I. Dàn Dựng Thế Lực
1. Hoa Kỳ và Trung Quốc từ đầu thế kỷ 21 đã trở thành hai siêu cường quốc bá chủ thế giới về khả năng tổng hợp kinh tế, quân sự, trong thế vừa nương tựa, vừa canh trừng đối tác.
Gần đây và trong vài thập niên tới, Trung Quốc, vì muốn tạo thêm bề thế cốt lõi, sẽ tạo dựng một cuộc chiến bất quy ước, thao túng trên mặt biển Đông Nam Á, lúc áp đảo, khi hoãn binh; lúc thô thiển dương nanh vuốt, dồn thế lực cứng trên hải đảo Hoàng Sa, Trường Sa và toàn lãnh hải trong Vùng; khi mập mờ, gian xảo dùng thế lực mền trên bàn hội nghị quốc tế, trên thị trường dởm toàn cầu, cung cấp hàng hoá rẻ tiền, sản phẩm man trá, nguy hại.
Lần này Trung Quốc không xử dụng chiến thuật “biển người”, lấy số đông tràn đánh cứ điểm, mà thực sự cướp biển, phá ranh, dùng vũ lực và kỹ thuật tân tiến ăn cắp từ phương Tây để gây náo động và vơ vét tài nguyên của thiên hạ. Hết còn lý tưởng ý thức hệ Mác-Mao, mà chỉ còn mưu mô thô thiển thổ phỉ, ăn cướp đảo, ăn hiếp biển của lũ mafia tân hải tặc ngông cuồng.
Và một lần nữa Hoa Kỳ sẽ phải đương đầu với một cuộc chiến tranh nửa lạnh, nửa nóng, mà trọng tâm không phải là Châu Âu mà lại là Châu Á và nhất là trên mặt biển Đông Nam Á, giáp Thái Bình Dương.
Đối tác chiến lược của Hoa Kỳ không còn là thế lực Nga Xô của thế kỷ 20 mà chính là tham vọng bá chủ “Hán hoá” thế kỷ 21 của Trung Quốc, sẵn sàng tung chưởng tên lửa hạt nhân, đặt từ vùng ven biển và hậu cứ, hoặc di động trên tiềm thủy định, hoặc khai hoả song song với những cuộc oanh tạc của các phi đoàn cất cánh từ hàng không mẫu hạm mà Trung Quốc đang doạ hoàn thành từ cái vỏ “lạc xoong” mua lại của Ukraina.[A & 4]
Đi thêm vào chi tiết, chúng ta có thể kiểm kê lực lượng quân sự của Trung Quốc như sau:
[a] Theo con số Bắc Kinh công bố chính thức, Trung Quốc chỉ có ngân sách quốc phòng 93,5 tỷ USD năm 2011, so với Mỹ là 553 tỷ cho năm 2012. Tuy thế, giới quan sát Phương Tây tin rằng con số chi phí quốc phòng thực của Trung Quốc có thể cao hơn.
Dù sao sự chênh lệch vẫn là bên 1, bên 6 và như vậy, Trung Quốc vẫn chưa đủ sức đương đầu tay đôi với Hoa Kỳ, nhất là giao chiến quy ước bằng không quân và hải quân.
[b] Trung Quốc đã chuẩn bị chôn hệ thống cáp quang viễn thông [mạch quang tuyến thông tin] sâu dưới mặt đất để tránh pháo kích hoả lực đối phương; di chuyển hệ thống phòng thủ sâu vào đất liền phía Tây Hoa để tránh mũi tên lửa hạt nhân của Hoa Kỳ; đồng thời sẵn sàng nhằm gây thiệt hại bằng chính mũi tên lửa của họ khi đối phó chống các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ tiến gần chiến tuyến.
