Wednesday, August 10, 2011

Bảo tồn văn hóa thiểu số, phong cách Đại Kinh

DCVOnline - Theo nhà nước CHXHCN (1) thì Việt nam có 54 dân tộc anh em nói hàng chục ngôn ngữ, 12 tôn giáo, trong đó có các tôn giáo lớn của thế giới. Điều 5, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 ghi

“Nhà nước CHXHCN Việt Nam, Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.”


Em gái H’mong (Vietnam)
Nguồn: chaovietnamtourist.com
Mới đây Vụ Văn Hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Theo Khánh Nguyên của tờ Tổ Quốc Báo của Bộ VHTTDL, thì “đề án có ý nghĩa to lớn góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số vốn đang đứng trước nhiều nguy cơ mai một.”

Đây không phải là lần đầu Hà Nội nói đến bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số. Tiêu biểu là các Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP (27 tháng 12 năm 2008 - xóa đói giảm nghèo), Chương trình 135 (theo Quyết định số 07/2006/QD-TTg, ngày 10/01/2006 - phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa), các chương trình chăm sóc sức khỏe, sách giáo dục và đào tạo cho người dân tộc thiểu số, cùng các chính sách khác để bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc…

Nhân đọc phát biểu của ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hoá Dân tộc ngày 9/8/2011, một Facebookian đã ghi lại một số nhận định về sự kiện “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam” này. Mời bạn đọc theo dõi bài viết “Bảo tồn văn hóa thiểu số, phong cách Đại Kinh” của Trần Minh Khôi.


Bảo tồn văn hóa thiểu số, phong cách Đại Kinh

by Trần Minh Khôi on Tuesday, August 9, 2011 at 4:04pm

(Nghe quan văn hóa bàn chuyện văn hóa là mềnh muốn tránh cho xa rùi. Định lờ đi vì cả tuần trước bỏ đi hoang nên tuần này công việc bù đầu nhưng sáng giờ cái cảm giác nó cứ lờm lợm không chịu được.)

Phát biểu của ông Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Hoàng Đức Hậu trên báo mạng Tổ quốc (*) là bằng chứng mới nhất của não trạng Đại Kinh trong cố gắng hủy diệt tiếp tục văn hóa thiểu số ở Việt Nam.

Qua việc mô tả cái được gọi là đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” vừa được chính phủ phê chuẩn, ông Hậu minh họa cho chúng ta thấy khi việc bảo vệ văn hóa trở thành một mục tiêu chính trị thì công việc nhân bản đó trở nên phản động và man rợ như thế nào. Bảo tồn văn hóa, với lối tiếp cận của ông Hậu và cái bộ hay cục gì đó của ông, trở thành “bảo tàng hóa” văn hóa. Nghĩa là diệt hết nó đi, phơi khô, rồi cất vào kho.

Ông Hậu quên rằng văn hóa của các tộc dân thiểu số đã tồn tại và phát triển rực rỡ cả ngàn năm nay. Chúng đã tồn tại và phát triển trong cái không gian sinh tồn của họ. Cái không gian đó, trong gần một thế kỷ qua, đã bị các nhà nước theo đuổi chủ nghĩa dân tộc thống nhất Đại Kinh tước đoạt. Để bảo tồn di sản văn hóa của họ, nhà nước hiện nay, với tư cách là định chế bảo vệ công lý quốc gia, phải trước hết và trên hết trả lại cho họ cái không gian mà các nền văn hóa này được kiến tạo và phát triển. Chỉ đơn giản như thế. Và nếu có một cái đề án “bảo tồn” nào đó thì cũng chỉ nên làm một chuyện đơn giản như thế. Để bảo tồn các giống quý hiếm người ta không đưa chúng vào sở thú, người ta không giết chúng, phơi khô làm nộm đưa vào bảo tàng. Người ta xây dựng những không gian quen thuộc của chúng để chúng tự sống. Người ta dành đất cho chúng sống.

Nhưng cái điều đơn giản này lại không được nghe ông Hậu nhắc đến. (Ai cũng biết cái cơ chế nhà nước của ông không có khả năng làm cái chuyện đơn giản đó. Nhưng ít nhất nó là một nhận thức mà một viên quan văn hóa như ông phải có.) Vậy ông vụ trưởng nói đến cái gì?

Không gì khác ngoài cái giọng điệu trịch thượng dân tộc lớn. Một loạt những chiếu chỉ hành chánh về bảo tồn văn hóa thiểu số, đương nhiên. Ông cho người ta cái ấn tượng ông là một thứ quan tòa văn hóa đủ thẩm quyền để phán định cái nào bảo tồn, cái nào không, cái nào cần phải “khai thác”. (Vâng, là “khai thác”. Khai thác văn hóa? Cách sử dụng ngôn ngữ tự nó đã là một tố cáo không thể lẫn tránh một tâm thức man rợ). Đang lúc lên đồng ông quên rằng các quyền đó là của người thiểu số chứ không phải của ông (với tư cách đại diện nhà nước, dù cá nhân ông là người thiểu số hay không). Các quyền đó cũng không thuộc về cái nhà nước của ông. Ông nói đến sự “lo ngại là họ không đủ điều kiện tự bảo vệ những giá trị văn hóa của mình, nên rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của Đảng và Nhà nước”. Nghe như một tên quan thượng thư bàn chuyện khai hóa đám nam man.

