1. “Cái cao quý nhất trên thế gian này chỉ có thể có ở con người, nhưng oái oăm thay, cái hèn hạ nhất lại cũng chỉ có ở con người”.
Rõ không cần chứng. Chuẩn không cần chỉnh. Bởi nó hiển hiện trước mắt hai mảng màu sáng/tối của ngày chủ nhật 21/8/2011 ở giữa lòng thủ đô nghìn năm văn vật, ngay dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ của Thăng Long thành:
Cao quý dường nào những con người bình dị đi bộ/đội mưa/căng biểu ngữ biểu lộ quyết tâm bảo vệ đất nước trước hiểm họa ngoại xâm, ngay cả khi đã bị đe nẹt tứ bề từ đêm trước bằng một thứ “thông báo” nặc danh/không số/không người/không địa chỉ.
Ngược lại, hèn hạ biết bao những “lãnh đạo quản lý” phải tuân thủ lệnh thái thú vương triều mà thập thò không dám ký lệnh cấm yêu nước, lại còn ra sức chế diễu/dè bỉu/khinh mạn/chà đạp những tấm lòng son sắt đó là “trò lố”.
Không chỉ cực hèn, bởi đã có thêm những “lãnh đạo lý luận” ra sức “định hướng dư luận” rằng những hoạt động đòi giữ gìn biển đảo rất mực trong sáng đó là hành động “gây hấn với trung quốc”, với một kết luận thả nổi bằng hai dấu hỏi cực ngu là “tranh chấp làm gì?” và để “được cái gì?”.
Động cơ và nguyên ủy của sự hèn hạ đó đến từ đâu? Vẫn theo Giám đốc học viện chính trị hành chính quốc gia Tạ Ngọc Tấn, thì đó là: “chủ trương nhất quán vì lợi ích cơ bản, toàn bộ và lâu dài của ta”! Chằng cần nhọc sức hỏi “ta” ở đây là ai, mọi người đều rõ họ tên từng đứa trong cái câu lạc bộ thập tứ thiên lôi này.
Nhưng, nếu thấy cần vinh danh đỉnh điểm của sự hèn hạ đó, thì nhất thiết phải kể đến nỗ lực huy động đoàn Thanh Niên CS-HCM (chiếu theo bản điều lệ là: “bao gồm những thanh niên tiên tiến, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng”) cùng rôm rả trình diễn các tiết mục văn nghệ sexy và sường xám cách điệu, nhằm lấy cớ bắt người biểu tình bằng tội danh án ngữ/phá rối, “gây mất trật tự đường phố”, rồi tự hãnh rằng đó là kế hoạch “lật tẩy” phản động để lập công với thiên triều!
2. “Xưa nay không một lực lượng xã hội nào đã chống lại đạo lý mà lại được lòng dân”.
Xưa, là những Trần Ích Tắc khấu đầu/thờ giặc, những Lê Chiêu Thống rước voi/cõng rắn…
Nay, là một cỗ máy xay nghiền những ai yêu nước ngoài khuôn khổ (tức chẳng thèm yêu luôn XHCN hoặc… thương ông thương mười), tính từ đận lén lút tiêu diệt các đảng phái quốc gia thời 1945 trở đi; và suốt 2/3 thế kỷ qua, chưa từng dám một lần trưng cầu dân ý, bởi đã quá rõ khát vọng của nhân dân là chấm dứt quốc nạn độc tài độc đảng để tạo điều kiện cho đất nước cất cánh.
Chưa từng dám chủ động đề xuất và tích cực tranh luận/biểu quyết đạo luật tụ họp/biểu tình. Lại chẳng dám để nhân dân biểu lộ ý chí Diên Hồng, chỉ vì sợ giặc… mích lòng. Đã thế, còn bảo vệ sự hèn hạ mãn tính bằng lập luận ơn nghĩa: “Bản thân tôi (Tạ Ngọc Tấn) vào bộ đội chống Mỹ thì từ đầu đến chân toàn là vũ khí trang bị của Trung Quốc, đến cả quân trang, mũ cối, dép râu đến lương khô cũng là của Trung Quốc!!!”.
