Thursday, August 11, 2011

Cung ốc vặn

No.E209 F312 - Một tin vui cho những fan của món ốc luộc lá bưởi, nước mắm dấm, lá chanh, gừng ớt, tỏi? Hay là “Ốc hấp lá gừng”? Ốc nấu “Tam tam” “Dấm bỗng”, chuối xanh, đậu phụ, thịt ba chỉ, tía tô, lá lốt? Bún ốc? Ốc bỏ rọ treo gác bếp? Ốc đắp đất nướng, ốc vùi tro, trẻ trâu vẫn thường ăn? Thậm chí là canh ốc chan cơm nguội độn mỳ từ thời “Hà Nội sục sôi đánh Mỹ”!!! Con ốc rẻ rúng tầm thường ngày nào nay đã lên ngôi???

Tại khu đô thị mới Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có một tác phẩm kiến trúc rất chi là hiện đại, giá như nó ra đời cách đây hai hay ba mươi năm thì hẳn nhiên trong không gian đó nó đã là một kì quan, có thể nó sẽ được tung hô là một tòa kiến trúc “vô tiền khoáng hậu”…


Cung Trí thức

Nằm lọt thỏm giữa các tòa nhà lớn, nó nhô lên như một cái mấu trên mặt đất. Nếu như nó là một kiến trúc bình thường như bao kiến trúc khác với sự chú trọng vào công năng như thường thấy, nhất là trong thời buổi “tấc đất tấc vàng” thì không có gì đáng nói. Thế nhưng nó lại được tạo hình một cách khá đặc biệt, hình ảnh của nó như mong muốn thể hiện sự tương phản nhưng vẫn uyển chuyển, hòa quyện và bay bổng (hai khối kiến trúc tương phản nhau về độ cao, đường nét và mảng, khối)... Trong không gian kiến trúc mà nó hiện đang tồn tại, với cảnh quan và các kiến trúc liền kề, khiến cho người ta không khỏi có một ấn tượng về sự dị biệt, một sự dị biệt giàu hình ảnh và có đôi phần hài hước.

Cảm quan đầu tiên ta có thể hình dung đó là hình ảnh của một con Ốc vặn, một con ốc đầu chúi xuống đất, đít chổng lên trời bên cạnh cái cọc cao, nhọc nhằn và lầm lụi. Sự lầm lụi quá thể mà người ta vẫn hay dùng làm hình ảnh so sánh trong thành ngữ “ Ốc không mang nổi mình ốc, lại còn tha cọc, tha rêu!”. Nhân chuyện ốc xin được bàn một chút về con ốc: Ngoài chuyện ốc được dùng làm thức ăn suốt chiều dài lịch sử phát triển của các dân tộc thuộc nền văn minh lúa nước nói riêng, ốc và họ hàng của nó còn xuất hiện trong bữa ăn thuộc nhiều nền văn minh khác nhau trên khắp thế giới, xuất hiện trong các di chỉ khảo cổ từ thời đại đồ đá đến các bàn ăn của vua chúa thời trung cổ, và ngày nay nhiều loại ốc vẫn được coi là thứ thực phẩm cao cấp và đắt đỏ. Dù ở chốn bình dân hay nơi sang trọng, ốc luôn được coi là một món thú vị, một thứ đặc sản dân dã nhưng không kém phần tao nhã:

Rượu một lọ
Ốc vài con
Gừng cay, gió heo may
Vương xuống đâu đây hương Hoa sữa
Góc phố Nguyễn Du
Mùa Thu!

Có thể nói không ngoa rằng, trải dài cả mấy chục ngàn năm lịch sử nhân loại, mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, ốc góp một phần không nhỏ trong công cuộc dựng xây đất nước và đánh đuổi ngoại xâm. Ốc là một nguồn thức ăn dồi dào, dễ kiếm, một thứ thức ăn phổ thông của dân tộc Việt Nam. Nó có một tầm quan trọng đặc biệt trong buổi “tháng ba ngày tám”, trong khi sa cơ lỡ bước, thủa hàn vi của một số danh nhân, lúc cơ cùng chạy giặc hoặc khi mới dựng cờ khởi sự của các đấng quân vương tăm tiếng. … Trải dài nhiều ngàn năm với sứ mệnh như một cứu tinh nhưng ốc lại chẳng mấy khi được ghi chép, lưu danh trong các pho sách, sử. Ngoài tầm quan trọng kể trên hình ảnh gần gụi của ốc cũng thường được thể hiện trong các ý tứ văn chương, thi phú. Ví dụ: Hình ảnh về sự tảo tần của người mẹ, người chị, người vợ … “mò cua, bắt ốc”. Thân phận của một cô gái lại được Nữ sĩ danh tiếng Hồ xuân Hương thể hiện như sau:

“Bác mẹ sinh em phận ốc nhồi
Tháng ngày lăn lóc đám cỏ hôi
Quân tử có thương thời bóc yếm
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi!”

