Nước Nhật đang phải chịu đựng cơn Đại hồng thuỷ chưa từng có trong vòng 100 năm nay. 5 ngày liên tiếp 3 thảm hoạ kinh hoàng: Trận động đất 9 độ richter, kéo theo sóng thần cao tới 10m khiến hơn 10.000 người chết và mất tích, cùng với mối đe dọa rò rỉ phóng xạ từ các vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi khủng khiếp nhất, kể từ tai hoạ bom nguyên tử Nagasaki và Hiroshima 65 năm trước.
Khỏi phải nói nước Nhật đang rơi vào khủng hoảng như thế nào, khi mà cả vạn người chết và mất tích, thiệt hại hàng trăm tỉ đô la, khoảng 30 vạn người không có nhà ở, hơn 2 triệu nhà không có điện, và khoảng 1.4 triệu căn nhà không có nước. Điều làm cho thế giới ngạc nhiên và khâm phục là người Nhật đã giữ được sự bình tĩnh kì lạ trước thảm hoạ “có thể so với Ngày tận thế”. Khác với những thảm hoạ ở Haiti (2010), Pakistan (2005) hay Tứ Xuyên- Trung Quốc (2008) và nhiều nơi khác trên thế giới, ở đây không có sự hoảng loạn dày xéo nhau, không có cướp bóc và hôi của, ngay cả sự đầu cơ tích trữ, đục nước béo cò cũng không.
Tất cả đang gấp rút phối hợp nhịp nhàng, bài bản giữa dân chúng và chính quyền trong trật tự. Một nhà báo kể lại: “ Dòng người xếp hàng chờ được cấp nước uống, vì quá đông nên người ta đã vẽ vạch sơn chạy vòng ngoằn ngoèo và người dân đã xếp thứ tự theo vạch vẽ ngoằn ngoèo đó chứ không phải xếp hàng theo đường thẳng.” Thật quá tuyệt vời.
Vẫn biết tinh thần Samurai trung thành – can đảm – danh dự 130 năm trước đây vẫn tiềm tàng trong tính cách Nhật, bản lĩnh Nhật. Vẫn biết người Nhật vốn nổi tiếng về tính kỉ luật và ý thức cộng đồng rất cao. Nhưng điều gì làm cho dân chúng Nhật đủ niềm tin để giữ vững những phẩm chất tốt đẹp nói trên trước thảm hoạ kinh khủng này? Đó là vì dân Nhật tin chắc rằng sau lưng họ là những tấm lòng hết mực yêu dân và tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ của quan chức Nhật từ cơ sở đến trung ương.
Người ta thấy trên ti vi gương mặt của thủ tướng Naoto Kan từ sững sờ đến đau buốt khi ông nhìn thấy trên màn hình sóng thần đang cuốn trôi đi một thị trấn, tỉnh trưởng tỉnh Aoyama đã bật khóc khi trình bày về tình trạng đói-khát-rét của cư dân trong tỉnh. Liên tiếp 5 ngày qua, thủ tướng Kan, tổng thư ký nội các Edano và tất cả các quan chức trong chính phủ Nhật luôn mặc áo quần bảo hộ, “ Không ai được rời vị trí của mình”- theo lệnh của thủ tướng Kan, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống có thể xảy ra.
Không diễn đạt sự thương dân bằng ngôn ngữ và cử chỉ từ thiện, dành sự thăm hỏi và tặng quà cho các tổ chức cứu trợ nhân đạo, tất cả quan chức Nhật trên từng vị trí của mình đã hành động, hành động và hành động đầy quyết liệt, quả đoán, hiệu quả nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại và khổ đau cho dân chúng, bất kể tốn kém thế nào, khó khăn đến đâu. “ Tất cả vì con người”, đó là mệnh lệnh khẩn thiết, yêu cầu tối cao được phát đi từ thủ tướng Naoto Kan.
Đó chính là bài học Nhật Bản, bài học sáng ngời của một chính phủ hết lòng vì dân.
Nguyễn Quang Lập
* Source: http://thongtinberlin.de/diendan/mrz...hocnhatban.htm
Friday, March 18, 2011
Bài học Nhật Bản
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment