Sunday, May 12, 2013

Trần Gia Phụng: Huyền Thoại Hồ Chí Minh (Kỳ 1)

DotHinhHCM
Hình do trang nhà minh họa
Lời BBT: Trang nhà HenNhauSaiGon rất hân hạnh được sự đồng ý của tác giả Trần Gia Phụng, quyền đăng tải toàn bộ quyển sách Huyền Thoại Hồ Chí Minh mà đã bổ túc sau bài viết dưới tựa đề Lột Trần Huyền Thoại Hồ Chí Minh.
Quyển sách dày 101 trang, được ấn hành bởi Nxb Ngũ Hành Sơn vào tháng 4, 2013, gồm 11 tiểu mục đánh tan huyền thoại HCM và cuối cùng là phần Bài Đọc Thêm.
Trang nhà sẽ chia ra làm 4 kỳ, mỗi kỳ sẽ đăng ấn định vào mỗi thứ Bảy, bắt đầu từ thứ Bảy hôm nay, ngày 11-5-2013. Kính mong quý độc giả nhớ đón xem.
**********
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Ở hải ngoại, huyền thoại Hồ Chí Minh có thể được xem như chuyện cũ đối với độc giả người Việt. Hầu như người Việt hải ngoại nào cũng biết, nhờ đọc được nhiều sách báo tiếng Việt cũng như tiếng ngoại quốc.
Riêng tác giả tập sách nhỏ nầy đã biên soạn và ấn hành sách Án tích cộng sản Việt Nam tại Toronto, Nxb. Non Nước năm 2001, gồm những vụ án do CSVN gây ra, trong đó có bài “Lột trần huyền thoại Hồ Chí Minh”. Sách nầy được Giải nhất Giải Văn học do Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do tổ chức năm 2002.
“Lột trần huyền thoại Hồ Chí Minh” được dịch qua Anh ngữ và Nxb Non Nước in thành sách song ngữ Anh Việt năm 2003, với tựa đề là Exposing the Myth of Ho Chi Minh. Exposing the Myth of Ho Chi Minh được hiệu đính, bổ sung và tái bản lần nữa năm 2006.
Trong khi đó, ở trong nước Việt Nam, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam hoàn toàn bưng bít những tài liệu mới ở hải ngoại về Hồ Chí Minh, và vẫn không ngừng tuyên truyền, đề cao nhân vật Hồ Chí Minh cho các thế hệ thanh thiếu niên kế tiếp nhau, hết lớp nầy đến lớp khác, hết năm nầy đến năm khác. Năm nào những thế hệ thanh thiếu niên mới lớn ở trong nước đều phải học tập về cuộc đời, “đạo đức” và hoạt động của Hồ Chí Minh. Nhà nước cộng sản còn đưa “tư tưởng Hồ Chí Minh” vào điều 4 Hiến pháp năm 1992.
Gần đây, từ 2007 đến 2011, đảng Cộng Sản tổ chức cuộc vận động dân chúng “học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhắm làm cho toàn dân nắm vững “nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Vì vậy, huyền thoại Hồ Chí Minh vẫn còn mới mẻ và luôn luôn mới mẻ với thanh thiếu niên trong nước nếu còn đảng CS.
Nxb. Ngũ Hành Sơn xin chuyển trở lại lên mạng lưới thông tin toàn cầu Huyền thoại Hồ Chí Minh đã được tác giả Trần Gia Phụng hiệu đính và bổ túc, cùng một số bài của tác giả liên quan đến Hồ Chí Minh, nhằm cung ứng cho nhu cầu độc giả trong nước, nhất là giới thanh thiếu niên, kể cả các đảng viên cộng sản, để mọi người hiểu rõ thêm sự thật về kẻ đã sáng lập đảng Cộng Sản Việt Nam.
NGŨ HÀNH SƠN

MỤC LỤC

1.- HUYỀN THOẠI VỀ NGƯỜI CHA
2.- HUYỀN THOẠI RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
3.- HUYỀN THOẠI CUỘC SỐNG ĐỘC THÂN GIẢN DỊ
4.- HUYỀN THOẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC
5.- HUYỀN THOẠI GIẢI PHÓNG DÂN TỘC
6.- HUYỀN THOẠI TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
7.- HUYỀN THOẠI LĂNG HỒ CHÍ MINH
8.- HUYỀN THOẠI DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI
9.- TỔNG KẾT VỀ HUYỀN THOẠI HỒ CHÍ MINH
10.- HỒ CHÍ MINH VÀ HỘI TAM ĐIỂM
11.- LẠI CHUYỆN ĐẠO ĐỨC VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
BÀI ĐỌC THÊM: THỜI BÁO BA LAN XẾP HẠNG HỒ CHÍ MINH 
HUYỀN THOẠI HỒ CHÍ MINH
Trần Gia Phụng
Nhân vật Hồ Chí Minh bao trùm nhiều huyền thoại. Có huyền thoại do ông tự tạo ra, có huyền thoại do thuộc hạ ông tạo ra nhằm thần thánh hóa lãnh tụ của họ. Dần dần, qua thời gian, những huyền thoại nầy được bạch hóa, giúp làm rõ sự thật về nhân vật lịch sử nầy.
Chương 1
HUYỀN THOẠI VỀ NGƯỜI CHA
Theo sách Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, của nhà xuất bản Sự Thật (Hà Nội), Hồ Chí Minh (HCM) “sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, nguồn gốc nông dân. Cụ thân sinh ra Người [HCM] là Nguyễn Sinh Huy, tức Nguyễn Sinh Sắc (1863-1929) …đỗ phó bảng và sống thanh bạch bằng nghề dạy học. Đối với các con, cụ giáo dục ý thức lao động và cho học tập để hiểu “đạo lý làm người”. Sau khi đỗ phó bảng, bị bọn thống trị thúc ép nhiều lần, cụ ra làm quan, nhưng thường tỏ thái độ tiêu cực, không hợp tác với chúng. Cụ thường nói: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ”, nghĩa là “Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn”. Vốn có tinh thần yêu nước, khảng khái, cụ thường chống đối bọn quan trên và bọn thực dân Pháp, cho nên sau một thời gian rất ngắn, cụ bị chúng cách chức. Cụ vào Nam bộ làm nghề thầy thuốc, sống cuộc đời thanh bạch, cho đến lúc từ trần.“(1)
NguyenSinhSac
NGUYỄN SINH SẤC (NGUYỄN SINH HUY)
(Phụ thân Hồ Chí Minh) Vào cuối đời, ông Huy “không muốn nghe nói đến “đứa con hư” [HCM] của mình.”
(Daniel He1mery,De l’Indochine au Vietnam,
Paris: Gallimard, 1990, tr. 134.)
Nguyễn Sinh Sắc quả thật đã đỗ phó bảng năm 1901 (tân sửu) cùng một lần với Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh.(2) Tuy nhiên, Nguyễn Sinh Sắc không hề bị “bọn thống trị thúc ép nhiều lần” sau khi đỗ phó bảng, mới chịu ra làm quan. Ông Sắc đã xin đi làm quan ngay sau khi đỗ cử nhân và trước khi đỗ phó bảng. Nguyên vào năm 1894, Nguyễn Sinh Sắc đỗ cử nhân tại trường thi Nghệ An. Năm sau (1895), ông Sắc vào Huế thi hội bị hỏng, đã xin đi làm hành tẩu bộ Hộ. Ba năm sau, ông hỏng kỳ thi hội một lần nữa vào năm 1898.(3) Trước khi đi thi hội năm 1901, ông Sắc đã tham dự Hội đồng giám khảo, chấm kỳ thi hương tại Bình Định năm 1897 và Thanh Hóa năm 1900,(4) với tư cách là một quan chức của triều đình Huế. Cuối cùng, ông đỗ kỳ thi hội năm 1901. Vào thi đình, ông đỗ phó bảng và được làm thừa biện bộ Lễ từ 1902 đến 1909, rồi đi tri huyện Bình Khê (Bình Định) tháng 5 năm đó. Từ thừa biện đi làm tri huyện, là thăng chức chứ không phải xuống chức.
Nguyễn Sinh Sắc bị sa thải chứ không phải bị cách chức. Sa thải là bị đuổi không được làm quan; cách chức là bị tước mất chức vụ, nhưng vẫn được làm quan, có thể bị hạ chức vụ hoặc thuyên chuyển đi chỗ khác. Lý do sa thải cũng không phải vì “vốn có tinh thần yêu nước, khảng khái, cụ thường chống đối bọn quan trên và bọn thực dân Pháp “. Ông bị sa thải vì đã hành xử tàn bạo với dân chúng. Trong một cơn say rượu, ông Sắc đã dùng roi mây trừng phạt và đánh chết một người tù vào tháng 1-1910. Gia đình người nầy kiện lên cấp trên. Dù tri huyện Sắc đã chối cãi rằng không phải vì trận đòn của ông mà người kia chết, ông vẫn bị triều đình ra sắc chỉ ngày 17-9-1910 phạt đánh 100 trượng. Hình phạt nầy được chuyển đổi qua hạ bốn cấp quan lại và sa thải.(5)
Triều đình chuyển đổi hình phạt để Nguyễn Sinh Sắc khỏi bị đánh đòn có thể nhắm giữ thể diện của một quan chức triều đình, và nhất là vị nầy lại là người có học vị cao. Có tài liệu nói rằng chính nhờ Cao Xuân Dục (1842-1923), một thượng thư trong triều, che chở, nên ông Sắc chỉ bị mất chức mà không bị phạt đánh trượng. Cao Xuân Dục là người Nghệ An, cùng tỉnh với Nguyễn Sinh Sắc.(6) Phải chăng Hội đồng hương Nghệ An, lúc đó hoạt động rất mạnh tại kinh đô Huế, đã can thiệp giúp Nguyễn Sinh Sắc?
Ông Sắc nghiện rượu từ khi còn ở Huế. Chị của HCM, bà Nguyễn Thị Thanh, vào Huế thăm cha năm 1906. “Bà không thể chịu đựng lâu ngày thái độ cộc cằn thô lỗ của cha bà, nay đã mắc phải tật nghiện rượu và thường hay đánh đập bà “.(7) Do đó, năm sau bà bỏ Huế ra Nghệ An trở lại, mà không sống với cha.
Phải chăng câu: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ ” (Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn) là do những cán bộ cộng sản bịa ra, rồi gán cho ông Sắc để đả kích chế độ quân chủ? Hay phải chăng vì bị đuổi ra khỏi ngành quan lại nên ông Sắc mới bất mãn và thốt lên câu nầy? Nếu không, trước đó ông Sắc hăng hái xin ra làm quan làm gì? Sau nầy con ông, Nguyễn Tất Thành (HCM) còn gởi thư đến viên khâm sứ Pháp tại Huế, viên chức Pháp đứng đầu Trung Kỳ, xin cho cha một chức quan nhỏ nữa.
Ngày 26-2-1911, Nguyễn Sinh Sắc xuống tàu từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Ông ở lại Sài Gòn một thời gian, dạy chữ Nho cho nhà báo Diệp Văn Kỳ,(8) rồi đi Lộc Ninh làm giám thị đồn điền. Từ đó, ông không bao giờ trở ra Nghệ An. Ông sống lang thang ở miền Nam bằng nghề đông y, và nghề viết liễn đối cho dân chúng. Gần cuối đời, ông đến định cư tại làng Hội Hòa An, Sa Đec, và từ trần ngày 29-11-1929.(9)
Sau hiệp định Genève năm 1954, đất nước bị chia hai. Mộ phần của Nguyễn Sinh Sắc ở Sa Đec đã được tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ thị cho ông bộ trưởng bộ Kiến thiết tên là Hoàng Hưng sửa sang, trùng tu đàng hoàn tươm tất năm 1956.(10)
Khi Nguyễn Sinh Sắc bị bãi chức và sống lang thang nghèo khổ ở miền Nam, thì con ông ta là Nguyễn Tất Thành lấy tên là Ba, xin làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche-Tréville và theo tàu nầy rời Sài Gòn, đi Pháp ngày 5-6-1911. Thành đặt chân đến Marseille, hải cảng miền Nam nước Pháp, ngày 6-7-1911.(11) Tiếp tục cuộc hải hành, Nguyễn Tất Thành (HCM) ghé lại Sài Gòn vào gần cuối tháng 10-1911 và gởi thư đề ngày 31-10-1911 cho khâm sứ Pháp tại Huế, nhờ chuyển cho cha là Nguyễn Sinh Sắc 15 đồng Đông Dương.(12) Sau đó, khi đến New York, ngày 15-12-1912, Thành (HCM) viết một thư khác cho viên khâm sứ Pháp tại Huế tha thiết “… cầu mong Ngài [chỉ khâm sứ Pháp] vui lòng cho cha tôi [cha của Thành tức ông Sắc] được nhận một công việc như thừa biện ở các bộ, hoặc huấn đạo, hay giáo thụ để cha tôi sinh sống dưới sự quan tâm cao quý của Ngài...”(13)
Đây là hai việc làm hiếu đễ đáng khen của thanh niên Thành. Tuy nhiên rất tiếc khi gia nhập đảng CS, thì Thành từ bỏ luân lý truyền thống dân tộc, chuyển lòng trung hiếu thành lý tưởng phục vụ đảng và chủ nghĩa cộng sản, đến nỗi sau đó chính ông Sắc, phụ thân của Thành, rất bực mình ” không muốn nghe nói đến “đứa con hư” của mình [...] mà các chủ thuyết chẳng những đả phá uy quyền của nhà vua, mà còn đả phá luôn cả uy quyền của người gia trưởng.”(14)
Vậy huyền thoại về người cha của HCM là một người yêu nước, chống đối chính quyền Pháp nên bị cách chức, là chuyện hoàn toàn bịa đặt có thể do chính HCM hoặc do Ban Nghiên cứu Lịch sử trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam đưa ra nhắm làm tăng giá trị cho HCM.
Tưởng cũng nên thêm ở đây một phát hiện của Trần Quốc Vượng (1934-2005), sử gia Hà Nội. Trong sách Trong cõi của Trần Quốc Vượng, có bài “Lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh của một số nhà trí thức Nho gia (kinh nghiệm điền dã)”. Trong phần cuối của bài nầy, Trần Quốc Vượng cho biết rằng Nguyễn Sinh Sắc, phụ thân của HCM, không phải là con của Nguyễn Sinh Nhậm. Trước khi đám cưới, bà vợ của Nguyễn Sinh Nhậm đã có mang với cử nhân Hồ Sĩ Tạo, cho nên Nguyễn Sinh Nhậm chỉ là người cha trên giấy tờ của Nguyễn Sinh Sắc mà thôi. Trần Quốc Vượng viết: “Nguyễn Ái Quốc sau cùng đã lấy lại họ Hồ vì cụ biết ông nội đích thực của mình là cụ Hồ Sĩ Tạo, chứ không phải là cụ Nguyễn Sinh Nhậm“.(15)
CHÚ THÍCH
1. Ban Nghiên cứu Lịch sử đảng trung ương (BNCLSĐ), Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, in lần thứ tư (có xem lại và bổ sung), Hà Nội: Nxb. Sự Thật, 1975, tt. 11-12. (Viết tắt: BNCLSĐ)
2. Cao Xuân Dục, Quốc triều đăng khoa lục (chữ Nho), bản dịch của Lê Mạnh Liêu, Sài Gòn: Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1962, tt. 234-240. Xin sơ lược lại học vị dưới triều Nguyễn. Cử nhân: Thí sinh do trường tỉnh giới thiệu dự kỳ thi Hương. Nếu đậu 4 trường (kỳ) thì được gọi là cử nhân. Nếu đậu 3 trường (kỳ), hỏng trường 4, gọi là tú tài. (Không có khoa thi tú tài riêng biệt.) Tiến sĩ và phó bảng: Sau khi đậu cử nhân, thí sinh tham dự kỳ thi hội tại kinh đô Huế. Sau khi đậu thi hội, thí sinh vào thi đình là kỳ thi sát hạch để phân cao thấp. Nếu đậu cao, gọi là tiến sĩ; đậu thấp hơn gọi là phó bảng.