[c] Hệ thống tiềm thủy định, đa số chạy bằng dầu cặn diesel, với ba chiếc chạy bằng nguyên tử lực, có đủ số lượng để doạ nạt các quốc gia cạnh biển, với mục đích ngăn cản họ cho phép chiến thuyền Hoa Kỳ cập bến. Ngoài ra các tiềm thủy định đa số lỗi thời [thặng dư chiến cụ Nga Xô] có thể “thí mạng cùi” thành những “bom-tiềm-thủy-định” phát nổ khi xô xát đụng vào chiến thuyền đối phương.
[d] Cũng nên thận trọng về khả năng đôn đốc tin chiến điện tử [cyberwarfare] của Trung Quốc khi quân đội được tân trang trong lãnh vực tin học và huấn luyện về ngành tin tặc. Mục đích chính của Trung Quốc là quấy nhiễu, đe nạt, khủng bố tinh thần đối phương và nhất là những quốc gia trong khu vực.
Vậy, khi tham chiến tại vùng biển Đông Nam Á, Trung Quốc có lợi thế hậu cứ chiến lược, đồng thời tăng cường kỹ thuật tác chiến và hoả lực dồi dào. Trung Quốc có thể trở thành một con cọp biển hung dữ, dù đôi lúc da cọp Hán thuộc lại mang nhãn hiệu “Cọp giấy” – made in China.[1]
2. Do đó, Hoa Kỳ sẽ phải cập nhật một số chiến lược và chiến thuật hầu kịp thời kìm hãm, phanh phui hay phá hủy sức công phá chỗ tân tiến, đa dạng, lúc bất quy ước, man trá của Trung Quốc.
Trước hết, trong thế chiến lược này, Hoa Kỳ sẽ không đặt gánh nặng vào lục quân — các binh chủng hoạt động trên bờ, như bộ binh, thiết giáp. Nếu thủy quân lục chiến là lực lượng trọng đại tại Iraq, Afghanistan, thì tại mặt trận Châu Á Thái Bình Dương, Hải quân và các đơn vị trực thuộc là lực lượng lãnh đạo cuộc chiến đa dạng, trên và dưới mặt biền, trong không gian và mọi hình thức viễn chinh tầm nã lục địa Trung Quộc.
Đầu não chiến lược thuộc Bộ Tư Lệnh Hoa Kỳ Tại Thái Bình Dương — US Pacific Command [PACOM],[2] đặt đại bản doanh tại Hạ Uy Di [Hawaii], với sinh hoạt mỗi lúc gia tăng khi trọng tâm chiến lược Hoa Kỳ chuyển hướng về khu vực Châu Á Thái Bình Dương thay vì sa lầy tại Trung Đông.
PACOM có nhiệm vụ bảo vệ Hoa Kỳ và những địa hạt Hoa Kỳ [American territories] trong Vùng, kể cả các quốc gia liên minh, với trọng trách [a] bảo an khu vực, [b] ngăn chặn mọi giao chiến xâm lược, và [c] khi hữu sự, phải sẵn sàng lâm chiến toàn bộ để [d] vãn hồi an ninh và hoà bình thịnh vượng cho vùng Châu Á Thái Bình Dương.
PACOM xuất phát từ Tổ chức Quân Sự Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương trong cuộc Chiến Tranh Phi Luật Tân [the Philippines War, 1899-1902]. Từ khi đặt cơ sở tại Ha Uy Di, PACOM không ngừng tăng trưởng lực lượng chiến đấu, có lúc cho CENTCOM [Tư Lệnh Chỉ Huy Mặt Trận Trung Đông] mượn các đơn vị tác chiến, như binh chủng Thủy Quận Lục.
