bây giờ xử lý ra sao..."
Nhà hoạt động chia sẻ về chi tiết 'bị bắt' và bị đưa đi nơi khác của mình, cô cho biết:
"Khi vừa bị đưa về đấy, thì họ chia tất cả mọi người, mỗi người ở một phòng khác nhau, tôi không thể biết từng ấy con người, thì họ cư xử ra sao, với bản thân tôi, họ viết biên bản và họ hỏi lý do vì sao tham gia biểu tình, có ai dụ dỗ không, có ai kêu gọi không...
Nhà hoạt động này cho hay trước khi được thả ra, cô đã trao đổi lại các lý do như đã nói ở trên, và nói tiếp: "Còn rất nhiều anh chị em khác thì vẫn bị giam giữ và chưa được thả."
'Quốc hội ở đâu?'
Hôm Chủ nhật, trên trang Facebook cá nhân, nhà báo, blogger Đoan Trang viết về cuộc tuần hành:
"Sáng nay (chủ nhật, 5/6/2016), khoảng 60 người đã tập trung ở Nhà Thờ Lớn để tổ chức cuộc tuần hành kêu gọi bảo vệ môi trường, yêu cầu chính quyền minh bạch trách nhiệm trong thảm họa cá chết ở miền Trung.


Người tuần hành mang theo biểu ngữ trong đó đặt dấu hỏi về vai trò của Quốc hội trước vụ cá chết hàng loạt và bất thường.
"Nhiều bạn trẻ giương cao các khẩu hiệu: "Quốc hội ở đâu?", "No Formosa", "Đại họa biển chết 2016, bạn đã làm gì?", v.v.
"Phần lớn mọi người (Nguyễn Anh Tuấn, Cao Vĩnh Thịnh, An Nhiên, Lê Thuỷ Tiên...) là thành viên của nhóm Green Trees (trước là Vì Một Hà Nội Xanh).
"Đây là nhóm dân sự “không giấy phép”, thành lập tháng 3/2015, đã tổ chức và tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, tuần hành, đấu tranh pháp lý... để bảo vệ môi trường Việt Nam, vận động cho một môi trường trong sạch (đương nhiên, bao gồm cả môi trường chính trị).
"Cuộc tuần hành chỉ kéo dài từ 9h02 đến khoảng 9h15 thì bị công an lao vào phá. Gần 30 người bị tống lên xe buýt, đưa về đồn CA quận Long Biên.
"Trong số này có Nguyễn Anh Tuấn (Vì Một Hà Nội Xanh), rapper Hoàng Thành, một nghệ sĩ piano/keyboard tên Cường, và nhiều gương mặt trẻ khác...".
Gần đây, hai cuộc tuần hành của người dân Việt Nam ở Hà Nội và Sài Gòn trong hai dịp cuối tuần đều đã bị nhà cầm quyền can thiệp, giải tán, nhiều người dân và các nhà hoạt động đã bị bắt giữ, câu lưu, trong lúc có các cáo buộc chính quyền và các lực lượng an ninh đã 'nặng tay' trấn áp.
Trong lúc đó, truyền hình và nhiều cơ quan báo chí của chính phủ cho rằng đã có các thế lực thù địch và nước ngoài đứng đằng sau các cuộc 'xuống đường' lấy danh nghĩa bảo vệ môi trường phản đối ô nhiễm làm cá chết bất thường và hàng loạt để giật giây, kích động bạo loạn và thậm chí là để lật đổ chính quyền.


Cuộc tuần hành diễn ra vào ngày 5/6 là ngày Quốc tế về Môi trường.

Việt Nam : Biểu tình "cứu biển", hàng chục người bị câu lưu

AuthorTrọng ThànhSourceRFIPosted on: 2016-06-05


Biểu tình tại Vũng Tàu ngày 05/06/2016. Nguồn Facebook.
Ngày 05/06/2016, hai tháng kể từ thảm họa cá chết tại miền Trung Việt Nam và cũng là Ngày Môi Trường Thế Giới, nhiều cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra, để phản đối sự không minh bạch của chính quyền. Riêng tại Hà Nội và Sài Gòn, hàng chục người bị câu lưu.
Theo AFP, nhiều đường phố lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vắng người, lực lượng an ninh được triển khai khắp nơi để chuẩn bị ngăn chặn biểu tình. Khoảng 30 người tuần hành bị câu lưu sau khi tập hợp giương biểu ngữ tại quảng trường Nhà Thờ Lớn Hà Nội được ít phút.
Trên mạng Facebook, nhiều hình ảnh được đưa lên cho thấy các khẩu hiệu như : «No Formosa/Không, Formosa » (Formosa là tên tập đoàn Đài Loan bị nghi ngờ xả thải độc chất), « Quốc Hội ở đâu ? », « Biển đã chết, chung tay cứu biển », « Vì cá, vì nước, cả nước xuống đường »… Biểu tình cũng diễn ra tại Vũng Tàu, Nha Trang, Nghệ An.
Hãng thông tấn Pháp ghi nhận, nhiều cuộc biểu tình trong các ngày Chủ nhật gần đây tại Việt Nam để phản đối môi trường bị ô nhiễm đã bị chính quyền đàn áp, nhiều nhà tranh đấu bị câu lưu, hoặc quản thúc tại gia. Tuy nhiên đàn áp đã không ngăn được nỗi giận dữ của người dân, phẫn nộ vì sự chậm trễ của chính quyền trong việc xử lý thảm họa cá chết.
AFP dẫn lời đại diện của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch, Phil Robertson,« chính quyền Việt Nam nên tập trung điều tra để làm sáng tỏ nguyên nhân cá chết, thay vì ngăn chặn việc dân chúng đòi hỏi chính quyền giải trình ».
Trong một cuộc họp báo tối ngày 02/06/2016 bộ trưởng Văn Phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng khẳng định các nhà khoa học đã tìm thấy nguyên nhân cá chết, nhưng kết quả chưa được công bố, do phải đợi « phản biện » của các nhà tư vấn trong và ngoài nước.
Đối với nhiều người dân, tuyên bố của đại diện chính quyền, được đưa ra hai tuần sau khi bộ Khoa Học Công Nghệ xác nhận đã tìm thấy nguyên nhân, càng làm tăng thêm nghi ngờ về sự không minh bạch.
Nghề cá, du lịch và đời sống của dân chúng nói chung tại nhiều tỉnh miền Trung Việt Nam bị ảnh hưởng hết sức nặng nề sau thảm họa cá chết. Đe dọa hải sản nhiễm độc khiến dân chúng nhiều nơi không dám ăn cá.
--------------

0 comments:

Powered By Blogger