Ngả theo lập trường của Bắc Kinh
HÀ NỘI (NV) – Nhiều năm gần đây, trong các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc, đặc biệt là Biển Ðông, Việt Nam luôn muốn dựa vào các quốc gia vùng Ðông Nam Á để đàm phán đa phương, nhưng nay đang ngả theo lập trường của Bắc Kinh là đàm phán song phương.
Lính Việt Nam tập dượt với súng 12.7mm tại đảo Phan Vinh,
thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Giới lãnh đạo Việt Nam
hiện đang ngả theo xu hướng đàm phán song phương với Trung
Quốc về các vấn đề Biển Ðông.
(Hình: Vietnam News Agency/AFP/Getty Images)
Tín hiệu này nay rõ hơn, khi Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, nói trong cuộc gặp gỡ với các giới chức cao cấp quốc phòng của Trung Quốc rằng: “Việt Nam không có ý định quốc tế hóa các vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc vì chính lợi ích của chúng tôi.”
Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) trích lời Tướng Vịnh cho hay như vậy tại “cuộc đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng lần thứ hai, diễn ra ngày 28 tháng 8 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.”
Lời phát biểu của Tướng Vịnh ở Bắc Kinh, nhưng làm nhiều người ở Việt Nam lo ngại.
Blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) nói với báo Người Việt:
“Có lẽ vì chuẩn bị cho bài phát biểu này, mà thành phố Hà Nội ra thông báo yêu cầu dừng ngay các cuộc biểu tình chống lại sự xâm lược của Trung Quốc. Tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi ý định không quốc tế hóa các vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bởi như vậy có nghĩa, nhân dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân Việt Nam, một lần nữa phải chịu cảnh bị lấn lướt trên quê hương mình.”
Trả lời phỏng vấn của báo Người Việt, Linh Mục Phan Văn Lợi, hiện đang ở Huế bình luận:
“Thái độ của Nguyễn Chí Vịnh, phản ảnh thái độ của Bộ Chính Trị đảng CSVN không muốn quốc tế hóa các vấn đề tranh chấp Việt-Trung, nghĩa là không muốn có những đồng minh đáng tin cậy trong thế giới dân chủ, chẳng hạn Hoa Kỳ hay Liên Hiệp Âu Châu, là một thái độ thiếu khôn ngoan.”
Trung Quốc từ trước đến nay luôn giữ vững lập trường là đàm phán song phương với các quốc gia Ðông Nam Á có tranh chấp trên Biển Ðông, theo phương châm “bẻ từng chiếc đũa.”
Cuộc đối thoại tại Bắc Kinh được TTXVN tường thuật là “diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam, và Thượng Tướng Mã Hiểu Thiên, phó tổng tham mưu trưởng Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc.”
Theo tường thuật, cả Tướng Nguyễn Chí Vịnh và Mã Hiểu Thiên “đã nhất trí nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương và đạt được nhận thức chung trong nhiều vấn đề, góp phần tăng quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.”
Nhưng điểm chính vẫn là các vấn đề tranh chấp trên Biển Ðông.
TTXVN trích lời Mã Hiểu Thiên cho hay, hiện nay điểm bất đồng và nhạy cảm nhất trong quan hệ hai nước là tranh chấp chủ quyền ở Biển Ðông, hai nước cần xử lý thỏa đáng vấn đề này vì đại cục quan hệ Việt-Trung và ổn định khu vực.
Viên tướng này phát biểu với giọng đầy đe dọa rằng, “Hòa bình hai bên đều có lợi. Ðối đầu hai bên đều thiệt hại.”
Ðổi lại, Tướng Vịnh được TTXVN trích lời khẳng định “Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đại cục với Trung Quốc và mong muốn tìm được giải pháp ‘cùng thắng.’”
Ông Vịnh nói: “Các vấn đề trên Biển Ðông cần được xử lý theo luật pháp quốc tế, đó là những vấn đề mang tính quốc tế theo Luật Biển phải giải quyết trên bình diện quốc tế, những vấn đề liên quan đến nhiều nước cần phải giải quyết giữa những nước liên quan, những vấn đề liên quan đến hai nước cần giải quyết song phương. Những tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc, rõ ràng cần giải quyết hai nước với nhau, theo luật pháp quốc tế và công khai minh bạch.”
Ông Vịnh cũng lập lại lời từng tuyên bố hồi tháng 6 vừa qua là “không dựa vào nước này để chống nước kia” để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
“Một thực tế hiển nhiên là Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam, và Việt Nam cũng không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền. Và Việt Nam cũng không bao giờ dựa vào bất kỳ một nước nào để chống Trung Quốc!”
TTXVN trích lời Tướng Vịnh nói: “Nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa láng giềng, với hơn 1 tỷ 350 triệu dân, đang phát triển, có vị thế và uy tín ngày càng cao trên thế giới, một khi các đồng chí tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam và mong muốn Việt Nam cùng phát triển?”
Ông Vịnh nói thêm rằng, vấn đề Biển Ðông “cần phải công khai, minh bạch trên các diễn đàn để nhân dân hai nước và cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất vấn đề.”
Ông Vịnh nói trong tư thế “dưới cơ” rằng, “ở những khu vực thực sự có tranh chấp trong lúc chưa phân định được, hai bên tuyệt đối không được sử dụng vũ lực và thậm chí cũng không được nghĩ đến việc sử dụng vũ lực.”
Chủ trương đàm phán song phương được coi là cái bẫy mà Trung Quốc muốn Việt Nam lọt vào. Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ Jim Webb, người bảo trợ nghị quyết về Biển Ðông trong chuyến thăm Việt Nam hôm 24 tháng 8 cảnh báo, “vấn đề Biển Ðông cần cách tiếp cận đa phương vì giải quyết bằng đàm phán song phương sẽ rất khó khăn.”
Cũng về đề tài này, hồi đầu tháng 6, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Người Việt, Giáo Sư Carl Thayer, Ðại Học New South Wales, Úc Châu phát biểu: “Việt Nam phải làm sao cho thế giới thấy mình là nạn nhân trong cuộc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, không phản ứng thái quá, và cũng không nên chủ động làm leo thang sự trầm trọng của tình hình.” (KN-HG)
0 comments:
Post a Comment