Hôm qua 2/8/2011, phiên tòa phúc thẩm xét xử tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ về tội chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, đã ra phán quyết 7 năm tù, tức là y án sơ thẩm. Nhưng cho đến nay, thông tin về diễn biến của phiên toà cho thấy sự lúng túng của Hội đồng xét xử và bên công tố khi phải đối mặt với thái độ cương quyết của nhà dân chủ ở ghế bị cáo và các luật sư.
Từ Hà Nội, luật sư Trần Đình Triển, một trong bốn luật sư tham gia bào chữa cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cho RFI biết những nhận xét của ông về diễn biến phiên tòa và các đánh giá của ông về Hội đồng xét xử và đại diện Viện Kiểm soát trong phiên tòa này. Sau đây là bài phỏng vấn, mời quý vị theo dõi.
Trần Đình Triển : Trước hết, phiên tòa hôm nay chỉ đặc biệt hơn phiên tòa trước về tên gọi thôi. Phiên tòa lần trước là Tòa án Nhân dân Hà Nội xử sơ thẩm, sau đó có kháng cáo của anh Cù Huy Hà Vũ, thì hôm nay Tòa án Nhân dân Tối cao xét xử phúc thẩm. Nó chỉ khác nhau về hình thức và trình tự xét xử, còn về mọi phương diện khác thì không có gì khác.
Tôi xin lấy ví dụ, lần trước phiên tòa đưa ra quyết định xét xử cũng mập mờ, không nói rõ là công khai hay bí mật, thì lần này cũng vậy thôi. Cái tổ chức của phiên tòa hôm nay mang tính công khai hay bí mật cũng không rõ ràng, nhưng « công tác » bảo vệ, ngăn cản người dân đến tham dự phiên tòa cũng như lần trước, không có gì khác nhau. Các phóng viên hay luật sư đi vào tòa đều phải bỏ tất cả điện thoại, máy ảnh, máy ghi âm ra bên ngoài cũng như cũ.
RFI : Thưa anh, như anh vừa nói, đấy là hình thức chung của phiên tòa, còn về diễn biến của phiên toà, có phải nó thực sự có tranh luận trao đổi, như một số trang mạng có mô tả ?
Trần Đình Triển : Nếu so sánh như vậy thì không đúng. Về cách điều hành của chủ tọa phiên tòa lần trước không khác lần này. Trong phiên tòa lần trước, tất cả các luật sư yêu cầu thực hiện điều 241, là phải công bố các chứng cứ có tại phiên tòa, và lần này các luật sư cũng yêu cầu như vậy, nhưng cả hai phiên tòa đều không đáp ứng. Chỉ khác một điều là lần trước các luật sư biết sự vi phạm pháp luật của Hội đồng xét xử và được sự đồng tình của thân chủ, là khi Hội đồng sơ xử vi phạm pháp luật, thì các luật sư không thực hiện nhiệm vụ của mình nữa. Đó là theo lời của thân chủ.
Việc thực hiện các điều luật so sánh giữa hai phiên tòa này không khác gì nhau. Hôm nay, trong phiên tòa lần này, chủ tọa còn mạnh dạn tuyên bố những điều ngang nhiên vi phạm pháp luật hơn. Ví dụ như khi đọc điều 188 về việc giám sát bị cáo tại phiên tòa, thì điều luật nói rất rõ : bị cáo đang bị tạm giam, khi ra phiên tòa chỉ được tiếp xúc với người bào chữa, việc tiếp xúc với những người khác phải được phép của chủ tọa phiên tòa.
Điều này nói rõ, luật sư được gặp bị cáo mà không phải xin phép ai, nhưng chủ tọa phiên tòa đã « biến tướng » điều luật. Từ đó chúng tôi muốn gặp bị cáo Cù Huy Hà Vũ tại tòa, thì đều bị cảnh sát tư pháp ngăn không cho gặp. Ngay tại tòa phúc thẩm của tòa án tối cao, mà chủ tọa phiên tòa dám bóp méo điều luật như vậy.
