Luật Sư Đào Tăng Dực
I. Dẫn nhập:
Weekend các ngày Thứ Bảy 21, Chúa Nhật 22 và Thứ Hai 23 tháng 5, 2016 là một trong những weekend đáng chù ý nhất của tình hình chính trị Việt Nam. Ngày 21 chúng ta có Ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Đản Sanh. Ngày 22 là ngày bầu cử Quốc Hội Khóa 14. Đây cũng là ngày những nhà đối kháng trong nước tổ chức biểu tình tiếp tục bảo vệ môi sinh. Ngày 23 là ngày Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama bắt đầu cuộc thăm viếng Việt Nam.
Một cách tổng quát, chúng ta có nhận xét như sau:
Sáng 21/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự Đại lễ Phật đản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức trọng thể tại Chùa Quán Sứ, Hà Nội. Cùng tham dự có Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng đại diện các Bộ ban ngành và các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội.( http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/chu-tich-nuoc-tran-dai-quang-du-dai-le-phat-dan/102340).
Tại sao những người minh thị chủ trương vô tôn giáo lại tham dự Phật Đản và thắp hương cúng Phật làm gì?
II. Đặt vấn đề:
Nếu chúng ta vào youtube sẽ thấy Đại Lễ Phật Đản được tổ chức trong nước tại các thành phố và tự viện thật rầm rộ hoành tráng với lễ rước xe hoa, rước đèn, tưng bừng khắp chốn phố phường từ Sài Gòn, Hà Nội, Huế đến những đô thị nhỏ hơn như Vũng Tàu- Bà Rịa v…v…Số người tham dự lên đến nhiều chục ngàn người.
Tổng Thống Obama cũng được hằng chục ngàn người dân nôn náo chào đón nhiệt liệt.
Trong khi đó, cuộc biểu tình chống ô nhiễm môi sinh chỉ quy tụ được vài ngàn người trên khắp nước Việt Nam.
Câu hỏi chúng ta phải đặt ra là tại sao?
Dĩ nhiên có rất nhiều lý do. Sự sợ hãi bị công an trả thù, Công an dàng dựng mọi nơi và ngăn chặn những người chủ xướng biểu tình. Sự hung bạo và tính vô nhân của chính quyền làm cho người dân vô cảm. Quân đội có thể can thiệp tàn sát dân biểu tình như tại Thiên An Môn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, còn một nguyên nhân nữa quan trọng. Đó là, tuy chúng ta chưa có những thống kê chính thức, nhưng tỷ lệ số người tham dự biểu tình, nhất là trong thành phần lãnh đạo thuộc Công Giáo hoặc Tin Lành có lẽ tương đối cao. Trong khi đó, người Phật Giáo tỷ lệ chắc là thấp hơn và nhất là hàng ngũ giáo phẩm hầu như vắng bóng.
III. Hai mệnh đề căn bản của người cộng sản trong tác động đấu tranh:
Theo quan điểm của tôi, đây là hiện tượng cần phải lý giải, nếu muốn đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam.
Các đảng cộng sản trên thế giới, từ Liên Xô đến Trung Quốc, Triều Tiên đến Việt Nam đều cướp chính quyền và bám giữ chính quyền qua sự đề xướng và tực thi 2 mệnh đề chính trị căn bản:
1. Mệnh đề thứ nhất: đấu tranh chính trị là đấu tranh giữa các giai cấp xã hội (class struggle)
Mệnh đề thứ nhất, phát xuất từ Karl Marx, căn cứ trên cuốn sách dày cộm lừng danh “Tư Bản Luận” (Das Kapital) là xã hội loài người phát triển trên căn bản đấu tranh giữa giai cấp tư bản (capitalist) bóc lột và giai cấp vô sản (proletariat) bị bóc lột, trong một tiến trình mang tính biện chứng duy vật (dialectical materialism), sắt máu và nhất thiết đưa đến sự chiến thắng tất nhiên của giai cấp vô sản.
