Sunday, June 19, 2016

Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Mỹ và Tương lai Việt Nam? (Phần I)

Từ khi Hoa Kỳ tuyên bố trở lại Đông Nam Á (2009) trong bối cảnh Trung Quốc (TQ) vẽ bản đồ 9 đoạn khống chế biển Đông, giới lãnh đạo đảng CSVN bắt đầu có sự chuyển biến tư duy. Tháng 11/2011 TT Nguyễn Tấn Dũng đã gây nhạc nhiên lớn cho mọi người khi tuyên bố trước Quốc hội về chủ quyền của VN trên hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ đầu tháng 3/2012 TT Dũng đưa ra dự thảo “Luật Biển Việt Nam” ra trước Quốc hội. Ngày 21/6/2012 Quốc hội đã thông qua dự luật này với tỷ số 495/496. Trong đó Điều 1 xác nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của VN. Điều 2a: chối bỏ những văn bản nào từ trước đến nay có ghi HS và TS là của nước khác (thí dụ công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng), Điều 2b: những điều qui định trong Luật Biển này nếu có khác với Luật Biển các nước khác thì áp dụng theo luật quốc tế.

Với luật trên, VN đã công khai đối đầu với TQ. Để mở đầu giai đoạn này, VN chủ trương đổi mới đường lối đối ngoại. Ngày 31/5/2013 TT Nguyễn Tấn Dũng đăng đàn như là diễn giả chính ở hội nghị An ninh châu Á tại Diễn đàn đối thoại Shangri-La (Singapore). Ông kêu gọi “xây dựng lòng tin chiến lược” để bảo vệ khu vực Á Châu/Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển, dựa vào ASEAN và vai trò lớn của hai cường quốc. Đó là TQ đang trỗi dậy mạnh mẽ trong khu vực và HK một cường quốc TBD. Ông Dũng tế nhị không nêu đích danh TQ là thủ phạm gây sự ở Biển Đông làm cho khu vực mất ổn định… Ông chỉ nói “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”. Rõ ràng TT Dũng muốn ám chỉ TQ, nên ông coi trọng vai trò của Mỹ khi siêu cường này xoay trục về châu Á.

Bài phát biểu của TT Nguyễn Tấn Dũng là chỉ dấu cho thấy VN đã có chuyển hướng chiến lược. Từ hợp tác toàn diện với TQ có nguy cơ làm mất nước vì mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh, nên VN cần phải mở rộng cửa, hợp tác với quốc tế để bảo vệ lợi ích dân tộc. Tuy nhiên vì yếu tố địa lý chính trị, VN chủ trương trung lập, đứng về phía các nước khối ASEAN và khẳng định VN “không là đồng minh quân sự của nước nào, không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ VN và cũng không liên minh quân sự với nước này để chống lại nước khác”.

Lúc bấy giờ, giới lãnh đạo Đảng CSVN vẫn áp dụng đường lối cố hữu “đu dây” giữa HK và TQ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trương ba không (trung lập) trong quan hệ với HK và TQ. Còn TBT Nguyễn Phú Trọng có khuynh hướng thân TQ được sự hậu thuẫn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh và Trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng Nguyễn Bá Thanh. Trong khi đó Chủ tịch nước Trương Tấn Sang muốn hợp tác với Mỹ được sự hậu thuẫn của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, vừa được ông ký quyết định thăng cấp bậc hàm Đại tướng.

Trong bối cảnh HK trở lại Châu Á cân bằng thế lực với TQ để bảo vệ hòa bình và sự ổn định trong khu vực Châu Á/TBD. Tình thế này, đòi hỏi VN cũng phải có một chiến lược thích nghi. Chủ trương trung lập là thái độ thụ động. Chọn lựa của Chủ tịch TTS là thái độ chủ động, vừa hợp tác với TQ vừa hợp tác với HK để tạo thế cân bằng… Và dựa vào mối quan hệ giữa hai cường lực này để có những quyết định nhằm mang lại lợi ích tối đa cho đất nước. Vì thế ông TTS đã đến HK. Trong cuộc hội đàm với TT Obama ngày 25/7/2013, ông bày tỏ mong muốn của VN được hợp tác với Mỹ như ông HCM đã gợi ý trong thư gởi TT Truman hồi tháng 2 năm 1946. Chủ tịch TTS tuyên bố: “Thông điệp mà tôi muốn nhấn mạnh với quí vị là VN mong muốn hai nước sẽ tăng cường hợp tác toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước, cùng chung tay đóng góp và vun đắp cho một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động và thịnh vượng”. Về chính sách tái cân bằng của HK, ông Sang cho rằng chính sách này vì lợi ích của HK, đồng thời cũng là lợi ích của nhiều quốc gia khác. VN hy vọng chính sách này sẽ góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, thúc đẩy sự năng động của khu vực châu Á-TBD, mang lại lợi ích nhiều nhất cho cả khu vực và trên thế giới. Trong vấn đề Biển Đông, Chủ tịch TTS khẳng định lập trường của VN trước sau như một là phản đối đường lưỡi bò của TQ, vì đường lưỡi bò được xác lập mà không căn cứ vào bất kỳ điều khoản nào của bất kỳ luật pháp quốc tế nào.

Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch TTS, TT Obama đã công nhận “lịch sử vô cùng phức tạp giữa HK và VN” và cho rằng sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau là nền tảng cho sự hợp tác giữa hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế-thương mại đến hợp tác quân sự, giao lưu nhân dân. “Vì vậy tôi chỉ muốn nói với Chủ tịch Sang là tôi hết sức trân trọng chuyến thăm của ông. Tôi nghĩ rằng chuyến thăm này tượng trưng cho sự trưởng thành và là bước phát triển tiếp theo trong quan hệ giữa HK và VN”. Hai bên cũng đã thảo luận về Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này được coi là một trong những nỗ lực để tăng cường trao đổi thương mại trong khu vực châu Á/TBD.

Sau cuộc hội đàm, hai bên đã ra bản tuyên bố chung xác nhận mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Mỹ dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Hai nhà lãnh đạo tin tưởng đối tác toàn diện Việt-Mỹ sẽ không chỉ phục vụ tốt hơn lợi ích hai nước mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-TBD và trên thế giới. Quan hệ đối tác toàn diện mới sẽ tạo ra các cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quan hệ chính trị và ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và y tế, giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, văn hóa, thể thao và du lịch.

Sau chỉ dấu đổi mới trong đường lối đối ngoại, TT Nguyễn Tấn Dũng có bài viết được coi là thông điệp đầu năm 2014, trong đó đề cập đến việc đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng dân chủ trực tiếp, xây dựng nhà nước pháp quyền. Đầu Xuân Giáp Ngọ (31/01/2014) Chủ tịch TTS đã gián tiếp ủng hộ thông điệp đổi mới thể chế của thủ tướng qua lời chúc Tết “Tôi kêu gọi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, đem tất cả tinh thần và sức lực, trí tuệ và tài năng đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hành dân chủ rộng rãi với tư tưởng pháp quyền tiến bộ…” Lời chúc Tết của Chủ tịch nước có điểm khác thường là không có một lời nào đề cập tư tưởng HCM và cũng quên luôn xây dựng xã hội chủ nghĩa, chỉ nhấn mạnh việc ‘thực thi dân chủ” và “tư tưởng pháp quyền tiến bộ”.

Sau đó trong website của TT Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 5/3/2014 xuất hiện bài viết tựa đề Việt Nam có cần một nguyên thủ như Putin? Khởi đầu bài viết là câu hỏi và câu trả lời ngắn gọn: “Vì sao từ một quốc gia nghèo đói, chỉ cần khoảng 30 năm, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã trở thành những quốc gia hưng thịnh hàng đầu thế giới, còn Việt Nam thì không? Câu trả lời ở ngay trong cơ chế của chúng ta. Nhà nước được phân tán ra làm ba nơi: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Đó là cơ chế rất tốt cho tất cả các quốc gia trong thời đại ngày nay nhưng mô hình nhà nước ta và thể chế còn nhiều bất cập. Hiến pháp quy định: tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Vậy thì không có một con người cụ thể nào lãnh đạo, không thể tự quyết và cuối cùng không có cá nhân nào chịu trách nhiệm! Những người lãnh đạo có tài và có tâm muốn đóng góp cho đất nước thì không thể tự quyết vì quyền lực thuộc về tập thể. Thật là tai hại cho đất nước mà không ai chịu trách nhiệm. Khi người dân đã thực sự làm chủ đất nước của mình. Khi ấy nhân dân sẽ chọn người lãnh đạo xuất sắc nhất của mình. Các nhà lãnh đạo đưa ra các chiến lược, các chính sách để được dân chúng chọn lựa một người lãnh đạo vừa có tài, vừa có đức và đặc biệt là đủ quyền lực và tự chịu trách nhiệm để đưa đất nước đi lên” (hết trích)

