Wednesday, July 26, 2017

Đơn phương trừng phạt Nga, Quốc Hội Mỹ làm châu Âu bất bình


AuthorTú AnhSourceRFIPosted on: 2017-07-25


Trụ sở Quốc Hội Mỹ, Washington (Ảnh chụp ngày 04/05/2017)REUTERS/Yuri Gripas
Dự luật mới gia tăng trừng phạt Nga do Hạ Viện Mỹ biểu quyết ngày 25/07/2017 không những làm cho Matxcơva tức giận mà còn gây bất bình cho Bruxelles. Các công ty châu Âu trong lãnh vực khí đốt, hợp tác với Nga, có thể bị vạ lây.
Trong bối cảnh Hoa Kỳ vừa phải hứng chịu một chiến dịch tấn công mạng và tung tin thất thiệt gây nhiễu bầu cử tổng thống mà Nga bị xem là thủ phạm, các nhà lập pháp Mỹ tìm cách trói tay tổng thống Donald Trump. Nhất là vào lúc này, lãnh đạo hành pháp Mỹ muốn cải thiện quan hệ với chủ nhân điện Kremlin. Vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimée và can thiệp vào nội tình Ukraina là lý do chính thức để trừng phạt.
Theo AFP, tổng thống Donald Trump không có cách nào cưỡng lại. Tại Hạ Viện Mỹ, số thân hữu của Matxcơva đếm không đầy năm ngón tay. Ở Thượng Viện, trong kỳ biểu quyết hôm 02/06 vừa qua, các biện pháp trừng phạt mới được 98 phiếu thuận trên tổng số 100.
Sau Hạ Viện, văn kiện sẽ được đưa lên Thượng Viện để biểu quyết chung cuộc vào giữa tháng Tám.
Nội dung của dự luật tương đối rộng, bao trùm luôn Iran và Bắc Triều Tiên. Trừng phạt Teheran, nhất là Vệ Binh Cách Mạng, lực lượng kiểm soát nhiều lĩnh vực kinh tế ở Iran bị Mỹ cáo buộc ủng hộ khủng bố. Trừng phạt Bình Nhưỡng vì Kim Jong Un liên tục thử tên lửa đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ.
Quốc Hội Mỹ còn tự cho quyền can thiệp khóa tay tổng thống trong trường hợp Donald Trump quyết định đình hoãn các biện pháp trừng phạt Nga đang thi hành. Nghi ngờ chủ nhân Nhà Trắng tìm mọi cơ hội thuận tiện để hòa giải với đối thủ Nga, phe lập pháp không để Donald Trump một cơ may nào hết.
Trước sức ép của lưỡng viện Quốc Hội, Nhà Trắng gián tiếp cho biết tổng thống sẽ ký ban hành dự luật. Tuy nhiên, cho dù Donald Trump dùng quyền phủ quyết thì Quốc Hội lưỡng viện sẽ biểu quyết chung và có khả năng hội đủ đa số 2 phần 3 để thông qua.
Mỹ trừng phạt Nga đụng chạm tới quyền lợi châu Âu
Từ Berlin, Paris cho đến Ủy Ban Châu Âu ở Bruxelles đều không chấp nhận sáng kiến « đơn phương » của Quốc Hội Mỹ.
Từ trước đến nay, đồng minh hai bờ Đại Tây Dương luôn đoàn kết thành một khối trong các biện pháp trừng phạt Nga sau vụ bán đảo Crimée. Phát ngôn viên của Ủy Ban Châu Âu Margaritis Schinas lo ngại mất « tình đoàn kết trong G7 » cho dù chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean - Claude Juncker có tuyên bố từ trước thượng đỉnh G20 là Liên Hiệp Châu Âu sẵn sàng đáp ứng.
Nhiều nước châu Âu, nhất là Đức tức giận, bởi vì với đạo luật mới này, tổng thống Mỹ có thẩm quyền trừng phạt các doanh nghiệp thầu xây ống dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu. Cụ thể, những công ty như Engie của Pháp, Uniper và Wintershall của Đức, OMV của Áo … đối tác của kế hoạch « North Stream 2 - Bắc Hải Lưu 2 », nối liền Nga với Đức. Các doanh nghiệp này sẽ khó vay tiền của ngân hàng Mỹ và thậm chí không được tham gia các cuộc gọi thầu của Nhà nước Mỹ.
Từ khi Tây phương ban hành cấm vận và trừng phạt Nga, Washington và Bruxelles có vạch ra một « làn ranh đỏ » là không để ảnh hưởng đến nguồn khí đốt mà châu Âu mua của Nga. Thế mà Mỹ đơn phương hành động không phối hợp với đồng minh.
Phản ứng bất bình của Liên Hiệp Châu Âu có lẽ đã được Quốc Hội Mỹ lắng nghe. Trước khi biểu quyết, dự luật được sửa đổi đôi chút, chỉ liên quan đến những ống dẫn phát xuất từ Nga mà thôi. Nói cách khác, những ống dẫn khí đốt từ vùng Kavkaz của Kazakhstan, đi ngang qua lãnh thổ Nga, đến châu Âu không bị ảnh hưởng.


---------

0 comments:

Powered By Blogger