Vũ Thị Phương Anh - Như vậy là hôm nay 28/8 ở HN không có biểu tình, sau 11 lần gần như liên tục từ tháng 6 đến nay. Là một người dân bình thường nhưng yêu nước (thì … yêu nước theo kiểu suy nghĩ của dân thường), tôi cảm thấy cách biểu hiện lòng yêu nước của các vị nhân sĩ, trí thức HN trong thời gian qua quả là rất hay. Rất đáng ngưỡng mộ.
Vì sao đáng ngưỡng mộ ư? Tôi thấy mọi người đi biểu tình vừa hào hùng, hừng hực khí thế (nào là áo thun đỏ có in sao vàng, màu cờ của tổ quốc, nào là quốc kỳ cầm tay, rồi biểu ngữ với những khẩu hiệu rất có ý nghĩa, ví dụ như: “Tổ quốc lâm nguy, xin đừng vô cảm”, hoặc “Đất nước không phải là của riêng ai”, vv), lại vừa trật tự, trang nghiêm, không đạp lên cỏ, không gây rối trật tự, không có xô xát, chống đối công an, kể cả khi công an có hơi mạnh tay, mạnh chân một chút, có cả … lỡ chân đạp trúng … mặt người yêu nước (thì người yêu nước lúc ấy đang được khiêng lên xe buýt theo kiểu khiêng … heo mà lại, tức nắm 4 chi mà khiêng rồi vứt lên sàn xe ấy).
Tôi cũng có một lời … tự thú nho nhỏ: Đúng vào sáng ngày 17/7, cùng cái hôm công an đạp mặt Nguyễn Chí Đức (người được khiêng như heo mà tôi đã kể ở trên), tôi cũng có mặt ở Hà Nội (tôi ở HN một tuần để tham gia phỏng vấn các ứng viên xin học bổng của AusAID – tổ chức viện trợ phát triển của chính phủ Úc, và ngày 17/7 là ngày cuối, buổi chiều sẽ bay vào Đà Nẵng). Và, trời xui đất khiến thế nào, đúng sáng hôm đó tôi lại ngồi uống café với một người bạn ở đúng quán café Trung Nguyên ở trên đường Điện Biên Phủ, hình như là số 36.
Tôi đến sớm, ngồi một mình chờ bạn đến, thì thấy Nguyễn Xuân Diện đi vào, ngồi ở một bàn khác. Ai chứ NXD thì tôi biết mặt, vì cùng là dân chơi blog với nhau mà, lại cùng giới, dù không chơi với nhau. Chắc chắn là một người đàng hoàng, tử tế, và yêu nước – mặc dù sau này tôi mới biết ra là biểu hiện lòng yêu nước của Diện và nhiều người khác nữa là chưa đúng cách. Nhưng ấy là việc sau này.
Ngồi một lúc nữa thỉ bạn tôi đến. Rồi tôi lại thấy một người nổi tiếng khác là bác Phạm Duy Hiển cùng phu nhân, hình như thế. Hình như ở HN mọi người đều biết nhau thì phải, nên bác Hiển đến chào người bạn của tôi, nói dăm ba câu rồi bảo, đến giờ rồi, phải đi. Tôi hỏi bạn tôi là mọi người đi đâu, và được trả lời là mọi người đi biểu tình phản đối chống TQ.
Biểu tình chống TQ là một việc theo tôi là rất hay. Nó là một cách biểu hiện lòng yêu nước của người dân, phản đối sự xâm lấn của TQ, và là thước đo tinh thần quật khởi, ý thức chủ quyền dân tộc của người VN. Cách đó hơn một tháng, ở SG cũng đã từng có một cuộc biểu tình lớn vào đầu tháng 6, nhưng không hiểu sao sau đó phong trào bị dập tắt. Nên hôm ấy thấy sĩ phu HN mạnh dạn nói về việc đi biểu tình, mà toàn là những nhân sĩ, trí thức tử tế, nên không hẹn trước, tự nhiên tôi bảo, cho tôi đi với. Vì tôi cũng yêu nước mà, và cũng muốn bày tỏ sự bức xúc với sự xâm lấn của TQ, để cho nhà nước biết lòng của người dân chứ.