Cũng chưa từng dám để nhân dân tự lập hội hay để tư nhân tự in sách/ra báo. Cho dù kẻ ra lệnh cấm đã phải đạp lên cả đống cẩm nang kách mệnh: “Yêu sách của nhân dân An Nam” (Revendications du peuple annamite – 1919 – yêu sách số 2-3-4), hay “Bản án chế độ thực dân Pháp” (Le Procès de la colonisation française – 1925 – chương 2 tới chương 9).
Dù vậy, lòng dân cũng đã hiển thị đến mức không thể nào rõ hơn, ngay trên giấy gói hàng/tạp dụng, hoặc thông qua tỷ số pageviews của trang mạng chính quy và tốn kém của các cơ quan ngôn luận hay cổng thông tin điện tử (có bộ phận chủ quản và kinh phí vận hành hẳn hoi), so với các trang blog tay ngang và tài tử như DanLamBao hay AnhBaSam.
3. “Thật tội nghiệp cho những ai cứ đinh ninh vẫn hãy còn những gì đã mất rồi”.
Đứng đầu là chủ nghĩa. Thiên hạ đã thong dong giật nước/rửa tay từ lâu. Có nhắc đến thì thường là phải đi kèm theo việc kỷ niệm một loạt tội ác nào đó, hay chỉ để nhắc nhớ đến một hệ ảo tưởng từng đọa đày ¼ nhân loại gần trọn thế kỷ trước.
Thứ nhì là lý tưởng cộng sản. Tác phẩm Đường Kách Mệnh (1927) từng so sánh các cuộc cách mạng Mỹ-1776/Pháp-1789 rồi khẳng định chỉ có Cách Mạng tháng 10 Nga-1917 là triệt để… thì nay, cái nôi cách mạng triệt để đó đã tự dân chủ hóa thành Cộng hòa Nga, và ngay cả những lãnh đạo CS còn sót lại trên thế giới cũng đang chễm chệ trên những gia sản tư hữu bất chính kếch sù.
Thứ ba là hiệu năng bao trùm của cơ chế độc đảng toàn trị. Tính “bao trùm” đã từ lâu biến thành “ăn trọn”, còn mức độ toàn trị đã keo khô hồ rã trước tấm biển “trên bảo dưới không nghe”, chỉ bởi cái tính ăn trọn, chia chác không đều vừa nói trong cả bầy sâu.
Thứ tư là ý niệm quyền lực trên nòng súng. Hồng quân và KGB của Liên Xô cũ đã giải quyết tận gốc sự ngộ nhận dã man mà cực đáng thương đó. Gần hơn là kinh nghiệm sắt máu (và xương máu) của Saddam Hussein ở Iraq. Thời sự sát sườn nhất là các nòng súng còn đọng khói ở Tripoli của tay độc tài Kadafi, với những ngón tay bóp cò đang bị khuất phục bởi sức mạnh của số đông.
Thứ năm là tác dụng bưng bít của các thứ màn sắt màn tre (và cả tường lửa thời a-còng). Tất cả đã lả tả rụng rơi như lá vàng cuối thu trong cơn giông internet. Hệ lưỡi gỗ đã bỗng chốc thành than. Tập quán “nói lấy được” đã bị nhận chìm bởi cơn lũ dân báo. Khoa “định hướng dư luận” đã tự khai phá sản bởi các cậu đánh máy và các mợ chỉnh hình. Nhiều thứ mật đàm bị phanh phui. Lắm trò đê tiện bị bật rễ…
Thứ sáu là tập quán xin-cho/nhờ ơn bác đảng. Lưới tem phiếu đã thủng. Hệ bao cấp đã chảy, kể cả bao cấp yêu nước. Ngăn sông/cấm chợ cùng nghĩm vào quá khứ như mớ công điểm hợp tác xã. Đảng phải tất tả chạy theo dân, lấm la lấm lét cướp cờ khoán mười/đổi mới. Hệ quả là mối tương quan mất dạy cha-con/chủ-chó đành phải bốc hơi.