Một khi giai cấp vô sản chiến thắng và thiết lập một nhà nước xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, thì sẽ không còn mâu thuẫn nội tại và tiến trình biện chứng sẽ chấm dứt. Một thiên đường xã hội chủ nghĩa sẽ được thành lập, trong đó mọi cá nhân sẽ làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu. Guồng máy nhà nước sẽ triệt tiêu vì không còn lý do hiện hữu trong một xã hội lý tưởng không còn mâu thuẫn nội tại.
2. Mệnh đề thứ nhì: đấu tranh giữa các đế quốc thực dân (colonial powers) và các quốc gia thuộc địa (colonies) là một sự nối dài của đấu tranh giai cấp.
Mệnh đề thứ nhì, phát xuất từ luận đề của Lê Nin, trong cuốn sách ngắn ngủi nhưng không kém lừng danh của ông là “Đế quốc chủ nghĩa, giai đoạn cao nhất của tư bản chủ nghĩa” (Imperialism, the highest stage of capitalism) xuất bản năm 1917.
Lê Nin đề xuất rằng, tư bản chủ nghĩa chỉ có thể đạt đến mức độ bóc lột và lợi nhuận cao nhất qua bàn tay của các cường quốc thực dân (colonial powers) đi xâm lấn các nước thuộc địa (colonies) nhược tiểu, hầu phát triển thị trường. Chính vì thế, mâu thuẫn giữa các cường quốc thực dân bên này và các nước thuộc địa bên kia, cũng là một mâu thuẫn mang tính duy vật biện chứng, đẫm máu và không khoan nhượng tương tự.
Các đảng cộng sản trên thế giới thành công hoặc một thời gian dài (như 70 năm tại Liên Xô và các nước Đông Âu), hoặc vẫn còn thống trị đến ngày hôm nay (như tại Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam) vì họ đã đề xướng, thực thi và thuyết phục các dân tộc liên hệ về tính hữu lý và khả thi của các mệnh đề này.
Hai mệnh đề trên tương đối khá phổ thông và giới nghiên cứu chính trị, cũng như nhiều nhà tranh đấu dân chủ trên khắp thế giới đều ý thức được.
IV. Mệnh đề thứ 3. Mệnh đề chiến lược của đảng CSVN: Đấu tranh giữa Công Giáo và Phật Giáo Việt Nam là một cuộc đấu tranh mang tính giai cấp.
Tuy nhiên một mệnh đề thứ 3, cũng mang tính đấu tranh khốc liệt, nhưng phát xuất từ đảng CSVN, không được phổ biến nhiều trên trường quốc tế, nhưng đã giúp rất nhiều cho đảng CSVN chiến thắng tại miền nam, đặt ách thống trị trên toàn cõi quê hương và rất ít người ý thức rõ rệt.
Mệnh đề thứ 3 đề xuất rằng sự xung đột giữa Phật giáo và Công Giáo tại Việt Nam, trong suốt các thời Pháp thuộc, qua đến Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam là một sự xung đột mang tính đấu tranh giai cấp, trong đó Công Giáo phát xuất từ Thực Dân Pháp đại diện cho tư bản bóc lột và thống trị, còn Phật Giáo phát xuất từ lòng dân tộc đại diện cho vô sản bị bóc lột và dân tộc bị trị. Cuộc đấu tranh này cũng mang tính duy vật biện chứng, đẫm máu và không khoan nhượng tương tự.
Người CSVN đã đề xuất, phấn đấu (prosecute) cho mệnh đề này. Họ đã thuyết phục được rất nhiều người trong hàng giáo phẩm Phật Giáo, tín đồ Phật giáo miền Nam và sự kiện này đã giúp họ chiến thắng trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
Theo tôi, trên mặt trận này, họ đã chiến thắng rất sâu đậm, không những trong hàng ngũ Phật giáo trong nước, mà ngay cả trong lòng các chính khách Tây Phương.
Chiến thắng của họ bắt đầu đậm nét từ cuộc đảo chính của giới quân nhân lật đổ các ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu (1963) với sự đồng thuận mặc thị của Hoa Kỳ, ngày càng đậm nét qua chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa với Giáo Hội Phật Giáo xuống đường liên tục.
