Saturday, July 23, 2016

Đất chùa Liên Trì đã bị bán đứt trên giấy cho chủ nợ?


SourceViệt Nam Thời BáoPosted on: 2016-07-23
Ngày 20/7/2016 – thời hạn cuối cùng mà chính quyền quận 2 ở Sài Gòn ra tối hậu thư cưỡng chế giải tỏa chùa Liên Trì đã trôi qua, nhưng ngôi chùa vẫn không hề suy xuyển.


Một hoạt động từ thiện giúp trẻ ung bướu tại chùa
Sát ngày 20/7, chính quyền quận 2 lại có văn bản gửi chùa Liên Trì, nhưng với âm giọng mềm hẳn: “tiếp tục đề nghị chùa tự di dời”. Hẳn là phong trào phản đối việc cưỡng chế chùa Liên Trì diễn ra trong nước và hải ngoại, cùng mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng nhân quyền quốc tế đã khiến chính quyền Sài Gòn “bỗng dưng” xuống giọng.
Nhưng cũng còn một nguyên do khác của sự xuống giọng trên. Nghe nói sau khi quyết định cưỡng chế chùa Liên Trì được quận 2 tung ra, đã có một chỉ đạo từ “trung ương” yêu cầu chính quyền Sài Gòn phải xem xét lại vụ việc để “tránh gây căng thẳng”.
Không nói ra thì ai cũng hiểu, thời gian chuẩn bị cho “Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP” đang đến rầt gần. TPP lại được giới nghị sĩ Hoa Kỳ gắn liền với một điều kiện rất đặc biệt: Danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC). Năm 2006, chính thể Việt Nam đã được người Mỹ nhấc khỏi CPC. Nhưng hiện thời, một dự luật về CPC đang được trình lên Quốc hội Mỹ, trong đó đề cập nhiều vi phạm về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Nếu CPC được Quốc hội Mỹ thông qua, chắc chắn Việt Nam sẽ chỉ còn nhận ra Hiệp định TPP như một ảo ảnh ở cuối đường chân trời.
Rõ ràng đã có một độ lệch pha rất đáng kể giữa quan điểm cưỡng chế giải tòa chùa Liên Trì của chính quyền Sài Gòn, với “chủ trương đối ngoại” của đảng cầm quyền.
Nhưng vì sao chính quyền Sài Gòn lại rốt ráo muốn “xúc” chùa Liên Trì? (“xúc” là từ thường dùng của giới chức chính quyền đối với những tâm điểm cưỡng chế thuộc loại “nhạy cảm chính trị”).
Rất nhiều dư luận đã nghi ngờ rằng chính quyền Sài Gòn đã từ lâu bán đứt đất chùa Liên Trì trên giấy tờ cho các chủ nợ. Được biết, chủ nợ lớn nhất của dự án Khu đô thị thủ Thiêm (trong đó có phần đất chùa Liên Trì) là Ngân hàng BIDV. Từ những năm trước, ngân hàng này đã cho chính quyền Sài Gòn mượn nhiều ngàn tỷ đồng để thực hiện bồi thường và xây dựng dự án này. Lối vay mượn này đã khiến cho đến nay, ngân sách chính quyền Sài Gòn bị sụt giảm nặng nề cùng số nợ vay đầu tư hạ tầng cho Thủ Thiêm lên đến 29,000 tỷ đồng, số lãi vay đang phát sinh tới 2.9 tỷ đồng mỗi ngày nhưng chưa biết tìm đâu ra tiền để trả nợ cho giới ngân hàng. Tình hình này càng đủ tạo ra những lý cớ để chính quyền Sài Gòn luôn tìm cách “làm cỏ” chùa Liên Trì để lấy được “đất sạch” và “cấn nợ”. Rất có thể quyết định cưỡng chế chùa Liên Trì của chính quyền quận 2 phát sinh từ nguyên do bị chủ nợ thúc ép trả nợ như thế.
Với dự án khu đô thị thủ Thiêm, không quá khi cho rằng dự án này được xây dựng trên xương máu của người dân nơi đây. Những năm trước, quá trình bồi thường với mức giá quá thấp đã khiến phát sinh khiếu kiện tập thể đông đảo tại khu vực này. Chế độ cưỡng chế dã man của chính quyền đã là nguồn cơn gây ra một số cái chết thương tâm của người dân, nhưng không hề được báo chí nhà nước đề cập.
Mới đây vào ngày 18/6/2016, lại xuất hiện một nạn nhân là anh Nguyễn Hùng Thái tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Đất của gia đình anh Thái chỉ được áp giá đền bù 2 triệu đồng/m2, trong khi giá phân lô bán nền của chủ đầu tư vọt gấp 100 lần, tức 200 triệu đồng/m2.
Quá bức xúc nên vào sáng ngày 18 tháng 6 năm 2016, anh Thái đã cự cãi với những người thi công, sau đó bị khoảng chục người của chủ dự án đánh đập anh Thái dã man, gây thương tích nhiều chỗ. Khi công an đến lại không bảo vệ dân mà lại bênh vực chủ dự án, nên anh Thái quá phẫn uất mà vào nhà khóa cửa, tự thắt cổ cho đến chết. Thế nhưng cái chết của anh Thái vẫn bị hàng trăm công an bao vây hành hạ…


Di ảnh anh Nguyễn Hùng Thái – người bị bức tử tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Ảnh Dân Làm Báo.
Một lời nguyền đã rộ lên từ nhiều năm qua tại Thủ Thiêm: dự án này xây trên xương máu người dân, nên quả báo ắt sẽ ứng với giới chủ đầu tư và quan chức tham tàn.
Lê Dung

0 comments:

Powered By Blogger