Monday, August 22, 2011

Đấu tố thời @

Mẹ Nấm - Đấu tố? - Hiểu nôm na động từ mang tính “thời vụ” này bao gồm “tố” và “đấu”. Tố giác, tố cáo và kể cả “tố điêu”. Trên cơ sở đó đưa ra biện pháp “đấu tranh” cụ thể.

Mặc nhiên một động từ “phát sinh” này chỉ là “thời vụ”

Nhắc đến động từ này, người ta thường nghĩ ngay đến thời kỳ cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam, do đảng khởi xướng và chỉ đạo thực hiện. Và kết quả của công cuộc cải cách ruộng đất như thế nào, đã mang lại cho dân tộc cái gì, chir xin kết lại một câu: Một nỗi ám ảnh kinh hoàng và là một vết nhơ trong lịch sử.

Và, kết quả đó mang theo sự tồn tại của một động từ như đã nói.

Động từ “đấu tố”.

Trên Wikipedia, nếu bạn search cụm "đấu tố" sẽ ra những dòng sau:

"Cuộc cải cách và đấu tố này đã gây một không khí kinh hoàng tại nông thôn miền Bắc lúc ấy, và tác hại mạnh đến sự đoàn kết dân tộc và nhiều thế hệ người Việt."

Vậy cái cần phải quên và không nên nhắc lại là gì?

Là nỗi đau và vết nhơ.

Ngày xưa, mỗi buổi chợ tan, một vài "bần nông" lại ra đình làng xỉa xói vào mặt một "trí, phú địa hào" nào đó, coi như "điểm tâm đấu tố". Thì nay, cần một vài cá nhân đại diện lực lượng nòng cốt nhân dân , cộng với vài ba "thằng đánh máy" nữa là hoàn thiện đội quân đấu tố ngay thôi.

Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, thời đại công nghệ thông tin toàn cầu, kỷ nguyên của ánh sáng và sự thật. Vậy mà, biện pháp đấu tố , hay động từ đấu tố vẫn được đưa ra áp dụng, không mang hình thức của cuộc cải cách ruộng đất là nông dân đấu tố địa chủ mà ở đây, đảng đã sử dụng một thứ quyền lực khả dụng, hữu hiệu để thực hiện.

Quyền lực của báo chí.

Báo chí lề phải đã nã loạt pháo “đấu tố” vào một số cá nhân. Dùng “diễn đàn nhân dân” để “tố” và dùng quyền lực thứ tư để “đấu.”

Kết hợp cả hai, tạo thành màn đấu tố thời @.

Trên báo An Ninh Thủ Đô ngày 21/08/2011 có bản tin sau:


Ở đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã huy động mọi phương tiện, mọi nguồn lực, để đấu tố một cá nhân ngay trên mặt báo.

Hãy ngừng ngay hoạt động biểu tình tự phát

Vừa qua, khi biết anh Diện thường xuyên có những hành động lôi kéo quần chúng tham gia biểu tình tự phát chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, chúng tôi đã trực tiếp gặp gỡ anh Diện và đề nghị ngừng ngay những việc làm trên. Tuy nhiên, anh ta đã phớt lờ những ý kiến đóng góp của mọi người dân và cán bộ tổ dân phố B8, phường Kim Liên, tiếp tục tham gia biểu tình, tuần hành trong các ngày cuối tuần vừa qua để phản đối Trung Quốc.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, những cuộc biểu tình như vậy đều mang tính tự phát, không đúng với quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, đã để bọn phản động lưu vong lợi dụng tuyên truyền gây ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện những chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mới đây, qua theo dõi những thông tin trên mạng Internet, chúng tôi phát hiện một số người dân tổ B8 - phường Kim Liên rất có thể đã bị anh Diện lôi kéo, tham gia biểu tình, gây ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn thành phố. Là công dân đang sống ở Thủ đô, tôi cũng như đông đảo người dân ở tổ B8 phường Kim Liên kêu gọi anh Diện ngừng ngay các hoạt động biểu tình và lôi kéo, xúi giục người khác biểu tình một cách tự phát tránh để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Văn Luân (Tổ trưởng tổ dân phố B8, phường Kim Liên)

Thật không thể kiếm đâu ra nhanh hơn một "nghiệp vụ viên" đấu tố như thế này được. Ông tổ trưởng này, mặc nhiên công nhận cái lệnh cấm biểu tình và coi biểu tình là tụ tập bất hợp pháp... thì thôi, miễn bàn rồi.

Đảng của ai, nhà nước của ai, công cụ tuyên truyền và pháp luật của ai...vả chăng không cần "tranh giành làm gì nữa".

Họ đã và đang lợi dụng tự do, dân chủ, chui trong “vỏ bọc” yêu nước, cấu kết với các đối tượng - thế lực luôn âm mưu chống phá Nhà nước, để cố tình thực hiện, tái diễn những ý đồ, hành vi gây mất ổn định ANCT, TTXH ở Thủ đô, làm xấu hình ảnh Hà Nội thân thiện - hòa bình.

Dám nói những người biểu tình dùng "vỏ bọc" yêu nước. Thì sự trơ tráo này còn kinh hơn cả lấy "áo nhân dân" để khoác lên mình.

Ôi, nhân dân tôi, áo rộng quá, cứ che hết cả đám ăn cháo đái bát thế này?

Ngày nay chúng ta không phải truyền tin bằng ngựa trạm nữa đâu, thưa các ông. Thời buổi của công nghệ, muốn sử dụng quyền lực, xin hãy lấy ánh sáng văn minh nhân loại làm nền đi.

Thời bây giờ khác xa với thời “con bị ép đấu cha, vợ bị ép đấu chồng” rồi.

Chưa nguôi dư luận buổi phát hình của VTV nhằm vào tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Huy động cả một sức mạnh hệ thống để bôi một cá nhân. Nay lại sử dụng một vài cá nhân kém hiểu biết để đi bôi nhân sĩ trí thức.

Lẽ nào “trí phú địa hào” một lần nữa bị “trốc tận rễ” sao?

Ngày xưa, lợi dụng sự kém cỏi của dân trí để vận động. Sự chậm chạp của truyền thông để “gửi gắm”. Còn bây giờ? Nói thế mà nghe được sao? Thử hỏi, một cụ đã “buộc thôi việc” vì “trí phải hưu” lại ngồi dạy đời cho một tiến sỹ Hán Nôm sao?

Bạn đọc sẽ nghĩ gì về hình ảnh một bà bần nông mắt toét lại đi dạy một ông cử vừa Hán học vừa Tây học năm nao lại hiện về?

Thưa các ông sử dụng quyền lực thứ 4!

Bây giờ là thời của nhấn nút, gõ phím và click chuột ạ.

Các ông cố quên thì tôi nhắc nhớ.

Các ông phải biết cách sử dụng “thằng đánh máy” sao cho hữu hiệu.

Đừng xài lại một vài động từ đặc tả chiêu cổ điển mang tính thời vụ kia nữa.

Lố lắm! (Lố là từ của mấy ông, xin phép mượn chút thôi!)


0 comments:

Powered By Blogger