3. Trần Quốc Vượng, Trong cõi, California: Nxb. Trăm Hoa, 1993, tr. 257.
4. Daniel Hémery, Ho Chi Minh, de l ‘ Indochine au Vietnam [Hồ chí Minh, từ Đông Dương đến Việt Nam], Paris: Nxb. Gallimard, 1990. tt. 131-132.
5. Daniel Hémery, sđd. tr. 133.
6. Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn (Thiên Mệnh Đại Pháp) 1884-1945, tập 2, Houston: Nxb. Văn Hóa, 2000, tr. 683.
7. Daniel Hémery, sđd. tr. 133.
8. Diệp Văn Kỳ (1895-1945): Ông là con của Diệp Văn Cương và bà Công Nữ Thiện Niệm. Bà nầy là em của vua Dục Đức (1883) và cô của vua Thành Thái (trị vì 1889-1907).
9. Daniel Hémery, sđd. tr. 134.
10. Trần Đông Phong, “Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm”, California: nguyệt san Thế Kỷ 21, Xuân Ất Dậu 2005, tt. 95-96. Trần Nguơn Phiêu, Những ngày qua, Texas: Nxb. Hải Mã, 2005, tr. 251.
11. Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh (1872-1926) qua những tài liệu mới, quyển 2 tập 1, Nxb. Đà Nẵng, 2001, tr. 210.
12. Thụy Khuê, Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc, Virginia: Nxb. Tiếng Quê Hương, 2012, tr. 465.
13. Thành Tín [Bùi Tín], Mặt thật, California: Nxb. Saigon Press, 1993, tt. 95-96.
14. Daniel Hémery, sđd. tr. 134.
15. Trần Quốc Vượng, sđd. tr. 258. Cử nhân Hồ Sĩ Tạo, Nghệ An, đậu năm 1868, khác với cử nhân Hồ Sĩ Tạo, Bình Định, đậu 1891.
**********
Chương 2
HUYỀN THOẠI RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
Những tài liệu của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đều viết rằng ngày 5-6-1911, thanh niên Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh = HCM) xuống tàu Amiral Latouche-Tréville để ra đi tìm đường cứu nước. Sau đây là lời trong sách Lịch sử Việt Nam của nhà cầm quyền CS Hà Nội:
Sự thất bại của các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục của cuộc vận động Duy Tân và phong trào chống thuế ở các tỉnh Trung Kỳ mà Người [HCM] từng tham gia khi đang học ở trường Quốc Học Huế, đã thôi thúc Người [HCM] hướng về các nước Tây Âu, mong muốn được đến “tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Sau khi rời Huế vào Phan Thiết …
…Được ít lâu, lấy tên là Văn Ba, Người [HCM] xin làm phụ bếp trên chiếc tàu thủy Đô đốc La Tusơ Tơrêvin (La Touche Tréville)[Latouche-Tréville], thuộc hãng vận tải hợp nhất của Pháp, để đi ra nước ngoài “xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào”...”(1)
Sách Chủ Tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp của nhà xuất bản Sự Thật (trực thuộc Trung ương đảng Lao Động) giải thích sự ra đi của HCM cũng gần giống như thế:
“… Ít lâu sau, Hồ Chủ tịch vào Sài Gòn. Nam Kỳ dưới chế độ thuộc địa cũng chẳng khác gì Trung Kỳ dưới chế độ bảo hộ và Bắc kỳ dưới chế độ nửa thuộc địa, nửa bảo hộ. Ở đâu nhân dân cũng bị áp bức, bóc lột, đồng bào cũng bị đọa đày, khổ nhục. Điều đó càng thôi thúc Hồ Chủ tịch đi sang các nước Âu tây để xem nhân dân các nước ấy làm như thế nào mà trở nên độc lập, hùng cường, rồi sẽ trở về “giúp đỡ đồng bào” đánh đuổi thực dân Pháp. Ý định ấy của Người [HCM] đã dẫn Người từng bước đi tới tìm một phương hướng mới cho sự nghiệp cứu nước của nhân dân ta.” (BNCLSĐ, sđd.15).
Trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, cũng do nhà xuất bản Sự Thật ấn hành, trả lời phỏng vấn của tác giả Trần Dân Tiên, Hồ Chí Minh nói về lý do ra đi như sau:”…Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta…“(2)
Trần Dân Tiên chính là HCM. Ông dùng một tên khác viết sách tự ca tụng mình. Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, có nhiều người viết sách về hoạt động của mình, đôi khi để tự khen mình, hoặc để biện hộ cho những việc làm của mình, nhưng họ đề tên thật, chịu trách nhiệm về những điều họ viết. Hồ Chí Minh dùng một tên khác tự ca tụng mình là một sáng kiến kỳ lạ chưa một người tự trọng nào dám nghĩ đến.
Như thế, qua các sách của nhà cầm quyền CS và qua chính những lời viết của HCM, ông ta đi ra nước ngoài nhắm mục đích tìm đường cứu nước, nhưng trong thời gian gần đây, nhiều tác giả đã tìm được những chứng liệu cụ thể cho thấy HCM ra đi không phải để tìm đường cứu nước, mà chỉ vì lý do kinh tế gia đình.
Trong bài “Từ mộng làm quan đến đường cách mạng Hồ Chí Minh và Trường Thuộc Địa”, đăng trên nguyệt san Đường Mới số 1, Paris, 1983, từ trang 8 đến trang 25, hai tác giả Nguyễn Thế Anh và Vũ Ngự Chiêu đã phổ biến ảnh sao (photocopy) hai lá thư của Nguyễn Tất Thành đề ngày 15-9-1911 nội dung giống nhau.
Một thư gởi cho tổng thống Pháp và một thư bộ trưởng bộ Thuộc Địa Pháp, xin hai ông ban ân huệ cho Thành được đặc cách vào học Trường Thuộc Địa Paris, nơi đào tạo quan lại cho các thuộc địa Pháp trong đó có Đông Dương. Sau đây là bản dịch thư của Nguyễn Tất Thành qua Việt ngữ:
Marseille, ngày 15 tháng Chín năm 1911
Kính thưa Tổng Thống Cộng Hòa,
Tôi xin trân trọng thỉnh nguyện lòng hảo tâm của Ngài ban cho tôi đặc ân được nhận vào học nội trú trường Thuộc Địa.
Tôi hiện đang làm công nhân trong công ty Chargeurs Réunis (tàu Amiral Latouche-Tréville) để sinh sống.
Tôi hoàn toàn không có chút tài sản nào, nhưng rất khao khát học hỏi. Tôi ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi, đồng thời làm thế nào cho họ hưởng được những ích lợi của nền học vấn.
Tôi người gốc tỉnh Nghệ An, xứ An nam.
Trong khi chờ đợi câu trả lời mà tôi hy vọng là thuận lợi của Tổng Thống, xin Ngài nhận trước nơi đây lòng biết ơn của tôi.
Nguyễn Tất Thành, sinh tại Vinh năm 1892,
con của ông Nguyễn Sinh Huy (Phó bảng)
Học sinh Pháp văn, Quốc ngữ và chữ Nho.