Thứ bảy là quán tính khinh mạn dân trí thấp. Chính sách ngu dân đã bật tung nắp đậy. Chiếc đũa thần thông tin thời đại (cả internet lẫn Việt kiều, du sinh và lao động xuất khẩu) đã gõ vào hốc đá quan trường, hiển lộ tình trạng quan trí vừa thấp vừa gian. Từ làn sóng đỏ mua bằng/bán chức cho tới tính cách đen qua sông lụy đò cơm/áo/gạo/tiền. Từ thiểu năng đối nội tới thiểu trí đối ngoại của một bầy đàn (tốt nghiệp) cao cấp chính trị. Từ tuyên giáo rụt cổ/co vòi tới văn nô hỗn mang/khúm núm…
Thứ tám là lãnh tụ anh minh ở tầm thần tượng. Trần Dân Tiên cùng đám đệ tử xu nịnh đã hợp lực phanh thây ướp xác các ngộ nhận một thời về lãnh tụ. Thần tượng bỗng chốc eo sèo trần trụi giữa đời thường cùng mớ đạo đức vờ vịt, tư tưởng rỗng không. Dàn “hậu duệ” đương thời nhung nhúc loi nhoi như bầy cá hố bằng đầu/cá vồ một lứa, công khai quẫy đạp nhau tranh phần ăn bẩn. Đổi quách nóc nhà Tây Nguyên lấy vài trăm triệu. Giành nhau khai phá sản cả những món hời sắt vụn giá nhiều tỷ đôla…
Thứ chín là định kiến trí thức ngây thơ/vô dụng. Liên minh công-nông chủ đạo vừa mới được tái gia cố thành công-nông-trí. “Lãnh đạo” dập mặt với quyết định tự giải thể của IDS (những tưởng đời đời do trung ương quản lý!). Trang mạng BVN vẫn vững vàng như vách sắt thành đồng của giới phản biện, sau bao nhiêu trận gió tanh mưa máu dập vùi tàn bạo của CAM. Từ ảo ra thật, trí thức VN đã thõng tay xuống đường để nhìn tận mắt đất nước lại đứng lên. André Mandras Hồ Cương Quyết diễn tốt trong vai cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng con lừa già còm cỏi.
Thứ mười là công trạng giành độc lập. Đất nước thoát khỏi xích xiềng thực dân là rơi tỏm vào tròng nô lệ quốc tế cộng sản. Ngay sau “thống nhất”, quân cảng Cam Ranh và phi trường Đà Nẵng lập tức trực thuốc điện Cẩm Linh. Đến khi Mát-xcơ-va sụp đổ thì Bắc Kinh lên ngôi cha chú. Ải Nam Quan và thác Bản Giốc lần lượt bò qua bên kia biên giới theo mật ước 1999. Trường Sa và Hoàng Sa bị gom vào đơn vị hành chánh Tam Sa. Ngư trường truyền thống của dân ta nằm trong tầm kiểm soát của bọn Ngư Chính & Hải Giám. Cáp tàu thăm dò thường xuyên bị cắt đứt. Giới “lãnh đạo” từng vỗ ngực nhiều công trạng kia vẫn còn mải mê thất thanh/tắt tiếng/cà lăm.
4. “Trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần. Vậy trước khi hứa phải uốn lưỡi mấy lần? Và trước khi lệnh, phải bao nhiêu?”.
Đã có kẻ long trọng tuyên hứa lúc nhậm chức là sẽ chống tham nhũng đến cùng, lại nhanh chóng hóa thân thành tay đầu nậu các tổng công ty và những tập đoàn kinh tế khủng chuyên ngành phá sản. Thà thất hứa để chứa lộc.
Đã có kẻ hứa dứt điểm các đường dây chạy chức, sau biến thành tên đảo ngũ giũ bỏ ngành giáo dục. Thà mất dạy mà đầy rương.
Đã có kẻ hứa dẹp bỏ tình trạng giường bệnh cá mòi, sau trớ giọng như đã từng bị ngọng bẩm sinh. Thà muối mặt mà chặt bị.
Lại có kẻ rập rình tuyên hứa không trấn áp người biểu tình yêu nước, chỉ ba hôm sau đã ra tay điều động âm binh lùng sục vơ lùa.
Đã thế còn tổ chức huy động trẻ con diễn thêm trò văn nghệ đùi non ngoài chỗ công cộng, hay cò mồi phỏng vấn đám bã đậu và cùi bắpthành những thiên phóng sự “điều chỉnh dư luận”.
Miệng quan trôn trẻ! Đã là lãnh đạo thì chẳng cần uốn lưỡi, lưỡi lãnh đạo để dành vào việc khác chăng?