Và thế là tôi đi. Ra đến gần ĐSQ Trung Quốc, thấy có thêm các vị nhân sĩ khác mà tôi biết mặt như TS Nguyễn Quang A, như Nguyễn Huệ Chi – những người mà tôi chỉ biết qua mạng, nhưng rất cảm phục vì sự dũng cảm và lòng yêu nước của họ. Chúng tôi cùng đi, nhưng chỉ vừa đi được vài bước là đã gặp công an ra ngăn cản không cho đi rồi. Sau đó là tranh luận giữa những người trong đoàn – đại khái là sao lại không cho đi, nơi này không có lệnh cấm của Ủy ban, vv.
Tranh cãi một lúc, thì công an cũng cho chúng tôi đi qua, nhưng lùa cho đi nhanh nhanh và quẹo vào một con đường gần đấy. Mọi người đứng lại, có người lấy ra tấm quốc kỳ, rồi có thêm vài người khác đến, tất cả cùng chụp hình trước khi xuất phát. Ngay lúc ấy, có người trong đoàn cho biết có một số người vừa mới bị “hốt” lên xe buýt chở đi, chừng vài chục người gì đó.
2.
Lần đầu tiên tham gia nên tôi cũng chỉ biết ngơ ngác đứng nhìn, đứng nghe, mà không thực sự hiểu chuyện gì có thể xảy ra cho mình. Chỉ biết mình không có ý đồ gì ngoài việc biểu thị lòng yêu nước và phản đối TQ, không làm gì sai, không bị ai xúi giục, không có ý định gây rối, chống đối, hay làm bất cứ điều gì trái pháp luật, và nếu có bị công an cấm, bị ngăn cản, thì sẽ ngưng ngay lập tức. Vì tôi luôn tuân thủ pháp luật, vả lại, tôi còn có việc bay vào Đà Nẵng vào buổi chiều hôm đó, nếu có gì thì rầy rà lắm.
Nhắc lại: sau một hồi tranh luận, công an cũng cho những người biểu tình đi qua. Tôi đi tay không theo đoàn biểu tình, không biểu ngữ, không cờ quạt gì, vì đâu có chuẩn bị gì đâu, và có lẽ mặt tôi lúc ấy căng thẳng, lo lắng lắm. Một vài người trong đoàn nhìn tôi, ngờ ngợ, vì thấy người lạ, chắc thế (có khi lại còn nghĩ tôi là … công an chìm cũng nên, vì tôi đeo kiếng, lẳng lặng đi không nói gì, lại mặc áo … đen, trông thật là … hình sự).
Đi thêm một lúc thì có nhiều người nhập thêm vào đoàn. Có một người cầm cờ bằng 2 tay, thấy tôi không có gì trong tay bèn đưa cho tôi một bên. Thế là tôi đi, tay cầm cờ, đi trong hàng người, với những tiếng hô: Trường Sa – Việt Nam. Hoàng Sa – Việt Nam, tự nhiên tôi vô cùng xúc động.
Có một em gái trẻ, khoảng 18, 20, ở đâu không rõ cũng nhập vào hàng, cùng đi với tôi, và nói: “Cháu bức xúc chuyện TQ xâm lấn biển đảo quá mà không biết làm gì, chỉ biết cùng đi với mọi người thôi.” Cảnh mọi người Hà Nội cùng đi trong trật tự, mà chỉ do lòng yêu nước của mỗi cá nhân, tự nguyện tập hợp nhau lại để biểu hiện ra bên ngoài, đã làm cho tôi, một người Sài Gòn, thấy thật tự hào về Hà Nội, thủ đô của đất nước. Một hình ảnh xóa hết những ấn tượng xấu về cảnh các nam thanh nữ tú đạp lên cỏ, chen lấn nhau để bẻ hoa trong các lễ hội hoa đào trước đây.
Tôi không rành đường phố Hà Nội, nên chẳng nhớ mình theo đoàn biểu tình đi đến đâu, nhưng tôi nhớ có một đoạn đi trên một con phố nhỏ, số người theo đoàn đã rất đông, và số người hiếu kỳ ở hai bên đường cũng rất đông. Rồi sau đó, đoàn biểu tình đi ra một con đường lớn, đường gì tôi cũng chẳng nhớ tên nữa, thì công an ở đâu ra rất nhiều, chia cắt đoàn biểu tình thành từng nhóm nhỏ, chặn đầu, chặn đuôi, không đi được nữa, với thái độ khá hung dữ, luôn miệng quát: “giải tán đi, giải tán đi”; và “thôi đi, không thể như thế này mãi được đâu nhé” – thì tôi cảm thấy hình như nhà nước (mà đại diện là công an Hà Nội) không ủng hộ việc biểu tình yêu nước thì phải. Thôi, thế thì rút, cho … yên thân. Thế là tôi lẳng lặng … chuồn.
3. Kể lể dài dòng trong 2 kỳ trước, tôi không chỉ muốn ghi lại và chia sẻ những cảm xúc của mình (tất nhiên ghi lại cho người khác hiểu cũng tốt), mà thực ra muốn khẳng định một điều: tôi đã từng tham gia biểu tình ở HN (dù là tự phát), nên tôi tin rằng tôi có thể nói tiếng nói của người trong cuộc.
Và thông điệp mà tôi muốn đưa ra là như thế này: tôi tin rằng tuyệt đại đa số những người đi biểu tình – nếu không muốn nói là tất cả – đều là những người giống như tôi: muốn biểu lộ ra bên ngoài, tất nhiên không phải là cho những người hàng xóm, hay cho cơ quan, mà chủ yếu là cho nhà nước, cho thế giới, và chắc chắn là cho đối tượng bị phản đối trong cuộc biểu tình, tức là nhà cầm quyền TQ ấy, hiểu rõ nguyện vọng về độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước, và ý chí bảo vệ tổ quốc khi bị xâm chiếm của người dân Việt Nam.
Tất nhiên, theo cách nghĩ của nhiều người VN, trong đó có cả tôi nữa, là việc này dường như không mấy an toàn, vì hình như không được nhà nước ủng hộ, bật đèn xanh. Đó là lý do tại sao khi tham gia tôi lại lo lắng đến như vậy. Đến nỗi khi đoàn biểu tình bị chia cắt, giải tán, thì lá cờ tổ quốc mà trước đó tôi cầm chung với người khác cuối cùng nằm một mình trong tay tôi. Và tôi vội gấp nhỏ lá cờ ấy lại, cất vào trong túi mà lòng thì vô cùng sợ hãi, thực sự thế. Kèm một ý nghĩ chua chát thoáng qua trong đầu: tôi mang cờ tổ quốc, mà sao sợ hãi như đang mang hàng quốc cấm?
Nhưng tôi đã làm gì sai? Tôi chỉ biểu lộ lòng yêu nước, có thể tự phát, nhưng hoàn toàn không hề phạm pháp (lúc ấy nào đã có ai ra quy định cấm?), có thể không theo chỉ đạo của nhà nước, nhưng nếu tôi muốn biểu lộ một cách có tổ chức, thì tôi sẽ nói với ai đây? Khi xung quanh tôi, cơ quan tôi, tổ dân phố, báo chí truyền thông, và các đoàn hội, mọi người đều im thin thít, dường như né tránh đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Việt – Trung này. Trong khi trên báo chí, truyền thông của thế giới và của cả Trung Quốc, thì người ta đưa ra đủ loại thông tin về Hoàng Sa (mà TQ bảo là của họ, không thể tranh cãi, trong khi tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một trận hải chiến năm 1974 của quân đội VNCH với Trung Quốc – mà lúc ấy chính quyền miền Nam gọi là Trung Cộng), về tranh chấp biển Đông, toàn là những thông tin bất lợi cho VN. Trong khi ngư dân VN thì cứ ra biển là bị đánh, bị bắt, bị giam, bị hành hạ, bị nộp tiền phạt, và nhà nước VN thì vẫn chẳng có thái độ rõ ràng, hoặc giải thích cho dân hiểu gì cả.
Mà đây có phải là lần đầu tiên ở VN có biểu tình biểu lộ lòng yêu nước một cách tự phát đâu nhỉ? Tôi nhớ năm tôi 18-19 tuổi, đang học năm thứ nhất ở ĐH Tổng hợp, chỉ mới hơn 3 năm sau ngày đất nước thống nhất, thì Pol Pot gây hấn, giết hại dân người Việt Nam ở biên giới Tây Nam (tôi có những người bạn ở Tây Ninh chạy lên Sài Gòn, với những ký ức kinh hoàng về giặc Pol Pot), còn TQ thì tấn công ở biên giới phía Bắc. Tôi nhớ lúc ấy bọn thanh niên chúng tôi – và có lẽ cả người lớn nữa? – quên hết những oán giận của người miền Nam (những người thua cuộc), để say sưa hát những bài hát yêu nước của chế độ mới, thời đại mới của chúng tôi: “Chưa yên vui cho trọn ngày/ Áo lính lại khoác vào ngay…”, hay “Từng đôi mắt mang hình viên đạn/ Từng đôi mắt sáng lên, cháy lên như ngàn ánh lửa …”.