Ngay cả nhiều thập niên sau cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, các chính khách Tây Phương đến viếng Việt Nam, kể cả Tổng THống Obama, đều thăm viếng các chùa chiền như một sự nhắc nhở rằng Việt Nam là một quốc gia theo truyền thống Phật Giáo, mà còn được CSVN nhắc nhở rằng Việt Nam có hoàn toàn tự do tôn giáo vì chùa chiền đều phát huy và nở rộ tại Việt Nam.
Mệnh đề thứ 3 này có tính chiến lược đối với đảng CSVN vì không những nó giúp cho họ chiến thắng, giành được giang sơn và quyền lực chính trị, mà quan trọng hơn nữa, mệnh đề này, nếu không bị dập tắc, sẽ tiếp tục giúp họ duy trì quyền lực tại Việt Nam. Ý thức được tầm mức chiến lược của mệnh đề thứ 3 này, người CSVN đã và đang nổ lực củng cố nó.
Đả phá mệnh đề này là một điều kiện tiên quyết, trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
V. Đả phá hai mệnh đề đầu tiên:
Trong bài này, tôi cố tình không bàn đến tôn giáo nào đúng hay sai trong lịch sử cận kim của dân tộc. Làm như thế, trong giai đoạn này của lịch sử không đem lại sự đoàn kết cần thiết giữa các tôn giáo, hầu xóa bỏ độc tài và xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên cho dân tộc.
Trong giai đoạn này của lịch sử, mọi cá nhân, đảng phái, tôn giáo đều phải nhìn về tương lai và cùng một hướng. Trong chiều hướng đó, bài này sẽ phân tách tại sao cả 3 mệnh đề, nhất là mệnh đề thứ 3, mang tính đấu tranh tôn giáo, phải hiện nguyên hình là những tà thuyết cần phải vứt vào sọt rác của lịch sử.
Tuy nhiên, trên phương diện luận lý, chúng ta phải bắt đầu bằng 2 mệnh đề cố hữu của người cộng sản quốc tế.
1. Đả phá mệnh đề thứ nhất:
Mệnh đề thứ nhất của Marx, liên hệ đến đấu tranh giai cấp xã hội đã bị lịch sử chứng minh là một lập luận ấu trĩ và mang tính huyền thoại. Lý do là vì, kể từ sau cuộc cách mạng kỹ nghệ tại thành phố Liverpool, Anh Quốc, vào thế kỷ 18, xã hội con người đã kinh qua nhiều đợt phát triển vượt lên trên dự phóng của Karl Marx.
Tương quan giữa tư bản (capital) và lao động (labor), trong bản chất, không phải là một tương quan có tính đối nghịch, mà lại là một tương quan có tính hỗ tương. Các nhà tư bản am hiểu rằng họ không thể sinh tồn và phát triển nếu không có lao động, và các lãnh tụ lao động, dưới dạng thức các nghiệp đoàn, như những tổ chức rường cột của một xã hội dân sự (civil society) phồn vinh, cũng ý thức rằng, thiếu tư bản thì trị giá của lao động sẽ không còn ý nghĩa.
Từ đó, trong khuôn khổ của những sắc luật tôn trọng công bằng và lẽ phải (justice and equity), tương quan giữa tư bản và lao động được điều hợp hài hòa, trong khung sườn pháp trị và cùng nhau đóng góp cho xã hội.
Chính vì thế, tại các quốc gia dân chủ tây phương, mệnh đề thứ nhất của Karl Marx là một tà thuyết không có tính thuyết phục cao và chẳng có ai nghe.
Kết quả chỉ có các nước kém phát triển, dân trí còn thấp như Nga Sô là rơi vào vòng kềm tỏa của tà tuyết này.
2. Đả phá mệnh đề thứ nhì:
Mệnh đề thứ 2 của Lê Nin, liên hệ đến tính đấu tranh một mất một còn, giữa các cường quốc thực dân và các nước nhược tiểu thuộc địa, cũng đã bị lịch sử chứng minh là một tà thuyết mang tính huyền thoại.
