Wednesday, August 24, 2011

Một công dân chết trong đồn công an


Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-08-24

Truyền thông trong nước vừa đưa tin anh Lê Văn Trận, trú tại xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên đã bị phát hiện tự sát bằng cách treo cổ tại phòng tạm giữ công an huyện khi anh này bị bắt vì tình nghi có liên quan đến một vụ án hiếp dâm.

Sư việc làm dấy lên nghi ngờ của dư luận về cái chết bất ngờ của anh Trận trong lúc tình trạng nghi phạm chết trong khi điều tra ngày càng nhiều. Để rộng đường dư luận, Quỳnh Chi hỏi chuyện anh Tí, anh ruột của anh Lê Văn Trận.

Trình diện rồi bị bắt luôn

000_Hkg5133013-200.jpg
Công an Việt Nam, ảnh minh họa. AFP photo
Quỳnh Chi: Chào anh, anh vui lòng cho biết người mất bao nhiêu tuổi và tên gì ạ?

Anh Tí: Tên là Lê Văn Trận, 29 tuổi.

Quỳnh Chi: Còn anh tên gì và quan hệ như thế nào với anh Trận thưa anh?

Anh Tí: Tôi tên Tí, là anh ruột của Trận.

Quỳnh Chi: Hiện tại anh vẫn còn ở chung nhà với anh Trận đúng không ạ?

Anh Tí: Tôi ở chung nhà với Trận. Nhà tôi có 3 anh em. Người anh lớn lấy vợ rồi và đã ở riêng.

Quỳnh Chi: Anh Trận bị bắt vì lý do gì thưa anh?

Anh Tí: Em tôi nhậu chung với khoảng 7-8 thanh niên và hai cô gái. Em tôi bị liên can thôi vì mấy thanh niên kia có “quan hệ” với các cô gái ấy còn em tôi thì không. Sau đó hai cô gái kia lên xã báo là bị hiếp dâm.

Em tôi bị bắt lúc vô (huyện) đầu thú vào ngày 10 Âm lịch (tức 11 Dương lịch), tức là hai ngày sau khi xảy ra sự việc. Em tôi vô đầu thú còn những thanh niên kia là do bị bắt.

Quỳnh Chi: Nhưng theo lời anh nói thì em của anh chỉ bị liên can thôi và không có hành động giao cấu với hai cô gái kia; vậy tại sao anh ấy lại ra đầu thú?

Anh Tí: Ý là em tôi nghĩ là nó có liên can, nó có nhậu chung khi xảy ra sự việc cho. Nó không hiếp dâm hai cô gái nên nghĩ không có gì. Em tôi thấy công an truy bắt nên tính là lên để công an lấy lời khai là xảy ra chuyện như vậy. Nó nghĩ là tội của nó nhẹ thôi.

Em tôi thấy công an truy bắt nên tính là lên để công an lấy lời khai là xảy ra chuyện như vậy. Nó nghĩ là tội của nó nhẹ thôi.

Anh Tí

Quỳnh Chi: Sau đó thì gia đình nhận được tin anh Trận mất khi nào?

Anh Tí: Sáng ngày 13.

Quỳnh Chi: Lúc ấy anh có ở nhà không?

Anh Tí: Không, lúc ấy tôi không có ở nhà. Sau đó tôi chở mẹ tôi lên Huyện nhưng mà chỉ có một mình mẹ tôi được vào bên trong còn tôi bị chặn lại trước cổng. Lúc họ đến nhà tôi báo tin thì cũng không nói rằng em tôi mất, mà chỉ nói là “lên Huyện có việc” thôi.

Gia đình không được nhận xác

Quỳnh Chi: Báo chí đưa tin là gia đình anh không nhận xác anh Trận về, vì sao thế?

CA-Trinh-xuan-Tung-HN2-305.jpg
Gia đình ông Trịnh Xuân Tùng trong đám tang ông. Ảnh minh họa
Anh Tí: Vì “người ta” không cho thì mình đành chấp nhận chứ biết làm sao hơn.

Quỳnh Chi: Gia đình anh có được nói lý do vì sao không được nhận xác thưa anh?

Anh Tí: Lúc đầu thì họ có kêu gia đình tôi ra Huyện ký giấy tờ để nhận xác về. Sau đó chúng tôi ra Huyện ký giấy thì họ đổi ý, họ không cho ký, họ nói để họ tự mai táng. Họ chôn Trận lúc trưa ngày 15.

Quỳnh Chi: Vì sao anh biết được ngày chôn anh Trận, họ có báo với anh không?

Anh Tí: Tôi biết vì nhà tôi ở gần bệnh viện, nơi thi thể em tôi được khám nghiệm.

