Từ trong trại cải tạo Thanh Hà, người biểu tình Bùi Thị Minh Hằng đã viết tay lá đơn kiện Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.
Lá đơn dài hơn bốn trang giấy kiện Quyết định hành chính số 5225 vào cuối năm 2011 của UBND Hà Nội về áp dụng biện pháp đưa bà Bùi Hằng vào ‘cơ sở giáo dục’.
Bà Bùi Hằng là người tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hồi giữa năm ngoái.
Chính quyền Hà Nội đã đưa bà vào trại cải tạo Thanh Hà mà không thông qua bất kỳ hình thức xét xử nào với lý do bà ‘gây rối trật tự công cộng’.
Thăm nuôi định kỳ
Bà Hằng đã viết và ký vào lá đơn này và cán bộ trại Thanh Hà đã chuyển đơn cho con trai bà là Bùi Trung Nhân trong chuyến đi thăm nuôi hôm Chủ nhật ngày 18/1.
Trao đổi với BBC, anh Nhân cho biết sẽ trao đổi với luật sư trước khi nộp đơn kiện này lên Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội.
Anh nói đây là lần đầu tiên bà Hằng khởi kiện sau hai lần trước chỉ gửi đơn khiếu nại.
Anh Nhân cũng cho biết là lá đơn đã được chuẩn bị sẵn ở nhà bằng cách đánh máy và anh chỉ đem vào cho mẹ ký nhưng đã bị các cán bộ trại Thanh Hà ‘làm khó dễ’.
“Một lá đơn dài như thế mà sức khỏe của mẹ em thì rất kém, tay chân rất yếu mà họ vẫn bắt viết tay,” anh Nhân kể và cho biết bà Hằng đã phải chép lại lá đơn trong vòng hai giờ đồng hồ.
Ngoài ra, anh Nhân cho biết mẹ anh còn bị cán bộ trại gây khó dễ bằng cách ‘thu giữ giấy bút’, nói những lời hằn học và phân biệt đối xử như không cho bạn bè vào thăm như các trại viên khác.
Về sức khỏe bà Bùi Hằng, anh Nhân cho biết đã ‘giảm đi rất nhiều so với bên ngoài’ nhưng ‘so với lần thăm nuôi trước thì tốt hơn’.
“Mẹ em vẫn tuyệt thực khoảng hai tháng nay,” anh nói, “Mẹ không nhận thức ăn của trại và chỉ cầm hơi bằng sữa và đồ tiếp tế từ nhà thôi.”
Anh cho biết cứ cách mỗi hai tuần anh lại lên thăm mẹ và tiếp tế được tối đa 7kg gồm chủ yếu là thực phẩm giữ được lâu.
Trong chuyến thăm nuôi ngày 18/3, ngoài con trai là Bùi Trung Nhân, khoảng 8 người khác là bạn bè bà Bùi Hằng cũng đi từ Hà Nội đến Vĩnh Phúc thăm bà.
“Chúng tôi vẫn như những lần trước là không được vào vì không phải đối tượng được thăm gặp,” ông Nguyễn Tường Thụy, một thành viên tham gia trong đoàn, nói với BBC.
Tất cả bạn bè của bà Bùi Hằng chỉ đứng ngoài cổng và ‘không được phép chụp ảnh’, ông Thụy nói.
“Chúng tôi lên để cho chị (Bùi Hằng) biết bên ngoài có bạn bè để chị yên tâm phấn khởi mặc dù không được gặp,” ông giải thích mục đích chuyến đi và cho biết ông tháp tùng anh Bùi Trung Nhân mỗi lần đến kỳ được thăm nuôi.
Bà Hiền Đức bị đe dọa?
Ông Thụy cho biết bà Lê Hiền Đức, 81 tuổi, người tích cực hỗ trợ các nông dân mất đất về Hà Nội khiếu kiện, cũng đi ‘quá giang với đoàn’ để tìm hiểu về cách hành xử của công an đối với dân như thế nào.
Trao đổi với BBC, bà Đức xác nhận là bà đi vì mục đích đó vì bản thân bà cũng chưa biết mặt bà Bùi Hằng bao giờ cả.
Tuy nhiên bà Đức cũng cáo buộc rằng bà nhận được những cuộc điện thoại đáng ngại mà bà cho là của công an gọi đến để ‘khủng bố’ bà trong khi bà đang đứng chờ ở ngoài cổng trại Thanh Hà.
Bà nói ‘có một người, một giọng nữ gọi đến cho bà liên tục từ một số điện thoại’ cứ cách 5 – 10 phút thì gọi một lần trong khoảng một tiếng đồng hồ.
Bà Đức thuật lời của người gọi bí ẩn đó như sau: “Chị à, chị nên về nghỉ với con cháu đi, đừng lang thang ở đây nữa, đừng làm gì nữa.”
Những lần gọi sau đấy cũng tiếp tục điệp khúc ‘đừng làm gì nữa’, bà Hiền cho biết, và trong cuộc điện thoại cuối cùng giọng điệu đe dọa rất rõ ràng: “Tóc thì lơ thơ có vài sợi. Chúng tôi túm vặt lúc nào cũng xong”.
Bà cho biết số điện thoại gọi bà là từ sim khuyến mãi của Viettel nên khó xác định danh tính người gọi là ai.
Nguồn: BBC
0 comments:
Post a Comment