Thursday, August 18, 2011

Nhân Đọc “Dấu Ấn Và Niềm Tin” của Trương Duy Nhất.













Phát ngôn “không muốn tạo dấu ấn cá nhân”của các ông lãnh đạo đảng, nhà nước nhiệm kỳ này gồm ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,Ông Bộ Trưởng giáo dục, đào tạo Phạm Vũ Luận đã gây bức xúc cho blogger một góc nhìn khác Trương Duy Nhất. Bức xúc lên đến đỉnh điểm khi ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phán: “hàng ngàn thí sinh bị điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi đại học vừa qua là chuyện bình thường.” Khiến ông Nhất phải bật lên thành tiếng, rất gay gắt: “ông bộ trưởng Luận là số 0 tầm thường chứ không được số 0 bình thường.”

Có lẽ, ông Nhất hơi khắt khe cũng như thiếu tỉnh táo như chủ trương một góc nhìn khác mà ông đã đề ra! Nếu bình tĩnh ông sẽ không khó để nhận ra trong lời tuyên bố đó có ẩn chứa mỉa mai, cay đắng, phẩn uất lẫn bất lực của bộ trưởng không thực quyền và nếu khách quan hơn, ông Nhất có thể đọc ra ý tưởng của ông Phạm Vũ Luận: “Với chính sách giáo dục của nhà nước bị sự chi phối, lãnh đạo của đảng cộng sản, thí sinh đại học không điểm 0 mới là chuyện lạ, chuyện không bình thường chứ thí sinh đại học ăn điểm 0 môn lịch sử là bình thường, có chi phải bức xúc!”

Khác với ông hai ông Trọng, Luận. Ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tạo dấu ấn ngay từ lúc vận động tranh cử khi tiếp xúc cử tri mô tả thực trạng tham nhũng của đảng, nhà nước qua ẩn dụ, so sánh, tượng hình rất ấn tượng với hình ảnh con sâu và bầy sâu, ông nói: “Trước kia chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm! Nghe mà thấy xấu hổ, không lẽ cứ để mãi như vậy, mai kia người ta nói là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết! Thế đâu có được, một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là chết cái đất nước này...” qua phát ngôn ông đã làm nức lòng lẫn gieo niềm tin, hy vọng cho một phần không nhỏ trong tim quần chúng nhân dân.

Không dừng lại ở đó, đến lúc được quốc hội “ tín nhiệm” chức chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang tạo dấu ấn khác hoành tráng hơn, khi được báo chí đề cặp đến điểm nóng Bauxite Tây Nguyên, ông trả lời báo chí xoay quanh một số nội dung chính: “Chúng ta không có chủ trương để Trung Quốc vào khai thác Bauxite; lao động Trung Quốc xây dựng, lắp đặt nhà máy xong phải về nước; việc khai thác sẽ do tập đoàn Than- Khoáng sản đảm trách; dự án phải bảo đảm ba yếu tố, công nghệ hiện đại, môi trường môi sinh và hiệu quả kinh tế; và khi đưa vào khai thác vấn đề an ninh quốc phòng sẽ được đặc biệt chú ý. ”

Lời phát ngôn của ông Trương Tấn Sang trước cũng như sau khi “đắc cử” chủ tịch nước, nếu nghe hoặc đọc lướt qua sẽ rất ấn tượng nhưng nếu chịu khó lắng nghe, đọc cẩn thận và vận dụng một ít trí tuệ phân tích sẽ không khỏi thất vọng ê chề, bởi có nhiều mâu thuẫn, bất hợp lý tồn tại trong những phát ngôn đó! Điển hình là khinh thường sự hiểu biết, trí tuệ của quần chúng nhân nhân trong đoạn tuyên bố có nội dung “...an ninh quốc phòng sẽ được đặc biệt chú ý...dự án phải bảo đảm ba yếu tố: công nghệ hiện đại; môi trường môi sinh; và hiệu quả kinh tế.”

Ông bảo rằng an ninh quốc phòng được đặc biệt chú ý sao nhà nước vẫn cho treo quả bom bùn đỏ trên nóc nhà Việt Nam? Công nghệ thiết kế, xây dựng, lắp đặt nhà máy tuyển quặng bột nhôm (alumina) của Trung Quốc có hiện đại không, ông không biết hay giả vờ không biết? Môi trường môi sinh có bảo đảm khi ngày đêm đoàn xe siêu trường, siêu trọng rầm rập xuyên qua các khu dân cư? Kinh tế có hiệu quả không khi có nhiều chuyên gia phân tích với nhiều con số kinh tế khá thất vọng cho phương án hiện hành?

Ai cũng biết đặt quả bom bẩn trên điểm cao Tây nguyên sẽ gây bất an, là nỗi lo thường trực cho đời sống người dân dưới đồng bằng và công nghệ tinh luyện bột nhôm của Trung Quốc chưa đạt chuẩn quốc tế nên sản phẩm làm ra chỉ bán được cho một khách hàng duy nhất là Trung Quốc thì có cách chi đạt được giá tốt nhất. Riêng phương án khai thác bauxite đang đưa vào thực hiện đã lộ ra những yếu kém, trở ngại ngay bước đầu của khâu vận chuyển thì làm sao toàn bộ kế hoạch có sức thuyết phục, bảo đảm được môi sinh môi trường và đạt hiệu quả kinh tế!?

