Các cường quốc thế giới đang xét tới các bước kế tiếp trong quan hệ với Libya, vào lúc ông Moammar Gadhafi có vẻ như đã mất quyền kiểm soát thủ đô Tripoli và các thành phố lớn khác.

Các Diễn Biến Quan Trọng Của Cuộc Nổi Dậy Libya

  • 15 tháng 2, 2011: Nổi dậy ở thành phố Benghazi được khơi nguồn từ cuộc cách mạng Mùa Xuân A-rập ở Tunisia và Ai Cập.
  • 26 tháng 2, 2011: Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc áp đặt trừng phạt lên ông Moammar Gadhafi và gia đình, kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra cuộc đàn áp những người nổi dậy.
  • 19 tháng 3, 2011: Được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm; Hoa Kỳ, Anh và Pháp không kích Libya để chận đà tiến của lực lượng Gadhafi.
  • 26 tháng 3, 2011: Phe nổi dậy chiếm được thành phố quan trọng Ajdabiya.
  • 30 tháng 3, 2011: Ngoại trưởng Moussa Koussa đào thoát sang Anh. Một số giới chức Libya cao cấp khác noi gương.
  • 30 tháng 4, 2011: Tên lửa của NATO giết chết người con út và 3 cháu nội của ông Gadhafi.
  • 7 tháng 6, 2011: Ông Gadhafi tuyên bố trên đài truyền hình sẽ không bao giờ đầu hàng.
  • 27 tháng 6, 2011: Tòa án Hình sự Quốc tế ra trát bắt giam ông Gadhafi, người con trai Seif al-Islam, và Giám đốc tình báo Abdullah al-Senussi, về tội ác chống nhân loại.
  • 15 tháng 7, 2011: Hoa Kỳ công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia là chính phủ hợp pháp của Libya.
  • 28 tháng 7, 2011: Cựu Bộ trưởng Nội vụ Abdel Fattah Younes, chạy sang phe nổi dậy hồi tháng 2 và làm tư lệnh quân sự cho phe này, bị giết chết.
  • 14 tháng 8, 2011: Phe nổi dậy tuyên bố chiếm được thị trấn chiến lược Zawiyah, nhưng tiếng súng dữ dội vẫn còn.
  • 20 tháng 8, 2011: Phe nổi dậy mở cuộc tấn công lần đầu tiên vào thủ đô Tripoli, có phối hợp với NATO.

Hoa Kỳ cho biết sẽ đưa ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc một nghị quyết vào thứ Tư bãi bỏ lệnh phong tỏa khoảng 1,5 tỉ đô la tài sản của Libya để tài trợ cho nhu cầu nhân đạo. Tài sản này bị phong tỏa theo lệnh chế tài của Liên Hiệp Quốc.

Trước đó trong ngày thứ Tư, Pháp cho biết đang làm việc với các nước đồng minh trong Hội Đồng Bảo An để tháo khoán tài sản này, đồng thời Anh cho biết cũng thăm dò phương cách để giúp Libya.

Hôm thứ Tư, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói rằng, nước ông sẽ xét tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao với lực lượng chống ông Gadhafi. Trong phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi quân nổi dậy tấn công Tripoli, ông Medvedev nói rằng, Nga sẽ thực hiện điều đó nếu tổ chức này có thể “đoàn kết đất nước.”

Hôm thứ Ba, các giới chức Nicaragua nói rằng, nước họ sẽ xét tới việc cho ông Gadhafi tị nạn, nhưng cho biết, họ không được yêu cầu đưa ra một biện pháp như vậy.

Cũng hôm thứ Ba, chính phủ Trung Quốc nói rằng, họ sẽ yêu cầu Liên Hiệp Quốc lãnh đạo những nỗ lực hậu chiến để thiết lập trật tự tại Libya. Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì kêu gọi Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đóng vai trò lãnh đạo và làm việc với các tổ chức khác để vãn hồi trật tự.