Thưa ông Quý Thanh:
Bài “Cù Huy Hà Vũ và chiêu bài nhân cách” của ông đã làm tôi thất vọng. Tôi ân hận đã trót dành cho ông một chút tôn trọng ở bài viết trước. Tôi định không viết gì cả, vì chẳng còn gì để nói với một người có tâm địa như ông. Nhưng câu cuối trong bài, ông đã gián tiếp nhận mình là một trí thức, để dạy dỗ, khuyên răn những trí thức Việt Nam khác, khiến tôi lại phải lên tiếng.
Theo thiển nghĩ của tôi thì một người được gọi là trí thức phải ít nhất hội đủ hai điều kiện: Điều kiện cần là phải am hiểu sâu, rộng trong lĩnh vực chuyên môn mà mình làm việc, điều kiện đủ là phải trung thực và nhân hậu.
Nếu xét theo định nghĩa trên thì ông thiếu cả hai. Ông không đủ tư cách để đứng vào hàng ngũ của những người trí thức Việt Nam. Nếu ông cứ tự nhận mình là một trí thức, thì tôi buộc lòng phải gọi ông là một trí thức lưu manh. Tôi thực tình không muốn dùng từ này, nhưng không thể tìm ra từ nào đúng hơn, và bây giờ tôi sẽ chứng minh.
Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ sở hữu văn bằng tiến sỹ luật, tại một trường Đại học danh tiếng của Âu châu. Tuổi đời của tiến sỹ cũng đã trên 50. Vậy mà trong bài viết ông cố tình không dùng học vị tiến sỹ, không dùng những đại từ nhân xưng “Ông” hay “Anh”. Ổng viết: “Vũ xuất hiện…”, “Vũ tự ý…”, “Vũ đi kiện…”, “Vũ trở thành…” “Vũ điên cuồng…” Chỉ những tên ô trọc, học đòi, trưởng giả mới sử dụng cách xưng hô trịch thượng với cấp dưới, kẻ cả với người nghèo, dọa nạt những người yếu, sách nhiễu tầng lớp tiện dân. Người trí thức không ai dám ăn nói như vậy.
Những người ủng hộ tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ bao gồm cả những cụ già đã ở độ tuổi 80, 90, đáng tuổi bố mẹ, đáng tuổi ông bà; gồm những chính khách nổi tiếng, những linh mục, giám mục, hòa thượng, những tiến sỹ, giáo sư thứ thiệt, những chính phủ của các cường quốc, những tổ chức quốc tế uy tín, và cả hàng triệu người dân lương thiện Việt Nam. Tất cả, đều được ông gọi là “Bọn”, “Kẻ”. Ông nói theo kiểu “cá mè một lứa” thường thấy ở những đứa trẻ không nhận được sự giáo dục chu đáo. Người trí thức, là người được đào tạo bài bản, không ai dám sử dụng cách xưng hô như vậy.
Những trí thức viết báo không ai chúi mũi vào đời tư của người khác. Bởi vì đó là những nỗi buồn vui, khổ đau, thất vọng, rất riêng tư. Một khoảng “không gian” thiêng liêng cuối cùng của một đời người, mà ai ai cũng có, phải được tôn trọng. Thế mà, ông không những ông dí mũi vào ống khóa nhà vợ chồng tiến sỹ Vũ, mà ông còn nhòm cả vào buồng riêng nhà ông bố vợ. Ông lùng sục từ cơ quan đến nhà riêng. Ông “bới lông tìm vết”. Ông khai thác mọi tình tiết. Ông cường điệu, thêu dệt, nhào nặn mọi mối bất hoà trong gia đình người ta, rồi phơi bày lên mặt báo. Ông chà đạp lên nỗi riêng tư của người khác. Đó là hành vi tồi tệ nhất của một người cầm bút. Đó là một tội ác. Người trí thức không ai làm điều này cả, thưa ông Qúy Thanh.
Khi ông bôi nhọ tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ trên mặt báo, gia đình tiến sỹ đã nêu ý kiến phản đối, ông không không đăng lại. Gia đình lại gởi đơn khiếu nại, ông không giải quyết. Ông cố lờ đi những ý kiến của phía đối diện. Ông đối thoại một chiều theo kiểu “cả vú lấp miệng em”. Đó là cách hành xử của những tên du côn dùng sức mạnh của cơ bắp để bắt nạt những người yếu hơn, dùng phương tiện để hiếp đáp những kẻ yếm thế. Người trí thức là kẻ quân tử trọng sự công bằng. Không ai hành xử như ông.
