Sunday, August 21, 2011

Được chính quyền đến thăm nhà


Nguyễn Tường Thụy - Tôi nói được thăm là theo cách đặt vấn đề của cô chủ tịch xã là: hôm nay chúng tôi đến trước hết là thăm gia đình, sau đó có chuyện muốn trao đổi. Đây là lần thứ 2 chính quyền đến nhà tôi đề nghị tôi không đi biểu tình, trừ trường hợp đi lẻ. Toàn những người đã biết nhau cả.

Đoàn có 4 người: cô chủ tịch xã, một cậu công an xã, ông cụm trưởng dân cư và bí thư chi bộ cụm. Thực ra, việc hôm nay chẳng cần sự đến có mặt của bí thư chi bộ, vì đây là việc chính quyền, cô chủ tịch xã cũng nói rõ đây là việc chính quyền.

Khi ấy vào khoảng 10 giờ, tôi đang chăm con gái ốm.

Đi vào việc, cô chủ tịch cho tôi biết có thông báo của UBND thành phố yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát, chắc anh cũng biết rồi.

Cô nói rằng vừa qua những người biểu tình đã có những hành động quá khích, rằng theo thông báo thì những ai cố tình vi phạm sẽ có biện pháp xử lý, cuối cùng là đề nghị tôi không đi biểu tình nữa.

Rồi cô đưa cho tôi một bản thông báo. Tôi nhìn qua thì nó đúng là cái thông báo tôi đã lấy trên mạng, nhưng còn thiếu một cái dấu treo ở dưới nữa. Tôi bảo tôi biết từ ngày hôm kia (ngày ban hành cái thông báo ấy), tôi đã kịp viết một bài nhận xét về cái thông báo ấy từ hôm qua.

Tôi bảo, cái thông báo này không có giá trị pháp lý, chưa nói đến việc nó còn vi hiến nữa. Tôi đang định phân tích thì cô bảo, thôi, không nói đến cái đó (chắc cô không muốn cho những người cùng đi nghe thấy tôi bình luận về cái thông báo kỳ quặc ấy). Hôm nay chúng tôi đến chỉ có một việc (ý cô là đề nghị tôi không đi biểu tình nữa). Tôi bảo nếu không nói về cái thông báo này nữa thì tôi gửi trả chị.

Tôi nghĩ một cái văn bản nhôm nhem như thế, tôi có giữ cũng chẳng để làm gì.

Cô còn đọc cho tôi biết tôi đi biểu tình vào những ngày nào, ngày nào đi xe máy, ngày nào đi xe bus. Thực ra, tôi đi thế nào và làm gì, uống bia với những ai tôi đều viết hết lên blog chứ tôi có định giấu giếm cái gì đâu. Khỏi cần theo dõi tôi làm gì. Ai có nhiệm vụ theo dõi thì cứ ngồi nhà nghỉ cho khỏe, tối vào blog của tôi là biết hết thôi mà.

Thấy cô đọc tiếp: đến chủ nhật ngày 14/8 thì anh ở nhà không đi nữa, tôi bảo vậy thì bản kê còn thiếu của tôi 1 ngày rồi. Hôm 14/8 tôi vẫn đi biểu tình mà.

Cậu mật vụ nào đó lại không hoàn thành nhiệm vụ rồi, chắc hôm ấy mải tán cô hàng nước.

Nói về việc cho rằng những người biểu tình đã có những hành động quá khích, tôi bảo: “Từ khi tôi tham gia biểu tình đến giờ, tôi chẳng thấy ai có hành động quá khích cả. Họ biểu tình có trật tự, đi lên vỉa hè, hô phản đối TQ, hô bảo vệ Tổ quốc Việt Nam mà là quá khích ư? (Thực tế thì những người biểu tình luôn nhắc nhở nhau không đi xuống lòng đường, không giẫm sang phần cỏ đề phòng công an lấy cớ sinh chuyện). Nếu nói đến quá khích thì đó là công an. Họ bắt bớ, đánh đập người biểu tình, đó mới gọi là quá khích”.

Về chuyện nếu không thực hiện theo thông báo thì sẽ bị xử lý, tôi bảo: “Tôi không sợ sự đe dọa nào. Lúc đầu, tôi đã định không tham gia biểu tình. Đến khi cuộc biểu tình ngày 10/7 bị đàn áp thì tôi mới quyết định tham gia biểu tình và lần sau thường là đông hơn lần trước. Chính việc đàn áp hôm 10/7 thúc đẩy tôi đi biểu tình”.