RFI : Thưa luật sư, mặc dù phiên tòa này như luật sư nói không bảo đảm được tính chính đáng như vậy, có tính tạo dựng và bóp méo như vậy. Tuy nhiên, trong phiên tòa trước các luật sư ra về không tranh tụng nữa, ngược lại lần này các luật sư vẫn ở lại và lại kéo dài gần một ngày trời như vậy, vậy tại sao lại có điều ít nhiều mâu thuẫn này ?
Trần Đình Triển : Ở đây không có gì là mâu thuẫn cả. Trong phiên tòa trước, mở đầu phiên tòa các luật sư yêu cầu Hội đồng xét xử thực hiện theo luật định, nhưng không được đáp ứng nên đã rời phiên tòa theo yêu cầu của của thân chủ. Còn lần này, về phía anh Vũ, cũng như về phía các luật sư đều có một quan điểm chung, kể cả Hội đồng xét xử có vi phạm pháp luật, thì các luật sư cũng ngồi đến cùng để tham gia bảo vệ phiên tòa. Thậm chí có những lời có thể bị cắt hoặc bị ngắt một cách rất vô lý.
Thậm chí có thể có những lời đe dọa đối với luật sư, thậm chí có thể có những từ ngữ (xúc phạm) đối với luật sư, có thể là quên hoặc do cố ý, ví dụ như chủ tọa phiên tòa rất nhiều lần gọi lần gọi luật sư Thanh (luật sư Vương Thị Thanh) là « bị cáo ». Chúng tôi cũng đều gắng nhịn chịu. Thậm chí (Hội đồng xét xử) đề nghị nếu cần thiết mời cảnh sát tư pháp, mời luật sư ra khỏi phòng, v.v…
Tất cả các luật sư chúng tôi đã lường trước được những việc đó rồi, và có một câu đùa vui với nhau, là phải bình tĩnh, nín chịu, và “tìm mọi cách để chúng ta nói được những tiếng nói của chúng ta”. Dù chúng tôi cũng có thể đoán được là y án, nhưng chúng tôi nói được tiếng nói của mình để cho Đảng (cộng sản Việt Nam), cho Nhà nước, cho Nhân dân, cho Cộng đồng thế giới biết rằng, đây là vụ án hoàn toàn oan sai. Mà, đáng ra trí tuệ như anh Vũ phải đáng được khen, chứ không phải là người phải gánh chịu tội lỗi.
Các luật sư chúng tôi đã bàn trước, phân công nhau, không trùng lặp ý bào chữa của nhau để tránh trường hợp chủ tọa phiên tòa viện cớ chỉ cần trùng sẽ cắt đi. Những việc đó chúng tôi đều bàn tính trước.
RFI : Thưa luật sư, các nội dung tại phiên tòa thì nhiều, nhưng luật sư có thể chuyển đạt lại một số ý lớn được không ạ, ngoài điều luật sư đã nói rằng đây là một vụ án oan sai ?
Trần Đình Triển : Trước hết các luật sư nêu lên 10 tài liệu của anh Cù Huy Hà Vũ mà bản án sơ thẩm dùng để buộc tội. Thứ nhất, có những tài liệu anh đi vào những vụ án cụ thể, những vụ việc khiếu tố khiếu nại cụ thể, để anh cho thấy tính vô trách nhiệm của một số cơ quan, không được giải quyết dẫn đến sự oan khuất cho người dân.
Thứ hai là, có những điều anh Vũ nêu lên mang tính chất như một đề tài khoa học, như một chuyện mang tính nhân đạo, chứ không phải mang một quan điểm chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Tôi lấy ví dụ, anh gửi văn bản cho Quốc hội, đề nghị tha tất cả các tù binh, « ngụy quân », « ngụy quyền », đang bị cải tạo từ năm 1975 đến nay. Đấy là một vấn đề mang tính nhân đạo. Những người ấy đều mang dòng máu Việt. Thêm vào đó, cần quan tâm đến đạo đức truyền thống của tổ tiên Việt Nam, khi đánh giặc xong, giặc muốn đi « thủy », thì ta cho thuyền, muốn đi bộ thì ta cho ngựa. Cuộc chiến tranh đã đi qua 30 năm, cần giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc, lá lành đùm lá rách, sai thì sửa, để đưa đến một sự hòa thuận trong dân tộc. Tôi cho rằng đấy là một kiến nghị mà ai cũng đồng tình. Kiến nghị này không phải là chống đối.
