Wednesday, July 27, 2016

Căng thẳng leo thang tại biên giới Ấn - Trung


AuthorNguyễn Trọng DânSourceDân Làm BáoPosted on: 2016-07-27
Trong lúc dư âm của phán quyết từ toàn án PCA về chủ quyền biển Đông đang còn vang vọng mạnh, thì đột nhiên mọi người ngẩn ngơ khi hay tin Ấn Độ đã điều 100 chiếc xe tăng T-72 về biên giới Ấn-Trung ở vùng cao nguyên Ladakh.
Giới truyền thông còn khẳng định một trung đoàn xe tăng đã được điều động đến nơi này vào năm 2014, năm 2015 và lần này nữa nhằm nâng tổng số xe tăng lên thành một sư đoàn. Giới chức New Delhi lý giải rằng điều động xe tăng đến vùng cao nguyên Ladakh này chỉ là để phòng thủ và cân bằng sự hiện diện ngày càng đông của quân đội Trung Cộng tại vùng này. New Delhi khẳng định Trung Cộng đang cho xây nhiều cơ sở quân sự mới tại nơi này ở phía bên kia biên giới.
Trước hết, đem xe tăng để phòng thủ cân bằng sức mạnh quân sự ở vùng biên giới như New Delhi tuyên bố là một chuyện vô cùng khó tin trong chiến lược quân sự. Với khả năng di động nhanh và hỏa lực mạnh, xe tăng thuờng được dùng để tấn công thọc sâu vào bên trong địa hình do đối phương kiểm soát nhằm vô hiệu quá mọi khả năng phản kháng và buộc đối phương bị tê liệt, tổn hại nặng nề để rồi đi đến quyết định đầu hàng.
Lịch sử đã cho thấy Đức Quốc-Xã trước đây đã cho xe tăng Panzer thọc sâu xuyên qua khu rừng Ardennes biên giới Pháp-Đức, đi vòng ra đàng sau tuyến phòng thủ kiên cố Maginot Line của Pháp rồi tấn công ồ ạt sâu vào nội địa nước Pháp nhanh như chớp khiến nước Pháp và đồng minh hoàn toàn không thể kháng cự, đành phải chấp nhận bại trận. Hoa Kỳ cũng đã từng dùng xe tăng, thọc sâu xuyên qua sa mạc không người đánh thẳng tới Baghdad khiến chế độ Sadam Hussen hết đường cứu vãn và Sadam Hussen phải bị treo cổ sau đó.
Cho nên việc Ấn tập trung cả trăm chiếc xe tăng T-72 tại Ladakh hoàn toàn cho thấy giới chức quân sự Ấn đang đe dọa biên giới Trung Cộng nhiều hơn là để phòng thủ.
Chiếc xe tăng T-72 sản xuất từ Liên Xô, dù không thể sánh bằng các loại xe tăng tối tân của Mỹ hiện nay, nhưng dư sức vượt trội mọi loại xe tăng khác. Chiếc xe tăng T-72 này được bắt đầu sản xuất năm 1971, tức là ra đời sau hệ xe tăng T-54 mà Liên Xô viện trợ cho Việt Cộng để bắn giết tàn phá xóm làng miền Nam, thí dụ như ở mặt trận An Lộc năm 1972 chẳng hạn. Chiếc T-72 có đại pháo 125 ly tự động nạp đạn nên có thể khai hỏa nhanh hơn đối phương. Với đại pháo 125 ly mà 100 chiếc tăng T-72 của Ấn bắn liên hồi như ở An Lộc năm 1972 thì sẽ không có làng mạc nào bên biên giới Trung Quốc còn nhà còn cửa trên đường lực lượng xe tăng này tiến quân cả.