Với sự phát triển về khoa học kỹ thuật, chuyên chở nhanh chóng các ý niệm về dân chủ, nhân quyền, dân quyền, bình quyền giữa giới tính, sắc tộc, chủng tộc và các ý niệm về quyền tự quyết dân tộc, dần dần các cuộc tranh đấu chống thực dân dành độc lập không cần phải đẫm máu, một mất một còn.
Các quốc gia như Ấn Độ, Mã Lại, Singapore … và nhiều quốc gia từ Âu sang Á không cần phải kinh qua một cuộc chiến đẫm máu và thù địch mà vẫn đạt được nền độc lập. Thêm vào đó, những quốc gia cùng một nền tảng văn hóa và chiều dài lịch sử như Việt Nam là Đài Loan, Nam Hàn, Hồng Kong (như một khu tự trị), Singapore, Nhật Bản đã chứng minh rằng, canh tân xứ sở, cải tổ chính trị dân chủ và làm ăn buôn bán với các quốc gia cựu chủ nhân thuộc địa sẽ đem lại sự tiến bộ, phồn vinh, dân chủ và phú cường cho dân tộc.
Chỉ có một số quốc gia cộng sản, bài bác các nước tư bản tây phương như Nga Sô, Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam là còn độc tài, lạc hậu, ngu dốt và nghèo khổ.
VI. Đả phá mệnh đề thứ 3:
Mệnh đề thứ 3 liên hệ đến quan hệ mang tính giai cấp, xung đột và quyết liệt giữa Công Giáo và Phật Giáo cũng mang tính huyền thoại và tà thuyết tương tự.
Trước hết, ngay cả trong giai đoạn trước khi Pháp đô hộ, lúc Việt Nam tiếp xúc với các giáo sĩ công giáo từ phương tây, những chủ trương bài Công Giáo đều đến từ giai cấp quan lại Nho Giáo trong triều đình, không phải Phật Giáo.
Có 2 lý do chính:
Một là vì các quan lại triều đình sợ giai cấp của mình bị các giáo sĩ truyền giáo tranh dành vì những kiến thức mới mẻ về chính trị và khoa học. Điều tương tự cũng đã xảy ra tại Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản.
Hai là vì Phật Giáo, từ thủa khai sinh, chủ trương không thành lập giáo hội để thống nhất lực lượng mà chỉ chú trọng đến các tăng đoàn độc lập, truyền bá chánh pháp trong dân gian. Chính vì chủ trương này của chính Đức Phật mà trong suốt nhiều ngàn năm lịch sử, Phật Giáo chưa hề có đủ sự tổ chức thế sự (civic organization) để xung đột với bất cứ tôn giáo nào.
Dĩ nhiên với sự đô hộ của người Pháp và sự du nhập của ý niệm hội đoàn trong các xã hội dân sự (civil society) thì các hội phật giáo được thành lập. Ngoài Bắc, sau năm 1954, CSVN cũng cho thành lập Giáo Hội Phật Giáo hầu giật dây như một thành phần của Mặt Trận Tổ Quốc.
Chính vì thế, chúng ta có thể nhận thức nghiêm chỉnh rằng, ý niệm xung đột tôn giáo giữa Phật Giáo và Công Giáo là một biện minh có tính ảo giác do đảng CSVN dựng lên và hoàn toàn không có căn bản nguyên thủy.
Trong hiện tại, khi 4 triệu kiều bào chúng ta sinh sống trong các nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên như Liên Hiệp Âu Châu, Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu, chúng ta thực nghiệm ngay trong đời sống của mình, tính hài hòa đa tôn giáo của một nền dân chủ đa nguyên chân chính.
Tuy phần lớn các quốc gia chúng ta cư ngụ chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo bao gồm Công Giáo, Anh Giáo, các hệ phái Tin Lành khác nhau, Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo và Phật Giáo, sự hài hòa tôn giáo thực sự rất cao. Những xung đột hầu như rất hiếm hoi và được hòa giải trong khung sường của pháp trị và đa nguyên nghiêm chỉnh.
