Friday, November 8, 2013

BÀI GIẢNG NGÀY LỄ GIỖ 50 NĂM CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ CÁC BÀO ĐỆ 02/11/2013 TẠI TU VIỆN SAINT-ANDRE




Kính thưa gia đình,
Kính thưa quý cha, quý nữ tu,
Thưa anh chị em thân mến,

Lẽ ra sự xum họp trong buổi chiều mùa thu hôm nay nơi đây, cũng chỉ để dành riêng cho gia đình người quá cố, theo như truyền thống Giáo Hội, luôn khuyến khích các tín hữu đi viếng mộ người thân trong dịp lễ cầu cho các Linh Hồn mồng 2/11 hàng năm, nếu điều kiện cho phép họ và nhất là nếu họ còn nhớ đến. Và như thế, họ sẽ âm thầm lặng lẽ đi ra phía sau tu viện này, đến khu vườn nhỏ phủ kín cỏ xanh, ẩn khuất dưới hàng liễu rũ, rồi dừng lại nơi cây thánh giá có khắc giòng tên của thầy Gioan-Baotixita Odilon, (tên Vị Thánh cùng Dòng đã lập ra ngày Lễ Các Linh Hồn 02/11 hàng năm cho Giáo Hội vào năm 998), là Tên Mới thầy được nhận lãnh trong ngày khấn sống theo luật Dòng Thánh Biển Đức 10/02/1954.
Lẽ ra cuộc đời thầy Gioan-Baotixita Odilon nếu tiếp tục ở đây, cũng âm thầm trầm lặng như bao vị khổ tu khác trong Dòng, ngày 5 buổi, đến cầu kinh tại ngôi nhà thờ này, khởi sự với Giờ Kinh Khuya lúc 4 giờ sáng, rồi trong ngày sống theo phương chỉ của Dòng, Ora et Labora - Cầu Nguyện và Làm việc, êm đềm cặm cụi cho đến khi xuôi tay nhắm mắt, rồi ra đi ấm áp trong tiếng kinh cầu, trong lời hát thánh vịnh của cộng đoàn hiện diện... Và còn bao nhiêu lẽ ra khác,
1. Nhưng không, thưa anh chị em, chiều hôm nay chúng ta thật đông đảo, gốc từ mọi miền đất nước, đến từ mọi vùng trời Ấu. Chúng ta không đến nơi đây viếng mộ một người thân đã chết, không kính viếng một trợ sĩ dòng Biển Đức quá cố, nhưng cùng về nơi chốn tích lịch sử này, một địa danh đã gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp và cuộc đời của 1 con người, chính là để Gặp Gỡ con người ấy trong khung cảnh tu viện mà người đã sống qua.
Thật vậy, tại nơi tu viện này, chúng ta có thể gặp gỡ chính con người đó, và còn hơn nữa để từ nơi đây, khám phá ra một góc cạnh của cuộc đời người, một góc cạnh ít được nhắc tới, nhưng lại có tầm quan trọng chỉ đạo, định hướng cho suốt cuộc đời của chính người trong những năm sau đó. Góc cạnh xem ra chi tiết này, nhưng lại có sức đánh bật mọi xuyên tạc, mọi hạ giá người mà hôm nay, tôi cung kính gọi người là Vĩ Nhân để, với sự cử hành lễ Giỗ 50 năm cho người hôm nay, trả lại và bồi đắp cho người cái chân dung đích thực phải có của bậc vĩ nhân. Vĩ nhân đó chính là Tông Thống Gioan-Baotixita Odilon Ngô Đình Diệm. Góc cạnh đó chính là đời sống đạo đức và chiều sâu tâm linh của người.
Nếu buổi sáng định mệnh hôm ấy, sáng ngày mồng 2 tháng 11 của 50 năm trước, trước giờ định mệnh oan nghiệt, mà tôi gọi là tín hiệu loan báo sự cáo chung tự do, của dân chủ, của chính nghĩa dân tộc Việt Nam trên phần đất mà người đã dầy công gầy dựng, chỉ có mấy chục phút quỳ nơi bàn quỳ nhà thờ Cha Tam, sốt sắng Dự lễ, Rước lễ trong giờ phút hấp hối đó, mà còn được người dân Việt khắc bảng ghi dấu trên ghế quỳ, để trở thành nơi kính viếng của bao người VN trên quê nhà, thì thưa anh chị em, chúng ta đang là những người hạnh phúc đến chừng nào, bởi cái ghế mà anh chị em đang ngồi, có thể chính là nơi Vĩ Nhân nhân ấy đã ngồi, bởi Bàn Thờ này, Nhà Tạm kia vẫn là nơi cụ âm thầm vào tâm sự với Chúa, cầu nguyện hàng ngày, không khí này người đã thở, không gian này vẫn đọng lưu bóng dáng người...