Quỳnh Chi: Anh Trận chết có phải do treo cổ tự tự không thưa anh?

Anh Tí: Không phải treo cổ tự tử mà do người ta đánh chết.

Quỳnh Chi: Xin chia buồn cùng gia đình anh. Nhưng căn cứ vào đâu mà anh nói như thế?

Anh Tí: Bây giờ công an báo là em tôi treo cổ chết nhưng thật ra không phải, vì nếu là treo cổ tự tử thì phải cho người nhà xem tử thi khi chết chứ. Đằng này họ không cho, họ còn tự làm hồ sơ và chở tử thi đi khám nghiệm mà gia đình hoàn toàn không biết gì cả.

Quỳnh Chi: Vậy là từ lúc anh Trận bị bắt đến lúc chôn tử thi, gia đình vẫn không được nhìn mặt lần cuối đúng không ạ?

Lúc đầu thì họ có kêu gia đình tôi ra Huyện ký giấy tờ để nhận xác về. Sau đó chúng tôi ra Huyện ký giấy thì họ đổi ý, họ không cho ký, họ nói để họ tự mai táng. Họ chôn Trận lúc trưa ngày 15.

Anh Tí

Anh Tí: Không!

Quỳnh Chi: Khi anh Trận lên đầu thú là bị bắt luôn. Vậy khi đi anh Trận có mang theo quần áo hay dây nhợ gì không?

Anh Tí: Tôi nghĩ ở phòng tạm giam thì không có dây nhợ gì đâu bởi khi mình vô phòng tạm giam là người ta khám xét và cũng không cho mang cái gì vào cả.

Quỳnh Chi: Vâng, gia đình của anh sinh sống bằng nghề gì?

Anh Tí: Gia đình tôi làm biển và Trận cũng vậy.

Quỳnh Chi: Trước đây anh Trận có tiền án tiền sự gì không thưa anh?

Anh Tí: Không có.

Quỳnh Chi: Cho đến bây giờ phía chính quyền có đến thăm hỏi gia đình không anh?

Anh Tí: Lúc chưa chôn thì công an xã có đến nhưng khi chôn rồi thì không thấy ai cả.

Quỳnh Chi: Dạ vâng, xin phép được hỏi anh câu cuối, trong thời gian tới gia đình anh có định làm gì để kêu oan cho anh Trận không?

Anh Tí: Chuyện ấy tôi cũng chưa biết. Nhưng mà lỡ mất rồi thì thôi chứ biết làm gì nữa.

Quỳnh Chi: Xin cám ơn anh đã dành thời gian cho chúng tôi. Một lần nữa xin thành thật chia buồn cùng gia đình anh.

Còn nhiều khuất tất

Vừa rồi là cuộc trao đổi của Quỳnh Chi với anh Tí, anh ruột của anh Lê Văn Trận, trú tại xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Xin được nhắc lại, anh Lê Văn Trận là một trong 8 nghi can dính líu đến một vụ hiếp dâm 2 cô gái. Theo các cơ quan truyền thông trong nước, hai cô gái này khi đi tắm biển ngày 9 tháng 8, đã bị một nhóm thanh niên 8 người cho uống rượu rồi hãm hiếp. Theo báo Pháp luật TP.HCM, ngày 11 tháng 8, Công an huyện Đông Hòa, Phú Yên đã bắt khẩn cấp 8 nghi can, bao gồm anh Lê Văn Trận.

Ngày 13 tháng 8, Đại tá Phạm Văn Hóa, Giám đốc Công anh Tỉnh Phú Yên cho báo chí biết anh Trận đã bị phát hiện chết trong tư thế treo cổ đêm 11 tháng 8. Theo báo Pháp Luật TP.HCM, anh Trận treo cổ “bằng dây vải trong lưng quần kéo dành cho phạm nhân”. Cũng theo lời Giám đốc công an tỉnh Phú Yên, sau khi tử thi được khám nghiệm, gia đình đã được yêu cầu mang xác về mai táng nhưng “có người kích động nên gia đình lúc đồng ý nhận xác, lúc lại không đồng ý”. Vẫn theo lời của ông Hóa, cơ quan công an đã chôn cất anh Trận trưa ngày 13 tháng 8.

Qua cuộc trao đổi Quỳnh Chi và chính người nhà nạn nhân, có thể thấy những ý kiến trái ngược giữa phía gia đình anh Trận và phía chính quyền, nếu không muốn nói là có nhiều khuất tất trong cái chết đột ngột của anh Lê Văn Trận. Sự việc này làm người ta nhớ đến những cái chết của người dân tại cơ quan điều tra ngày càng nhiều mà gần đây nhất là cái chết của ông Trịnh Xuân Tùng và anh Nguyễn Công Nhựt.

