Wednesday, August 24, 2011

Có phải bên trọng bên khinh?



Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011-08-24

Gần hai tháng sau khi tát cảnh sát giao thông trong lúc đang thi hành công vụ, Phạm Thị Mỹ Linh vừa bị Toà án Nhân dân quận 12, thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử.

AFP photo

Công an mặc thường phục xô đấy, bắt bớ người biểu tình hôm Chủ nhật, 21/8/2011. Ảnh minh họa.

Mặc dù đã tỏ ra hối lỗi, nhưng cô đã ngất xỉu sau khi nghe tuyên phạt bản án 9 tháng tù giam. Do tính chất nghiêm trọng mà vụ án tát cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ bị đưa ra xét xử lưu động. Tuy nhiên dư luận cũng đặt ra vấn đề đối với nhiều vụ nhân viên công lực đánh chết người trong lúc làm việc tại trụ sở. Liệu các vụ việc này có được làm sáng tỏ trước ánh sáng công lý hay không.

Cái tát lớn hơn mạng người!

Xin được nhắc sơ qua vụ việc xảy ra trên đường Lê Văn Khương, phường Thới An, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh cách nay khoảng hai tháng, bà Trương Thị Hạnh bị cảnh sát giao thông thổi phạt khi đi xe máy chở ba người, bà Hạnh giằng lại giấy tờ xe và đòi dẫn xe đi. Cô con gái Phạm Thị Mỹ Linh ngồi sau xe xô đẩy ngăn cản không cho cảnh sát giữ xe và tát một cảnh sát viên.

Công an quận 12 đã lập biên bản xử phạt bà Hạnh bốn lỗi vi phạm với số tiền gần ba triệu đồng, và quyết định khởi tố con gái bà về hành vi “chống người thi hành công vụ.” Và hôm 23/08 phiên tòa lưu động xét xử cô Phạm Thị Mỹ Linh đã được Toà án Nhân dân quận 12 tổ chức tại Nhà Văn hóa phường Tân Thới Hiệp, kết thúc với bản án 9 tháng tù giam do mức độ và tính chất nghiêm trọng của vụ án.

Đề cập đến vụ xử lưu động này, cô Trịnh Kim Tiến bày tỏ sự bất bình trước vụ án của cha cô, ông Trịnh Xuân Tùng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

“Em không muốn quan tâm nhiều về sự việc cô gái kia bị xử như thế nào em chỉ bức xúc vụ án của bố em là tính mạng của một con người, một công dân mà bị người thực thi sai pháp luật gây ra những hậu quả nghiêm trọng, mà vụ việc nghiêm trọng như vậy hơn 5 tháng rồi lại chưa thấy một câu trả lời rõ ràng. Trong khi sự việc chỉ là một cái tát, tát cảnh sát giao thông thì lại có thể xử lưu động trong hai tháng, cho nên gây ra cho em rất nhiều bức xúc.

Gia đình em có làm đơn gởi lên số 7 để yêu cầu thông báo về việc giải quyết, vì em đọc trên tin tức về hình sự là có vụ một cô gái tát cảnh sát giao thông một tát và được xử lưu động trong vòng hai tháng. Theo báo nói thì đây là vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng sự việc của bố em thì đến nay đã 5 tháng rồi mà là một mạng người, thì em không hiểu là mức độ tính chất nghiêm trọng của hai sự việc này thì cái nào hơn?”

Nhưng sự việc của bố em thì đến nay đã 5 tháng rồi mà là một mạng người, thì em không hiểu là mức độ tính chất nghiêm trọng của hai sự việc này thì cái nào hơn?

Cô Trịnh Kim Tiến

Theo lời gia đình thì ông Trịnh Xuân Tùng bị công an chận phạt vì đã gỡ mũ bảo hiểm để gọi điện thoại trong khi đi xe ôm. Nhưng sau khi bị lực lượng công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội tiến hành kiểm tra, xử phạt về hành vi không đội mũ bảo hiểm, ông Trịnh Xuân Tùng đã phải nhập viện trong tình trạng chấn thương đốt sống cổ, và tử vong. Vụ việc xảy ra từ tháng Hai nhưng mãi cho đến nay nội vụ vẫn chưa được đưa ra giải quyết.

