Liệu có một phong trào “Chiếm Phố Wall” hay những phong trào tương tự như thế có thể xuất hiện tại Việt Nam hay không, trong hiện tại và trong tương lai?
AFP PHOTO
Phong trào biểu tình Chiếm Phố Wall tại TP New York ngày 18 tháng 10 năm 2011.
Hôm nay, chúng ta sẽ nói về chủ đề “Phong Trào Chiếm Phố Wall” ở New York, nhưng điều mà chúng ta muốn nhấn mạnh ở đây là liệu có một phong trào “Chiếm Phố Wall” hay những phong trào tương tự như thế có thể xuất hiện tại Việt Nam hay không, trong hiện tại và trong tương lai?
Bây giờ, trước khi bắt đầu vào chương trình, Khánh An mời các bạn mỗi người sẽ tự giới thiệu một chút xíu về bản thân mình.
Thục Vy: Em xin chào mọi người ạ. Em là Huỳnh Thục Vy, đến từ Quảng Nam, Việt Nam.
Như Quỳnh: Xin chào tất cả mọi người. Tôi là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức là blogger Mẹ Nấm. Tôi đến từ Nha Trang.
Nhật Thành: Xin chào mọi người. Mình tên là Nhật Thành. Mình ở thành phố Hồ Chí Minh.
Hoàng: Xin chào mọi người. Mình là Hoàng đang du học ở Pháp.
99% người nghèo
Khánh An: Vâng. Khánh An một lần nữa rất vui cảm ơn các bạn đã tham gia vào chương trình. Bây giờ để bắt đầu vào chương trình ngày hôm nay với chủ đề “Phong Trào Chiếm Phố Wall” ở New York, Hoa Kỳ, thì Khánh An muốn tóm tắt sơ qua về phong trào này.
“Phong Trào Chiếm Phố Wall” xuất phát từ một nhóm sinh viên ở tại New York. Khẩu hiệu của phong trào là “99%”, tức là ở Mỹ có đến 99% người nghèo hoặc là chỉ vừa đủ ăn mà thôi, trong khi đó thì chỉ có 1% người rất giàu nhưng 1% người này lại làm chủ đến khoảng 40% tài sản của nước Mỹ. Trong khi đó, số người còn lại thuộc dạng người nghèo và có thu nhập bình thường thì chỉ chiếm có 7% tài sản của nước Mỹ mà thôi. Cho nên phong trào “Chiếm Phố Wall” này bắt đầu từ một nhóm sinh viên, họ đến một công viên của thành phố New York vào khoảng giữa tháng 9 và họ đã biểu tình để đòi một số yêu sách.
Phong trào biểu tình “Chiếm Phố Wall” là một cơ hội để cho người dân bày tỏ nỗi bức xúc của mình trước nhà cầm quyền và trước các định chế tài chính.
Bạn Thục Vy
Thứ nhất, họ đòi phải đánh thuế trên những người giàu nhiều hơn nữa, thứ hai là vì thời gian vừa qua xảy ra suy thoái kinh tế, mà ở Mỹ người ta mua nhà không trả hết tiền ngay một lần, mà người ta sẽ trả trong vòng 15 hay 30 năm. Cho nên nếu bị mất việc làm (bị thất nghiệp) thì người ta không thể trả được tiền nhà hàng tháng. Sau mấy tháng liền như vậy thì ngân hàng sẽ lấy lại ngôi nhà đó. Cho nên điều thứ hai mà những người biểu tình đòi là phải chấm dứt việc ngân hàng tịch thu nhà chỉ vì chủ nhà không còn khả năng trả nợ nữa. Còn điều thứ ba mà phong trào này đòi hỏi là phải rút quân Mỹ về từ các nước ở Trung Đông và thay vì bỏ tiền ra cho ngân sách quốc phòng thì hãy đầu tư cho giáo dục. Một điều nữa mà họ yêu cầu là đừng tăng học phí đại học. Và điều quan trọng nhất mà họ muốn là phải tạo ra thật nhiều công an việc làm hơn nữa cho người dân Mỹ. Đó là một số tóm tắt về phong trào “Chiếm Phố Wall”.
