Wednesday, July 19, 2017

Câu chuyện lãnh tụ


AuthorLê PhanSourceNgười Việt OnlinePosted on: 2017-07-19
hời còn đi học, tôi có lần được đến thăm ngôi nhà riêng của cố Tổng Thống Harry Truman ở Independence, Missouri. Hồi đó ông còn sống tuy đã lớn tuổi. Ông bà vẫn sống rất bình dị, căn nhà ông bà ở người ra kẻ vào tự nhiên. Những năm của thập niên 1960, đất Mỹ còn là một miền đất của thời thái bình, nhà cựu tổng thống không có canh gác cẩn mật. Cựu tổng thống có một vài người phụ ông trả lời thư tín, nhưng vào nhà không ai nghĩ đây là căn nhà của một vị cựu tổng thống Hoa Kỳ, mà lúc đó đã trở thành cường quốc quan trọng nhất của thế giới.
Tổng Thống Harry S. Truman, vị tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ là một con người bị đột ngột đưa vào chức vị quan trọng nhất thế giới và ông đã chứng tỏ là một trong những vị tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ.
Sở dĩ tôi nhớ đến Tổng Thống Truman vì câu chuyện giữa báo chí và Tổng Thống Donald J. Trump. Như nhà báo Jeffrey Frank của tạp chí New Yorker nhắc nhở, ông Truman là người đã có lần gọi báo chí là “báo chí phản bội và phá hoại,” nhưng ông cũng là một người kính nể và tôn trọng quyền tự do báo chí. Và tôi cũng nghĩ đến ông Truman vì Hội Nghị G-20 vừa qua.
Ngày 17 Tháng Tư, 1945, năm ngày sau khi Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đột quỵ và qua đời vì tai biến mạch máu não ở Warm Springs, Georgia, tân tổng thống Harry S. Truman tổ chức cuộc họp báo đầu tiên. Từ lần đó cho đến cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông, ông tổ chức 324 cuộc họp báo, trong đó ông cố gắng, thường rất vui vẻ, trả lời những câu hỏi của nhà báo. Lần đầu tiên đó, ông nói trước “Nếu quý vị hỏi tôi bất cứ điều gì, tôi sẽ cố trả lời, và nếu tôi không biết, tôi sẽ nói tôi không biết.”
Ba tháng sau, ông Truman lên đường đi Postdam ở Đức để dự một hội nghị thượng đỉnh, kéo dài đến hơn hai tuần lễ, với các thành viên của “đại liên minh” vốn đã đánh bại Đức Quốc Xã: Lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin, Thủ Tướng Anh Winston Churchill (vốn sắp bị thất cử và ngay tại hội nghị đã được thay thế bởi tân Thủ Tướng Clement Attlee.)
Khi ông còn là phó tổng thống, ông Roosevelt không kính nể ông, coi ông là một nhân vật của “bộ máy” chính quyền địa phương, và không chia sẻ gì với ông về những việc đại sự cả. Thành ra trước khi đi dự hội nghị Postdam, ông Truman học bài, học ngày đêm cho cuộc thi lớn nhất đời ông. Ông viết trong cuốn nhật ký mà ông có lúc giữ trong suốt thời làm tổng thống “Đã trải qua một số ngày hết sức vội vàng. Mỏi mắt quá. Đọc quá nhiều những ‘fine print.’ Hầu như mỗi memo có một cái nguy cơ trong đó và cần phải đọc ít nhất cả ngàn cái cũng như từng đó bản phúc trình. Hầu hết vào ban đêm.” Hội nghị làm ai cũng thấm mệt, nhưng ông Truman trở về Washington với sự tán thưởng của các vị quốc trưởng khác. Thủ Tướng Churchill được nghe nói: “Ông ta có vẻ là một người với khả năng và sự bặt thiệp đặc biệt, với một cái nhìn đúng như là liên hệ Anh Mỹ đã phát triển.
Tuần trước, ngay sau kỷ niệm 72 năm Hội Nghị Potsdam, ông Donald J. Trump, tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh G-20 ở Hamburg cũng tại Đức. Nhưng sau sáu tháng tại chức, ông Trump hành động và trông như một kẻ ngượng ngùng, không có bao nhiêu hiểu biết, đứng ngoài, một người khách đến ăn cơm mà không ai muốn nói chuyện với.
Tổng Thống Trump thù ghét báo chí. Kể từ khi nhậm chức, ông chỉ có 11 cuộc họp báo -10 cuộc là chung với các lãnh tụ khác. Trong lần họp báo duy nhất một mình hôm 16 Tháng Hai, ông nói lan man, ông ra ngoài đề, ông tự khoe mình, như ông vẫn thường nói, về điều mà ông coi là sự vĩ đại chứng minh được và một chuỗi thành công của ông. Ông nói: “Chúng ta đã có những tiến bộ khó tin. Tôi không nghĩ có một tổng thống đắc cử mà, trong một thời gian ngắn, đã làm điều mà chúng tôi đã làm.” Ông thường xuyên miệt thị báo chí là “tin dỏm” hay tờ New York Times đang mất khách, hay đài CNN đang thất bại…
Trong chỗ riêng tư, ông Truman thỉnh thoảng cũng nói đến “báo chí phá hoại,” hay “báo chí phản bội và phá hoại” hay “giết uy tín người khác.” Ông cũng có một số nhà báo ông không ưa như ông Westbrook Pegler, vốn đã từng gọi ông là “anh bán quần áo biết gì.” Hay tờ Chicago Tribube, vốn đã gọi ông là “một tên ngu đần” hay “ăn cắp phiếu, bảo vệ tham nhũng, tha bổng cho gangster.” Nhưng ông không bao giờ quên vai trò của báo chí.
Trong suốt bảy năm tại chức, ông Truman, quả có lúc có một tiệm bán quần áo, đã chứng tỏ một khả năng hiếm có. Chỉ vài tuần sau khi ông nhậm chức, vào ngày sinh nhật 61 tuổi của ông, ông nhận sự đầu hàng của Đức, nhưng trong khi đó cuộc chiến với Nhật Bản tiếp tục. Ông đã chấp thuận việc sử dụng bom nguyên tử để chấm dứt cuộc chiến mà nếu tiếp tục sẽ còn đổ biết bao xương máu cả người Mỹ lẫn người Nhật vì Nhật sẽ không chịu đầu hàng. Đã có những chỉ trích và tranh luận về việc sử dụng bom nguyên tử cho đến ngày nay nhưng nó đã là một trong những lý do chính khiến Nhật đầu hàng.
Ông cũng là người đã hướng nền ngoại giao Hoa Kỳ sang một chính sách quốc tế, từ bỏ chính sách cô lập. Ông đã thuyết phục được Quốc Hội thông qua $13 tỷ cho Kế hoạch Marshall để tái thiết Âu Châu. Ông từ chối kế hoạch trừng phạt Đức và giúp hình thành Tây Đức. Ông đã giúp xây dựng nên Liên Hiệp Quốc. Năm 1947, ông công bố Chủ thuyết Truman, bao vây chế độ Cộng Sản. Chính ông đã trông nom tổ chức cầu không vận Berlin năm 1948 và là cha đẻ của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO năm 1949, nhưng không làm sao cứu được cho Trung Hoa Dân Quốc không rơi vào tay Cộng Sản. Khi Cộng Sản Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn, ông gửi binh sĩ Hoa Kỳ và sau đó nhờ Liên Xô tẩy chay, ông dành được thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc cho Chiến Tranh Cao Ly. Cuộc chiến chỉ kết thúc với một lệnh ngưng bắn sau khi ông mãn nhiệm.
Trong những vấn đề quốc nội, nhiều đạo luật của ông đã bị thất bại vì Quốc Hội bảo thủ, nhưng ông đã thành công trong việc hướng dẫn Hoa Kỳ qua những thách thức kinh tế hậu chiến. Là một người ở một tiểu bang ráp ranh với miền Nam, ông đã coi dân quyền là một ưu tiên đạo đức, và năm 1948 đưa ra một dự luật cải tổ dân quyền đầu tiên. Ông cũng đã ra những sắc lệnh cấm kỳ thị chủng tộc trong quân đội và trong các cơ quan liên bang.
Điều còn đáng chú ý hơn nữa là trong tiểu sử, ông tự hào nhận mình là “nhà nông, bán quần áo.”
Ở cuộc họp báo cuối cùng của ông vào ngày 15 Tháng Giêng, 1953, ông nói: “Loại họp báo như thế này, nơi mà nhà báo có thể hỏi bất cứ câu hỏi nào mà họ nghĩ tới – trực tiếp cho Tổng thống Hoa Kỳ – chứng tỏ nền dân chủ của chúng ta hùng mạnh và sung sức đến mức nào. Không có một quốc gia nào trên thế giới mà quốc trưởng phải chịu những câu hỏi không giới hạn như vậy. Tôi cũng biết từ kinh nghiệm bản thân, không phải dễ mà đứng ở đây và cố trả lời, không chuẩn bị, đủ loại câu hỏi không được báo trước. Có lẽ các vị tổng thống về sau sẽ có cách để cải thiện và bảo đảm cho thủ tục này. Tôi hy vọng họ sẽ không bao giờ cắt đứt mối dây liên hệ trực tiếp giữa họ và nhân dân.”
***


Harry Truman : Tổng thống nghèo khó của nước Mỹ
Cuộc đời của Harry S. Truman liên quan đến những biến cố tài chính, ông là Tổng thống đầu tiên nhận trợ cấp với tổng số tiền 25.000 đô la hàng năm, giúp ông có cuộc sống ổn định và trả hết nợ nần.
Harry Truman được tờ 24/7 Wall St đánh giá là một trong các tổng thống nghèo khó nhất nước Mỹ, cùng các vị Jefferson, Madison, Monroe, Harrison, Lincoln, Grant, McKinley.
Sự nghiệp kinh doanh trắc trở
Truman lớn lên tại Independence, Mo, Hoa Kỳ, trong gia đình nông dân. Năm 1917, Truman gia nhập quân đội. Ông bắt đầu thử sức trong lĩnh vực kinh doanh từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, với một một công ty khai thác khoáng sản. Khởi nghiệp của ông thất bại, công ty sụp đổ trước khi Truman rời khỏi Pháp.
Quay trở về Mỹ, ông và người bạn của mình là Jacobson mở một cửa hàng bán quần áo nam và đồ phụ kiện ở thành phố Kansas. Jacobson là người bán hàng, còn Truman là kế toán. Robert H. Ferrell khi viết về cuộc đời của Truman có nói rằng: “Tình hình tài chính của Truman tại thời điểm đó rất khó để biết được”, rằng Truman không chắc chắn về số cổ phần mình có trong lần cộng tác làm ăn này.
Tình hình kinh tế sau chiến tranh khó khăn toàn diện. Năm 1922, Truman và Jacobson phải dừng kinh doanh, với số hàng tồn đọng trong cửa hàng lên tới 30.000 đô la (tương đương khoảng 355.000 đô la hiện nay). Phải đến 10 năm sau Truman vẫn còn "cày" trả nợ ngân hàng.
Vị Tổng thống hưởng trợ cấp xã hội
Khi là Thượng nghị sĩ, Truman kiếm được 10.000 đô la một năm (tương đương 171.000 đô la vào năm 2015). Chừng đó thu nhập vẫn chưa thể giúp tình hình kinh tế gia đình ông khá hơn. Vợ chồng ông không có nhà riêng kể cả khi ông lên làm Tổng thống. Họ đã thuê một căn hộ ở Washington, gửi con gái về nhà bà ngoại.
Tổng thống Truman rời Nhà Trắng vào năm 1953. Giữ chức vị Tổng thống trong thời gian dài mà khi rời văn phòng chính phủ, ông vẫn không có tài sản đáng giá. Sau khi dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Eisenhower, ông và vợ là bà Bess Truman rời khỏi thủ đô bằng xe lửa, không phô trương và thậm chí không thông báo rộng rãi. Hai vợ chồng đã chuyển về quê nhà ở Independence, Mo.
Thời gian này chưa có chế độ trợ cấp cho Thượng nghị sĩ hay Tổng thống, do vậy Truman chỉ nhận được tiền lương hưu trong quân đội. Khi Tổng thống Lyndon Johnson ký luật trợ cấp Medicare, vợ chồng ông Truman là những người đầu tiên nhận khoản tiền 25.000 đô la một năm. Khoản tiền trợ cấp đã giúp gia đình ông có cuộc sống khá hơn.
Dù sao, sự nghèo khó của Truman vẫn còn chưa thê thảm bằng một vài cái tên lẫy lừng khác của nước Mỹ: Tổng thống Grant từng phải đăng ký bảo hộ phá sản. Tổng thống Harrison qua đời vẫn chưa trả hết nợ. Còn tài sản của Tổng thống Jefferson bị bán đấu giá trả nợ sau khi ông qua đời, và con gái ông phải sống nhờ từ thiện.
Cảnh bắt tay chưa bao giờ thấy giữa các cấp lãnh đạo 2 quốc gia.

0 comments:

Powered By Blogger