Tuesday, August 23, 2011

Nước mắt và lương tri


Sáng qua (23-8), trong một phiên tòa xét xử lưu động giữa lòng dân cư có đông người dân dự khán, thiếu nữ tát CSGT bị Tòa Án ND quận 12 TPHCM tuyên phạt 9 tháng tù giam vì tội “Chống người thi hành công vụ”, (bênh vực mẹ, tát tai CSGT) cô gái 18 tuổi Phạm Thị Mỹ Linh (SN 1993, ngụ phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TPHCM), bật khóc nức nở và ngất xỉu tại nơi xử án.

(Bị cáo : Nữ học sinh Phạm Thị Mỹ Linh trước tòa ngày 23-8-2011)


Sau khi tuyên án, Linh ngất xỉu và được đưa đi cấp cứu - Ảnh: Trần Duy

Cũng cùng trang lứa, cũng rơi nước mắt, vì người thân, đấng sinh thành – Hà Nội ngày 23/3/2011 Cô gái Trịnh Kim Tiến khóc gào“Bố ơi, bố có nghe tiếng con gọi bố không? Bố ơi bố, bố chết oan lắm bố ơi…” trước cái chết tức tưởi của cha là Trịnh Xuân Tùng do CA đánh chết vì tội dám cự cãi lại cái lỗi “không đội nón bảo hiểm” khi đi xe máy.


(Cô gái Trịnh Kim Tiến cũng khóc ngất trong ngày đưa Cha ra huyệt mộ)

Một tiếng thở dài ngậm ngùi để suy tư – Phải chi thay vì hình ảnh cô con gái khóc gào vĩnh biệt cha là hình ảnh viên trung tá công an Nguyễn Văn Ninh kẻ giết người tàn nhẫn cũng đứng trước vành móng ngựa, trước đông đảo nhân dân, trước quan tòa, rơi lệ ăn năn hối lỗi y hệt như cô gái trẻ lỡ tay tát tai CSGT nói trên thì thần công lý chắc sẽ mĩm miệng cười, bởi không cần phải cán bộ hay công chức nhà nước mà mọi người dân đều thuộc lòng “lời dạy” của đảng CSVN “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Chưa nói đến tội trạng, cái động tác hối hận như xin lỗi là hành vi tối thiểu mà một học sinh cấp một đã phải thuộc lòng trước ngưỡng cửa học làm người.

Trong các điều luật hình sự hiện hành có phân tích cụ thể các chi tiết tình huống phạm tội để tăng nặng hay giảm nhẹ cho cùng một một tội danh.

…“Con sống trong gia đình thiếu bóng người cha. Nhiều lần con thấy ba đánh mẹ, mẹ khóc hoài. Mẹ lại mang trọng bệnh nên khi xảy ra sự việc, con tưởng mẹ bị ăn hiếp...”, cô gái tát cảnh sát giao thông (CSGT) nức nở nói trước tòa như vậy …và khi nhân viên CSGT nắm chiếc xe máy của Linh và mẹ kéo lại đồng thời rút chìa kóa xe bỏ túi thì hành vi bộc phát của Linh mới xuất hiện bởi bênh mẹ và sợ xe bị giam không có xe để mẹ đưa đi học... Rõ ràng ở cái tuổi học trò ăn chưa no lo chưa tới, lần đầu tiên vi phạm, sau đó một ngày, hối hận, Linh nhờ mẹ đưa tới cơ quan tìm người CSGT ấy nhiều lần để xin lỗi, nó rất khác với các hành vi ngoan cố côn đồ có thể nhận diện được... và đem một học sinh nữ trong trường hợp ấy ra trước cộng đồng xét xử như thế chưa phải là một giải pháp tốt trong giáo dục nhân cách cho học sinh, lứa tuổi dễ tổn thương tinh thần nhất – Và vì vậy một trường hợp rất đáng giảm khinh để nhận bản án treo như răn đe giáo dục tốt hơn là 9 tháng tù giam.

Ngược lại, người phạm lỗi không đội nón bảo hiểm (vi phạm hành chính) là một lỗi rất nhẹ mà trong góc khuất xử lý có nhận định: nếu người vi phạm chạy trốn, việc đuổi theo bắt lại có khả năng gây nguy hiểm lớn hơn cũng có thể bỏ qua thì hành vi tấn công người vi phạm không đội nón bảo hiểm bằng trang cụ, gây nên cái chết, rất khó cho là tội ngộ sát khi đi kèm có 3 dân quân hổ trợ! Nếu cơ quan điều tra quang minh chính trực thì chi tiết có thể nặng hơn rất nhiều, hoàn toàn vô trách nhiệm xem rẻ tính mạng người dân khi người nhà cảnh báo hậu quả của việc tấn công đang đe dọa sự sống nạn nhân nhưng vẫn dứt khoát không cho đi cấp cứu, cuối cùng sự trì hoãn ấy là nạn nhân đến bệnh viện mà cổ tay vẫn bị còng theo cán cứu thương. Không có sự vô trách nhiệm nhẫn tâm nào hơn của một cơ quan chức năng mà sự có mặt là vì sự sống và an toàn của người dân?

Gần nửa năm, nạn nhân nằm sâu trong lòng đất, gia đình khiếu nại, được Đại tá Nguyễn Đức Chung - Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết vụ việc đang điều tra?

Hai giòng nước mắt của hai cô gái trẻ rơi giữa đời thường không biết có làm cho lương tri của một nhà nước Pháp Quyền lay động?

Hoàng Thanh Trúc

0 comments:

Powered By Blogger