Môi trường chính trị đa nguyên tuy muôn vàn khía cạnh, nhưng ý niệm pháp trị nghiêm minh sẽ luôn là giềng mối nhất quán. Như là một thành viên của xã hội dân sự, bất cứ một định chế tôn giáo nào sai lầm, từ Phật Giáo đến Công Giáo hay một tôn giáo nào khác, sẽ bị ánh sáng của công lý chiếu rọi vào từ mọi góc cạnh, và sẽ bi chế tài nghiêm khắc.
Mọi định chế tôn giáo đều chỉ còn một nhiệm vụ duy nhất là phục vụ cho con người cá thể, trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên.
Dĩ nhiên, xã hội dân chủ tây phương không phải dễ dàng đạt đến cảnh giới này, nếu không đổ nhiều máu và nước mắt. Chúng ta phải cảm ơn các tư tưởng gia chính trị Tây Phương thời Ánh Sáng, dám vượt lên trên những giáo điều cứng nhắc của thời đại, cám ơn những vĩ nhân cha đẻ của Hiến Pháp Hoa Kỳ đã hiến định hóa biên giới giữa giáo quyền (church) và thế quyền (state), những chính trị gia tiên phong cho cuộc Cách Mạng Pháp 1789 và nhiều tư tưởng gia tây phương cận kim khác.
Tuy nhiên sự thật không thể chối cãi là các quốc gia hoặc xã hội Đông Á, cùng một nền văn hóa và chiều dài lịch sử như chúng ta là Đài Loan, Hồng Kong, Nhật Bản, Nam Hàn đã trở nên những xã hội đa tôn giáo thành công và mọi tôn giáo hiện diện đều hoạt động hài hòa, trong khuôn khổ của hiến pháp và luật pháp.
Tính hòa giải các xung đột giữa mọi thành phần trong xã hội dân sự, là một nét đặc thù của một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính.
Tôi tin tưởng rằng, trong một nền dân chủ như thế, tất cả mọi tôn giáo, từ Công Giáo, Tin Lành, Hòa Hảo, Cao Đài và nhất là Phật Giáo, sẽ như những đóa hoa tuyệt đẹp, tôi điểm cho non song đất nước Việt Nam.
Mệnh đề 3 này của CSVN chắc chắn là một tà thuyết ngoại lai cần phải vứt vào sọt rác của lịch sử.
VII. Kết luận:
Một khi mệnh đề thứ 3 của CSVN bị dập tắc và hiện nguyên hình là một tà thuyết mị dân, một khi những người Phật Tử Việt Nam hiểu rõ mình bị lừa gạt từ nhiều thập niên, một khi hàng ngũ giáo phẩm Phật Giáo ý thức thực trạng này và vượt thoát vòng kiềm tỏa của Mặt Trận Tổ Quốc, một khi mọi thành phần tôn giáo cùng đồng hành với dân tộc trong tiến trình dân chủ hóa đất nước, thì những cuộc biểu tình vì môi trường sống trong tương lai, hoặc vì dân chủ và nhân quyền, sẽ có thể quy tụ hằng trăm ngàn người và chế độ CSVN sẽ nhanh chóng cáo chung.
Ý niệm đấu tranh sắt máu, từ sự xung khắc mang tính biện chứng giữa đề và phản đề của Hegel, đến đấu tranh chủng tộc theo Hitler, hoặc giữa các giai cấp trong xã hội theo Karl Marx, hoặc giữa các quốc gia thực dân “đế quốc” và các quốc gia thuộc địa theo Lê Nin, hoặc giữa Công Giáo và Phật Giáo theo đề xuất CSVN, đều là những biện minh hầu các chế độ độc tài có thể có thể nắm quyền cai trị vĩnh viễn, đọa đày các dân tộc.
Mặt nạ của mệnh đề thứ 3 đã rơi xuống đất. Đảng CSVN cần phải tôn trọng và trả lại tính độc lập tôn giáo cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, hầu giáo hội có thể quyết định hướng đi riêng của mình, trong tương quan với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và nhất là trong tương quan với toàn thể dân tộc Việt Nam.
0 comments:
Post a Comment