Với ý kiến rằng, công dân phải chấp hành pháp luật, tôi nói: “Những người chấp hành luật pháp nghiêm như tôi không nhiều đâu. Những gì pháp luật cấm thì tôi không bao giờ vi phạm. Những chuyện xảy hàng ngày như trộm cắp, đĩ điếm, nghiện hút, đánh nhau … nhà tôi không bao giờ có. Nhưng còn những gì luật pháp không cấm thì tôi được phép làm. Đảng lãnh đạo bằng nghị quyết, Nhà nước quản lý bằng pháp luật. Còn những con người cụ thể tôi không cho đó là Đảng hay Nhà nước, nhất là khi việc làm của họ trái pháp luật. Cả ông này (tôi chỉ ông bí thư), tôi cũng không cho ông là Đảng …”

Cô chủ tịch bảo, thì nghị định 38 của chính phủ cấm tụ tập đông người …

Tôi nói, cấm, muốn tụ tập đông người thì phải xin phép chứ gì. Nhưng tôi đi biểu tình một mình, không có ai rủ tôi, không ai lãnh đạo tôi và tôi cũng không lãnh đạo ai cả, vậy sao tôi phải xin phép và lấy tư cách nào để xin phép. Tôi nói ngắn vậy thôi, chứ luận về cái nghị định 38 thì e nó dài quá.

Ông bí thư cụm nói rằng đi biểu tình hay không là quyền của anh, chúng tôi đến đây nói chuyện với anh để sau này có xảy ra chuyện gì thì đừng trách chúng tôi không nói trước. Tôi bảo việc các anh nói hay không cũng thế thôi. Nếu có chuyện gì, tôi sẽ chịu trách nhiệm cá nhân. Kể cả các anh không nói trước thì tôi cũng chẳng bao giờ đổ tại các anh không nói, anh không phải lo. Nếu tôi có tội, cũng chẳng quan tòa nào lấy việc tôi chưa được vận động để coi là tình tiết giảm nhẹ cả. Công dân phải hiểu pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.

Ông bí thư trước đó nói tôi đừng vì lợi ích cá nhân mà ảnh hưởng đến tập thể. Sau đó tôi nhắc lại và nói, về ý kiến đó, tôi khẳng định, tôi không hề có lợi ích cá nhân nào trong việc đi biểu tình, ngược lại đó là thể hiện trách nhiệm công dân đối với vận mệnh của Tổ quốc. Còn về tập thể, tôi xin hỏi anh là tập thể nào, lợi ích là gì và việc tôi đi biểu tình làm ảnh hưởng như ra sao. Nhưng ông nói, không, tôi có nói thế đâu.

Về việc mọi việc đã có nhà nước lo, tôi bảo Nhà nước là vô hình nhưng quản lý xã hội bằng pháp luật (pháp luật thì cụ thể). Còn chính những người gọi là người của Nhà nước, tôi gần như đã mất hết lòng tin vào họ, nhất là trong cách hành xử với dân. Ngay bản thân tôi đây, tôi bị đánh, bị phá nhà vô cớ, viết hàng cân đơn mà từ địa phương đến trung ương có ai giải quyết gì đâu. Đòi gặp họ thì họ trốn, không tiếp. Vậy sao tôi tin được những người gọi là của Nhà nước khi việc làm hay ý kiến của họ chẳng dựa trên cơ sở pháp luật nào cả.

Ông cụm trưởng dân cư thì không nói gì, không biết ông sợ bị cho là chen lời sếp hay tại lần trước ông đã nói nhiều rồi.

Thực ra, việc đoàn chính quyền đến nhà tôi, tôi chẳng trách gì họ. Việc họ đến là do chỉ thị từ trên thôi, muốn hay không cũng phải làm. Họ cũng chẳng có thù oán gì với tôi, trừ ông cụm trưởng trước đây rất hăng hái cùng với chính quyền xã hại gia đình tôi đến mức không thể hơn được nữa thì thôi. Họ o ép trả thù tôi đến nỗi vợ tôi đã bàn hay mua nhà chỗ khác ở chứ sống thế này nhục lắm nhưng tôi gạt đi, nói rằng, họ càng làm thế, mình càng phải ở đây. Ông bí thư cụm, tuy nói ra toàn những điều cũ rích, tôi nghe đã quen tai năm chục năm nay nhưng chúng tôi cũng chưa xảy ra chuyện gì không hay với nhau.

Còn cô chủ tịch là mới, tôi biết khi cô từ khi cô làm phó chủ tịch phụ trách tư pháp. Dù ít khi tiếp xúc nhưng trong thâm tâm vợ chồng tôi dành nhiều thiện cảm cho cô. Khi thấy cô làm chủ tịch, chúng tôi thấy mừng và nghĩ, cô sẽ làm được nhiều việc tốt cho dân so với những người tiền nhiệm. Chúng tôi thực sự mừng khi biết cô nhận chức. Không biết tôi nghĩ thế có vội không nhưng ít ra thì bây giờ tôi đang nghĩ thế. Nhưng dù sao thì việc của cô cô làm, việc của tôi tôi làm. Mỗi người đều có cách phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Không ai có thể trách cứ hay đổ trách nhiệm lên đầu cô khi địa phương có công dân đi biểu tình. Mong cô đừng lo lắng về chuyện đó. Chúng ta không còn non dại nữa, mỗi người đều có suy nghĩ hành động riêng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, có đúng thế không cô chủ tịch quí mến?

21/8/2011

0 comments:

Powered By Blogger