Tuesday, November 8, 2016

Những ý nghĩ vụn của một cử tri Cộng Hòa gốc Việt


AuthorTiến Sĩ Phạm Ðỗ ChíSourceBáo Người ViệtPosted on: 2016-11-08


Ông Trump vận động tranh cử tại J.S. Dorton Arena, North Carolina. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)
Bầu cử vào ngày 8 tháng 11, và ngày chót 7 tháng 11 các cuộc vận động chính thức phải ngưng theo luật, như vậy còn đúng một tuần để hai ứng viên chạy nước rút, và cử tri có những ý nghĩ cuối trước giờ bỏ phiếu quyết định một cách dân chủ, chứ không bị ai “mớm” như ở những quốc gia độc tài hay Cộng Sản như Việt Nam.
Các cuộc thăm dò cho thấy bà Clinton vẫn dẫn trước một cách thoải mái, nhưng có 1-2 bản thăm dò theo cách khác biệt, nhất là từ một giáo sư đại học đã tiên đoán đúng kết quả bầu tổng thống Mỹ từ 1948 lại cả quyết ông Trump có nhiều hy vọng thắng chung cuộc. Chung quanh nhà khu người viết ở Florida thuộc khu bảo thủ nên thấy các bảng cắm tên Trump-Pence khắp nơi, tay hàng xóm còn hỏi, “Mày không thích Trump nên không cắm bảng ủng hộ?” Người viết phải trả lời không chỉ ủng hộ qua việc cắm bảng tên trong vườn mà còn tích cực giúp ý kiến trong ban tư vấn về chính sách kinh tế cho Trump, nhất là thuế khóa mới, để kích thích nền kinh tế và đem công ăn việc làm về lại xứ Mỹ như nhiều cử tri mong muốn.
Cuộc đua đang thật sôi nổi vì những tin tức mới dồn dập nhưng lại đem chán ngán cho một số đông người không muốn cả đi bầu phiếu, nhất là giới trí thức và doanh nghiệp. Họ thấy cả hai ứng viên đều không đem lại hứng khởi vì có nhiều chuyện quá xấu của cả hai đã lộ ra lúc này!
Vấn đề dự đoán là cử tri sẽ chọn người “ít xấu nhất” (theo câu châm ngôn quen thuộc, “the lesser of the two evils”).
Hy vọng của Clinton là thành phần các sắc dân theo thống kê và lá phiếu người phụ nữ. Dân Mỹ chỉ gồm 46% là người da trắng, người gốc “Hispanic” (nói tiếng Tây Ban Nha) 26% và người gốc Phi Châu 23%, còn lại 5% là các dân da màu khác kể cả ngưới gốc Á Châu. Khối cử tri gốc Việt chỉ có độ 1% nhưng lại có vai trò quan trọng ở vài tiểu bang “bấp bênh” chưa ngả hẳn ý kiến như Florida, Texas… Dân gốc Việt qui tụ đông đảo nhất ở Cali có vẻ nghiêng rõ về Hillary do chính sách chi tiêu trợ cấp rộng rãi ở bang đó. Nhưng cũng có một số người tăng dần sốt ruột vì công ăn việc làm bê trễ phải nhờ mãi đến “trợ cấp” có thể ngưng bất cứ lúc nào lúc quỹ bang California… cạn tiền!
Ngược lại, Trump đặt nhiều hy vọng ở giới da trắng, nhất là nhóm trung lưu mất việc hay giật lùi trong nấc thang kinh tế của các thành phần dân chúng Mỹ. Ông cũng mong tiếng nói giờ cuối cùng của những người Mỹ “nổi giận” với chính sách của chính quyền Dân Chủ Obama trong 8 năm qua, từ chương trình Obamacare về bảo hiểm y tế đến các chương trình trợ cấp cho người da màu bị lợi dụng quá đáng.
Những quyết định của chính quyền Dân Chủ bổ nhiệm vô lý những người bất tài thuộc phe thiểu số, ngay cả phe đồng tình luyến ái, vào những chức vụ liên bang hay ngoại giao quan trọng trong hai nhiệm kỳ qua cũng đã bị chỉ trích.
Vấn đề khủng bố và di dân cũng nằm trong các ý bất bình không nói ra của những người ủng hộ Trump chỉ vì ông đã nói ra hộ họ những điều bị coi là “sai về chính trị (politically incorrect) nhưng đúng trên thực tế.” Các cử tri này ủng hộ lập trường của ông Trump không muốn nhóm người tị nạn Hồi Giáo, đặc biệt từ Syria, được dễ dàng vào Hoa Kỳ, vì có thể mang theo các phần tử khủng bố cực đoan của Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS,Islamic State of Iraq and the Levant (ISIL), the Islamic State of Iraq and Syria), hoặc để cho dân gốc Mexico tiếp tục kéo qua biên giới bất hợp pháp với số đông.
Nhưng điều quan trọng nhất là các chính sách kinh tế khác biệt của hai ứng viên. Trump chủ trương giảm thuế doanh nghiệp và đơn giản hệ thống thuế thu nhập cá nhân để thúc đẩy nền kinh tế và việc làm trong cả nước tăng trưởng nhanh hơn. Phục hồi ngành sản xuất công nghệ (manufacturing) để đem lại hay tạo công việc mới.
Clinton thì ngược lại, chỉ trích “kinh tế Trump” chỉ giúp cho giới giầu có và làm lợi cho những người như ông Trump, một tỷ phú. Nhiều cử tri ủng hộ Trump chỉ trích bà Clinton không có chủ trương rõ rệt mà chỉ tuyên bố sẽ thúc đẩy chi tiêu hạ tầng (infrastructure spending) để kích thích nền kinh tế và nhiều chương trình phúc lợi kinh tế cho các nhóm thiểu số để kiếm phiếu.
Trong cả 3 cuộc tranh luận trên TV, Bà Hillary Clinton đều được ghi nhận là thắng đối thủ Donald Trump vì tài lý luận sắc bén và nhất là thành công trong việc chọc giận đối phương để ông này nổi nóng đến nói bậy, theo cảm hứng và tính “bốc đồng.” Thí dụ như trong cuộc tranh luận Thứ Ba hôm 19 tháng 10 vừa rồi, đang từ các tuyên bố hùng hồn gãy gọn về chính sách kinh tế và chiếm ưu điểm trong 40 phút đầu, Don đã nói bậy khi trả lời một câu chất vấn của người điều hòa chương trình, là sẽ không tôn trọng kết quả bầu cử nếu Hillary thắng vào ngày 8 tháng 11. Ðây là lối nói sằng của Trump vì đã phản lại truyền thống dân chủ của sinh hoạt chính trị nước Mỹ. Nhiều cơ quan báo chí-truyền thông và sử gia của Mỹ đã chỉ trích ông Trump về thái độ ỡm ờ khi ông nói rằng “để đến lúc đó hãy hay.”