Theo như Khánh An được biết, phong trào này đã lan ra không chỉ ở New York và các thành phố lớn khác trên nước Mỹ, mà còn lan ra trên khắp các châu lục. Hiện đã có hơn 900 cuộc biểu tình xảy ra trên 80 nước trên thế giới, trong đó có ở một số nước Á Châu như là Hong Kong, Taipei (Đài Bắc, Đài Loan), Seoul (Hàn Quốc).
Như các bạn cũng thấy, trong thời gian ngắn gần đây tình hình thời sự Việt Nam cũng rất sôi động. Một điều trùng hợp mà Khánh An thấy là những cuộc biểu tình đã xảy ra ở Việt Nam. Bây giờ Khánh An muốn hỏi các bạn là khi các bạn nghe về phong trào biểu tình “Chiếm Phố Wall” cũng như các bạn đã theo dõi các cuộc biểu tình ở trong nước thì các bạn thấy có những đặc điểm nào giống nhau không giữa phong trào “Chiếm Phố Wall” và phong trào biểu tình gần đây tại Việt Nam?
Thục Vy: Em thấy nét giống nhau ở phong trào “Chiếm Phố Wall” và các cuộc biểu tình ở Việt Nam, đó là những cuộc tuần hành của người dân bày tỏ ý nguyện của mình đối với nhà cầm quyền, bày tỏ cảm xúc trước tình hình khó khăn cụ thể của nước họ, cho nhà cầm quyền biết để mà có những hành động cụ thể thích hợp để giải quyết các vấn đề đó. Em thấy đó là điểm giống nhau. Thế nhưng có một số người nhìn vào phong trào “Chiếm Phố Wall” thì có lẽ họ đặt lại câu hỏi về chủ nghĩa tư bản.
Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi phong trào “Chiếm Phố Wall” thì đối với phong trào này em không có cảm giác gì đặc biệt hay có suy nghĩ gì đặc biệt, bởi vì đơn giản thì từ khi nhân loại chọn chủ nghĩa tư bản làm con đường phát triển kinh tế thì con người phải chấp nhận việc tự do cạnh tranh trong kinh tế sẽ mang đến bất bình đẳng xã hội. Mà đã là một định chế trong xã hội loài người, tất nhiên như các định chế khác, chủ nghĩa tư bản cũng có những khiếm khuyết của nó. Việc người ta biểu tình để chống lại các định chế tài chính, các tập đoàn kinh tế vì quá tham lam mà tạo ra các khó khăn kinh tế cho đất nước thì việc biểu tình đó là một việc bình thường và cần thiết. Cho nên phong trào biểu tình “Chiếm Phố Wall” là một cơ hội để cho người dân bày tỏ nỗi bức xúc của mình trước nhà cầm quyền và trước các định chế tài chính.
Phong trào “Chiếm Phố Wall” là một chỉ dấu để chỉ hướng cho nhà cầm quyền sở tại để người ta có những hành động thích hợp.
Bạn Thục Vy
Cái thứ hai là phong trào “Chiếm Phố Wall” là một chỉ dấu để chỉ hướng cho nhà cầm quyền sở tại để người ta có những hành động thích hợp. Cho nên đối với Hoa Kỳ thì phong trào “Chiếm Phố Wall” lúc ban đầu không nhận được sự chú ý cần thiết, nhưng sau khi nó trở thành một phong trào rộng lớn thì giới chính trị gia và kinh tế đã để ý đến phong trào này nhiều hơn. Đây là việc cần thiết và sau những việc này thì có vẻ như các phe Dân Chủ và Cộng Hòa trong Quốc Hội Hoa Kỳ phải có những hành động thích hợp. Họ phải hợp tác với nhau, xóa bỏ các bất đồng để mang lại các chính sách kinh tế tốt cho đất nước. Em nghĩ đến những khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản, của nền kinh tế tư bản là điều dễ hiểu và việc phản đối những khiếm khuyết đó được mọi người chấp nhận như một việc bình thường. Còn việc biểu tình ở Việt Nam là một thứ khác hẳn.