Dựa vào đâu mà ông phán rằng tiến sỹ Vũ “không hề lao động”. Thưa ông, theo tôi biết thì những người làm công việc nghiên cứu, giảng dạy, hoặc sáng tạo, không cần phải đến cơ quan đúng giờ, mỗi ngày, như những công chức hành chánh, nên việc tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ ít đến cơ quan là hoàn toàn dễ hiểu.
Hơn nữa, những bài viết, những chính kiến, những đề nghị, những đòi hỏi của tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ đã bộc lộ ra một quá trình lao động miệt mài nhiều năm, sự tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn, độc lập suy nghĩ để rút ra những kế luận riêng. Đó là kết quả của một quá trình lao động nghiêm túc, phi thường, một quá trình tích lũy kiến thức trong nhiều năm – mà ông gọi là “25 năm câm lặng” đó, thưa ông Qúy Thanh.
Nếu nói đến việc “không hề lao động” của những cán bộ nước nhà thì có lẽ không ai bằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – người mà dân Hà Nội quen gọi là “Trọng lú”. Bởi vì từ khi ông làm chủ tịch Quốc hội, nay làm Tổng bí thư, không một sáng kiến, không một thay đổi, hay bất cứ một sự tiến bộ nào mang lại cho quốc gia. Ngược lại, Quốc hội càng ngày càng xa dân. Cán bộ ức hiếp dân. Công an đánh dân. Đảng càng ngày càng suy đồi. Đảng viên càng ngày càng sa đọa. Dân oan càng ngày càng đông. Ngư dân bị sách nhiễu. Toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa. Tổng bí thư không đưa ra một biện pháp cụ thể nào để giải quyết những vấn nạn trên. Đây mới chính là một “gương điển hình” của sự lười tư duy, lười quan sát, lười lắng nghe, lười học hỏi, lười hành động. Đáng lẽ ông nên phê bình Tổng bí thư và Bộ chính trị là “không hề lao động” thì mới đúng. Là một trí thức mà sao ông lại “nhất bên trọng, nhất bên khinh” như vậy.
Cấp phát lương là công việc của người lãnh đạo cơ quan. Nếu xét thấy tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ không xứng đáng với số tiền lương được hưởng, thì người lãnh đạo có quyền cắt. Ông muốn thắc mắc điều gì thì nên tìm đến người lãnh đạo. Hà cớ gì mà khiển trách tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ. Phát thì người ta nhận. Tiến sỹ Vũ đâu tham ô, hối lộ, hay móc ngoặc gì đâu mà ông phải “bới lông tìm vết”. Người trí thức không ai có những tâm địa nhỏ nhen, hằn thù, cá nhân như vậy.
Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ đi kiện, là hy vọng công lý được thực thi. Trong vụ kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tiến sỹ Vũ thừa biết rằng đó chỉ là vụ “con kiến đi kiện củ khoai”. Nhưng ông vẫn làm, để cho thủ tướng Dũng phải mở mắt ra, để dạy cho dân Việt biết cách đòi lại những quyền lợi đã bị đánh cắp. Ngày trước Bác Hồ ở Pháp về dạy cho dân Việt biết cầm súng bắn nhau. Ngày nay tiến sỹ Hà Vũ cũng ở Pháp về, cũng muốn dạy cho dân Việt biết mở miệng, nói to, nói rõ, nói thẳng, nói thật cho nhau nghe. Thế nhưng dưới con mắt của ông thì đó là những vụ kiện để “chuẩn bị cho việc thực hiện một tính toán cá nhân: làm Bộ trưởng.” Ông đã cố công lắp ghép mọi sự kiện riêng lẻ lại, rồi dán cho tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ một cái nhãn “đam mê quyền lực”. Tiếc thay, những tính toán của ông đã phơi bày một sự ấu trĩ.
Thưa ông, một học sinh trung học ở Việt Nam cũng hiểu “lộ trình” để giành được quyền lực là được kết nạp Đảng càng sớm càng tốt, phải tham gia các phong trào: như vẽ tranh cổ động, ca nhạc quần chúng, tham gia công tác đoàn, viết báo, làm thơ ca ngợi Đảng – Bác, vào trường Nguyễn Ái Quốc học nhì nhằng vài khóa, kiếm cho ra vài cái “tiến sỹ, giáo sư” để hù thiên hạ, luồn cúi cấp trên cho thật khéo để được “đề bạt”, mở miệng ra là nói về Đảng Bác, về Chủ nghĩa xã hội, cộng với một lý lịch thật hào nhoáng, thì cái ghế “Bộ trường” nằm chắc trong tay. Nếu như tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ muốn, thì “lộ trình” trên hoàn toàn khả thi. Cần gì ông phải đi kiện để nhằm làm bộ trưởng. Nỡ lòng nào ông lại gán tiếng xấu cho người khác một cách quá sống sượng, trơ tráo đến như vậy.