II. Chuẩn Bị Tác Chiến
1. Những đơn vị tác chiến nội thuộc hay liên kết với PACOM gồm có:
- Joint Interagency Task Forces West [Lực Lượng Liên Vụ Tác Chiến Đặc Nhiệm Miền Tây];
- Joint Special Operations Task Forces Philippines [Lực Lượng Đặc Biệt Phối Hợp Tác Chiến Đặc Nhiệm Phi Luật Tân];
- Joint Task Force-Support Forces Antartica [Lực Lượng Liên Trợ Đặc Nhiệm Nam Cực];
- Marine Force Pacific [Lực Lượng Thủy Quân Lục Chiến Vùng Thái Bình Dương];
- Pacific Air Force [Không Đoàn Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương]
- US Army Pacific [Quân Đoàn Bộ Binh Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương]
- US Coast Guard 14th Division [Sư Đoàn Tuần Hải 14]
- US Force Japan [Binh Chủng Hoa Kỳ Đặc Nhiệm Nhật Bản]
- US Force Korea [Binh Chủng Hoa Kỳ Đặc Nhiệm Đại Hàn]
- US Pacific Fleet [Hạm Đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương]
- US Special Orerations Command Pacific [Lực Lượng Đặc Biệt Thuộc Tư Lệnh Thái Bình Dương]
- Asia-Pacific Center for Security Studies [Trung Tâm An Ninh Sự Vụ Đặc Trách Thái Bình Dương]
2. So sánh Khả Năng Chiến Thuật:
Trong giai đoạn này, hiểm hoạ Trung Quốc về mặt quân sự, dù mỗi lúc mỗi dồn dập, vẫn chưa đạt tới mức độ “trầm trọng” đáng kể, khi khả năng chiến đấu của Hoa Kỳ vẫn vượt mức ở nhiều thế chiến thuật.
Trước hết trên mặt biển, các chiến hạm, chiến thuyền Hoa Kỳ có tổng số trọng tải gần 3 triệu tấn, ngang với mức trọng tải chung toàn cầu, trong khi hải quân Trung Quốc chỉ chuyển động nổi khoảng 250 ngàn tấn.
Hoa Kỳ có tất cả 11 hàng không mẫu hạm đang hoạt động [3] trên tổng số 21 chiếc toàn cầu, trong khi Trung Quốc còn loay hoay tái dụng chiếc tầu sân bay vừa mua “lạc xoong” của Ukraina. [4] Về loại chiến hạm này, Trung Quốc còn kém cả Thái Lan. [5]
Để cập nhật hoá nhu cầu chiến thuật mỗi lúc mỗi đa dạng, Hải Quân Hoa Kỳ đã phân loại ba loại chiến hạm, chiến thuyền, với tác dụng và khả nắng tác chiến chính xác cho từng mặt trận, từng môi trường đối tác:
[a] Chiến Thuật Điểm tựa Cho Viễn Chinh [platform for offshore bombing]:
Các hàng không mẫu hạm thuộc Đệ Tam & Đệ Thất Hạm Đội [Third & Seventh Fleets] được dùng vào chiến thuật viễn chinh tại vùng Châu Á Thái Bình Dương, nhờ đó mọi vị thế trên mặt biển trở thành điểm tựa “sân bay” cho các khu trục, oanh tạc cơ tới gần cứ điểm thả bom hay oanh kích mục tiêu.
[b] Chiến Thuật Giáp Chiến Biệt Kích [Littoral Special Operation Combat]:
Để sử dụng vào chiến thuật giáp chiến biệt kích ven bờ biển, Hải Quân Hoa Kỳ đã cho General Dynamics và Lockheed Martin chế tạo loại chiến thuyền cỡ nhỏ, dài vào khoảng 135 thước [400 feet], có khả năng di chuyển nhanh trên mặt nước cạn. Loại chiến thuyền “giáp chiến ven biển” này được gọi là “littoral-combat ship” [LCS] thường được dùng để chuyển quân biệt kích Navy SEALs trong những cuộc giáp chiến với các nhóm phiến loạn tại Indonesia, Malaysia, và Philippines.
Ngoài ra, Hải Quân Hoa Kỳ còn cho chế tạo loại chiến thuyền Mark V, nhỏ hơn, dài vào khoảng 27 thước [80 feet], di chuyển nhanh với tốc độ 50 dặm biển một giờ và khả năng chuyển động xuyên 600 hải lý tới địa điểm tác chiến. Các đội biệt kích Navy SEALs sẽ thả phao có động cơ nhẹ, dài gần 2 thước [5 feet] để cặp bờ một cách thuận tiện. Phí tổn chế tạo tầu Mark V khoảng 5 triệu Mỹ Kim một chiếc, chưa bằng một phần mười giá của một phản lực chiến đấu F/A-22.