5. “Có thể che dấu khuyết tật của thân thể. Không thể che dấu khuyết tật của tính cách”.
Chưa thời nào “lãnh đạo” buông tuồng vui nhộn như thời nay. Các phát ngôn “ấn tượng” cạnh tranh nhau liên tục đến báo đăng không kịp, bình luận không xuể.
Những khuyết tật tính cách của dàn “lãnh đạo” bảnh bao thể hiện cực rõ qua thói ê a đọc diễn văn thậm thượt; qua cách phát biểu lí nhí của phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng trong cuộc họp báo quốc tế hoành tráng ở bộ ngoại giao nước ngoài; qua phong cách khúm núm bắt tay kẻ đồng nhiệm của một phó thủ tướng tròn trịa phương phi khác; qua những khung cửa hậu mà các phái đoàn công du phải chui lòn để vào phòng họp ở nước ngoài; qua thói ma mảnh trả tiền cậy đăng bài đánh bóng trên cơ quan ngôn luận của công ty xử lý rác ở Đức; qua trình độ ngoại ngữ “Broken English Perfectly Spoken” của chủ nhiệm các phái đoàn; qua loạt tin/bài các án dân sự trên báo bản xứ về tay Đại sứ trộm sò Lê Văn Bàng ở New York; qua những pha câu lưu các công cán ủy viên ăn cắp bị bắt quả tang tại các cửa hàng miễn thuế ở nhiều phi trường quốc tế; qua các đường dây sứ quán buôn lậu sừng tê/xe khủng; qua các vụ phủi tay, nhận chìm xuồng các vụ án tham nhũng liên quốc gia…
Quốc thể bị chính dàn “lãnh đạo” từng đúc khuôn yêu nước ra tay dập vùi thô bạo trên các sân chơi ngoại giao lẫn ngoại thương, cả trong lẫn ngoài nước.
Chủ quyền quốc gia, thông qua quốc thể, danh dự và tư thế của lãnh đạo, cũng sẽ khuyết tật/chìm trôi.
Chưa nói tới một dàn lãnh đạo nổi tiếng là thậm hèn với giặc/cực ác với dân.
6. “Sai người khác thay mình làm điều ác còn ác gấp mười lần điều ác đó”.
Dẫu biết không có tay sai sẽ chẳng có quan thầy. Nhưng dẫu gì, trách nhiệm những hành động tàn ác theo lệnh truyền chính là ở kẻ truyền lệnh.
Người chỉ huy có tầm là kẻ điềm tỉnh trong mọi tình huống.
Người chỉ huy có tâm là kẻ sáng suốt phân định trách nhiệm do lệnh của mình.
Dám nghĩ đến độ oan nghiệt mà có thể rất đông người khác gánh chịu do bởi một tiêu lệnh của mình ban ra hay một chủ trương do mình áp đặt.
Từng nghĩ đến nạn nhân các cuộc đàn áp chính là đồng bào ruột thịt, và nhiều xác suất là có cả thân nhân của mình trong đó.
Rồi nghĩ đến họ tên chính mình, trong những quyển sử tương lai, được viết cùng dòng với Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, hay Hoàng Cao Khải…
7. “Trong số các phạm trù ‘tiêu cực’, có một phạm trù mang tính tích cực rộng lớn nhất: cái xấu hổ”.
Trích đoạn giới thiệu từ entry Biết Xấu Hổ trên blog Cao Trào Nhân Bản:
“Cựu Tổng thống Nam Hàn Roh Moo-hyun 62 tuổi, xuất thân nghèo nàn, là một luật sư nổi tiếng nhờ vận động nhân quyền và bênh vực giới lao động, đắc cử tổng thống năm 2002 và cầm quyền nhiệm kỳ 2003-2008.
Sau khi bị tố cáo liên hệ tới tham nhũng, ông Roh đã viết trên website của mình lần chót vào ngày 22 tháng 4, 2009 rằng: ‘Bây giờ quý vị nên loại bỏ tôi, vì tôi không còn là biểu tượng cho những giá trị mà quý vị theo đuổi. Tôi không còn đủ tư cách để nói về những chuyện như dân chủ, tiến bộ và công lý’.
