Saturday, November 12, 2016

Trung Quốc, đích ngắm trong chính sách bảo hộ của Donald Trump


AuthorThu HằngSourceRFIPosted on: 2016-11-11


Tầu chở container tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, ngày 13/10/2016.STR / AFP
Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc. Thế nhưng, quốc gia Đông Á này đang bị đe dọa trước những biện pháp bảo hộ của Donald Trump, được cho là làm tăng thêm nguy cơ dẫn đến một « cuộc chiến thuế quan ». Dù vậy, Trung Quốc cũng có thể tận dụng cơ hội để kiến thiết lại cảnh quan trao đổi thương mại tại châu Á.
Theo hãng tin Pháp AFP ngày 10/11/2016, tỉ phú dân túy Donald Trump, người bất ngờ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng Mỹ, đã liên tục chỉ trích dữ dội nhà khổng lồ châu Á, cũng như chính sách thương mại của nước này, trong suốt chiến dịch tranh cử. Ông còn hứa áp dụng biểu thuế cao ngất ngưởng, 45% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Kinh tế gia Liệu Quần (Liao Qun), thuộc Citic Bank International, phát biểu với AFP : « Từ giờ phải tính thêm sức ép bất thường đối với hàng xuất khẩu của chúng tôi và sự phục hồi của Trung Quốc sẽ còn chậm lại hơn rất nhiều ».
Theo dự báo của công ty môi giới Daiwa Capital Markets, mức thuế 45%, so với 4,2% hiện nay, có lẽ sẽ có « những hậu quả khó đoán ». Quyết định trên sẽ dẫn đến sự sụt giảm khoảng 87% khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Hoa Kỳ (khoảng 420 tỉ đô la). Thâm hụt này, cùng với các hậu quả gián tiếp, sẽ cắt bớt trong tương lai 4,82% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Vẫn theo công ty Daiwa Capital Markets, ngay cả mức thuế tăng 15% cũng đã khiến GDP Trung Quốc mất 1,75% và 142 tỉ đô la đầu tư nước ngoài sẽ bị rút khỏi nước này.
Đây sẽ là một đòn đau cho nền kinh tế thứ hai thế giới, hiện đang suy yếu. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia tỏ ra thận trọng trước một kịch bản thê thảm đến như vậy. Quả thực, những mối đe dọa của tổng thống tân cử Mỹ, đi ngược với những quy tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), nên khó lòng thực hiện được. Giáo sư Christopher Balding, giảng dạy tại đại học Bắc Kinh, nhận định với AFP : « Trump không có thẩm quyền để một mình đưa ra quyết định. Ông sẽ chịu sức ép lớn từ các nghị sĩ, kể cả phía đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ ».
Đòn trả đũa của Trung Quốc
Theo phân tích của chuyên gia Raymond Yeung của ngân hàng ANZ, Trung Quốc hiện đang tái cân bằng kinh tế, nên « bớt phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Nếu như thặng dư thương mại (với Mỹ) giảm 25%, thì khoản thất thu tức thì chiếm khoảng 0,6% GDP ». Đây là một tác động « đáng kể » nhưng có thể kiểm soát được.
Hơn nữa, ông cũng nhấn mạnh, « chỉ cần một biện pháp trả đũa nhỏ của Trung Quốc cũng sẽ khiến Hoa Kỳ bị thiệt hại ». Ví dụ, Trung Quốc có thể ngừng các đơn đặt hàng máy bay Boeing, ngừng nhập khẩu giá đỗ (soja) hay dây chuyền cung ứng cho điện thoại iPhone. Những quyết định này sẽ tác động mạnh đến các công ty hàng đầu của ngành công nghiệp Mỹ vì một phần lớn doanh thu của họ là nhờ vào thị trường Trung Quốc, theo phân tích ngay từ tháng 09/2016 của các chuyên gia thuộc Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson (Peterson Institute for International Economics).
Vẫn theo các chuyên gia này, vì Trung Quốc và Mêhicô chiếm đến 1/4 trao đổi hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, một « cuộc chiến thuế khóa với hai nước này sẽ có nguy cơ đe dọa gần 4,8 triệu việc làm trong lĩnh vực tư nhân » ở Hoa Kỳ từ nay đến năm 2019.
Dĩ nhiên, như từng hứa, tổng thống Trump có thể chính thức tố cáo chính quyền Trung Quốc đã thao túng đồng nhân dân tệ. Đây là « một việc dễ dàng để chứng tỏ ông Trump là người « cứng rắn ». Nhưng điều này sẽ không gây hậu quả trực tiếp ngoài việc mở ra những cuộc thảo luận giữa bộ Tài Chính Mỹ và Bắc Kinh », theo đánh giá của Mark Williams, thuộc văn phòng Capital Economics, song ông không nghĩ là sẽ có bất kỳ biện pháp trừng phạt nào.
Thực ra Trung Quốc can thiệp ồ ạt vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ đồng nhân dân tệ và duy trì sự ổn định của đồng tiền này, « nhưng không phải để tạo lợi thế thương mại với một đồng tiền giá rẻ. Về điểm này, ông Trump hoàn toàn nhầm », chuyên gia Balding nhấn mạnh.
Những hiệp định thương mại mới
Chiến thắng của nhà tỉ phú Mỹ xẩy ra vào lúc các đàm phán về thỏa thuận thương mại đang gặp khó khăn. Pháp đã yêu cầu ngừng đàm phán thoả thuận giữa Liên Hiệp Châu Âu với Hoa Kỳ (TAFTA hay TTIP). Theo giới chuyên gia, ông Donald Trump cũng sẽ yêu cầu thương lượng lại thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ (Alena), có hiệu lực cách đây hơn 20 năm dưới thời tổng thống Bill Clinton, giữa Mêhicô, Canada và Hoa Kỳ.
Còn đối với hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), được ký năm 2015 giữa Hoa Kỳ và 11 nước châu Á-Thái Bình Dương (trừ Trung Quốc), TPP hiện vẫn đang chờ phê chuẩn và từ giờ lại càng không chắc chắn vì sự phản đối kịch liệt của nhà tỉ phú.
Thế nhưng, chính khuynh hướng tự cô lập mà nhà tỉ phú bảo vệ có lẽ lại có lợi ích cho Trung Quốc. Chuyên gia Mark Williams nhận định, « nếu Hoa Kỳ ít can thiệp vào châu Á, Bắc Kinh sẽ có cơ hội để tái kiến thiết sự sáp nhập kinh tế và chính trị trong vùng theo cách của họ ».
Dòng đầu tư Trung Quốc tại Trung Á (« Những con đường tơ lụa mới ») và tại Đông Nam Á có thể giúp nước này làm bàn đạp chính trị trước sức ảnh hưởng đang dần suy yếu của Mỹ, mà ví dụ cụ thể nhất là việc Manila đang xích lại gần Bắc Kinh.
Hơn nữa, theo tuyên bố ngày 10/11 của thứ trưởng Ngoại Giao Lý Bảo Đông, Trung Quốc đang thúc đẩy dự án thương mại riêng, Khu Vực Thương Mại Tự Do Mậu Dịch châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), quy tụ 21 nước thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Về phần mình, cùng ngày, Úc lên tiếng cảnh báo chỗ trống do thất bại của TPP gây ra « có thể sẽ được bù lại » bằng RCEP, dự án thỏa thuận tự do mậu dịch giữa ASEAN, Úc và Trung Quốc mà không có Hoa Kỳ.

---------

0 comments:

Powered By Blogger