Wednesday, August 31, 2011

Ông Đới Bỉnh Quốc sắp sang Việt Nam

Ông Đới Bỉnh Quốc

Ông Đới Bỉnh Quốc là nhân vật cao cấp nhất về ngoại giao trong Đảng CS Trung Quốc

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đơi Bỉnh Quốc sắp sang Việt Nam để chủ trì phiên họp lần thứ năm của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung.

Một nguồn đáng tin cậy của BBC cho hay phiên họp này sẽ diễn ra từ 5/9-9/9 tại Hà Nội.

Đồng chủ trì phía Việt Nam là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Cũng nguồn thạo tin trên, đề nghị dấu danh tính, nói hiện hai bên Việt Nam và Trung Quốc đang nỗ lực giải tỏa bất đồng trước chuyến đi Trung Quốc sắp tới của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Viêt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Thời điểm chuyến đi của ông Trọng chưa được công bố chính thức.

Ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Trung ương Đảng CS Trung Quốc, là nhân vật cao cấp nhất về ngoại giao trong Đảng và giữ vai trò cố vấn an ninh quốc gia cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Mới đây, một quan chức cao cấp của Việt Nam là Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cũng đã thăm Bắc Kinh để chủ trì cuôc đối thoại chiến lược quốc phòng-an ninh Việt-Trung cấp thứ trưởng lần hai.

Giữ hòa hiếu

Hoạt động của ông Vịnh tại Trung Quốc, thông qua tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam, đã gây bàn tán ở trong nước vì các phát biểu ‘hòa hiếu với Bắc Kinh’ của ông thứ trưởng.

“Các khác biệt cơ bản và nghi ngờ lẫn nhau [giữa Việt Nam và Trung Quốc] vẫn còn, nhưng căng thẳng tức thời đã được giảm bớt.”

Một viên chức ngoại giao ở Bắc Kinh

Ông được dẫn lời nói trong vòng đối thoại với Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Mã Hiểu Thiên: “Nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa láng giềng, … một khi các đồng chí tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam và mong muốn Việt Nam cùng phát triển?”

Trung tướng Vịnh cũng được nói đã thông báo với phía Trung Quốc rằng Việt Nam sẽ ‘kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người (chống Trung Quốc) ở Việt Nam’, và dứt khoát ‘không để sự việc tái diễn’.

Sau cuộc họp nói trên, một viên chức ngoại giao ở Bắc Kinh nói với báo Hong Kong Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng: “Các khác biệt cơ bản và nghi ngờ lẫn nhau [giữa Việt Nam và Trung Quốc] vẫn còn, nhưng căng thẳng tức thời đã được giảm bớt”.

Ông này nhận xét: “Chúng ta có thể trông đợi tiến bộ trong các lĩnh vực khác và một chuyến thăm suôn sẻ của ông tổng bí thư Đảng CSVN tới Bắc Kinh”.

Nhiều chuyên gia về Việt Nam cũng đồng ý rằng đang có nỗ lực ‘giảm nhiệt’ trong quan hệ Việt-Trung.

Tuần trước Trung Quốc thả một tàu cá của ngư dân Quảng Bình bị kiểm ngư nước này bắt ở khu vực cửa Vịnh Bắc bộ.

Chỉ đạo hợp tác song phương

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là trong khi bất đồng chính yếu còn đó thì làm sao để duy trì được hiện trạng hòa hảo và cùng phát triển.

Đó là thách thức lớn cho tất cả các cuộc họp dù ở cấp nào.

Họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung lần thứ 4Sau phiên họp thứ 4, hai bên nói sẽ chú trọng các vấn đề trên biển

Hiện còn chưa có chi tiết về phiên họp thứ năm của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung.

Tuy nhiên mục tiêu chính của ủy ban này từ khi thành lập năm 2006 là “làm tăng thêm sự tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác nhằm tiến tới một quan hệ hợp tác toàn diện, mạnh mẽ và lâu dài, láng giềng thân thiện, hữu nghị Trung–Việt”.

Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương cũng có nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo, điều phối vĩ mô đối với các cơ chế hợp tác hiện hành giữa hai bên, quy hoạch tổng thể quan hệ hai nước trên các lĩnh vực.

Năm 2010, ủy ban này cũng đã họp trong bốn ngày (29/6-3/7) tại Bắc Kinh.

Cuộc họp này đưa ra thống nhất chung, theo báo Việt Nam, là thời gian tới sẽ đặt trọng tâm đàm phán vào các vấn đề trên biển; duy trì hoà bình, ổn định trên biển; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có điều kiện và cùng nhau phấn đấu để cùng với các bên liên quan tìm ra giải pháp cơ bản, lâu dài, cùng chấp nhận được cho vấn đề trên biển”.

Thế nhưng từ đó tới nay tuy đã có thêm hai vòng đàm phán về biên giới trên biển, tiến trình dường như vẫn dậm chân tại chỗ.

BBC

0 comments:

Powered By Blogger