Saturday, August 13, 2011

Washington không thể dựa vào ASEAN trong vấn đề Biển Đông

Ông Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á tại tổ chức The Heritage Foundation vừa có một bài viết trong đó cho rằng Hoa Kỳ không thể trông chờ vào ASEAN giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc bởi vì “ASEAN luôn thắng trong việc tạo ra những cam kết nhưng thua trong nội dung cam kết”.

AFP

Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bên lề hội nghị trên đảo Bali vào ngày 22 Tháng Bảy năm 2011.


Nếu Hoa Kỳ không tin cậy vào ASEAN trong vấn đề Biển Đông và có thể sẽ có những hướng đi khác, câu hỏi đặt ra là Việt Nam có là một nhân tố trong hướng đi mới đó? Quỳnh Chi tường trình trong bài sau.

Luôn để Trung Quốc lấn lướt

Bài viết của ông Walter cho thấy sự nản lòng của Hoa Kỳ đối với ASEAN khi Trung Quốc liên tiếp “chiến thắng” trước ASEAN trong vấn đề giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Cụ thể ông Walter nói rằng Trung Quốc luôn phản đối một qui tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý, phản đối đàm phán đa phương trong vấn đề Biển Đông và cho đến bây giờ Trung Quốc đã đạt được các yêu cầu ấy.

Năm 2002, bản Tuyên bố về Qui tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) được ký tên giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, đây không phải là một bản qui tắc mang tính ràng buộc pháp lý. Thêm vào đó, DOC ghi rằng các vấn đề tranh chấp phải được giải quyết bằng những tham vấn và đàm phán bởi các nước có liên quan chủ quyền trực tiếp. Điều này đã giúp Trung Quốc tránh được các cuộc đàm phán đa phương.

luoi-bo-250.jpg
Bản đồ biển Đông với vùng “Lưỡi Bò” của Trung Quốc áp đặt. RFA graphic map.

Trong hội nghị các bộ trưởng diễn ra tại Bali vào tháng 7 vừa qua, cái mà ASEAN và Hoa Kỳ ca ngợi là “thành công”, thực chất chỉ là bản hướng dẫn thực hiện DOC không có tính ràng buộc pháp lý và theo ông Walter, đây càng không phải là một bước tiến đến bộ qui tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC).

Một điều nữa mà ông Walter gọi là chiến thắng của Trung Quốc tại Bali hồi tháng 7 vừa qua. Đó là bản thảo hướng dẫn muốn ghi rằng một số thành viên ASEAN có liên quan tranh chấp gặp nhau trước khi gặp Trung Quốc, nhưng câu này đã bị lấy ra khỏi bản hướng dẫn.

Hoa Kỳ luôn xem mình có lợi ích quốc gia ở Biển Đông và xem ASEAN đóng một vai trò trọng tâm trong chính sách Hoa Kỳ tại Đông Á. Trong buổi họp báo về “Sự can dự của Hoa Kỳ tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương” tại Honolulu vào tháng 10 năm ngoái, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng đã nói ASEAN là điểm tựa của cấu trúc các nước mới nổi trong khu vực. Và theo bà Ngoại trưởng, ASEAN đóng vai trò không thể bỏ qua trong các vấn đề chính trị, kinh tế và chiến lược.

Trung Quốc cảm thấy rằng họ làm chủ gần trọn Biển Đông. Đó là điểm bắt đầu của họ như là cách xác định ranh giới lãnh hải.

Ông Dean Cheng

Theo bài viết của ông Walter, phong cách đàm phán của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa là không tìm cách gặp nhau ở giữa đường mà tìm những điều kiện để ASEAN đồng ý với yêu cầu của phía Trung Quốc. Theo ông Walter, phong cách đàm phán của ASEAN là muốn giải quyết cho xong vấn đề này nên muốn tìm một cam kết của các bên mà không quan tâm đến nội dung trong cam kết đó là gì. Cũng theo ông này, ASEAN thắng trong việc đạt được cam kết, nhưng thất bại trong nội dung cam kết. Và theo ông Walter, đây không phải là cách đàm phán của Hoa Kỳ.

Về vấn đề này, ông Dean Cheng, chuyên gia về quan hệ của Hoa Kỳ và các nước Châu Á tại tổ chức The Heritage Foundation cho biết:

“Trung Quốc cảm thấy rằng họ làm chủ gần trọn Biển Đông. Đó là điểm bắt đầu của họ như là cách xác định ranh giới lãnh hải. Cách thức đàm phán của Trung Quốc là tuyên bố chủ quyền toàn bộ, sau đó miễn cưỡng bỏ chỗ này một chút, chỗ kia một ít để tạo ảnh hưởng đến từng nước có tranh chấp. Tôi cho rằng cách thức đàm phán này không giống với các nước có tranh chấp khác. Nói cách khác, các nước này có mục đích và tuyên bố chủ quyền có giới hạn hơn.”

Vai trò của VN

Hoa Kỳ luôn nói rằng mình có lợi ích cốt lõi ở Biển Đông và dĩ nhiên vấn đề Biển Đông được giải quyết như thế nào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Hoa Kỳ. Để tìm hiểu thêm, chúng tôi đã liên lạc với ông Dean Cheng để có những câu hỏi cần thiết về vấn đề này. Khi được hỏi “Nếu Washington không thể dựa vào ASEAN trong vấn đề Biển Đông, vậy Việt Nam có đóng một vai trò nào trong phương hướng Hoa Kỳ giải quyết vấn đề này hay không”, ông Dean Cheng cho biết:

Dean Cheng: Việt Nam có thể tạo ảnh hưởng để khối ASEAN, gắn kết đến Hoa Kỳ, chẳng hạn như tự do thủy lộ. Việc này có thể củng cố thêm lòng tin của Hoa Kỳ vào ASEAN. Thêm vào đó, Việt Nam có thể phát triển quan hệ với Hoa Kỳ trong vấn đề an ninh, quân sự và cả ngoại giao nữa.