Chiến hạm USS Independence LCS-2 biểu diễn chạy trên biển
[c] Chiến Thuật Biệt Kích Lén Nhập [stealth operations]:
Đề thực hiện chiến thuật biệt kích xâm nhập lén vào địa phận địch, Hải Quân Hoa Kỳ dùng các tiềm thủy định cỡ nhỏ, chạy bằng dầu cặn diesel chuyên chở và thả cảm tử quân [commandos] lên bờ trước hết để giết địch, sau để xâm nhập kín đáo vào sâu địa phương lập tổ chiến đấu.
Một khuyết điểm về việc sử dụng tiềm thủy định cỡ nhỏ là sự hạn chế cung cấp dụng cụ và hoả lực tác chiến. Do đó, lực lượng cảm tử quân phải là những đơn vị biệt kích xông xáo linh động, nhằm móc nối với các phần tử tác chiến bạn trong đất liền.
Dù sao, tiềm thủy định vẫn là loại chiến thuyền có triển vọng trong tương lai vì có khả năng lẩn chốn dễ dàng dưới đáy biển để tránh hoả tiễn của địch. Về mặt chiến thuật, nếu tăng trưởng và tân trang thêm, hệ thống tiềm thủy định sẽ hữu hiệu hơn các hàng không mẫu hạm.
Ngoài ra, Hải Quân Hoa Kỳ cũng đã tân trang bốn [04] tiềm thủy định cỡ lớn [Trident subs], chạy bằng nguyên tử lực, với khả năng vừa phóng tên lửa từ dưới mặt nước [submarine-launched ballistic missile – SLBM], vừa dùng hoả lực quy ước [conventional warheads] một cách chớp nhoáng và chính xác, đồng thời còn chuyên chở và đổ bộ ồ ạt các đơn vị biệt kích xâm nhập, với đầy đủ hoả lực cần thiết.
Loại tiềm thũy định tân trang này còn có thể phóng lên những máy bay thám sát không người lái đường dài [long-range unmanned spy aircraft], do chuyên viên điều khiển từ tiềm thủy định.
Ngoài ra, tầu ngầm cũng có thể trở thành những trụ sở tư lệnh viễn chiến di động, mà địch quân khó có thể xác định ngay vị trí.
III. Đa Diện Hoá Chiến Lược
Mặt trận chống chiến tranh bất quy ước phải linh động tương tự.
1. Phân Hoá Bản Doanh Nhằm Đa trạng Hoá Trục Chiến Lược
Trước hết Hoa Kỳ cần phân hoá bản doanh cốt để [a] tăng thêm địa bàn chuẩn bị giao chiện, thêm bàn đạp phóng hoả, tung máy bay oanh tạc, thám thính, thả bom; thêm trung tâm dưỡng quân hay tung lực lượng tham chiến và [b] cũng để phân hoá áp lực đột phá của địch quân hay tránh hoả lực của họ.
Hải đảo Guam là một địa hạt của Hoa Kỳ [American territory] nên hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của quốc gia này. Guam nằm ngay tại “rốn” Thái bình Dương, sát cạnh Biển Đông Nam Á, đối diện Trung Quốc, nên có vị thế chiến lược đặc biệt: nếu lâm chiến, Trung Quốc phải đụng độ ngay hay đổ bộ trước tiên vào Guam, lập tức trở thành kẻ xâm lăng cần phải trừng phạt.
Ngược lại, hải quân và không quân Hoa Kỳ sẽ chớp nhoáng trả đũa Trung Quốc hay tới can thiệp tại bất cứ địa bàn nào trong Vùng bị Trung Quốc lấn áp, căn cứ vào thực trạng sau đây:
[a] Theo kế hoạch khai triển vị trí chiến lược toàn diện của PACOM, Guam trở thành trục chiến lược đặc trách Biển Đông Nam Á, tiếp nối và phân hoá bản doanh tư lệnh của PACOM tại Ha Uy Di [Hawaii], vưa để tăng nội lực [locus of U.S. power], vừa để phân hoá diện phòng thủ [defense diversion].