Từ trước tới nay, không thấy ai nói đến việc nhà thơ Huy Cận bị thằng con trai phản bội. Nay thằng con trai của nhà thơ làm phật lòng Đảng. Thế là ông làm xiếc ra một tội danh mới, tội “phản bội bố”, và ông nâng lên thành quan điểm “một kẻ phản bội lại chính bố mình thì có gì mà không dám phản bội?” Nếu giả thiết này là đúng, thì ông sẽ trả lời thế nào trong trường hợp lãnh tụ Hồ Chí Minh đã “phản bội” bà Nông thị Xuân cùng con trai sơ sinh Nguyễn Tất Trung, nhưng Bác vẫn không hề phản bội Đảng. Tôi viết điều này không nhằm bôi nhọ Bác Hồ, mà chỉ muốn nêu ra rằng những suy luận của ông quá bệnh hoạn. Người trí thức không có lối tư duy khập khiễng như vậy.
Nhưng thưa ông Quý Thanh, dư luận thời nay không còn dễ dãi cho ông “định hướng”. Nhân dân không phải là những con bò để ông xỏ mũi. Quần chúng không phải là bầy cừu để ông lùa vào lề phải, hay đuổi qua lề trái. Nếu ông không nhận thấy điều này, thì ông không thể là trí thức vì người trí thức rất mẫn cảm với thời cuộc.
Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ cho rằng liên minh với Hoa Kỳ là một “mệnh lệnh của thời đại”. Đó là một nhận định mang tính cá nhân. Nếu ông không thích, thì bỏ ngoài tai. Làm gì đến mức phải hận thù cay đắng. Hơn nữa, thưa ông, nếu ông cho rằng nhận định trên là “phản động” thì xin các ông đừng gởi con cháu qua Mỹ học nữa, đừng học tiếng Anh nữa, đừng sử dụng đồng đô-la Mỹ nữa, đừng nhận kiều hối nữa, đừng mang hàng qua Mỹ bán nữa, đừng ra thăm hạm đội của Mỹ nữa. Miệng chửi Đế quốc Mỹ, tay vơ vét đô-la Mỹ. Đó là hành vi của những tay lái buôn bất hảo, không phải hành động của trí thức, thưa ông.
Ở bài báo trước ông đã đẻ ra một thứ quái thai “Trí tuệ đi đôi với dân chủ” bị thiên hạ nhổ nước miếng vào mặt, tưởng rằng ông biết rút kinh nghiệm nào ngờ ông lại viết:“Vũ chẳng có tư cách gì về trí tuệ cũng như phẩm giá để nói về những vấn đề trọng đại của đất nước”.
Ông viết vậy là ông đã mang cứt bôi vào mặt Đảng. Ông xuyên tạc đường lối của Đảng. Ông phá hoại thanh danh của Đảng. Vì Đảng ta chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” Nghĩa là tất cả công dân Việt Nam đều có quyền được biết, được bàn, được giám sát mọi vấn đề của đất nước. Chẳng lẽ một tiến sỹ luật, tốt nghiệp ở một trường Đại học lừng danh của thế giới, con nhà nòi, gốc Hà thành, lại không đủ trí tuệ để bàn đến việc nước sao. Trong khi mấy anh gốc Cà Mau, Kiên Giang, học chưa xong lớp 3 trường làng “ăn không nên đọi, nói chẳng ra lời”, không viết nổi một bài báo ngắn, lại làm thủ tướng, làm bộ trưởng. Nếu nói như ông, thì Đảng nên phân loại công dân thành hai nhóm: nhóm những người đủ “tư cách, trí tuệ, phẩm giá” được“bàn đến những việc trọng đại của đất nước”, nhóm còn lại là không đủ “tư cách, trí tuệ, phẩm giá” nên không được“bàn đến những việc trọng đại của đất nước”.