Quỳnh Chi: Vâng, vậy sau 15 năm bình thường hóa quan hệ, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều gọi nhau là bạn. Tuy nhiên, tình bạn của hai nước thắm thiết đến cỡ nào và ông nghĩ rằng trong tương lai mối quan hệ này sẽ phát triển đến đâu?

Tuy nhiên, rất có khả năng hai nước có một mối quan hệ quân sự sâu sắc hơn mà không cần thiết phải trở thành đồng minh mới thực hiện được.

Ông Dean Cheng

Dean Cheng: Vẫn còn nhiều hạn chế trong quan hệ Việt – Mỹ, đặc biệt trong vấn đề an ninh. Câu hỏi của cô rất thú vị nhưng tôi không chắc là có câu trả lời chắc chắn cho vấn đề này. Tuy nhiên, tôi cho rằng Việt Nam có thể sẽ mở rộng cảng để mời tàu quân sự Hoa Kỳ, hay hàng không mẫu hạm đến một cách thường xuyên. Mặt khác, Việt Nam cũng có thể tăng cường những cuộc trao đổi quân sự với các nước đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ như Phillipines, Úc hay Hàn Quốc chẳng hạn. Đây cũng là cách tạo tiền đề cho mối quan hệ Việt – Mỹ.

Quỳnh Chi: Xin lỗi, tôi cắt lời ông một chút, ông nói như vậy có phải vì những gút mắc chính trị trong quá khứ của hai nước?

Dean Cheng: Ngoài vấn đề chính trị giữa hai nước trong lịch sử, còn có những vấn đề khác. Ví dụ, Việt Nam vẫn là quốc gia một đảng và đây là một quan ngại cho một số dân biểu trong quốc hội Hoa Kỳ.

Quỳnh Chi: Vâng, trở lại quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ, giới quan sát cho rằng sẽ rất khó, ít ra là trong một thời gian ngắn, Hoa Kỳ và Việt Nam có thể trở thành đồng minh. Bởi vì việc này yêu cầu có sự tin tưởng tuyệt đối và hợp tác trong an ninh và quân sự…Không biết ý kiến của ông như thế nào?

Dean Cheng: Đồng minh có một ý nghĩa rất cụ thể. Nó bao gồm những hiệp ước chính thức, những hiệp ước quốc phòng chính thức. Tại thời điểm này, rất khó nếu không muốn nói là không thể để hai nước có một mối quan hệ đồng minh chính thức. Tuy nhiên, rất có khả năng hai nước có một mối quan hệ quân sự sâu sắc hơn mà không cần thiết phải trở thành đồng minh mới thực hiện được. Chẳng hạn, Hoa Kỳ có quan hệ quân sự thân thiết với Singapore nhưng đó không phải là mối quan hệ như Hoa Kỳ có với Nhật Bản hay Nam Hàn.

Các Tư lệnh Hải quân Malaysia, Việt Nam, Singapore đàm đạo - AFP photo
Các Tư lệnh Hải quân Malaysia, Việt Nam, Singapore đàm đạo – AFP photo

Quỳnh Chi: Câu hỏi cuối thưa ông, một khi Hoa Kỳ không thể trông chờ vào ASEAN trong vấn đề biển Đông; vậy Việt Nam có nên trông chờ gì không?

Dean Cheng: A`…tôi nghĩ là Việt Nam phải “làm việc trong ASEAN và với ASEAN” để giải quyết vấn đề Biển Đông. Thực ra Việt Nam có thể áp lực nội bộ ASEAN lên tiếng mạnh mẽ hơn, phối hợp chặt chẽ hơn về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, nếu nội bộ ASEAN vẫn còn những bất đồng, Việt Nam nên phụ thuộc vào chính họ và gia tăng quan hệ với các nước khác để cân bằng tình huống trong vấn đề Biển Đông.

Với những động thái có thể gọi là yếu ớt cùng với thành quả quá ít mà khối ASEAN đạt được trong gần 10 năm sau khi bắt đầu đàm phán với Trung Quốc, đã có ý kiến cho rằng Hoa Kỳ không thể trông chờ vào ASEAN để giải quyết vấn đề Biển Đông. Có lẽ sự bất mãn này cũng làm những nước có tranh chấp phải suy nghĩ.

Thông thường, dựa vào chính nội lực quốc gia vẫn là việc đầu tiên khi giải quyết vấn đề đất nước, như ông Dean Cheng đã nói. Hôm 10 tháng 8, trao đổi với cử tri Hà Nội về vấn đề Biển Đông, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết “Việt Nam đang tăng cường lực lượng tự vệ”.

Có lẽ đây là một khởi đầu tốt, nhưng khởi đầu với tuyên bố và có tính khẩu hiệu trong khi nội lực thật sự không được khai thác và phát huy thì Việt Nam vẫn chưa thể tự mình bảo vệ mình một cách hiệu quả trước một sức mạnh hơn mình hàng trăm lần.

Quỳnh Chi, phóng viên RFA

0 comments:

Powered By Blogger