Đào Tuấn - Muốn được như Campuchia, chí ít Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở Việt Nam phải độc lập, chí ít cũng phải là cơ quan thuộc Quốc hội, chứ Ban này thuộc Chính phủ, do đích thân Thủ tướng làm Trưởng ban, thì không biết là nó sẽ chống ai, chống tham nhũng ở đâu nữa...
*
Hồi tháng 6, 3 sỹ quan công an Tiền Giang đã bị khởi tố, bắt giam vì đã lấy hơn 5,6 tỷ tiền vật chứng trong một vụ án lập quỹ đen chia nhau lãi. Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Trưởng Ban chuyên án vụ án Năm Cam, sau đó lên báo thanh minh: "đến 90% số tiền lãi thu được đều sử dụng cho đơn vị PC16 (cơ quan CSĐT) Công an tỉnh Tiền Giang. Đến giờ vẫn còn 1 chiếc xe ô tô, 9 chiếc mô tô, 6 bộ máy vi tính được mua sắm từ tiền lãi này cho đơn vị sử dụng. Một phần dùng để trả nợ cho một sĩ quan của đơn vị này đã thắt cổ tự tử chết. Khi giải thể PC16, anh em chia tiền, người ít nhất được 2 triệu, nhiều nhất được 20 triệu.
Tiền vật chứng trở thành tài liệu mật gửi ngân hàng để lấy lãi dòng trong suốt 6 năm. Sai phạm có lẽ không còn cần phải bàn cãi, dù "tiền lãi" dùng để chia chác cá nhân hay mua sắm tài sản cho đơn vị công an. Duy có điều đáng nói trong vụ việc này là việc quản lý tiền, và tài sản trong hệ thống kiểm soát tài chính ở ta gần như bằng 0. Đến tiền, vàng, ngoại tệ gửi trong ngân hàng- cái phần mà nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền liệt vào phạm trù "phần công khai", còn không kiểm soát nổi, còn không biết cái nào là từ thu nhập chính đáng, cái nào là bất minh, huống chi "phần không công khai"- cái đáy của tảng băng tài sản quan chức. Khi đương chức, ông Truyền đã nói một câu rất hay: "Khi thu nhập quốc dân được kiểm soát qua hệ thống ngân hàng thì công khai sẽ có tác dụng". Bởi với "khoản không công khai khá lớn, thì yêu cầu công khai thì chẳng qua là hình thức".
Căn bệnh hình thức khiến cho biết bao quy định về kê khai trở thành văn bản trên giấy. Suốt từ Hội nghị Đảng IX, khi lần đầu các trung ương ủy viên đều phải kê khai tài sản, đến giờ đã có quá nhiều quy định về kê khai tài sản cán bộ công chức. Nào là quy định tặng, nhận quà biếu được ban hành. Rồi Cán bộ phải kê khai tài sản có giá trị trên 50 triệu đồng. Rồi công khai tài sản cá nhân ở cấp chi bộ Đảng. Rồi mở rộng hóa, cụ thể hóa đối tượng kê khai, cho đến cấp... "Cảnh sát khu vực". Thậm chí, Hội nghị TƯ 9, từ năm 2001 đã chủ trương quy định vợ con cán bộ đảng viên cũng phải kê khai. Nhìn chung, quy định về kê khai tài sản là không thiếu.. Cái thiếu, chỉ là sự là sự công khai. Chính xác hơn, là giới hạn hữu hình của việc công khai.
10 năm trước, Tổng thanh tra Nhà nước Tạ Hữu Thanh bảo rằng: Kê khai nằm trong hồ sơ quản lý của các cơ quan chứ không công khai. Theo ông: Cái này lại liên quan đến quyền tự do cá nhân được quy định trong hiến pháp. Khi người ta chưa có dấu hiệu vi phạm gì thì không thể công khai tài sản, các khoản tiền gửi ở ngân hàng, tiền tiết kiệm của họ, vì nó liên quan đến bí mật cá nhân. Vì rằng: Cán bộ, công chức kê khai cho tổ chức, mà tổ chức là đại diện cho dân nên cũng là kê khai với nhân dân rồi.
Thế nên Nghị định 68, với cốt lõi là quy định về hình thức công khai các bản kê khai tài sản- vừa được ban hành sẽ rất khó để khoác vừa chiếc áo có ý nghĩa như một văn bản cột mốc xóa bỏ hoàn toàn giới hạn của việc công khai? Ừ thì những bản kê khai đó sẽ công khai tại nơi làm việc thường xuyên (Đối với ứng viên đại biểu dân cử sẽ công khai tại hội nghị cử tri). Nhưng những bản kê khai này có phải là một loại tài liệu mật, mà người khác sử dụng, hoặc "bị" công khai trên báo chí- sẽ đương nhiên bị coi là vi phạm pháp luật?
Rất khó để một vị Tổng thanh tra hoặc Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng nào đó khẳng định đây không phải tài liệu mật. Rất khó, bởi những giới hạn không rõ ràng trong việc công khai. Cái còn thiếu để nghị định 68 không mắc căn bệnh hình thức có lẽ là một tuyên bố, hoặc một tấm gương. Như Thủ tướng Campuchia Hun Sen chẳng hạn. Còn nhớ trong buổi công bố tài sản cá nhân ông kêu gọi các quan chức. “Đừng do dự, cũng đừng sợ hãi”- Ông nói. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về việc người đứng đầu Chính phủ công bố tài sản cá nhân. Thậm chí, chủ tịch Ủy ban Phòng chống tham nhũng độc lập Campuchia cho rằng: “Theo luật, những tài liệu kê khai tài sản được giữ bí mật nên luật này không hiệu quả trong cuộc chiến chống tham nhũng”. Tuy nhiên, dư luận vẫn đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ, của Thủ tướng, đánh giá cao sự thống nhất trong lời nói và hành động của người đứng đầu Chính phủ. Sẽ ai tin nếu như ông Hun Sen kêu gọi chống tham nhũng, kêu gọi công khai tài sản cá nhân nhưng bản thân ông thì lại không làm!
Mà muốn được như Campuchia, chí ít Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở Việt Nam phải độc lập, chí ít cũng phải là cơ quan thuộc Quốc hội, chứ Ban này thuộc Chính phủ, do đích thân Thủ tướng làm Trưởng ban, thì không biết là nó sẽ chống ai, chống tham nhũng ở đâu nữa.
0 comments:
Post a Comment