Từ nhận xét đó,đưa đến kết luận ông chủ tịch Trương Tấn Sang khi nói đến con sâu, bầy sâu và bauxite Tây Nguyên chỉ nhằm mục đích hạ nhiệt, làm giảm sức nóng đang sôi sục trong lòng người dân với nhà cầm quyền mà sức nóng này, không thể khinh thường, nó có thể đốt cháy làm tan chảy cả chế độ lẫn băng đảng của ông và ông Sang tuy mang danh chủ tịch nước cũng chỉ được thu, phát lại những gì đảng, nhà nước cho phép!

Thật ra, nếu nhìn xa hơn sẽ dễ thông cảm, bớt khắt khe hơn cho các ông Sang, Trọng, Luận bởi tất cả lãnh đạo cộng sản từ trung ương đến địa phương, từ tổng bí thư đến bí thư đảng uỷ, từ chủ tịch nước đến chủ tịch xã, từ bộ trưởng đến sở, cơ quan, ban, ngành đều bị hệ thống cai trị, cơ cấu tổ chức “tập thể lãnh đạo cá nhân trách nhiệm” chi phối nên không cá nhân lãnh đạo nào có đủ quyền hành tuyệt đối để phát ngôn và hành động với tư tưởng, tư duy, nhận thức độc lập. Tất cả đều chờ hội họp lấy ý kiến, quyết định của tập thê và các cá nhân lãnh đạo của đảng cộng sản này, họ cũng thường xuyên núp vào cái bóng tập thể lãnh đạo để chối tội, cãi bay cãi biến khi gây ra hậu quả, sai phạm nghiêm trọng đến con người, xã hội và đất nước.

Thế cho nên ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng nhiều quan chức khác nữa, biết rõ thân phận bù nhìn của mình với hệ thống đảng lãnh đạo,đành phải thốt lên:“nói không với dấu ấn cá nhân.” Các ông ấy cũng biết rằng nói được nhưng không làm được sẽ là trò cười lẫn mục tiêu cho búa rìu của các “đồng chí” và dư luận xã hội, bởi đằng sau họ là cơ chế “tập thể lãnh đạo” như thanh gươm vô hình treo ngang cổ, sẳn sàng chặt đứt mọi sáng kiến cao đẹp mang dấu ấn cá nhân và cả mạng sống của họ.

Trong quá khứ có nhiều đảng viên cộng sản là nạn nhân của cơ chế này. Hiện tại ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nạn nhân của cơ chế tập thể lãnh đạo còn sờ sờ ra đó, với lời tuyên bố đầy cảm tính, chủ quan không diệt được tham nhũng sẽ từ chức và con tàu không đáy Vinashin do tập thể lãnh đạo “quyết”, trở thành mục tiêu cho các bạn đồng chí của ông tấn công ông. Tấm gương Nguyễn Tấn Dũng làm cho các ông lãnh đạo cao cấp nhiệm kỳ này phải dè dặt, kín tiếng hơn bởi đằng sau bộ mặt tập thể lãnh đạo, nhiều thế lực đen trong đảng tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau với nhiều đòn phép “dơ, độc” không thua kém các tay anh chị có số má của xã hội đen, chỉ chờ sơ hở để thanh toán, hạ gục nhau.

Thế thì blogger một góc nhìn khác Trương Duy Nhất có cần phê phán nặng lời với các ông Nguyễn Phú Trọng, ông Phạm Vũ Luận không? Thiển nghĩ, phải có lý do nên thầy Nguyễn Đình Thảng buột miệng khen ông Trọng:“ thằng này được!”, thầy Nguyễn Kim đính cất tiếng khen:“thằng Trọng khá!” và thầy Văn Như Cương cũng không dè dặt lên tiếng bảo vệ ông Luận: “ không tạo dấu ấn, đó là sự khiêm nhường, là cách nói thôi, chứ mình tin ông Luận.” Có đúng không ông Nhất? Dù vậy ông có quyền giữ vững quan điểm của ông!

Không cần quan sát, phê bình sự việc ở một góc nhìn khác ông Nhất ạ! Chỉ cần tỉnh táo đứng thẳng ngẩng cao đầu, nhìn sâu vào gốc rễ của cơ cấu tổ chức, hệ thống tổ chức của đảng cộng sản, sẽ nhận ra được nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến cho người cộng sản trở nên hèn nhược không dám khẳng định bản lãnh của chính mình.

Làm người ai cũng có ước mơ, hoài bão mang dấu ấn của chính mình trong kiếp nhân sinh đầy biến loạn. Các ông Trọng, Luận... cùng nhiều cá nhân cộng sản khác, chắc không là ngoại lệ nhưng họ đã đánh mất chính mình trong vũng lầy cơ chế tổ chức tập thể lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Họ cũng như chúng ta là đồng bào, đều là nạn nhân của đảng cộng sản hay nói cách khác dân tộc Việt Nam là nạn nhân của cộng sản. Chừng nào đảng viên cộng sản tháo gở xích xiềng cơ chế tổ chức tập thể lãnh đạo, vất bỏ tư tưởng nô lệ Marx-Lenin thì họ mới có cơ may tìm lại được bản lãnh của chính mình, một con người Việt Nam kiên cường, bất khuất.

Còn ông thì sao, có cần một góc nhìn khác hay cần thật lòng hành động khác không ông Trương Duy Nhất?

Le Nguyen

0 comments:

Powered By Blogger