Cách làm của ông thì sao?

“Có thể quay phim, chụp ảnh, lưu giữ trong bảo tàng, viện nghiên cứu, nhưng cách bảo tồn tốt nhất vẫn là để đồng bào làm chủ nhân của công tác bảo tồn ấy, và bảo tồn phải diễn ra ngay chính tại cộng đồng dân tộc”.

Cái vế thứ hai thì không cần phải nói đến vì đó là chuyện đồng bào thiểu số, khi không gian sống của họ chưa bị tước đoạt, đã làm cả ngàn năm nay rồi. Phần còn lại của câu nói chỉ là những chuyện mòi tiền vớ vẩn.

Chưa hết, còn có những cái trò ma quỷ như “phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân” và “hội thảo bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống”. (Sao mà họ sính hội thảo thế nhỉ?). Và hình như không bao giờ họ quên cái vai trò làm cha mẹ dân (và dân thiểu số): “thay đổi nhận thức tư duy”, “thay đổi nhận thức của đồng bào, từ đó có biện pháp quản lý phù hợp”. Ông ta đang nói đến quản lý văn hóa, một khái niệm chính nó mang đầy đũ tính man rợ không cần bàn cãi.

Nhưng cái này thì còn man rợ hơn, khi được hỏi về không gian sống của các tộc dân thiểu số đã bị tước đoạt đưa đến sự hủy diệt văn hóa:
“Nếu đồng bào thực sự nhận thức đúng, thực sự yêu quý và tôn trọng văn hóa dân tộc mình thì dù họ có đi đâu chăng nữa, những nét văn hóa ấy cũng không thể mất đi được.”

Có ai nghi ngờ gì về tính thực dân ngụy biện của cái não trạng tước đoạt và hủy diệt này nữa không?


Bảo tồn văn hóa, phong cách nhân bản: cho họ một không gian để sống và nuôi dưỡng văn hóa.
Nguồn: H'mong festival ở Manitowoc, Wisconsin.
Nói đến văn hóa, và bảo tồn văn hóa, là phải nói đến tự do. Chỉ trong một không gian tự do thì văn hóa mới có thể phát triển và tồn tại được. Lẫn tránh việc tái tạo không gian này mà bàn chuyện bảo tồn văn hóa là ngụy biện. Đằng sau ngụy biện này phải là một âm mưu, dù có ý thức được hay không, mà hậu quả của nó là sự hủy diệt, thay vì bảo tồn, văn hóa không thể cứu vãn được.

Hơn một trăm năm nay, và từ khi có sự xuất hiện của não trạng tinh thần dân tộc thống nhất hồi đầu thế kỷ 20 (lấy cái khái niệm lầm lẫn “dân tộc Kinh” làm trung tâm nên tạm gọi là não trạng dân tộc Đại Kinh), không gian văn hóa, và không gian sống, của các tộc dân thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam ngày càng bị thu hẹp. Các không gian văn hóa này không có chổ đứng, và không có đất sống, trong lòng không gian văn hóa quốc gia bị thống trị bởi ý chí dân tộc thống nhất mà nhà nước hiện nay là kế thừa trung thành nhất, hung hãn nhất, dã man mất. Gần 30 năm qua, với cố gắng khai thác tài nguyên vô tội vạ được bọc dưới cái tên gọi mỹ miều “phát triển kinh tế”, chúng càng lúc càng bị đẩy dần đến bên lề của vực thẳm hủy diệt. Và người ta nghĩ đến chuyện đưa chúng vào bảo tàng.

Ông Hậu không nói gì đến con số bao nhiêu tỉ mà chính phủ dự định chi cho cái đề án này. Được bao nhiêu thì ông nên chia chác giữa đám quan văn hóa của ông đi. Đừng đụng đến cái di sản văn hóa quốc gia quý giá kia. Cái đề án của ông chắc chắn sẽ làm cho chúng bị hủy diệt nhanh hơn. Tôi lấy cái đầu của tôi để cá độ với ông, là đến năm 2020, cái năm đề án của ông chấm dứt, ngoài dăm ba cuộc hội hè mua nhảy trống kèn vô bổ (thậm chí mang tính sỉ nhục), vài cái hội thảo cùn của đám trí thức (theo tinh thần) Đại Kinh, văn hóa thiểu số của quốc gia Việt Nam sẽ kiệt quệ hơn so với lúc cái đề án của ông bắt đầu.

Dám không?


(*) http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Cua-So-Van-Hoa/Phai-Som-De-Lop-Tre-La-Chu-Nhan-Di-San.htm

0 comments:

Powered By Blogger