Con gái của nạn nhân nói:

“Hiện tại cho đến nay theo em được biết, nhân chứng nói là chưa dựng lại hiện trường, và giấy tờ xe của nhân chứng vẫn chưa được trả lại, gây ra khó khăn trong việc đi lại của người ta. Và người ta muốn là, nếu như giấy tờ xe có liên quan đến vụ án thì mong rằng sẽ tạo điều kiện cấp một cái giấy để người ta có thể đi lại làm ăn vì bây giờ trong cuộc sống của người ta xe là phương tiện, người ta là xe ôm. Mà giữ giấy tờ xe thì người ta không thể sử dụng được xe ấy để đi đâu cả, và theo họ thì hiện trường vụ án hiện nay chưa được dựng lại.”

Luật pháp không công minh

Tuy nhiên với quyết tâm làm sáng tỏ vấn đề oan ức của bố, con gái người xấu số cũng nhấn mạnh rằng:

000_Nic595625-250.jpg
Cô Trịnh Kim Tiến với tấm ảnh người cha là ông Trịnh Xuân Tùng bị công an đánh chết. AFP
“Em nghĩ là vụ án này sẽ không thể chìm được vì mọi sự việc đều hết sức rõ ràng, có nhân chứng rõ ràng và gia đình em cũng thực thi hết đầy đủ theo pháp luật, và hiện tại là cơ quan điều tra vẫn trả lời với gia đình em là đang điều tra. Như vậy thì theo luật pháp nếu khi quá hạn định mà họ không điều tra thì em có quyền gởi yêu cầu lên trên để giải quyết cho em vì sự việc đến nay quá rõ ràng rồi, và không thể nào có việc không xử lý được.”

Tại Việt Nam trong những năm gần đây có nhiều cái chết oan ức xảy ra do nhân viên công lực quá tay đánh chết người trong lúc làm việc tại trụ sở. Tổ chức theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch đã từng ra thông báo kêu gọi chính phủ Việt nam mở những cuộc điều tra minh bạch về những vụ tử vong do công an gây ra trong khi thi hành công vụ.

Theo ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức này, trong năm 2010 có khoảng 19 vụ bạo hành của công an, gây thiệt mạng cho 15 người, và tất cả những vụ này đều được thông báo trên các phương tiện truyền thông của nhà nước. Sự việc nghiêm trọng này gây quan ngại cho các tổ chức nhân quyền quốc tế về tính chất lan rộng và có hệ thống của những sự hành hạ và ngược đãi đối với người dân trong nước.

Nhiều trường hợp nạn nhân chết trong lúc bị giam cầm chỉ vì những vi phạm nhỏ, điển hình như trường hợp của nạn nhân Vũ Văn Hiền ở Thái Nguyên vì cãi vã với mẹ, hay Nguyễn Văn Khương ở Bắc Giang vì vi phạm luật giao thông, hay như trường hợp của Võ Văn Khánh chết tại trụ sở công an Điện Bàn tỉnh Quảng Nam.

Trở lại với trường hợp cô Phạm Thị Mỹ Linh vừa bị đưa ra xét xử công khai, không ai phản đối việc bị cáo bị xử phạt về hành vi tát cảnh sát giao thông khi thi hành công vụ. Tuy nhiên vấn đề là sự việc này được các cơ quan chức năng xem là nghiêm trọng và nên xử phạt với mục đích răn đe, thử hỏi so với việc người thi hành luật pháp đánh chết người dân thì mức độ nào nghiêm trọng hơn, nhưng chưa thấy luật pháp trừng phạt thích đáng để ngăn chận các hành động lạm dụng này.

0 comments:

Powered By Blogger