Câu đầu tiên trong bài ông khẳng định“những nhân cách lớn để tạo ra những động lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”. Ông làm tôi suy nghĩ mãi không ra. Lạ thiệt, nhân cách nào có thể lớn hơn nhân cách của các đồng chí Lê-nin, Sta-lin, mà sao xã hội Liên Xô không những không tốt đẹp hơn, mà còn bị tiệt chủng như loài khủng long vậy? Ai là người có thể so sánh nhân cách với Mao chủ tịch, mà sao dân tộc Trung Hoa, phải trải qua những cuộc tắm máu trong những năm “Cách mạng văn hóa”? Có mấy ai nhân cách cao cả hơn nhân cách của hai cha con lãnh tụ Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật, mà sao Bắc Triều Tiên sau hơn nửa thế kỷ xây dựng Chủ nghĩa xã hội, nay vẫn thuộc vào những nước nghèo đói nhất thế giới?
Nhìn qua Mỹ, Canada, Nhật, Nam Hàn, Úc, Thụy Điển, Na Uy, đất nước họ không có những “Cha Già dân tộc”, không có “Người cầm lái vĩ đại” không có “Lãnh tụ thiên tài” hay nói theo ngôn ngữ của ông là họ không có những “nhân cách lớn” mà sao xã hội của họ cứ ngày một tốt đẹp hơn. Chẳng cần phải là trí thức, một phó thường dân cũng nhận thấy điều này. Mà sao ông lại không biết thì lạ thiệt. Nếu tôi hiểu sai ý ông, mong ông thứ lỗi, và xin cho lời giải thích.
Thưa ông Quý Thanh, những đoạn cuối trong bài, ông có đôi lần nhắc đến “chan chứa tình yêu thương”. Mà sao những nhân vật trong bài viết chẳng nhận được chút yêu thương nào dù là nhỏ nhất từ tấm lòng ông. Trái lại, người ta thấy ông tung ra nhiều kiểu đánh của các băng đảng xã hội đen – “đánh hội đồng” “đánh hôi”, “đánh lén”, “đánh công khai”, “đánh bán công khai”, “đánh dằn mặt”, “đánh phủ đầu”. Nhân vật còn đang hấp hối, ông đạp cho nó chết hẳn. Ông không xót thương. Vậy mà ông lại luận bàn chuyện “chan chứa tình yêu thương”. Hình như cái thứ “chan chứa tình yêu thương” mà ông sử dụng chỉ để đánh lừa bạn đọc, cho ra vẻ bài viết của ông mang tính nhân văn. Nếu ông nghĩ vậy, thì ông lầm. Lẽ nào ông lại quên một điều căn bản “bình chứa máu, đổ ra sẽ là máu, bình đựng rượu, rót ra sẽ là rượu”.
Thưa ông, người chan chứa yêu thương, không dùng hai bao cao su bẩn để vu tội người khác. Người chan chứa yêu thương thì không bôi nhọ, hạ nhục người khác bằng những ngôn từ như ông đã dùng. Người chan chứa yêu thương không bỏ tù người khác chỉ vì họ nêu lên những chính kiến riêng. Người chan chứa yêu thương không ăn thịt một đồng loại đang lúc sa cơ. Người chan chứa yêu thương không vu cáo, chụp mũ cho người khác. Đó là những hành động của kẻ nhỏ nhen, hận thù, và ác độc.
Đã hơn 3 giờ sáng. Không gian yên lặng quá. Tôi nghe tiếng gió thu rì rào ngoài khe cửa, tiếng thở đều đều của thằng con trai đang ngủ phòng bên. Tôi còn muốn viết cho ông nữa, ngặt nỗi ngày mai còn quá nhiều điều phải lo toan. Tôi xin phép kết thúc nơi đây, thưa ông.
Rồi những phiên tòa sẽ qua đi, những điều vu cáo cũng sẽ im ắng dần, rồi những ngài chánh án cũng thôi gào thét, chỉ còn lại hai bao cao su, chan chứa tinh dịch và dịch âm đạo, sống mãi trong ký ức của những người dân Việt hôm nay.
© Trần Hồng Tâm
----------
Duc H. Vu :
Nếu tôi là ông Qúy Thanh, đọc xong bài này tôi sẽ phản hồi lại 1 bài gồm 1 câu 5 chữ vỏn vẹn " Tôi xin lỗi mọi người" hoặc tôi kiếm 2 thước dây thừng .... chứ nhục nhã này, xấu hổ này làm sao gột rửa đây ?
0 comments:
Post a Comment