Như Quỳnh: Nói đến thái độ của người Việt Nam khi đón nhận những tin tức về phong trào “Chiếm Phố Wall” thì ở đây có vấn đề về cách đưa tin của báo chí và cả tivi nữa. Nó có một sự đánh tráo khái niệm ở đây, tức là nó rời xa cái mục đích ban đầu của những người trong phong trào “Chiếm Phố Wall”, nó làm cho những người ở trong nước đọc báo và nghe tin khiến người ta lầm tưởng. Rất nhiều bạn trẻ mà mình thường gọi là “hồng vệ binh” đã lầm tưởng rằng người dân Mỹ không chịu nổi sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản cho nên người ta mới vùng dậy đấu tranh, người ta biểu tình.
Về hình thức thì giống nhau tức là ở hành động bày tỏ thái độ là biểu tình, nhưng mà từ cuộc cách mạng Phố Wall của những người đi đòi sự công bằng về kinh tế thì mình có thể thấy được rằng ở Mỹ người ta biểu tình vì người ta đủ trình độ nhận thức được chuyện người ta làm. Về bản chất cuộc cách mạng Phố Wall được đưa tin đến Việt Nam không đúng với bản chất thật sự của nó, qua các phương tiện truyền thông làm cho người ta cảm thấy rất là phấn khởi như là chủ nghĩa tư bản sắp sụp đổ ở Mỹ rồi. Nhưng mà sự thật là mình thấy khi mà nói đến cuộc cách mạng Phố Wall và những cuộc biểu tình ở trong nước thì nó hoàn toàn khác nhau vì bên kia người ta có quyền biểu tình chứ bên đây có quyền biểu tình ở đâu mà so sánh.
Biểu tình để nói lên cái đúng
Khánh An: Thế còn hai bạn nam thì các bạn nghĩ như thế nào giữa hai phong trào biểu tình đó?
Thành: Phong trào “Chiếm Phố Wall” thật ra nó xuất phát từ vấn đề liên quan tới kinh tế. Ít ra về dân trí, bên Mỹ người ta nhận thức được vấn đề, người ta biết lý do nó nằm ở đâu và người ta biểu tình để nói lên tiếng nói đúng cái điểm mà người ta cho là nó làm cho người ta bị như vậy. Còn ở Việt Nam mình thì cũng đang giống một điểm là kinh tế đang bị khủng hoảng, lạm phát lên hai con số, rất nhiều người đang khổ nhưng người ta không biết vì sao người ta lại khổ như vậy. Nó cũng giống một điểm nữa là ở Việt Nam thì một nhóm người 5% dân số mà chiếm tới 75% tài sản của đất nước. Cho nên nó có những điểm chung như vậy.
Biểu tình của mình không được tự do, bên đó thì tự do nên người ta dễ dàng nói lên tiếng nói của người ta hơn. Còn mình so sánh thì thực ra không so sánh được.
Khánh An: Đúng là như ý kiến của Thành cũng như các bạn nói đến là nếu mà đem hai phong trào này so sánh với nhau thì đúng là khập khiễng, nhưng mà vì cả hai xảy ra trong thời gian gần với nhau và cả hai đều xuất phát từ ban đầu là quyền biểu tình. Cho nên Khánh An muốn các bạn đưa hai phong trào này ra để xem thử có những điểm nào giống và ngược lại có những điểm nào khác. Nãy giờ các bạn thấy rất nhiều điểm khác nhau. Khánh An ở đây cũng thấy có những điểm khá giống của hai phong trào, đó là nó không có người lãnh đạo và những người biểu tình của cả hai phong trào ở Việt Nam và New York là họ không phải là những người chống chính quyền cũng như cảnh sát hay lực lượng an ninh, mà họ chỉ là những người đòi một số quyền lợi, thế thôi.