Mỗi khi về nơi đây, lòng tôi luôn dạt dào xúc động, như hình bóng người đang ở giữa chúng ta, cũng cùng một xúc động như ngày vừa lên 11 khi nghe tin cái chết đau thương của người, khi chứng kiến những giòng nước mắt bàng hoàng thương tiếc, chứng kiến nỗi tuyệt vọng của bao bậc cha anh trước tin người mất, thì giờ này xin cho phép tôi, và tôi cũng xin phép Giáo Hội, cho tôi được gọi nơi đây, tu viện Saint André này, chính là vườn Gietshimani của người. Vườn Giếtshimani Saint-André này cũng là để, như Chúa Giêsu, dọn mình cho sẵn sàng đi vào một cuộc thương khó của con người, từ khi về chấp chánh cho đến khi hoàn tất sự hy sinh là tận hiến thân xác và cuộc đời minh cho dân tộc, cho quê hương bằng cái chết thảm thương trên chiếc xe bọc sắt M-113 định mệnh.
Thêm vào những hình ảnh, vào chân dung mà rồi đây, lịch sử Việt Nam sẽ công bằng trả lại cho cuộc đời một con người dành cả một đời tận tuỵ phục vụ đất nước, cũng như sẽ ghi ơn cả một gia đình đã dâng bao người con ưu tú cho quê hương, như sự thật đang từng bước rạng tỏ toả sáng, dù đã nửa thế kỷ qua đi, thì tôi muốn từ chính nơi tu viện này, thêm vào cho người điều mà lúc nãy tôi gọi là góc cạnh tâm linh, để chân dung của người được thêm phần trọn hảo. Chân dung đó đến từ những hình ảnh của Lời Chúa hôm nay.
Hình ảnh thứ nhất có được từ sách Khôn Ngoan, đó là hình ảnh của Người Công Chính. Á Đông chúng ta gọi là Chính Nhân Quân Tử. Sách Khôn Ngoan nói về Người Công Chính trong Bài Đọc 1 (Kn 3,1-9) vừa nghe như sau : Người Công chính ở trong tay Chúa. Đau khổ sự chết không làm gì được Họ. Đối người đời thì hình như các ngài đã chết và như đi vào cõi diệt vong, nhưng thật ra các ngài sống trong bình an và vẫn không hề chết. Thiên Chúa đã thử thách họ như thử vàng trong lửa, và chấp nhận họ như của lễ toàn thiêu. Khi đến lúc, họ sẽ sáng chói và chiếu toả như ánh lửa chiếu qua bụi lau vì họ đã tin tưởng ở Chúa và trung thành với Chúa trong tình yêu. Tất cả cuộc đời Tổng Thống Diệm chẳng phải là như vậy đó sao ? Và người chẳng đang không hề chết nơi sự hiện diện của chúng ta nơi đây và nơi mọi người Việt Nam khắp nơi trên thế giới đó sao ?
Hình ảnh thứ hai được Thánh Phaolô diễn tả trong Thư gửi Giáo đoàn Roma trong Bài Đọc 2 (Rm 6, 3-9), là hình ảnh của Người Tín Hữu, của kẻ trọn vẹn thuộc về Chúa Kitô nhờ bí tích Rửa Tội, nhờ cùng sống, cùng chết và cùng được mai táng với Chúa Kitô. Cả cuộc đời của TT Diệm chẳng phải là như vậy đó sao ?
Hình ảnh thứ ba nơi bài Phúc Âm (Ga 12, 20-33), được Chúa Giêsu nói đến như một điều kiện của người môn đệ đích thực của Ngài, đó là hình ảnh của Hạt Lúa : Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, sẽ nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Cả cuộc đời của Tổng Thống Diệm chẳng đã là hạt lúa nuôi dân cho đến chấp nhận rựa mục, là hy sinh chính mình cho làm trổ sinh thật nhiều bông hạt đó sao ?
… Thưa cụ, dù đã nửa thể kỷ qua đi, nhưng hôm nay chúng con về còn đây để tưởng nhớ và thương tiếc cụ, để kính dâng lên cụ niềm tri ân sâu xa của bao người con dân Việt Nam, và với hy lễ toàn thiêu của Chúa Kitô chúng con cùng nhau dâng trong Thánh Lễ này, để chuộc lại những lỗi lầm và chuộc lại giá máu phải trả khi làm đổ máu Người Công Chính. Vì tình yêu bao la cụ luôn dành cho dân nước Việt Nam, xin cụ tha thứ cho những bậc cha anh chúng con. Họ không biết việc họ làm. Và xin cho từ những giọt máu đào của cụ và của những người anh em cụ đổ ra, được trổ sinh ra muôn ngàn bông hạt, cho một Việt Nam thoát ách cộng sản, cho một Việt Nam tự do, thanh bình, dân chủ và thịnh vượng.

Lm Nguyễn Xuyên

0 comments:

Powered By Blogger