[b] Trung tâm Không Lực Andersen, đặt phía Bắc hải đảo Guam, là căn cứ của đủ loại máy bay quân sự như pháo đài thả bom B-52, phi cơ viễn chuyển Globemasters C-17, phi cơ oanh kích siêu thanh F/A-18 Hornets của Hải Quân, hay phi cơ thám thính E-2 Hawkeye v.v.,
Phi trường với bãi đáp hơn 10 ngàn feet [hơn 3 cây số] có thể đáp ứng cho bất cứ phi vụ tác chiến nào hoặc cho phép phi cơ đáp khẩn cấp bất kỳ lúc nào. Andersen cũng có khả năng tồn trữ thường xuyên hơn 100,000 trái bom và tên lửa, gần 300 triệu lít [70 million gallons] xăng máy bay, biến Andersan thành kho vũ khí đạn dược, xăng nhớt quân sự lớn nhất trên toàn cầu.
[c] Guam cũng là một căn cứ hải quân lớn nhất trong vùng, với đội tiềm thủy định tân trang.
2. Liên Kết Phòng Thủ và Tác Chiến
Hoa Kỳ chỉ muốn tăng trưởng lưc lượng quân sự tại Guam ở mức tối thuận, nên tìm mọi cách tản lực [dispersion] tới nhiều trạm phòng thủ, và cũng là chuyển lực sang nhiều trạm tác chiến để khi hữu sự, thực hiện một chiến tuyến toàn diện [full-scale war].
Đó là lý do Hoa Kỳ còn tập quân hay hoả lực tại một số “địa điểm Hợp tác An Ninh” [cooperative security locations [CSL].
Saipan, Mariana Islands, trước đây là trung tâm tình báo đặc vụ [CIA Covert Activities] trong thời chiến tranh lạnh, nay vẫn giữ một đơn vị hải quân trong thế phối hợp chiến lược với đơn vị hài quân tại Guam.
Palau, một quần đảo nằm giữa Mindanao và Phi Luật Tân [the Philippines] được Hoa Kỳ trợ giúp tài chính nên đã cam kết phòng thủ cùng lực lượng Hoa Kỳ khi có chiến tranh. Như vậy, Palau đã đa trạng hoá vòng đai phòng thủ và tác chiến, tách và nối trục chiến lược Guam và Mariana Islands.
Hoa Kỳ còn giữ nhiều đơn vị tác chiến và phòng thủ tại Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, trong thế liên kết hợp tác an ninh. Hoa Kỳ cũng đã dành cho Việt Nam nhiều chương trình hướng dẫn tham mưu và quân sự tại Hạ Uy Di, đại bản doanh PACOM, thao diễn chung ngay tại biển Đông, trang bị quân phục, súng ống, trên căn bản hợp tác ngầm về phòng thủ an ninh khu vực. Cộng Sản Việt Nam đã trở thành một thứ chuối rừng, da còn đỏ nhưng lòng đã bắt đầu trắng.
Hoa Kỳ cũng đặt nhiều cơ sở trợ chiến và bãi đáp tác chiến tại Trung Á, sát ranh Tây Hoa, nhất là tại Karshi-Khanabad thuộc Uzbekistan và Manas thuộc Kyrgyzstan, dưới hình thức địa điểm hợp tác an ninh.
Phải nhấn mạnh là trong thế liên kết phòng thu an ninh trên, các quốc gia liên kết thường cần tới sự trợ lực của Hoa Kỳ [Đài Loan, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Việt Nam…] và các địa điểm hợp tác phòng thủ đều có lợi ích ngay với quốc gia đón mời [host country].