Tôi vẫn nhớ, hôm nghe tin Trung Quốc tấn công vào biên giới phía Bắc, đám thanh niên trong lớp tôi đã tự phát tổ chức một cuộc biểu tình mini, tự tập hợp nhau lại trong ký túc xá, hát những bài ca yêu nước, và hô to “Đả đảo bọn bành trướng Bắc Kinh” hay một cái gì tương tự như vậy. Không bị ai giải tán hay phê bình, bắt bớ gì cả. Rồi hôm Campuchea được giải phóng, tôi nhớ hôm ấy là gần Tết (hình như là giao thừa?), đêm ấy sinh viên trong ký túc xá cũng đã biểu tình, đốt lửa trại ăn mừng, ca hát …. Cũng không có ai giải tán, phê bình, bắt bớ gì cả, mà hình như còn được … khen?
Nhưng lần này thì khác. Biểu tình ở SG chỉ được 1, 2 lần là bị trấn áp hoàn toàn. Hà Nội thì kéo dài được một số lần, ngày càng hoành tráng hơn, có vẻ có tổ chức hơn, mà không bị đàn áp. Nên hôm 17/7 tôi mới hăng hái tham gia biểu tình để thực sự cảm nhận mọi điều như một người trong cuộc. Và tôi cũng đã thực sự muốn viết bài ca ngợi chính quyền Hà Nội. Vì ngay cả với vụ đạp mặt người yêu nước, thì công an Hà Nội dường như cũng tử tế hơn, và đặc biệt là giám đốc CA Hà Nội cũng đã phát biểu cho rằng biểu tình là yêu nước – khác hẳn với sự trấn áp lạnh lùng, không giải thích của CA Sài Gòn.
Thế mà mấy hôm nay tôi xem được những mẩu tin trên VTV phê phán biểu tình yêu nước, cùng với loạt bài phê phán trên các báo HNM, ANTĐ, QĐND về “những trò lố” của “nhúm người” biểu tình với những lời lẽ nặng nề, xúc phạm nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra, vào thời điểm đầu thế kỷ 21 như thế này. Mà nhúm người ấy có những ai nhỉ? Có thể Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang A thì tôi không thực sự quen biết, nên không thể nói gì hơn. Nhưng còn nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả của Đất nước đứng lên, chẳng lẽ là phản động ư? Còn GS Lâm Quang Thiệp, nguyên vụ trưởng Vụ Đại học của Bộ Giáo dục, người mà tôi rất kính trọng, chẳng lẽ cũng là phản động ư?
Tôi hoang mang lắm, vì chẳng biết biểu lộ lòng yêu nước ra như thế nào nữa. Hình như viết blog như thế này cũng là … phản động thì phải, vì đó là điều tôi thấy được ám chỉ trong những bài viết mà tôi nhắc ở trên. Biểu tình thì đã bị cấm (ở Hà Nội) rồi, dường như thế, qua cái thông báo … kỳ kỳ không có người ký mà chỉ có dấu treo ấy.
Biểu lộ lòng yêu nước có tổ chức thì dường như hôm 21/8 người ta cũng tổ chức ở Hà Nội đấy, nhưng qua hình ảnh trên mạng thì tôi cũng thấy … kỳ kỳ, không hợp gu của tôi, khi thấy mấy cô gái trẻ ăn mặc khá hở hang, hao hao giống như sườn xám, nhảy nhót trên sân khấu. Chẳng lẽ chỉ cần do Đoàn, Hội của nhà nước tổ chức thì nó trở thành đúng, còn do dân tự nghĩ ra thì nó là sai hay sao? Mà già như tôi, muốn biểu lộ lòng yêu nước theo kiểu của mấy cô gái ấy, cũng làm sao mà làm được?
Nên câu hỏi của tôi, mà đến giờ vẫn chưa thể nào trả lời được, đó là: Yêu nước như thế nào mới là đúng cách đây?
0 comments:
Post a Comment