Mời độc giả xem video: Sát ngày bầu cử, ông Trump nhắc “hy vọng sau cùng”, bà Clinton kêu gọi “lúc suy nghiệm”

Tuy nhiên ứng cử viên Clinton cũng chưa hoàn toàn thoát khỏi cuộc điều tra của cơ quan điều tra an ninh FBI, vì cơ quan này mới tìm ra thêm e-mail mới có thể quy kết vi phạm luật pháp của Clinton. Trump và nhóm thân cận đã chộp lấy tiết lộ mới của FBI đến tấn công Clinton vì một người, nếu phạm tội hình sự, không thể ra tranh cử một cách hợp lệ theo luật Mỹ. [Bài này viết ngày 31 tháng 10, trước khi có kết luận của FBI, theo đó, bà Hillary Clinton không bị truy tố sau khi FBI xem xét các email mới – NV]
Với cử tri đi bầu, đây là chuyện nhức đầu giờ cuối vào tuần này. Gồm các tương phản rõ rệt giữa tính cách 2 ứng viên để chọn lựa.
Bầu cho một người nữ nhân luật sư, quen lý luận giỏi tranh luận sắc bén để có thể đại diện hùng hồn cho xứ Mỹ trong đấu trường thế giới lúc cần, hay một ông doanh nhân nóng nảy hay tuyên bố bốc đồng như Trump?
Ðiều khác biệt là Hillary giỏi về chính trị ngoại giao quốc tế, còn Don lại xuất sắc về thương trường và hy vọng về chính sách kinh tế.
Cho chính trị thế giới, Hillary là niềm hy vọng để Mỹ tiếp tục mở cửa ra bên ngoài thành công? Cho kinh tế xã hội nội bộ, Don cho thấy niềm tin có thể giúp vực dậy nền kinh tế Mỹ và đem lại công ăn việc làm và giúp xứ sở này giàu hơn, dù có tiếp tục hố sâu về phân bổ lợi tức giàu-nghèo tiêu biểu cho một xã hội tư bản.
Bạn sẽ bầu cho ai? Ðấy là câu hỏi, nhưng tôn trọng nguyên tắc kín đáo của lá phiếu bầu cho tới giờ phút chót khi bạn đứng trong phòng phiếu, chúng tôi sẽ đợi kết quả sáng 9 tháng 11 để rõ ý bạn.
Nhưng người viết không thể dấu diếm, ý kiến nghiêng hẳn về ông Trump:
– Vì những chính sách hứa hẹn về kinh tế và việc làm của ông, về chính sách thuế khóa đem lại mức sống và thu nhập cao hơn cho giới trung lưu, về hy vọng sẽ đánh thuế đồng đều hơn với ba mức thuế thu nhập cá nhân mới giản dị hơn nhưng sẽ không tha cho các ông giàu bự, về hy vọng giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 15% sẽ làm bùng nổ kinh tế Mỹ với các đầu tư đem tiền lại về Mỹ (như vài trăm tỷ USD của hãng Apple) hay tiền đầu tư mới của người ngoài Mỹ…
– Người viết cũng thật sự mong là chính sách chống khủng bố được áp dụng chặt chẽ hơn để kiểm soát an ninh nội bộ Mỹ, thực hiện chính sách di dân nhất là từ Mexico một cách hợp lý và tôn trọng luật lệ xứ này…
– Mong các chương trình phúc lợi xã hội được tiếp tục rộng rãi khi kinh tế phát triển mạnh hơn sẽ đem nhiều tài trợ hơn cho các bang, nhưng sẽ được kiểm soát hiệu quả hơn để tránh quá nhiều lạm dụng như dưới thời TT Obama.
– Nhưng sau cùng và trên hết vẫn là các chi tiêu chính phủ hợp lý. Thay vì tiếp tục dùng chi tiêu chính phủ vào các chương trình xây dựng hạ tầng lớn để kích thích nền kinh tế như Clinton kêu gọi, nên thiên về chính sách dùng kinh tế tư nhân để vực dậy các hoạt động kinh tế như Trump chủ trương.

---------

0 comments:

Powered By Blogger