Trước nguy cơ CSVN có thể đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa bằng việc thay đổi thể chế, Chủ tịch Tập Cận Bình vội vã mời TBT Nguyễn Phú Trọng đến TQ. Trưa ngày 7/4/2014 ông Trọng đã đến Bắc Kinh cùng một phái đoàn hùng hậu gồm 5 ủy viên Bộ chính trị và hàng loạt quan chức chóp bu CSVN. Buổi chiều cùng ngày ông Trọng được tiếp đón trọng thể tại Đại sảnh đường Nhân dân theo nghi thức cao cấp dành cho nguyên thủ quốc gia. Ngay trong buổi tối đầu tiên, phái đoàn CSVN đã ký kết với TC 7 thỏa ước, trong đó có kế hoạch hợp tác giữa hai đảng cộng sản trong giai đoạn 2016-2020.

Để chứng tỏ chủ quyền ở biển Đông, đầu tháng Năm 2014, TQ đưa giàn khoan dầu vào thềm lục địa VN gần đảo Hoàng Sa. Ngày 11/5/2014, trong diễn văn đọc trước hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 của khối ASEAN ở thủ đô Miến Điện, TT Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo “Từ ngày 1/5/2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào, hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế… Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Trước tình trạng nghiêm trọng này, VN đề nghị ASEAN, chúng ta tăng cường đoàn kết, thống nhất… đồng thời yêu cầu TQ tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển 1982, đặc biệt phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển…”

Trước phản ứng của Chinh phủ VN và các cuộc biểu tình của nhân dân VN chống TQ diễn ra nhiều nơi… Ngày 15/5/2014 trong chương trình phát thanh tiếng Việt của đài Tiếng Nói Nhân dân Trung Hoa có đề cập đến bản Thông báo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đăng trên tờ Thời Báo Hoàn Cầu của TQ. Nội dung cho biết TQ “đồng ý Hoàng Sa, Trường Sa và bờ biển thuộc VN”, nhưng đã “thuộc về chủ quyền của TQ mà CSVN do TT Phạm Văn Đồng đã ký kết vào năm 1958”. Và TQ “có đầy đủ những bằng chứng để đem ra LHQ và buộc CSVN phải rút hết những tầu chiến của họ và để cho tầu Hải Dương 981 được trực tiếp làm nhiệm vụ thăm dò và khai thác dầu khí”. Bản tin còn nói rằng “Không hiểu vì lý do gì những người lãnh đạo trong Bộ chính trị đảng CSVN không công bố cho toàn dân biết là đã ký và công nhận quần đảo HS, TS và bờ biển VN thuộc về TQ… Các người đã thiếu nợ TQ trên 870 tỷ về chiến tranh Điện Biên Phủ và chiến tranh chống Mỹ. Thì bây giờ các người đã nhượng đảo và biển cho Cộng hòa Nhân dân TH thì không có lý nào các người không công bố cho tất cả mọi người dân biết để họ tiếp tục chống TQ”.(hết trích dẫn)

Ngày 22/5/2014, TT Nguyễn Tấn Dũng đến Manila (Phi Luật Tân) tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khu vực Đông Á, một lần nữa ông lên tiếng công kích TQ về vụ giàn khoan HD 981. Ông kêu gọi ASEAN và các nước khác ủng hộ VN bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Trước đó, ông tuyên bố với báo chí “VN không đánh đổi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viễn vông, lệ thuộc”.

Ngày 18/6/2014 Dương Khiết Trì viên chức cao cấp Quốc vụ viện TQ phụ trách đối ngoại đến Hà Nội thảo luận việc tranh chấp vùng biển. Tiếp xúc với các giới lãnh đạo CSVN, thái độ của họ Dương rất trịch thượng, y yêu cầu VN không được quốc tế hóa cuộc xung đột, phải chấm dứt hoạt động của các tàu quanh vùng giàn khoa HD 981 để cho TQ tiếp tục tìm kiếm dầu khí. Và “vì đại cục”, VN hãy cùng TQ “hành động theo một hướng”. Bản tin BBC ngày 20/6/2014 tiết lộ Tờ Hoàn cầu Thời báo bản tiếng Hoa đăng tải một bài xã luận trong đó gọi chuyến thăm của ông Dương ở Hà Nội là để thông qua việc đối thoại, TQ “thúc giục đứa con hoang đàng hãy trở về nhà”.

