Tuesday, August 9, 2011

Mỹ Đòi Mở Lãnh Sự ở Lhasa (Tây Tạng) Để Theo Dõi

VN phản đối tàu TQ thăm dò dầu ở Biển VN…

HANOI (VB) — Nhà nước Hà Nội chính thức “Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm chủ quyền,” theo bản tin VietnamNet hôm Thứ Hai 8-8-2011.
Điều để suy nghĩ: chuyện thăm dò dầu xảy ra từø ngày 2-8-0211, nhưng bây giờ VN mới phản đối.
Cũng hôm Thứ Hai, có tin rằng 3 tập đoàn dầu khí TQ không hề tham dựï đấu thầu khai thác dầu ở Biển Đông như tin của chính phủ Manila nói.
lhasa
Cung Potala là cung điện, là trung tâm của thánh thành Lhasa, Tây Tạng

Cũng tin về TQ, Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện gửi bản văn lên Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng TQ sẽ không được phép mở thêm bất kỳ tòa lãnh sựï quán nào tại Mỹ, cho tới khi nào TQ cho phép Mỹ mở một tòa lãnh sự quán ở Lhasa, thủ phủ Tây Tạng. Mục đích mở tòa lãnh sự là để quan sát diễn tiến chính trị, kinh tế và văn hóa các vùng đông dân Tây Tạng.

Bản tin VietnamNet viết:

“Việt Nam hôm nay (8/8) phản đối việc Trung Quốc tiến hành hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Hôm 2/8, Tân hoa xã đưa tin từ ngày 13/6 đến ngày 30/7/2011, Cục thăm dò địa chất Trung Quốc hợp tác với phía Pháp đã sử dụng tàu thăm dò Tan Bao Hao tiến hành đo đạc, khảo sát khoa học từ vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa (bản tin của Tân hoa xã gọi là “Tây Sa”) đến phía Bắc quần đảo Trường Sa (bản tin của Tân hoa xã gọi là “Nam Sa”).

Trước các hoạt động của tàu Tan Bao Hao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho hay đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc nêu rõ quan điểm của Việt Nam.

Đó là phản đối các hoạt động của phía Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động tương tự.”

Trong khi đó, bản tin RFI nói rằng vào hôm Thứ Hai 08/08/2011, Nhân dân nhật báo đưa tin là ba tập đoàn dầu khí của Trung Quốc bác bỏ thông tin của báo chí, theo đó, các doanh nghiệp này đã tham gia đấu thầu các hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông, như thông báo của chính phủ Philippines.

Theo bản tin ngày 02/08 của AFP, thứ trưởng Năng lượng Philippines Jose Layug, nói rằng Tập đoàn khai thác dầu ngoài khơi quốc gia Trung Quốc – China National Offshore Oil Corporation – CNOOC, có trong danh sách ba doanh nghiệp Trung Quốc tham gia đấu thầu. Hai công ty kia là BGP Ltd, một chi nhánh của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Trung Quốc – China National Petroleum Corporation và Polyard Petroleum International Group Ltd – PPIG.

Theo Nhân dân nhật báo, cả ba doanh nghiệp đều bác bỏ thông tin này.

Một quan chức quản lý thuộc công ty BGP, xin dấu tên, cho biết là họ chưa bao giờ nghe thấy việc này và chỉ biết thông tin qua báo chí. Trong khi đó, một lãnh đạo khác thuộc công ty PPIG nói có biết việc đấu thầu, nhưng doanh nghiệp này không tham gia.

Vẫn theo bản tin ngày 02/08 của AFP, thứ trưởng Năng lượng Philippines đã nói là có 15 khu vực thăm dò, rộng khoảng 100 ngàn km vuông, cách xa quần đảo Trường Sa, nhưng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Vị thứ trưởng Philippines khẳng định, vùng thăm dò không phải là nơi có tranh chấp về chủ quyền, mà là thuộc chủ quyền của Philippines. Tuy nhiên, Nhân dân nhật báo, dẫn lời một quan chức Trung Quốc không được nêu danh tính, cho biết là trong số 15 khu vực mà Philippines cho gọi thầu, thì có một số chỗ thuộc quyền tài phán của Bắc Kinh và có 4 khu vực khác đồng thời là lãnh thổ của Trung Quốc và của Philippines.

Tháng Sáu vừa qua, sứ quán Trung Quốc tại Manila đã có công hàm phản đối khi chính phủ Philippines thông báo gọi thầu.

Theo đại sứ Trung Quốc ở Philippines Lưu Kiến Siêu, Bắc Kinh có chủ quyền không thể tranh cãi đối với vùng quần đảo Trường Sa và kêu gọi các quốc gia ngừng thăm dò dầu khí khi không có sự chấp thuận của Trung Quốc.

Cũng liên quan đến Biển Đông, chính quyền Malaysia bày tỏ hy vọng là các tranh chấp về chủ quyền trong khu vực biển này sẽ được giải quyết qua con đường đàm phán ngoại giao.

Trong khi đó, một bài viết đề ngày 8-8-2011 của B. Raman trên mạng Phân Tích Nam Á (southasiaanalysis.org) nói rằng một bản văn đề ngày 20-7-2011 do Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện gửi tới Ngoại Trưởng Hillary Clinton yêu cầu là không cho TQ mở bất kỳ tòa lãnh sự quán nào tại Mỹ nữa, cho tới khi TQ cho Mỹ mở tòa lãnh sự tại Lhasa, thủ phủ Tây Tạng.

Ủy Ban đã đã thông qua Luật Ngân Sách Tài Khóa 2012 về Đối Ngoại, viết: “Ngoại Trưởng Mỹ sẽ phải thiết lập một tòa lãnh sự Mỹ ở Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, để cung cấp dịch vụ cho công dân Mỹ du lịch ở Tây Tạng và để quan sát các diễn tiến chính trị, kinh tế và văn hóa tại Tây Tạng, kể cả vùng đông dân Tây Tạng ở Qinghai, Sichuan, Gansu và Yunnan, và cho tới khi nào có tòa lãnh sự này, sẽ không cho TQ mở bất kỳ tòa lãnh sụ nào mới trên nươc Mỹ.”

Hiện thời TQ đang xin mở 2 tòa lãnh sự ở Boston và Atlanta. Như thế, đơn xin mở 2 tòa lãnh sự này sẽ bị ém cho tới khi nào có tòa lãnh sự Mỹ ở Tây Tạng.(Viet bao)

0 comments:

Powered By Blogger