Friday, July 28, 2017

Anh đưa hàng không mẫu hạm vào Biển Đông năm 2018


SourceBBCPosted on: 2017-07-27


HMS Queen Elizabeth là một trong hai chiếc hàng không mẫu hạm mới của Anh
Ngoại trưởng Boris Johnson cam kết sẽ đưa các tàu hàng không mẫu hạm tới khu vực Biển Đông đang có tranh chấp để thực thi quyền tự do hàng hải, báo chí Anh hôm thứ Năm 27/7 đồng loạt đưa tin.
"Một trong những điều đầu tiên chúng tôi sẽ làm đối với hai hàng không mẫu hạm mà chúng tôi vừa đóng xong là sẽ gửi chúng tới để thực thi quyền tự do hàng hải trong khu vực," ông Johnson được báo The Guardian dẫn lời, "nhằm khẳng định niềm tin của chúng tôi đối với hệ thống luật pháp quốc tế, và đối với quyền tự do đi lại ở các vùng nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với thương mại thế giới."
Cùng trong hôm thứ Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cũng có phát biểu tương tự.
Tuy nhiên, ông Fallon chỉ nói tới việc gửi một tàu chiến thay vì hai hàng không mẫu hạm như lời phát biểu ông Johnson đưa ra từ Sydney, Úc.
"Chúng tôi hy vọng sẽ gửi một tàu chiến tới khu vực vào năm tới. Chúng tôi vẫn chưa chốt chính xác khi nào việc triển khai sẽ được thực hiện, nhưng chúng tôi sẽ không ngại ngần trước Trung Quốc trong việc cho tàu đi lại trên Biển Đông," ông Fallon nói với hãng tin Reuters.
Anh Quốc sẽ tăng sự hiện diện tại vùng biển này sau khi đã cho bốn chiến đấu cơ Anh tham gia tập trận chung với Nhật Bản hồi năm ngoái, ông Fallon nói thêm.
Bước đi này sẽ tác động tiêu cực tới mối quan hệ giữa Bắc Kinh và London, làm suy yếu các nỗ lực thúc đẩy điều mà chính phủ hai bên gọi là "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ song phương, giữa lúc Anh đang tách khỏi Liên hiệp Âu châu, Reuters bình luận.
"Đối phó Trung Quốc"
Việc Trung Quốc trong những năm gần đây bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng các căn cứ quân sự trên Biển Đông đã bị quốc tế lên án.


Trung Quốc tăng cường xây dựng trên Đá Vành Khăn
VN ngừng khoan dầu khí ở Biển Đông
Hoa Kỳ ước tính Bắc Kinh đã mở rộng thêm 1.300 ha đất tại bảy địa điểm trên Biển Đông trong thời gian ba năm qua, xây dựng các đường băng, cảng, bãi đỗ, nhà chứa máy bay và lắp đặt các thiết bị viễn thông trên đó, theo Reuters.
Người ta cũng quan ngại về việc Bắc Kinh muốn hạn chế quyền tự do đi lại trên vùng biển này.
"Chúng tôi đã cho bay các phi cơ Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh trên Biển Đông hồi tháng 10 năm ngoái, và sẽ thực thi quyền đó vào bất kỳ khi nào chúng tôi có cơ hội làm vậy, bất kỳ khi nào chúng tôi có tàu thuyền hoặc máy bay trong khu vực," Bộ trưởng Quốc phòng Fallon nói.
Hoa Kỳ cho đến nay đã thường xuyên thực thi quyền tự do đi lại trong khu vực, là động thái khiến Bắc Kinh giận dữ.
Hồi đầu tháng, Hoa Kỳ gửi hai máy bay ném bom tới nơi, chỉ vài tháng sau khi cử một tàu chiến tới tập trận trong phạm vi 12 hải l‎ý cách Đá Vành Khăn, nơi Trung Quốc đã bồi đắp đảo nhân tạo ở Hoàng Sa.
Việc đưa các tàu mới nhất, đắt tiền nhất tới khu vực sẽ bị Bắc Kinh coi là hành động khiêu khích từ phía Anh.


HMS Queen Elizabeth sẽ là tàu lớn nhất từ trước tới nay của hải quân Anh
Chiếc hàng không mẫu hạm mới nhất của Anh dài 280 mét, trọng tải 65.000 tấn, được đặt tên là HMS Queen Elizabeth, là chiếc tàu lớn nhất từ trước tới nay của hải quân Anh.
Tàu hiện đang được vận hành thử ngoài khơi Scotland, và được trông đợi sẽ chính thức bàn giao cho hải quân vào cuối năm nay.
Chiếc thứ hai, HMS Prince of Wales, hiện đang được lắp đặt thiết bị tại quân cảng Rosyth cũng ở Scotland, và sẽ chính thức được đặt tên vào tháng Chín.
Trung Quốc luôn lên án nỗ lực của các nước bên ngoài khu vực trong việc muốn tham gia vào tranh chấp Biển Đông.
Trong cuộc họp với các nhà ngoại giao ASEAN tại Bắc Kinh hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng hai bên phải "loại trừ những hỗn loạn trong vấn đề Biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông), và duy trì động cơ tích cực," Bộ Ngoại giao Trung Quốc loan tin.
----------

0 comments:

Powered By Blogger