Hồi nãy các bạn có đề cập đến vấn đề ở Việt Nam thì không có được tự do biểu tình, Khánh An muốn hỏi Hoàng là một người đang sống ở Châu Âu, chắc là bạn cũng đã chứng kiến rất nhiều những sự việc xảy ra ở Châu Âu cũng như phong trào “Chiếm Phố Wall” nó ảnh hưởng đến Châu Âu như thế nào. Đồng thời chuyện người dân ở Châu Âu biểu tình như thế nào. Không biết là Hoàng có thể chia sẻ một chút với các bạn đang sống ở trong nước hay không?
Hoàng: Em thì em thấy cái chuyện biểu tình này thì bản thân nó là rất bình thường. Có một hiện tương hay một vấn đề gì về thực trạng của xã hội, thực trạng đó làm cho mình cảm thấy mình bị thiệt thòi, mà nếu mình có phản ứng cá nhân mà phản ứng đó không có hiệu quả, thì bây giờ nhiều người lâm vào cùng một hoàn cảnh đó họ cùng nhau biểu tình, họ thể hiện cái bức xúc của họ. Nội dung biểu tình có thể khác nhau nhưng mà cái bản chất của biểu tình thì nó cũng chỉ vậy thôi.
Thí dụ như ở Phố Wall bên Mỹ hay là ở Việt Nam, thí dụ ở Việt Nam cái chuyện biểu tình về Hoàng Sa – Trường Sa thì rõ ràng đó là một cái bức xúc của nhiều người giống nhau và họ đi biểu tình, nhưng vấn đề cái khác hay không khác là ở chỗ người ta được phép biểu tình hay không được biểu tình, hay được biểu tình ở một mức độ nào thôi, chứ còn mỗi cuộc biểu tình nhằm một yêu sách nên nó khác nhau rồi.
Biểu tình của mình không được tự do, bên đó thì tự do nên người ta dễ dàng nói lên tiếng nói của người ta hơn. Còn mình so sánh thì thực ra không so sánh được.
Bạn Thành
Ở bên này em thấy biểu tình năm nào cũng có, mỗi năm có “mùa” luôn mà, đến mức mà em nghĩ bên này năm nào cũng có “Phố Wall” (cười), năm nào cũng có biểu tình hết. Đến mức mà đi học chị sẽ thấy có những tờ rơi họ ghi rõ luôn là: “Tình trạng đất nước như thế như thế… Chúng ta không thể nào chấp nhận được là bây giờ tỷ lệ thất nghiệp quá nhiều, một hệ thống vận hành như vậy cần phải bị thay đổi chứ không thể tiếp tục được, vì vậy… vì vậy…”, nghĩa là họ nói một cách vắn tắt thôi là biểu tình ở những điểm nào đó, từ mấy giờ tới mấy giờ, họ kêu gọi mọi người tới. Thậm chí ở ký tức xá mà vẫn có người tới gõ cửa phòng kêu gọi đi biểu tinh. Đó là một sinh hoạt rất là bình thường giống như bên mình đi coi phim vậy đó.
Có nhiều dạng biểu tình, có những dạng biểu tình tuần hoàn, đi theo từng năm từng năm, có dạng biểu tình khác là họ không làm việc, họ đình công. Họ có cái quyền đó mà đó là cái quyền căn bản ở bên đây. Lúc em mới qua, khi đi làm thẻ lưu trú thì có một buổi họ giới thiệu cho mình về những giá trị cơ bản của nền Cộng Hòa Pháp, thì cái giá trị đầu tiên mà họ giới thiệu, đó là quyền biểu tình.
Khánh An: Quý vị và các bạn vừa theo dõi ý kiến của Hoàng. Đã đến lúc chương trình Café Wifi phải tạm dừng rồi. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình kỳ sau với phần thảo luận về khả năng có một phong trào tương tự như phong trào “Chiếm Phố Wall” ở tại Việt Nam hay không.
Khánh An xin kính chào tạm biệt.
0 comments:
Post a Comment