Mấy hôm nay cả nước rùng mình vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang. Tội ác ngày càng ghê rợn hơn. Bọn cướp đã truy sát cả gia đình chủ tiệm vàng với một cách man rợ. Rồi thì kẻ bắt cóc trẻ con ngang nhiên vào nhà ôm con trẻ ngay trước mắt cha mẹ của các em. Những đồn đoán bắt cóc trẻ em khắp mọi miền. Chợt giật mình thảng thốt cái gì đang diễn ra trên đất nước này mỗi ngày?
Cuộc thăm dò nào đó cho thấy ở VN thì người dân hạnh phúc nhất thế giới đâu rồi? Hạnh phúc kiểu gì mà ra đường sợ cướp ở trong nhà cũng chưa chắc là yên thân như chủ tiệm vàng nói trên. Việt Nam còn tự hào là " điễm đến hòa bình của ngành du lịch" nữa chăng? Người dân trong nước còn chưa chắc huống gì khách du lịch nước ngoài. Đâu rồi câu khẩu hiệu : "Dù ai đi sớm về trưa- Công an bảo vệ phòng ngừa kẻ gian"? Lực lượng công an đông đảo lẽ nào chỉ bận tâm chuyện đi đến "bảo vệ" những người trong danh sách đen của họ như bà Tạ Phong Tần, ông Đỗ Nam Hải, cụ Hà Sĩ Phu. Những người này họ vốn nghèo, không có nhu cầu bảo vệ. Nuôi chó giữ nhà họ càng không có điều kiện. Lẽ nào các anh công an lại tôn hơi dài sức cho nhọc công. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên từng khó chịu với những "cái đuôi" không mời mà đến này.
Gần đây, khi bắt bớ những người biểu tình chống Trung Quốc thì công an luôn đưa ra câu hỏi: Sao đất nước đang yên ổn không muốn mà muốn xáo trộn? Yên ổn sao mà cướp bóc, trộm cắp nổi lên như rươi vậy? Ông bà ta thường nói " bần cùng sinh đạo tặc" người ta nghèo quá mới đi cướp. Chắc chắn là xã hội bất ổn định mới tội phạm gia tăng theo cấp số nhân. Vì sao có kẻ giàu, giàu lên đột biến và người nghèo thì nghèo tận đáy? Cái gì làm cho khoảng cách giàu - nghèo ngày càng nhiều hơn 2 con số? Chắc chắn không phải là nguyên nhân là bởi tại người biểu tình gây nên.
Thành tích xóa đói giảm nghèo của VN luôn làm cho thế giới ngưỡng mộ đâu rồi? Phía sau những con số đẹp trong các báo cáo là những sự thật nào? Đói nghèo và lạc hậu mới sinh ra những bất ổn xã hội. Người Việt nam vốn hiền lành tốt bụng như câu thơ: "Đạp quân thù xuống đất đen - Súng gươm vất bỏ lại hiền như xưa". Nhưng bây giờ, trong xã hội này bom đạn qua đi đến "một thời hòa bình" nhưng tội phạm lại gia tăng cách kinh khiếp và mức độ tàn bạo khốc liệt hơn. Cái gì đang diễn ra trên đất nước có nhiều câu ca dao tục ngữ rằng : "Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"?
Ở VN hiện nay thì tai nạn giao thông gây nên chết người nhiều hơn bất cứ chứng bệnh nào. Cho dù là HIV, sốt rét, lao phổi, ung thư, bệnh dịch... cũng không có số ca tử vong nhiều như tai nạn giao thông. Một tội ác khi các tài xế cán người gây nên tai nạn là họ cố tình lùi xe, day xe trở lại cán cho nạn nhân chết luôn. Vì gây chết người thì đền tiền ít hơn là làm cho họ bị thương. Giá tiền trả cho một nạn nhân chết ít hơn và đỡ phiền hà hơn là nạn nhân còn sống đi kiện thưa và rắc rối. Một tội ác ! tiền bạc có thể mua mạng sống của con người. Mà giới lắm tiền nhiều bạc chỉ có quan chức và liên quan chặt chẽ với những người thi hành pháp luật. Vụ tai nạn trên đường Láng - Hòa Lạc thì công an và các ngành bảo vệ luật pháp bẻ cong sự thật. Những nạn nhân trẻ em bị cán chết mới vi phạm luật giao thông, còn đám con nhà giàu đua xe thì vô tội, báo chí vào cuộc nhưng cũng thua trận.
Theo dõi giá của một mạng người từ thời Cường Đô la còn đua xe đến nay có thể thấy giá trị thật của mạng người VN hiện nay. Khi đua xe bị bắt ra tòa thì Cường Đô la thành thật cho hay là phụ huynh dạy bảo là nếu cán người thì cố tình làm cho nạn nhân chết luôn thì chỉ đền 20 triệu đồng mà thôi là xong chuyện. Hiện nay thì nhờ lạm phát và trượt giá nên đền 35 triệu đồng cho một mạng người. Quá rẻ ! So với giá vàng thời Cường Đô la đua xe gần 5 cây vàng còn hiện nay 35 triệu đồng mua chưa được một cây vàng. Cứ lấy giá vàng làm chuẩn thì mạng sống của người VN càng ngày càng rẻ mạt.
Mọi giao dịch trong XH đếu lấy phong bì làm "chuẩn": xin con vào mẫu giáo: phong bì, người nhà vào bệnh viện: phong bì, ra tòa nộp hồ sơ khởi kiện: phong bì, lên phường làm hồ sơ nhà đất hay kinh doanh: phong bì, chạy dự án: phong bì, thi hoa hậu thì thí sinh cũng phong bì cho giám khảo...tất cả đều phải có phong bì như Nguyễn Du từng kêu lên: "tiền lưng đã sẵn việc gì cũng xong". Thời phong kiến bọn vua quan làm tiền nhưng cũng có trách nhiệm. Thời nay chưa chắc là xong chuyện. Mình chạy tiền mà có người chạy đua đi phong bì nhiều hơn là mình thua cuộc là cái chắc.
Mở mắt ra với các bài báo : tình- tiền- tù- tội-tự tử nhan nhản khắp các mặt báo. Lẽ nào vừa mất tiền mua báo, vừa mất thời gian rước âu lo vào nhà ư? Lâu rồi chúng tôi không còn thấy thích những bài báo trong trương mục "chuyện cảnh giác" trên báo công an thành phố. Bởi cái gì cũng nên cảnh giác là tốt nhất. Nghe cả những tin tuyên truyền trên loa phường, trên tivi thì cũng cần "cảnh giác" vì ở đất nước này chuyện "nói vậy mà không phải vậy" là chuyện thường ngày ở huyện. Thôi thì có thân phải giữ lấy thân, cố gắng ngu ngu ngơ ngơ giữ lấy yên ổn cho gia đình và người thân. Giàu quá thì không yên với cướp, nói lắm thì không yên với các quan chức từ tổ trưởng dân phố đến công an chủ tịch họ mà cho vào sổ bìa đen là hơi bị mệt.
Như vậy tôi có quá hèn lắm không? Và cái gì đang diễn ra mỗi ngày trên đất nước hình chũ S này?
Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.
0 comments:
Post a Comment