Điều thứ ba là anh yêu cầu sửa đổi điều nọ, điều kia trong Hiến pháp, thì tôi cho rằng, chính ngay các đồng chí lãnh đạo Đảng (cộng sản Việt Nam) và Nhà nước, rất nhiều nhà khoa học, và nhiều đại biểu Quốc hội cũng nêu lên rằng cần phải sửa đổi cơ bản Hiến pháp 1992. Do đó, việc anh ấy nêu lên như vậy thì không phải là trường hợp duy nhất để kết tội anh là người chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Tôi thấy rằng những điều anh Cù Huy Hà Vũ nêu lên mang tính khoa học, là quyền của công dân, đáng ra Đảng (Cộng sản Việt Nam), Nhà nước và Nhân dân phải lắng nghe. Và nếu như Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân, thì đề nghị Viện Kiểm sát chứng minh rằng anh ấy chống cái gì của dân, do dân, vì dân, thì Viện Kiểm sát đã không chứng minh được.
RFI : Tức là ngay trong phiên tòa họ đã không có luận điểm để chứng minh điều đó ?
Trần Đình Triển : Không những như vậy, mà tôi hết sức bức xúc. Vì Viện Kiếm sát tranh tụng được mấy điều, và tôi là người lập luận lại quan điểm đó, tôi đã bác bỏ toàn bộ quan điểm của Viện Kiểm sát. Sau đó, Viện Kiểm sát không tranh tụng lại một điều gì, và kết một câu khiến hầu như tất cả những người tham dự phiên tòa cụt hứng. Câu đó là : Viện Kiểm sát không tranh tụng nữa, mà giữ nguyên lời buộc tội của mình.
Trước hết, đối diện với sự thực, họ lúng túng. Tôi dùng chữ là họ dùng cách « Cả vú lấp miệng em ». Mà để đi vào các chi tiết cụ thể, vào các hành vi cụ thể thì họ không chứng minh được. Thêm vào đó, trình độ pháp lý của họ cũng non, cũng như « ý thức chính trị ». Bản thân họ là đảng viên (đảng Cộng sản Việt Nam) nhưng họ cũng không nắm được đường lối của Đảng. Tôi dẫn chứng luôn, trong chiến lược của Đảng đã quy định, « hệ thống chính trị » gồm có ba chủ thể, nhưng họ lại nhầm lẫn Nhà nước với Thể chế chính trị như là một.
RFI : Xin được hỏi luật sư một câu cuối cùng. Phiên tòa đã kết thúc rồi, trong tương lai, thân chủ và các luật sư nghĩ như thế nào về bước tiếp theo ?
Trần Đình Triển : Trước hết phải nói rằng, theo qui định của pháp luật Việt Nam còn một trình tự nữa, đó là Giám đốc thẩm có thời hiệu trong 3 năm. Nhưng tôi, với tư cách là một luật sư, khi đến xử phúc thẩm vụ án này, ngay từ đầu tôi cho rằng sẽ y án, và trình tự Giám đốc thẩm sẽ không (xảy ra). Họ sẽ trả lời rằng : không có căn cứ.
Với góc độ của một luật sư tôi cho rằng những việc làm này (của ngành Tư pháp) là sai lầm. Bởi vì, nếu xử anh Cù Huy Hà Vũ như vậy, thì dư luận trong nước và nước ngoài, người ta đủ trình độ để nhìn nhận vấn đề của vụ án này là gì, đằng sau vụ án là gì, và nó có được gì cho đất nước, và nó mất cái gì.
Nếu một xã hội chỉ theo một chiều, thì sự phát triển sẽ không bao giờ có. Và tôi cho rằng trong tương lai, lịch sử sẽ ghi nhận lại rằng những quan điểm của anh Cù Huy Hà Vũ là những tư tưởng đúng.
RFI : Xin chân thành cảm ơn luật sư Trần Đình Triển.
0 comments:
Post a Comment