Nơi mà lực lượng xe tăng này đồn trú, tức là cao nguyên Ladakh cũng là nơi xảy ra giao tranh Ấn-Trung năm 1962 rất khốc liêt. Cuộc tranh chấp Ấn-Trung vào năm này dẫn đến sự bại trận rất nặng nề của Ấn do các sĩ quan Ấn thiếu kinh nghiệm tác chiến, chưa biết cách khai thác sức mạnh không quân sẵn có để phá vỡ chiến thuật biển người của Trung Cộng. Tình báo của Ấn đã báo cáo sức mạnh Không-quân của Trung Cộng một cách quá đáng sai lệch khiến lực lượng Không-quân Ấn nhát tay, lo thủ thế trong khi các căn cứ Không-quân của Trung Cộng ở quá xa nơi lâm chiến, không thể hiện diện để tấn công không quân Ấn như các sĩ quan Ấn suy tính.
Sau thất bại này, người dân Ấn thật sự bừng tỉnh và nhất quyết giúp chính phủ hiện đại hóa quân đôi. Sau hơn 50 năm, nước Ấn bùng lên thành một cường quốc, mạnh từ gốc rễ mạnh ra, mạnh từ kinh tế đến quân sự với một nền chính trị dân chủ vững chắc dù khoảng cách an sinh xã hội giàu nghèo còn nhiều cách biệt.
Đã từng nếm mùi bại trận nhục nhã vì do sợ hãi sức mạnh Trung Cộng một cách quá đáng vào năm 1962 nên nay người dân Ấn dứt khoát không phạm phải lỗi lầm đó nữa. Nhìn thấy Trung Cộng ngày nào cũng hù dọa các nước trong vùng tại biển Đông, chính phủ Ấn rõ ràng hiểu rõ và cảm thông trước những hoang mang của các quốc gia trong vùng. chính phủ Ấn đang thắt chặt quan hệ quân sự đồng minh với Hoa Kỳ để làm hậu thuẩn vững chắc lâu dài và đang toan tính đương cự thẳng tay với Trung Cộng từ trên bộ, trên không lẫn trên biển.
Chính Ấn đã điều các tàu chiến đến biển Đông trong thời gian gần đây hăm he đòi truy đuổi các tàu tuần tra của Trung Cộng, vốn thường xuyên sách nhiểu dân chài lưới của Phi tại Hoàng Nhan đảo (Scarborough Shoal) và các vùng biển lân cận. Cũng chính Ấn đã dằn mặt Trung Cộng và loan báo các hãng khai thác dầu của Ấn sẽ không rút lui khỏi thềm lục địa Việt Nam trước sự hù dọa của Trung Cộng vào hai năm trước.
Sự việc Trung Cộng đem chiếc máy bay có khả năng ném bom hay phóng đầu đạn nguyên tử H-6K ra hù dọa Hoa Kỳ và các nước trong vùng biển Đông vào ngày 15 tháng Bảy sau khi bị tòa PCA bác bỏ mọi luận cứ lấn chiếm biển Đông đang cho thấy tình hình châu Á Thái Bình Dương đang leo thang. Rõ ràng, Trung Cộng đang muốn lợi dụng Hoa Kỳ còn đang bận rộn bầu cử, chưa thể dứt khoát đối sách trong lúc này nên ra tay hù dọa nhằm lung lạc niềm tin của các nước trong vùng vào Hoa Kỳ, để rồi phải ngã vào thỏa hiệp với Trung Cộng hèn hạ thua cuộc một cách không cần thiết.
Phải chăng thông qua việc điều động một trăm xe tăng T-72 thẳng đến biên giới của Trung Cộng ngay lập tức sau vụ Trung Cộng khoe "đồ chơi" nguyên tử, chính phủ Ấn muốn nhắc nhở trấn an các nước tại biển Đông là đừng có quá lo sợ để rồi bị Trung Cộng lừa vì Bắc Kinh chỉ giỏi trò run cây nhát khỉ mà thôi?
Hay thật sự Ấn sẽ là một mũi nhọn công kích đã lộ diện trong nhiều mũi nhọn công kích khác trong kế hoạch của Hoa Kỳ và Đồng Minh để rồi chia năm sẽ bảy Trung Hoa lục địa sau này khi cuộc chiến biển Đông đi vào tàn cuộc? Thôi thì thời gian sẽ trả lời vậy.
Nguyễn Trọng Dân

0 comments:

Powered By Blogger