Ngày 30 tháng 4 (2009), trước khi gặp Công tố để chịu thẩm vấn trong 10 tiếng, ông Roh nói với báo chí: ‘Vì nhục nhã, tôi không thể đối diện quý vị. Tôi xin lỗi vì đã làm dân chúng thất vọng’.
Bốn ngày trước khi cựu Tổng thống Roh Moo-hyun tự tử, tại Anh Quốc, Chủ Tịch Hạ Viện Michael Martin tuyên bố từ chức, sau khi báo chí phanh phui chuyện nhiều Dân Biểu khai và nhận bồi hoàn từ công quỹ những món tiền chi cho việc riêng, như sửa nhà, thực phẩm gia súc, phân bón cây… Thủ tướng Brown không chỉ trích báo chí mà tuyên bố các dân biểu làm bậy không xứng đáng để tái tranh cử.
Nhìn những gì xẩy ra tại Nam Hàn và Anh Quốc, rồi nhìn về Việt Nam, hình như không ai biết xấu hổ. Đảng và Chính Phủ đều lớn tiếng hô hào chống tham nhũng, nhưng nhà báo chống tham nhũng thì đi tù. Đôi khi, có đảng viên-- chỉ những người giữ chức từ thứ trưởng trở xuống—đi tù, như Trần Mai Hạnh và Mai Văn Dâu, nhưng đều được đối xử đặc biệt, và cho mãn tù sớm…”.
8. “Đã có từ lâu và đã được pháp chế hóa các tiêu chuẩn để tuyển chọn lái xe. Chắc không lâu nữa cũng sẽ có những tiêu chuẩn như vậy để lựa chọn người cầm lái một huyện, một tỉnh, một ngành”.
Lắm người đã từng nuôi hy vọng đó suốt nhiều thập kỷ qua.
Thực tế trả lời bằng hằng loạt những bản tin đầu tư quyền/chức một vốn bốn lời, với cả một hệ thống cò, kể từ chạy bằng/chạy chức/chạy dự án… cho tới chạy án.
Xã dâng huyện. Huyện dâng tỉnh. Tỉnh đệ trung ương. Cứ thế, thành một hệ chằng chịt đan chéo mọi phòng/sở/cục/vụ/bộ… hợp lực bôi trơn lên tới đỉnh điểm hộp số vận hành của guồng máy là bộ chính trị.
Can phạm thuộc diện nội bộ sẽ được xử lý bằng biện pháp hành chính, ngưỡng tối đa là đình chỉ điều tra ở tầm thứ trưởng, và nếu chạy đúng mối, thì thường được thăng ngạch sau đó.
Sau nửa thế kỷ nghiệm thu, nhân dân (đặc biệt là dân oan và dân cựu chiến binh) đã cùng nhận ra rằng niềm hy vọng có được những người cầm lái đúng chuẩn đó là loại hy vọng suy dinh dưỡng.
9. “Thật cao quý khi chính trị được hiểu là cuộc đấu tranh rộng lớn của các lực lượng xã hội đông đảo, song thật tầm thường khi bị hiểu là những đối phó vặt giữa cá nhân với cá nhân”.
Xưa, Gia Long lên ngôi xong lệnh cho thuộc hạ đào mộ Quang Trung Hoàng Đế để làm nhục người đã khuất, rồi cho voi dày nữ tướng Bùi Thị Xuân để trả thù cho hả dạ mấy lần bị đuổi chạy qua cầu viện Xiêm La.
Nay, trong bối cảnh pháp trị XHCN, thì dân phòng đánh dân oan, hay công an giết công dân rồi vu là tự tử… là chuyện đối phó vặt hàng ngày ở xã ở phường.
Còn trên tận thượng tầng kiến trúc quyền lực ở đây, viên tể tướng bị kiện đã trả thù người đứng đơn kiện bằng một vụ phá án có tên khó gọi nhất lịch sử ngành tư pháp, và bằng một bản án bỏ túi sẵn, không chứng cứ, không biện hộ.
Bị cáo là TS Cù Huy Hà Vũ, nhưng chính tay tể tướng thù vặt và hệ tòa án câm điếc kia mới là kẻ đứng trong vành móng ngựa của nhân dân và dư luận quốc tế.
Cứ tưởng áp án bắt tù thế cho tỏ rõ quyền lực kẻ đứng đầu chính phủ. Chẳng hay đó lại là phương thức hữu hiệu nhất để quảng bá cho công chúng tỏ tường về nỗi lo sinh tử về ngày tàn kề cận của đám vua tập thể.