ThuNguyenTThanh
Trên đường hải hành, khi tàu ghé bến Sài Gòn, ngày 31-10-1911 Nguyễn Tất Thành viết một thư cho khâm sứ Pháp tại Huế, nhờ chuyển 15 đồng Đông Dương cho cha là Nguyễn Sinh Sắc; đồng thời Thành gởi một thư khác cũng đề ngày 31-10-1911, cho anh là Nguyễn Tất Đạt (còn có tên là Nguyễn Sinh Khiêm), đang giúp việc cho Tòa khâm sứ Pháp tại Huế, nhờ anh vận động xin cho Thành vào học trường Thuộc Địa Paris. Ông Đạt gởi thư lên toàn quyền Đông Dương là Albert Sarraut. Thư nầy được chuyển về Tòa khâm sứ Pháp tại Huế, và bị viên khâm sứ từ chối.(3)
Hai lá đơn của Nguyễn Tất Thành cùng với thư vận động của Nguyễn Tất Đạt cho thấy lúc mới ra đi, Thành chỉ nhắm mục đích sinh nhai. Vì sinh kế gia đình, lúc đó Nguyễn Tất Thành sẵn sàng thỏa hiệp với người Pháp để kiếm một chức quan cho cá nhân ông bằng việc xin vào học Trường Thuộc Địa Paris.
Điều nầy là chuyện bình thường của đời sống con người. Lớn lên, ai ai cũng phải kiếm cách mưu sinh để tự nuôi sống mình và nuôi sống gia đình.
Hai lá đơn nầy còn có nghĩa là Nguyễn Tất Thành không phải ra đi tìm đường cứu nước. Việc ra đi tìm đường cứu nước chỉ là sản phẩm tưởng tượng sau nầy của HCM và CSVN, nhắm “anh hùng hóa” và làm đẹp cho việc ra đi của HCM để lôi cuốn quần chúng trên đường hoạt động chính trị.
CHÚ THÍCH
1. Nguyễn Khánh Toàn và một nhóm tác giả, Lịch sử Việt Nam, tập 2, Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội, 1985, tr. 145.
2. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Hà Nội: Nxb. Sự Thật, 1976, tr. 13.
3. Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh (1872-1926) qua những tài liệu mới, quyển 3 tập 1, Nxb. Đà Nẵng, 2001, tr. 191.
**********
CHƯƠNG 3
HUYỀN THOẠI CUỘC SỐNG ĐỘC THÂN GIẢN DỊ
Hồ Chí Minh cũng như ban Nghiên cứu Lịch sử đảng trung ương luôn luôn đề cao rằng ông ta suốt đời sống độc thân, không lập gia đình, để có thể toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Sự thật, dù HCM đi đâu, ở nơi nào, cũng đều có bóng dáng của người đàn bà trong suốt cuộc đời hoạt động của ông.
Theo giáo sư Nguyễn Thế Anh, khi hành nghề nhiếp ảnh ở Paris, Nguyễn Ái Quốc (HCM) đã gởi thư tỏ tình với cô Bourdon ngày 10-5-1923. Sau vài cuộc gặp gỡ và thư từ qua lại, cô Bourdon viết thư ngày 11-6-1923 cự tuyệt mối tình của Nguyễn Ái Quốc. Giáo sư Nguyễn Thế Anh còn trưng dẫn nhiều tài liệu cho thấy khi qua Moscow, nhà cầm quyền Liên Xô đã cung cấp cho Nguyễn Ái Quốc một “người vợ”.(1)
Đến Quảng Châu (Trung Hoa), Nguyễn Ái Quốc, lúc đó lấy tên là Lý Thụy kết hôn với một người phụ nữ Trung Hoa là Tăng Tuyết Minh (1905-1991) vào tháng 10-1926. Lễ kết hôn diễn ra tại nhà hàng Thái Bình ở trung tâm thành phố Quảng Châu với sự hiện diện của các bà Đặng Dĩnh Siêu (vợ Chu Ân Lai), Bào La Đình, Thái Sướng.(2)
TangTuyetMinh                   ttmb   TangTuyetMinh2
Tăng tuyết minh ở tuổi 20.                                 Tăng Tuyết Minh khi đã cao tuổi.