Ngày 9/7/2014 tại Bắc Kinh, TQ và HK gặp nhau tại diễn đàn Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (US-China Strategic and Economic Dialogue gọi tắt S&ED) lần thứ 6. Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng sự đối đầu giữa TQ và HK sẽ là một thảm họa, cả hai bên cần phải tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng. Ông Tập nêu rõ “cả hai cần tăng cường hợp tác chống khủng bố và thúc đẩy việc đàm phán về hiệp định đầu tư song phương sớm hoàn tất”. Đại diện Mỹ tham dự Đối thoại là NT John Kerry tuyên bố “HK không tìm cách kiềm hãm TQ”. Ông nhấn mạnh “Mỹ hoan nghênh một nước TQ hòa bình, ổn định, thịnh vượng, đóng góp cho sự ổn định và phát triển trong khu vực cũng như thể hiện tinh thần trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế”. Trong khi đó tại Washington, ngày 9/7 TT Obama khẳng định “Mỹ cam kết xây dựng mối quan hệ kiểu mới với TQ”. Ông nêu rõ: “Mỹ hoan nghênh một nước Trung Hoa hòa bình, ổn định và thịnh vượng”. Điều này đã được Obama thỏa thuận với ông Tập trong cuộc họp ở California hồi tháng 6/2013. Hai bên cam kết xây dựng "mối quan hệ kiểu mới" giữa 2 nước, theo đó không xung đột và đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi.

Trong lúc cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ Trung diễn ra ở TQ, thì tại Mỹ, ngày 10/7/2014 Thượng Viện HK với 100% phiếu thuận thông qua Nghị quyết “S.Res.412” lên án việc TQ sử dụng các hành vi khiêu khích và gây hấn để thay đổi hiện trạng, gây mất ổn định trong khu vực Châu Á/TBD. Nghị quyết yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan Hải Dương 891 ra khỏi vị trí hiện tại, bảo đảm nguyên trạng như trước thời điểm tháng 5/2014. TQ đã đáp ứng ngay đòi hỏi này. Sáng thứ tư 16/7, Hong Lei - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ thông báo giàn khoan dầu ngoài khơi mang tên HYSY 981 của Công ty dầu khí Quốc gia TQ đang di chuyển khỏi vùng biển tranh chấp với VN tại đảo Hoàng Sa. Theo kế hoạch giàn khoan này hoạt động ở đây đến ngày 15/8/2014 mới rút đi. Tuần lễ trước, Tập Cận Bình đã xác định với NT John Kerry là lập trường của TQ trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông với VN hiện nay là đúng và sẽ không từ bỏ, tuy nhiên TQ không muốn đối đầu với Mỹ. Như vậy, việc rút giàn khoan chứng tỏ TQ không muốn đối đầu với Mỹ ở Biển Đông, tạo sự ổn định trong khu vực để hai nước cùng hợp tác và phát triển.

Vào thời điểm này, từ 16 đến 23/7/2014 cựu TT Bill Clinton viếng thăm VN. Chủ tịch TTS đề nghị Mỹ sớm bỏ cấm vận vũ khí sát thương, coi đây là việc quan trọng cần thiết để khẳng định mức độ tin cậy lẫn nhau. Thông tấn xã VN loan tin: “VN cam kết thực hiện hết sức đầy đủ những nội dung cam kết trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước. Và mong muốn được đón tiếp TT Obama sớm sang thăm VN, đặc biệt trong dịp hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao”.

Ngày 18/7/2014 tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh tháng 11/2014, CT Tập Cận Bình đã tiếp đón TT Obama hết sức ưu ái. Ông mời tổng thống Mỹ dùng bữa cơm tối tại Trung Nam Hải, trụ sở Đảng CSTQ - biểu tượng quyền lực tối cao của TQ. Theo báo Le Monde, đây là một động thái ưu ái đặc biệt dành cho một nguyên thủ nước ngoài. Buổi ăn tối có thể là nơi dẫn đến nhiều thỏa thuận quan trọng. Người viết tin rằng những thỏa thuận này liên quan đến biển Đông và mối quan hệ giữa VN với TQ và HK.