10. “Tội ác hại người hiền cần được xếp vào loại tội chống sự phát triển của dân tộc, của loài người”.
Trước TS Cù Huy Hà Vũ là cả dàn nguyên khí quốc gia Phùng Cung, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Cao Xuân Huy, Chu Ngọc, Đào Duy Anh, Đặng Đình Hưng, Đỗ Đức Dục, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Lê Đạt, Nguyễn Mạnh Tường, Phan Khôi, Trần Đức Thảo, Thụy An, Trương Tửu, Tử Phác, Trần Duy, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Nguyễn Minh Cần, Trần Minh Việt, Dương Bạch Mai, Bùi Công Trừng, Lê Liêm, Lê Trọng Nghĩa, Lê Minh Nghĩa, Hoàng Thế Dũng, Nguyễn Kiên Giang, Vũ Huy Cương, Vũ Thư Hiên, Đinh Chân, Lưu Đông, Trần Thư, Trần Châu, Nguyễn Gia Lộc, Phùng Văn Mỹ, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Chí Thiện, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Mai Thái Lĩnh, Nguyễn Hộ, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Văn Lý, Thích Quảng Độ, Tuệ Sĩ, Trí Siêu, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang, Đỗ Nam Hải, Bùi Kim Thành, Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, a3saigon Phan Thanh Hải, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Khải Thanh Thủy, Phạm Thanh Nghiên, Đoàn Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Vi Đức Hồi, Nguyễn Bắc Truyễn, Phạm Minh Hoàng, Dương Kim Khải, Trần Thị Thúy, Cao Văn Tỉnh, Phạm Văn Thông… cùng nhiều người khác, đếm không xuể/kể không hết.
Sau TS Cù Huy Hà Vũ còn các LS Trần Đình Triển, Huỳnh Văn Đông, chín thanh niên sinh viên thuộc giáo phận Vinh bị bắt cóc mất tích, và những người yêu nước biểu tình chống hiểm họa ngoại xâm vừa bị bắt trong ngày ô nhục của nhà nước 21/8/2011.
Tất cả đã là nạn nhân trực tiếp của một thể chế chính trị phi nhân chống lại sự phát triển của dân tộc, không khác gì Pol Pot đối với Cao Miên, hay Kim Nhật Thành đối với Bắc Triều Tiên.
11. “Giữa người đẹp và ngai vàng, chọn cái thứ nhất thích hơn. Giữa người đẹp và Tổ Quốc, chọn cái thứ hai đúng hơn”.
Tất cả cũng là nạn nhân của một dàn “lãnh đạo đỉnh chóp” đã vướng phải thứ sinh tử lệnh có độ phân giải cao từ những người đẹp Tô Châu/Hàng Châu/Quế Châu… cùng những trương mục Thượng Hải/Nam Ninh… mà cam lòng phủi tay với Tổ Quốc và nặng tay với dân tộc.
Các đại hội toàn đảng, kể cả đại hội trù bị, báo cáo chính trị và dự thảo nghị quyết… cũng do bởi mớ sinh tử lệnh đó mà nằm dưới sự quan trắc/đề bạt/chuẩn y của Bắc Triều.
Hệ quả tất yếu phải là: Chủ trương sao chép - Mô thức rập khuôn - Chính sách phóng đại…
Cũng bởi đó, đưốc thế vận phải được đón rước an toàn/trọng thị ở Sài Gòn, suýt tạt ngang Hoàng Sa & Trường Sa.
Và địa chỉ 46 Hoàng Diệu Hà Nội và 39 NTMK Sài Gòn đã mặc nhiên trở thành một thứ Little Beijing, Tiểu Bắc Kinh, nên phải được nhà nước CHXHCNVN ra sức bảo vệ bằng mọi giá.
Liệu là có quá đáng lắm chăng, khi có kẻ bi hài cho rằng vận mệnh nước nhà đang nhấp nhô trôi tuột trên những đường cong?
12. “Vị tất phải kết luận đúng sai, khi các tiền đề đã đủ và rõ”.
Trên mặt phẳng của thế giới ngày nay, mỗi câu hỏi có thể kích ra hàng vạn đến triệu kết quả hồi đáp. Dữ kiện tràn ngập như xả đập …chống lũ.
