Người ta chỉ thích dùng những trí thức đi bằng hai đầu gối. Vì vậy khi xảy ra biểu tình họ thấy trí thức chân chính hô tô khẩu hiệu, đi tiên phong bằng đôi chân của mình thì vội quy kết là thành phần bất mãn, phản động, kích động lôi kéo nhân dân...
*
Khởi nguồn từ những lo lắng cho vận mệnh quốc gia dân tộc, một nhóm trí thức làm hạt nhân đã kêu gọi nhân dân - thông qua các mạng xã hội - xuống đường biểu tình nhằm tỏ thái độ chống đối việc bành trướng của Trung Quốc xâm lược. Đến nay ở Hà Nội đã diễn ra liên tiếp 11 cuộc biểu tình. Điều này đánh dấu một bước phát triển mới về dân chủ ở Việt Nam, sự thay đổi về nhận thức của một bộ phận những người yêu nước. Bước đầu người ta không còn tâm lí e ngại việc bày tỏ quan điểm của mình nữa, đặc biệt là tầng lớp trí thức - tầng lớp vẫn được xem là bấp bênh về lí tưởng mà có một thời phải “đào tận gốc, trốc tận rễ.”
Chủ nghĩa xã hội quá đề cao các giá trị của tập thể nên hạn chế tuyệt đối cái tôi của mỗi người, đặc biệt là giới trí thức. Làm việc gì cũng cần có tập thể quyết, ý kiến phản biện của cá nhân rất dễ để người ta quy chụp thành định kiến, thành phản động, thành chủ nghĩa xét lại. Mà khổ nỗi người trí thức bao giờ cũng nhạy cảm và đủ trình độ để nhận ra những nguy cơ, tiềm ẩn cho vận mệnh dân tộc; bằng lương tâm của những người yêu nước, họ mạnh dạn lên tiếng về những vấn đề gay gắt của xã hội, những vấn đề liên quan đến vận mệnh, quốc gia dân tộc.
Người ta một thời ấu trĩ nghĩ rằng đã là cách mạng xã hội chủ nghĩa, đã là đồng chí với nhau thì không ai là xấu cả; đã là đầy tớ của nhân dân thì ai cũng có chung mục tiêu, lí tưởng. Điều này nghe có vẻ êm tai, có thể dễ dàng đánh lừa được những người trình độ hạn chế hoặc cố tình… câm điếc. Nhưng với trí thức chân chính thì không hẳn như vậy. Đối với họ cách mạng mang cả trong mình những cái tốt, cái tiến bộ và thậm chí cả những hổ lốn, tạp nham nữa. Cách mạng không chỉ sinh ra những anh hùng như tướng Võ Nguyên Giáp mà nó còn nuôi dưỡng những thực thể hỗn mang, cặn bã, nhân cách … đồi bại như Nguyễn Trường Tô. Việc đề cao thái quá chủ nghĩa tập thể sẽ sinh ra sự thao túng, thói chuyên quyền, đặc quyền, đặc lợi; chỉ những kẻ ở trên tập thể mới có quyền được bày tỏ thái độ, bày tỏ cái tôi (đôi khi quá lố) của mình. Và thực tế ở Việt Nam đã chứng minh điều ấy.
Thời buổi nào, chế độ nào, người trí thức cũng cần được coi trọng, bởi vì họ là tinh hoa của dân tộc. Việc nhà nước quy kết trang mạng boxitvn là phản động chẳng khác nào tát một gáo nước lạnh vào mặt của những người trí thức yêu nước chân chính. Đó cũng là minh chứng cho quan điểm của nhà nước về vai trò của trí thức trong xã hội Việt Nam hôm nay. Dường như quan điểm ấy không thay đổi bao nhiêu từ khi cách mạng thành công đến nay, vẫn đề cao giai câp công - nông (chỉ trên lí thuyêt) và xem thường giới trí thức. Họ vẫn hằng ngay rao giảng, cổ vũ, động viên, yêu cầu trí thức tham gia các phản biện xã hội nhưng các bạn đừng lầm tưởng là nhà nước này coi trọng tri thức. Họ chỉ thích sử dụng những trí thức dỏm, những trí thức chả dám mở miệng, mà có mở miệng thì luôn nói, viết theo quan điểm của cấp trên, chả bao giờ có phát biểu gì ra hồn cả… chỉ khư khư giữ cái ghế là tài. Người ta chỉ thích dùng những trí thức đi bằng hai đầu gối. Vì vậy khi xảy ra biểu tình họ thấy trí thức chân chính hô tô khẩu hiệu, đi tiên phong bằng đôi chân của mình thì vội quy kết là thành phần bất mãn, phản động, kích động lôi kéo nhân dân.
Xã hội nào đề cao tri thức thì chúng tôi chưa biết nhưng trong xã hội này trí thức yêu nước chân chính rất dễ thành ra… phản động.
0 comments:
Post a Comment