Bước vào năm 2015 kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Mỹ, báo chí nhà nước CSVN đồng loạt loan tin: Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị Trần Đại Quang đã có chuyến công du “xông đất” đầu năm đến Mỹ. Trong 5 ngày (15-20 tháng Ba) đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an VN đã hội đàm với nhiều quan chức cấp cao của Chính phủ và Quốc hội Mỹ. Từ Bộ Ngoại giao đến Bộ Tư pháp, Bộ An ninh Nội địa, Cơ quan Điều tra Liên bang FBI, kể cả Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA và cuối cùng gặp những thượng nghị sĩ tiếng tăm của Mỹ, đặc biệt là ông John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ. Kết quả chuyến đi này vượt ra ngoài khuôn khổ hợp tác phòng, chống tội phạm, mà còn tạo xung lực thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ phát triển mạnh mẽ, sâu sắc hơn, thể hiện việc hợp tác với chính giới Mỹ về các vấn đề đối ngoại, quốc phòng, an ninh, kinh tế… Tất cả nhằm tạo tiền đề tích cực cho chuyến viếng thăm chính thức Mỹ sắp đến của TBT Nguyễn Phú Trọng và chuyến viếng thăm chính thức VN của TT Obama.

Trong bối cảnh trên, tuyên bố “lạc điệu” của TT Nguyễn Tấn Dũng trong ngày 30/4/2015: “lên án đế quốc Mỹ xâm lược” cũng như chủ trương “ba không” trước đây là chỉ dấu báo hiệu sự nghiệp chính trị của NTD sắp tàn, cùng chung số phận của những nhân vật có khuynh hướng thân Bắc Kinh: Nguyễn Bá Thanh và Phùng Quang Thanh.

Mấy tháng sau khi Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang đến Mỹ và tiếp xúc với CIA, tin tức trong nội bộ Đảng CSVN bị tiết lộ và có lời đồn đoán về âm mưu đảo chính của Phùng Quang Thanh mà Trần Đại Quang là người phát giác và trực tiếp tổ chức chiến dịch dẹp loạn. Theo ông Bùi Quang Vơm trong bài Có hay không âm mưu đảo chính của Phùng Quang Thanh? trên mạng Anh Ba Sàm ngày 5/2/2016 thì “theo tin rò rỉ và dư luận, âm mưu đảo chính là có thật”. Ông Vơm đưa ra những chi tiết sau:

“Ngày 17/03/2015, Trần Đại Quang thăm Mỹ chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Mỹ ngày 6-10/07/2015 của Nguyễn Phú Trọng. Gần hai tháng sau, ngày 13/5/2015, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius xuất hiện lần đầu tiên trên đài phát thanh Việt Nam (VOV) chính thức tuyên bố Hoa Kỳ sẽ đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với những nghi thức cấp cao nhất.

“Hai ngày sau đó, ngày 15/5/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại biên giới Lào Cai một cách long trọng nhân dịp tổ chức buổi Tọa đàm hữu nghị quốc phòng Biên giới Việt Nam- Trung Quốc lần thứ hai. Tại cuộc tọa đàm này có một chi tiết rất nhiều hàm ý là việc Thường Vạn Toàn tận tay trao tặng Phùng Quang Thanh chiếc bình sứ Trung Quốc, như một thông điệp “hãy giữ lấy bình quý”.

“Rất có thể bằng cách nào đó, tình báo Trung Quốc đã nắm được nội dung chuyến thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng, trong đó có việc nâng quan hệ Việt – Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện, và những cam kết đặc biệt về quan hệ Quốc phòng, mà Trung Nam Hải coi là mối nguy hiểm như một sự phản bội chủ nghĩa. Có khả năng Trung Quốc gây áp lực cho Phùng Quang Thanh chuẩn bị cuộc đảo chính, không cần biết có thành công, nhưng ít nhất cũng đe dọa cảnh cáo sự tồn vong của chế độ nếu thân Mỹ”. (hết trích)

(Còn tiếp)

19.6.2016

0 comments:

Powered By Blogger