Những dự báo “Hãy cảnh giác với Bắc Triều” của 10 năm trước đã từ lâu trở thành lời tiên tri hiển thị ngày càng rõ nét qua 3 kỳ đại hội toàn đảng 9-10-11, và qua thực tiễn kinh tế/quốc phòng/chiến lược biển đảo… của ta.
Tác giả đã đi tù và mãn án. Những người kẻ chữ HS-TS-VN đã lọt vào tầm ngắm của an ninh. Blogger Điếu Cày phản đối vụ Tam Sa đã bị án chồng lên án, nhà nước bắn tin là đương sự bị mất tay, nhưng chưa một ai, kể cả vợ con, được gặp. Người thiếu nữ đi thăm các ngư phủ Hòa Lộc bị nạn ngoài biển Đông cũng đã đi tù. Những người yêu nước quyết đòi bảo vệ biển đảo đã bị vác ngang, vật ngửa, bẻ tay, đạp mặt, vất lên xe, và bắt về đồn.
Có ai ở đây cần một kết luận đúng sai?
13. “Hãy thật giỏi một nghề, chớ nên giỏi nhiều trò”.
Và có ai ở đây muốn nhắn nhủ lãnh đạo đôi lời tâm huyết?
Đúng thế. Hãy tự mình trau dồi cho thật giỏi một nghề, bất luận rằng đó thuộc ngành quản lý, dịch vụ, hay cầm bút. Làm xếp cho ra xếp. Làm người cho ra người.
Hãy bỏ thói phán quan, thậm chí, giám quan.
Đất nước và dân tộc không phải đồ chơi. Đừng giở trò.
Chính phủ cũng chẳng phải là bãi rác. Lại càng chớ nên lắm trò lố lăng kịch cỡm.
14. “Có thể làm cho thiên hạ được cười vui, song không thể biến mình thành trò cười của thiên hạ”.
Chính phủ là cơ quan trách nhiệm điều hành sinh hoạt kinh tế và nắm giữ sinh mệnh chính trị cả nước. Hạ sách là lo cái lo chung của nhân dân. Thượng sách là vui cái vui chung của thiên hạ.
Như vậy, trách nhiệm về hiệu năng là nguyên tắc hành xử đứng đầu. Mọi thứ khác, dù lo hay vui, có thể tính sau.
Dân có thể ủng hộ điều này và phản đối điều khác. Dân có thể vui hay buồn, ưa hay ghét, muốn giữ hay muốn thay và tự họ quyết định điều đó qua lá phiếu. Nhưng nhất thiết không thể để cho mọi người thấy chính phủ chỉ làm trò cười cho thiên hạ.
Một đảng cầm quyền hay một chính phủ thù vặt và chỉ làm trò cười cho thiên hạ là tự thân nó vô chính phủ, đã hóa rồ, chẳng đáng ngồi đó cho người đời phỉ nhổ, lại càng chớ nên tính kế ngồi lâu.
15. “Khi bàn về cái chết, cần thấy rõ cái chết ở những kẻ đang sống”.
Để cho mọi sự đến nước chức năng điều hành quốc gia bị coi là một chuỗi đối phó vặt giữa cá nhân với cá nhân, thì cho dù cán cân thiệt hại lúc đầu có nghiêng về phía nhân dân tay không đi nữa, thì đó cũng chỉ là thành quả nhất thời.
Bởi đằng sau các thứ “thắng lợi” nhỏ đó là một điều thiệt hại rất to: Kẻ đứng đầu cái đảng hay chính phủ hóa rồ đó đã bị coi như những tử thi chưa chôn.
Túm lại, đường truyền từ những trò lố đối phó vặt tới mức hóa rồ sẽ dẫn cả cái chế độ này ra nghĩa trang bằng tốc độ xử lý của con chip tân kỳ nhất.
Nhất định thế.
22/8/2011. Kỷ niệm tròn 15 năm ông Hà Sĩ Phu bị kết án 1 năm tù với tội danh ʺđánh cắp bí mật nhà nước” (là bức thư của cố TT Võ Văn Kiệt gửi BCT đã được tán phát rộng ra tới cả nước ngoài bấy giờ).
0 comments:
Post a Comment