------------
Duc H. Vu

Hiện nay ở VN, dù không biết bị băt về tội gì nhưng khi bị đưa vào đồn công an, "làm việc" với CA thì không "tự sát - treo cổ - tự tử" thì cũng thân tàn ma dai khi ra !

Mời các bạn ôn lại những tội ác của công an, xem video :


Công lý phải ĐÒI - không van xin

http://vuhuyduc.blogspot.com/2011/03/cong-ly-phai-oi-khong-van-xin.html



Ngày 28 tháng 2, 2011 ông Trịnh Xuân Tùng (Hà Nội), tháo mũ bảo hiểm, bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh gẫy cổ chết. Đây không phải là trường hợp duy nhất ...

Ngày 21 tháng 1, 2010, anh Nguyễn Quốc Bảo (Hà Nội) bị công an quận Hai Bà Trưng giam giữ điều tra và đánh vỡ sọ chết.

Ngày 7 tháng 5, 2010, anh Võ Văn Khánh (Quảng Nam), đem giấy xe lên đồn công an Điện Bàn xin lại xe, bị công an đánh đến chết.

Ngày 25 tháng 5, 2010, công an Nguyễn Mạnh Thư bắn chết em Lê Xuân Dũng và ông Lê Hữu Nam khi đòi đền bù đất đai tại Nghi Sơn, Thanh Hóa

Ngày 29 tháng 6, 2010, ông Vũ Văn Hiền (Thái Nguyên) lên đồn công an huyện Đại Từ làm việc bị đánh xuất huyết não chết.

Ngày 23 tháng 7, 2010, anh Nguyễn Văn Khương (Bắc Giang) bị thiếu úy công an Nguyễn Thế Nghiệp đánh bể đầu chết vì không đội mũ bảo hiểm.

Ngày 6 tháng 8, 2010, em Hoàng Thị Trà (Thái Nguyên) không đội mũ bảo hiểm bị công an mặc thường phục rượt theo bắn lủng đùi.

Ngày 16 tháng 9, 2010, sinh viên Đặng Đình Việt (Hà Tĩnh) đi học về vô cớ bị 2 công an xô ngã, đánh đập trước mặt người dân.

Ngày 6 tháng 11, 2010, anh Lưu Đình Tăng (Thanh Hóa) lên đồn công an làm việc bị 2 công an huyền Hoằng Hóa đánh ép cung cho đến xỉu phải vô bệnh viện.

Ngày 28 tháng 11, 2010, em Dương Đình Hiếu (Thái Nguyên) đùa nghịch bị hai công an xã Xuân Phương rượt bắt đem về đồn, bóp cổ, lấy dùi cui đánh lên đầu đến ngất xỉu.

Anh Đặng Văn Đen (An Giang) bị công an phường Mỹ Bình bắt về tội trộm trước đó. Ngày 17 tháng 12, 2010 công an đánh chết rồi đem xác Đen trả lại cho gia đình.

Ngày 28 tháng 12, 2010, anh Phạm Quang Sơn (Hà Đông) bị các công an xã tên Tuấn, Khoa, Tưởng đánh gãy xương xườn chỉ vì lên tiếng bênh vực một phụ nữ.

Ngày 11 tháng 1, 2011, bà Ngô Thị Thu (Hải Phòng) biểu tình chống nhà máy ô nhiễm bị công an huyện Thủy Nguyên đánh gãy tay.

Ngày 1 tháng 3, 2011, anh Nguyễn Văn Hướng (Nghệ An), không đội mũ bảo hiểm bị công an dùng dùi cui đánh bể đầu.

Trên đây là một số vụ xảy ra gần đây và còn nhiều vụ khác nữa.

Trừ một vài vụ nỗi bật gây phẫn uất, người công an phạm tội bị đem ra xử. Còn các trường hợp khác thì vẫn còn đang được "điều tra".

Tại sao công an lộng hành, đánh người, tra tấn một cách thản nhiên?

Tại sao công an nhân dân không bảo vệ dân mà lại hành hung dân?

Công an phạm tội lại được công an "điều tra" ? Điều tra đến bao giờ?

Thành phần đáng lẻ phải bảo vệ dân lại đi hành hung dân, vậy ai sẽ bảo vệ dân? Ai sẽ xử phạt công an?

Chúng ta đành chịu để cho đảng/nhà nước ban phát cho công lý? Hay chúng ta đứng dậy đòi công lý cho nạn nhân, cho chính chúng ta?

CÔNG LÝ PHẢI ĐI ĐÒI
ĐỪNG CHỜ AI BAN PHÁT

Duc H. Vu :

0 comments:

Powered By Blogger