Đó là trách nhiệm của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ trong việc duy trì một đường lối giao tế ôn hoà, nhân đạo, sẵn sàng trợ giúp các quốc gia bạn khi có thiên tai hay tai ương nhân tạo như chiến tranh, loạn lạc, đói kém, ô nhiễm môi trường, v.v.. Dân chúng khi được tận tình giúp đỡ sẽ sẵn sàng đứng sau lưng chính quyền địa phương để cổ võ các chương trình hợp tác toàn diện.
3. Liên Minh Phòng Thủ và Tác Chiến
Nếu có chiến tranh với Trung Quốc, cách đối phó hữu hiệu nhất phải là giao tranh trên nhiều mặt trận, phối hợp, phân chia hay luân phiên, lưu động.
Vậy, ngoài việc phối hợp lực lượng quân sự giữa PACOM và các quốc gia liên kết hợp tác an ninh trong vùng Đông Nam Á và giáp ranh Trung Quốc, Hoa Kỳ còn có thể liên minh với NATO [North Atlantic Treaty Organization/Tổ chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương] để dàn quân viễn chinh áp chiến Trung Quốc tại vùng Tây Hoa, hoặc sâu vào lục địa, khi Trung Quốc có thể kết cấu lại với Nga để trờ thành một hiểm hoạ lớn trên toàn cầu, ngay tại Châu Âu.
Chúng ta cũng cần biết, song song với sứ mạng duy trì hoà bình và ngăn chặn chiến tranh xâm lược, NATO đã biến hoá khác xa với Tổ chức đó từ khi thành lập sau Đệ Nhị Thế Chiến.
Liên minh NATO ngày hôm nay đã tạo dựng một hệ thống chiến hạm lưu động, với khả năng viễn chiến hùng hậu. Hoa Lan, Na Uy, Đức, Tay Ban Nha có hệ thống chiến hạm tốc độ cao, gắn tên lửa và sân tàu đổ bộ. Pháp và Anh đang tân tạo một số hàng không mẫu hạm với kỹ thuật cao. Kể cả Thụy Điển cũng đang chế tạo một số tiềm thủy định mà ít ai biết tới.
NATO đã trở thành một quân trường Hoa Kỳ đặc biệt dành cho các nước Trung Âu sau khi các nước này được giải thể khỏi chế độ cộng sản: Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ huấn luyện tại Romania và Bulgaria; Hải quân tại Albania; Bộ binh tại Ba Lan, Tiệp Khắc; Lực Lượng Biệt Kích tại Georgia, v.v.
Do đó, quân lực hỗn hợp NATO sẵn sàng tiếp tay với Hoa Kỳ tung hạm đội tân trang và các đơn vị tác chiến tinh nhuệ hội nhập chiến lược dồn sức ngăn chặn [deterrence] và khi cần, sẵn sàng dàn dựng chiến thuật áp đảo tứ phía mục tiêu Trung Quốc.
Trên bình diện quân sự, một cuộc tấn công toàn diện từ tứ phía như vậy sẽ có thể xé tan Trung Quốc ra thành nhiều mảnh, đầu đuôi không cứu được nhau. Các quốc gia hiện đang bị Trung Quốc thống trị như Mãn châu, Mông Cổ, Tây Tạng, Thiểm Tây, các dân tộc Hồi Giáo Uighuirs…chỉ chờ có cơ hội là nổi dậy. Các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Cambodia, Thái Lan, Ấn Độ ý thức được tham vọng và âm mưu thâm độc cuả Trung Quốc, có thời cơ chắc chắn sẽ kết hợp với Hoa Kỳ thành một lực lượng tấn công từ Nam và Tây Nam. Từ phía Bắc và Tây bắc Nga chưa chắc sẽ liên minh với Trung Quốc, vì những tranh chấp lãnh thổ và ý thức hệ. Từ phía Đông là Nhật Bản và Nam Hàn, Đài Loan cộng thêm NATO và Liên Minh Thái Bình Dương, nếu đồng thời tấn công, sẽ biến Trung Quốc lùi trở lại thời cuối thế kỷ thứ 19, khi Quốc Tế chia nhau xâu xé nước Tầu. Tình trạng này có thể xẩy ra tùy thuộc vào khả năng thuyết phục và liên kết của Hoa Kỳ. [6]
V. Tạm Kết Trong Cảnh Tỉnh
Về dài hạn, Hoa Kỳ cần duy trì đại nghĩa dân chủ tư bản hài hoà, kết sinh, đạo đức để tạo dựng trên toàn cầu một nền thịnh vượng nhân bản chung. Về ngắn hạn, với những chu kỳ khoảng tám năm một, song song với nhiệm kỳ của các vị Tổng Thống tại chức, Hoa Kỳ sẽ phải đôn đốc lực lượng quân sự một cách kiềm chế hay phô trương ồ ạt, tùy theo nhu cầu thế sự, nhưng luôn luôn ở mức độ cảnh báo và chuẩn bị tối đa để kịp thời dập tắt mọi âm mưu phá hoại, cản trở lịch trình tiến hoá của nhân loại.
