Thái Phục Nhĩ (danlambao) - Có nghề thì có nghiệp, làm nghề nào thì chịu nghiệp đó. Chăn nuôi thì nợ sinh mạng của loài vật, vì lấy mạng sống của nó để nuôi thân mình. Làm gái làng chơi thì nợ thân thể cha mẹ, nợ trinh tiết người tình chung. Tu hành không ra tu hành, chỉ coi đó là một nghề cho sướng thân thì mắc nợ sự cung dưỡng và lòng từ bi của người thiện tâm. Nghề lương thiện thì hưởng nghiệp lành, nghề bất lương thì chịu nghiệp xấu, theo lí nhân quả mà nói như vậy.
Trong những ngày này khi người Việt bắt đầu ý thức được quyền công dân của mình và đứng lên để đòi lại quyền làm chủ quốc gia từ tay một chính quyền gần vong bản và mại quốc thì cũng phải đạo thôi. Cái việc đứng trên nền luân lí cổ điển của tổ tiên để bình luận một nghề mà ngày xưa các cụ cho là lí tưởng cao thượng nhưng dưới trướng nhà cầm quyền này thì nó đã hóa thành nghề tạo ác nghiệp quá sức rồi.
Nghề này thường sinh ra trong những xã hội độc tài và tàn bạo, và nở rộ trong mọi lĩnh vực, bất luận là thông minh hay ngu si, dùng óc hay dùng gân, tác dụng của nó là kìm hãm sinh lực của dân lành, áp bức họ để phục dịch cho lợi ích của nhà cầm quyền. Nó có cái nghiệp khốc hại của nó.
Nghiệp thứ nhất là người làm nghề này không được tự do làm theo ý mình. Nghề này đắc lực nhất khi nó phục tùng được ý muốn của kẻ ra lệnh. Mặc dù nghề này có nhiều lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn, phải học những môn rất khó là môn xử thế, phát ngôn, viết lách, ai làm nó cũng phải bỏ chí mình mà theo chí người, cho nên tư cách và lương tâm của người làm nghề tùy thuộc vào kẻ ra lệnh.
Nghiệp thứ hai là người làm nghề này không phụng sự tổ quốc, không tạo được lợi ích gì cho xã hội, chỉ chuyên làm tay sai cho kẻ ra lệnh đàn áp và bóc lột quốc dân. Phước họ rất mỏng, vì hưởng bổng lộc của quốc dân đóng góp mà làm tay sai cho kẻ khác đàn áp dân, lại bạc bẽo với cha mẹ vì làm những việc để lại tiếng nhơ cho muôn đời sau.
Nghề đó là nghề công sai.
Công sai có nhiều loại, ở đây chúng tôi muốn bàn hai nghề mà trò lố đã lên tới mức tuyệt luân: nghề công an và nghề cầm bút.
Nghề công an. Em gái chúng tôi bảo người công an họ coi cái nghề đó cao quý và oách. Đó là một sự ngộ nhận của những người được trao cho chút ít quyền lực, một cái còi và một cái đùi cui. Thực ra thì họ - những người công an phải dùng quyền lực của họ để bảo vệ dân, giữ an ninh cho xã hội – đã bị nhồi sọ mất hết phán đoán. Cứ nhìn những việc xảy ra gần đây ở nước chúng ta thôi thì cũng rõ, công an và côn đồ bắt người lành giữa chợ đông người, đạp vào mặt họ, lột quần áo họ, liệng bao cao su vào phòng ngủ họ, giam tù họ nhiều năm. Như cái chuyện dùng côn đồ và đĩ điếm để hạ nhục người lương thiện thì cổ kim mấy ai dám làm. Vậy mà giữa thanh thiên bạch nhật những kẻ mệnh danh là công an nhân dân lại bắt người hệt như kẻ cướp ăn hiếp người lành, thậm chí còn lột áo quần đàn bà để khám xét trong đồn nữa thì chẳng có nhà luân lí nào hiểu cho nổi tiêu chuẩn đạo đức trong óc những kẻ công sai đó.
Quốc dân góp thuế, góp gạo nuôi họ để họ giữ an ninh cho; đổi lại họ cứ nhè lúc người ta nói năng và tập họp lại là chụp mũ và hốt đi như súc vật. Người lành khinh họ, người xấu ghét họ, ai cũng sợ gặp họ, chỉ có kẻ làm chủ họ lợi dụng họ. Họ được thăng chức hàng loạt, ai cũng hiểu đó là một mánh khóe để mua chuộc sự trung thành của họ, chỉ có họ không hiểu mình là như hạng gân thịt, suốt đời phấn đấu lên tướng tá cũng chỉ là trâu ngựa.
Nghề cầm bút. Hạng gân thịt làm tay sai đã đành, mà hạng cầm bút cũng dẹp chí nguyện mình để làm những việc hạ tiện của nhà cầm quyền ra. Nói cầm bút là chúng tôi muốn chỉ những người làm nghệ thuật, làm văn hóa, mà trước hết là văn sĩ, nhà báo vì sứ mệnh của họ nằm ở chỗ tối thiểu là nói lên sự thật. Có bao nhiêu người cầm bút chân chính mà sống được với nghề viết lách? Bao nhiêu nhà báo dám nói điều mình nghĩ? Gần cả ngàn tờ báo, cả một tập đoàn truyền hình, truyền thanh quốc gia, tiêu hết bao nhiêu ngân sách do quốc dân đóng, dùng rất nhiều người có kĩ năng mà không lấy được lòng tin của độc giả bằng những blogger, những tờ báo Internet độc lập không hề có lương bổng.
Truyền hình quốc gia lẫn địa phương chỉ chiếu toàn phim Tàu, trách sao người dân không làm chiến dịch tẩy chay Tàu để chống nô dịch về văn hóa. Báo chí chỉ đưa toàn những tin giật gân, những chuyện éo le, đăng những hình ảnh, những chào mời kích thích bản năng mà muốn cho người ta tin mình đàng hoàng, muốn cho người ta ủng hộ mình thì đúng là trèo cây bắt cá.
Ở Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, chính quyền cũng tha hóa nhưng văn sĩ, nghệ sĩ không đến nỗi hủ bại như trong thời cộng sản ngày nay, họ có quyền bày tỏ chính kiến, tự do viết lách và xuất bản. Văn sĩ thời đó giữ được mực thước của những nhà giáo dục, những nghệ sĩ chân chính, những việc như nhờ người ta viết bài rồi mình đứng tên để lấy nhuận bút còn bị khinh là bỉ ổi.(*) Ngày nay hoạt động văn chương, nghệ thuật đều nhắm mục đích chính trị, và kĩ nghệ nói láo đã đẩy lên mức lố lăng nhất, nói láo có bổng. Trong khi ngư dân bị ngoại bang bắt cóc đòi tiền chuộc ngay trên biển của mình, trong khi hàng ngàn công nhân Trung Quốc ồ ạt đổ vào những vùng trọng yếu và cày nát nông thôn Việt Nam, quốc hội thì ngủ gà ngủ gật bàn những chuyện tào lao không có dấu gì chứng tỏ quan tâm tới vận mệnh của quốc gia, thì những nhà báo của Truyền Hình Quốc Gia VTV1 tiếp tay cho nhà cầm quyền bới móc đời tư và bôi nhọ nhà bất đồng chính kiến họ Cù.
Người cầm bút phục vụ cho nhà cầm quyền cộng sản phần nhiều đều là hạng bị tuyên truyền cho mất hết phán đoán và liêm sỉ. Hạng này mặc dù cầm bút nhưng không còn sự chính trực, sẵn sàng vì ba đấu gạo mà cong lưng làm bầy tôi cho nhà cầm quyền vu cho những người có học tài, có thiện chí và những vị trưởng lão là ngây thơ về chính trị. Nguyễn Việt của tờ An Ninh Thủ Đô gọi những người biểu tình, gồm cả những người có địa vị và học tài đáng kính trọng và cả những em bé ngây thơ là một “dúm” người không yêu, không đổ máu và không biết bỏ lá phiếu xây dựng đất nước. Hoàng Thu Vân trên tờ Hà Nội Mới mà cụ Nguyên Ngọc gọi là nhà văn thì muốn dạy cho những người biểu tình cách yêu nước “đúng mực và thông thái.” Đã đành miệng lưỡi của những người cầm bút viết thuê mạt hạng chỉ thốt ra được những lời ngạo mạn như kẻ thất phu, đến ngay một người gọi là nhà thơ, nhà báo, tiến sĩ Mỹ học, cựu thành viên Ban Tư Tưởng - Văn Hóa Trung Ương và Hội Đồng Lí Luận & Phê Bình Văn Nghệ Trung Ương là ông Vũ Duy Thông cũng chỉ định nghĩa được lòng yêu nước là “hiểu và ủng hộ những việc làm của Đảng và Nhà nước”, thì đúng là quá hèn.
Đáng lẽ không vì địa vị của họ trong lĩnh vực văn hóa của quốc gia, thì ít nhất cũng nên vì cái nghề họ làm- nghề cầm bút – mà tỏ ra mình là người có tư tưởng, có chính kiến và cá tính chứ. Trách sao được những người trong Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh không a dua với công an để trấn áp tinh thần người biểu tình. Trấn áp những người đòi công lí và phản đối ngoại xâm mà lại dùng lối ca nhạc khiêu dâm thì chỉ có người cộng sản mới nghĩ ra được thôi. Khiêu dâm trước mặt tượng Lý Thái Tổ mà ông Vũ Duy Thông tả là “nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, liên hoan văn nghệ (...) sôi nổi”, thật hết sức trơ trẽn những kẻ vô giáo dục. Không có bộ óc bình thường nào có thể nghĩ ra những trò trâng tráo như vậy được. Làm chuyện phạm thượng trước mặt tổ tiên, nói láo trong thời đại tin tức nằm trên đầu ngón trỏ, thì đúng là vừa vô luân vừa ngỗ ngáo. Chưa thời nào mà nước Việt có nhiều kẻ làm văn nghệ vô liêm sỉ như ngày nay. Tội nghiệp cho những thanh niên, thiếu nữ bị lợi dụng, huân tập những thứ độc hại ấy, mai sau họ sẽ làm chủ quốc gia hay làm tôi mọi cho ngoại bang?
Nhà báo của chính quyền chê nhà báo của dân là rác rưởi, chê độc giả của họ là ngây thơ về chính trị; nhưng chính những tờ báo từ trong dân mà ra ấy mới phản ảnh trung thật nhất tình cảnh của nước Việt bây giờ và là chỗ duy nhất để người dân Việt tự do ngôn luận. Điều mà nhà cầm quyền không ngờ là gậy ông đập lưng ông, càng dùng nhiều tiểu xảo để hạ nhục đối thủ thì hình ảnh nhà cầm quyền càng hoen ố, dân chúng đâm ra oán ghét và mất lòng tin ở truyền thông của chính quyền, và chính những tờ báo bị khép là phản động mới là những tờ báo đáng tin cậy, những người bị kết tội phản động mới là những người thật sự ưu tư và dám hi sinh cho sinh mệnh của đất nước.
Nghề cầm bút, nghề làm văn hóa là cốt để tạo ra cái đẹp, cái hay cho con người thưởng thụ. Ngày xưa những thứ như nước nóng nước lạnh, nhà đẹp, vườn cây, điện ảnh, âm nhạc, văn chương, tri thức là những thứ xa xỉ đối với cha ông chúng ta; ngày nay chúng ta coi thứ ấy là nhu cầu và chúng ta cần những nghệ sĩ, những nhà văn hóa biết dùng tài năng tạo ra cái đẹp cho ta thưởng thức, cho con cái chúng ta có di sản văn minh. Vậy mà có những người mang tiếng là văn sĩ, nhà báo, nhà giáo dục, nhà văn hóa đã không phục thiện, không làm cái việc tối thiểu là trình bày sự thật, lại còn dùng tài năng và miệng lưỡi để ngu dân. Nếu cho rằng tinh thần quan trọng hơn thân thể, thì chính cái bệnh tinh thần mới là nguy kịch hơn những ung nhọt trên da thịt. Hạng vũ phu làm những việc hèn hạ còn có thể dung thứ được, vì như con chó săn cắn càng chỉ làm chảy máu người ta, chứ làm văn hóa mà che giấu sự thật và tuyên truyền dối trá mới thực làm cho cả thế hệ nô dịch về tinh thần.
Dân tộc chúng ta mấy chục năm nay lầm than, mò mẫm trong màn đêm đen tối, thua thiệt láng giềng đều tại những kẻ nhiễm phải những lí tưởng chính trị quái đản tiếm quyền làm giáo dục. Những kẻ này nợ dân tộc nhiều nhất.
Nghề công sai chẳng qua là nghề công cụ. Chịu phục tùng vô điều kiện thì được trọng đãi; đến thời không dùng được nữa thì đem liệng đi như đồ vật. Làm công sai mà vứt bỏ chí nguyện của mình thì chẳng khác gì đưa lưng làm bình phong che mắt công luận cho bọn tai to mặt lớn thu góp của cải. Những kẻ nhiều quyền lực nhất là những người lên máy bay trước nhất và ôm đi nhiều vàng và dollar nhất, như mấy ông tai to mặt lớn ở Ai Cập, Tunisia, hay Libya; đến lúc quốc dân truy nã, tòa án hình sự quốc tế ra trát bắt họ mới phải đối mặt với công lí. Còn những kẻ công sai chẳng đợi tới lúc kẻ thống trị bị truất phế, đã bắt đầu thành đích cho người ta trút phẫn nộ và khinh bỉ.
Những kẻ nô bộc nhắm mắt đưa lưng cho người ta cưỡi, nói như Đào Tiềm là khom cái lưng để được vài ba đấu gạo, bất chấp luân lí, bất chấp lợi ích dân tộc, bất chấp phán xét của lịch sử, cho dù có làm đến tể tướng cũng chỉ là một hạng nô dịch thôi. Ách nô dịch như vậy sao không cảnh tỉnh để bứt tung nó đi, hỡi những người công bộc của chúng tôi?
0 comments:
Post a Comment