Khi có sự nhầm lẫn do vô tình hay cố ý (đánh tráo) hình ảnh của ốc lại được dùng để ví von “Thằng ăn ốc, thằng đổ vỏ”. Khi chỉ sự yếu đuối thì nói “ yếu như sên” (một loại ốc). Thái độ sợ sệt, cầu an, lẩn trốn, bàng quan trước thế sự hay một sự việc cụ thể nào đó người ta lại dùng hình ảnh “tụt sâu vào vỏ ốc” … ngoài ra ốc cũng được dùng làm hình ảnh của sự câm lặng. Sự nhạt nhẽo vô bổ “ nhạt như nước ốc” ...v.v... và v.v...

Trở lại tòa kiến trúc vốn dĩ đã có thể trở nên tuyệt mỹ... giá như:...Giá như nó được sinh ra đúng lúc, đúng thời. Giá như nó được đầu tư đúng mức, phù hợp với cái tên của nó. Giá như vốn đầu tư được sử dụng với hiệu quả cao nhất. Giá như nó được khai thác tối ưu và có ý nghĩa nhất. Giá như nó được đặt cái tên phù hợp nhất. Giá như người ta ý thức được tầm quan trọng của nó ở mức cao nhất. Giá như nó xứng đáng với cái tên của nó nhất … bởi nó có tên là “CUNG TRÍ THỨC”! Ốc vốn là hình ảnh quen thuộc và giàu ý nghĩa trong dân gian, bởi vậy dân gian vốn không dễ tiệm cận với những khái niệm, hình ảnh cao siêu, trừu tượng nên có kẻ hồn nhiên gọi “Cung trí thức” là “CUNG ỐC VẶN”.

Chỉ là sự liên tưởng gần gũi nôm na. Thế nhưng cũng khó tránh được có kẻ khác lại bảo đó là thứ “nôm na mách qué”.

04/08/2011

No.E209 F312



Đầu tư hơn 200 tỉ xây Cung Trí Thức để... bỏ không

(Dân trí) - Hà Nội đầu tư hơn 200 tỉ đồng xây dựng Cung Trí Thức để làm nơi hội tụ các hội, hiệp hội. Tuy nhiên, hơn 8 tháng đi vào hoạt động (từ 10/2010), chỉ có 7 hội về Cung, 2 khối nhà cao 15 và 3 tầng gần như bỏ không.

Cung Trí Thức được xây dựng trên diện tích rộng 6.668m² tại khu đô thị mới Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) với tổng mức đầu tư 202 tỉ đồng, khởi công ngày 30/6/2007 và khánh thành trong tháng 10/2010. Cung Trí Thức là món quà có ý nghĩa lớn của thành phố dành cho giới văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô nhân kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.


Lời mời không đắt

Nhiều lần có mặt tại Cung Trí Thức, tòa nhà cao, đẹp lộng lẫy nhưng vắng tanh người, phóng viên nhận thấy phần lớn các phòng làm việc đều cửa đóng, then cài. Trên cửa vẫn còn dán nguyên giấy có dấu niêm phong của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội.
Cung Trí Thức đẹp lộng lẫy nhưng chưa phát huy hết giá trị sử dụng

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc Cung Trí Thức - cho biết, thành phố Hà Nội bố trí diện tích cho 36 đơn vị (đợt 1), hiện nay một số đơn vị đã nhận bàn giao diện tích thuê và chuyển đến làm việc.

Theo bà Thanh, một số đơn vị được mời đến làm hợp đồng nhưng họ có công văn trở lại đề nghị xin không thuê diện tích làm việc như: Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ hỗ trợ thiên tai Miền Trung, Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Lý do họ đưa ra là đã có cơ sở làm việc ổn định, Cung Trí Thức cũng không thuận tiện cho hoạt động nên họ không có nhu cầu chuyển đến.

Một số đơn vị khác dù đã được quản lý Cung gửi công văn mời đến làm thủ tục hợp đồng thuê nhà nhưng họ vẫn chưa đến làm hồ sơ, thủ tục ký hợp đồng thuê như: Hiệp hội Hóa học Hà Nội, Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Hội làm vườn…

“Những trường hợp trên sau ngày 15/7, nếu họ không nộp hồ sơ và ký hợp đồng, chúng tôi sẽ bố trí cho các tổ chức, hiệp hội khác có nhu cầu thuê vào sử dụng”, bà Thanh nói.


"Ao nước" xuất hiện trong Cung

Mặc dù ngoài trời nắng to nhưng nhiều nơi bên trong Cung Trí Thức xuất hiện vũng nước. Đặc biệt dưới tầng hầm của tòa nhà như một ao nước. Phần tiếp nối giữa hai khối nhà xuất hiện những vết nứt lớn làm cho trần nhà bong tróc, loang lổ.
Ao nước dưới tầng hầm của Cung Trí thức

Về việc một số hạng mục tại Cung Trí Thức bị hỏng hóc, bà Thanh cho biết ngay sau khi phát hiện đợn vị này đã có công văn yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình khẩn trương sửa chữa khắc phục, đảm bảo cho công trình hoạt động bình thường.

“Hiện tại, công trình vẫn đang trong thời gian bảo hành theo quy định. Nhà thầu đã và đang sửa chữa khắc
phục những tồn tại thấm dột tại công trình”, bà Thanh nói.

Theo quan sát của chúng tôi vào chiều ngày 8/7, mặc dù trời không mưa tầng hầm vẫn còn ngập nước.



. Bookmark the permalink.

0 comments:

Powered By Blogger