Như vậy, hoà bình, tranh chấp, cảnh báo và chiên tranh nửa lạnh, nửa nóng sẽ luân phiên tái tục trong suốt thế kỷ 21, cho tới khi những bên lâm chiến đạt tới một “minh ước” bảo trọng quyền lợi và trách nhiệm đa phương, một cách công bằng, lâu bền. Hoặc cho tới khi chế độ cộng sản cao chung trước tại Trung Quốc, và tức khắc tại các nước chư hầu như Việt Nam, Bắc Hàn.
Lúc đó, quyền lợi và trách nhiệm chung phải được phân chia tương xứng, minh bạch theo một trật tự mới, kết sinh, đa dạng, đa thức giữa các quốc gia liên hệ. Muốn như vậy, ngay trong nước họ, người dân phải được tôn trọng đồng đều và toàn diện.
Trong khi chờ đợi, những trọng trách của PACOM phải được toàn Khu Vực Châu Á Thái Bình Dương tôn trọng và thực thi, với mục đích [a] bảo an khu vực, [b] ngăn chặn mọi giao chiến xâm lược, và [c] khi hữu sự, phải sẵn sàng lâm chiến toàn bộ để [d] vãn hồi an ninh và hoà bình thịnh vượng cho vùng Châu Á Thái Bình Dương.
Thế lực sinh tồn, phúc lợi và đạo đức nhân bản luôn luôn phải nương tựa lẫn nhau trong cộng đồng thế giới để tiến hoá một cách công bằng, mỹ mãn, dù còn gặp nhiều trở ngại, nhiều thách thức.
TS-LS LƯU NGUYỄN ĐẠT
www.vietthuc.org
[1] ”Trung Quốc là Cọp giấy Khoa hoc?”, Nguyễn Văn Tuấn, www.vietthuc.org, Aug. 6, 2011. Nguyenvantuanblog, Aug. 6, 2011. ”Trung Quốc chỉ là “hổ giấy” về quân sự”, Tra My. “Is China’s military a paper tiger or a real tiger?”, Robert Haddick, Small Wars Journal. ”China – a paper tiger”, Justin Raimondo.
[2] US Pacific Command [PACOM], Strategic Guidance, Links, …
[3] List of aircraft carriers of the United States Navy [Đó là 1 tàu sân bay hạt nhân lớp Enterprise là Enterprise CVN 65; 10 tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz: Nimitz CVN68, Eisenhower CVN69, Carl Vinson CVN70, Roosevelt CVN71, Lincoln CVN72, Washington CVN73, Stennis CVN73, Truman CVN75, Ronald Reagan CVN76, Bush CVN77...]
[A & 4] Varyag: ex-Soviet Navy carrier sold to China by Ukraine being refitted in Dalian. Nay Trung Quốc cải tên chiếc hàng không mẫu hạm lạc xoong này là Thi Lang một cách… om xòm!
[5] Thailand Chakri Naruebet (1996)
[6] Căn cứ vào phần góp ý bổ túc của cựu Đại tá Không Quân VNCH Nguyễn Văn Thêm.
0 comments:
Post a Comment