PHIÊN ÂM THƯ LÝ THỤY GỞI TĂNG TUYẾT MINH
Dữ muội tương biệt
Chuyển thuấn niên dư,
Hoài niệm tình thâm,
Bất ngôn tự hiểu.
Từ nhân hồng tiện,
Dao ký thốn tiên,
Tỷ muội an tâm,
Thị ngã da vọng,
Tịnh thỉnh nhạc mẫu vạn phúc.
Chuyết huynh Thụy
Tạm dịch:
Cùng em chia tay
Thấm thoát nháy mắt đã hơn năm,
Nhớ nhung tình sâu,
Không nói cũng biết.
Nay nhân gởi tin hồng nhạn,
Xa xôi gởi lá thư mang tấm lòng,
Mong em yên tâm,
Là điều anh trông ngóng,
Cũng xin vấn an nhạc mẫu vạn phúc.
Người anh vụng về Thụy
Lý Thụy và Tăng Tuyết Minh chia tay khi chiến tranh Quốc Cộng bùng nổ ngày 12-4-1927. Lý Thụy đi Vũ Hán, đến Thượng Hải, theo đường Hải Sâm Uy (Vladivostok) qua Moscow khoảng giữa tháng 6 năm 1927. Sau đó, theo lịnh của Đệ tam Quốc tế, HCM vòng qua Âu Châu, đến Thái Lan, trở về Hồng Kông tháng 11-1929.
Trong thời gian nầy, Lý Thụy viết cho Tăng Tuyết Minh một lá thư, nhưng không hiểu vì sao, lá thư đó lọt vào tay cơ quan Mật thám Pháp ở Đông Dương ngày 14-8-1928. Cho đến tháng 5-1950, nhìn thấy hình HCM trên Nhân Dân Nhật Báo (Trung Hoa), Tăng Tuyết Minh gởi nhiều lá thư cho HCM thông qua đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh là Hoàng Văn Hoan, nhưng đều không được trả lời.(2)
Khi cảnh sát Hồng Kông bắt Lý Thụy ngày 6-6-1931 tại Cửu Long, gần Hồng Kông, ông đang sống với một phụ nữ Trung Hoa tên là Li Sam.
Trong khi đó, từ năm 1930, ở Hồng Kông, Lý Thụy dạy chính trị cho Nguyễn Thị Minh Khai tại trụ sở chi nhánh Bộ Đông phương của Quốc tế cộng sản. Sau một thời gian, hai người trở thành vợ chồng, và khi qua Liên Xô tham dự Đại hội Quốc tế cộng sản ngày 25-7-1935, hai người công khai sống chung.(3)
NguyenThiMinhKhai 
Nguyễn Thị Minh Khai
Khi Lý Thụy đến Vân Nam năm 1940, tướng Long Vân (Lung Yun) đã tìm cho ông một nhân tình người Tàu.(4)
Năm 1944, HCM về hoạt động tại vùng Pắc Bó, Cao Bằng. Ở đây, HCM sống chung với bà Đỗ Thị Lạc, bí danh “chị Thuần”, và sinh hạ một người con gái.(5) Sau cuộc sống chung tạm bợ với Đỗ Thị Lạc, HCM bị cuốn hút vào những biến chuyển lịch sử cho đến năm 1954, HCM về Hà Nội.
Tại Hà Nội, Bộ chính trị đảng Lao Động (danh xưng của đảng Cộng Sản từ 1951) đã đưa một cô gái thuộc sắc tộc Nùng ở Cao Bằng tên là Nông Thị Xuân (có sách viết là Nguyễn Thị Xuân) về phục vụ HCM năm 1955.
Lúc đó, HCM khoảng 65 tuổi và bà Xuân có lẽ khoảng trên dưới 22 tuổi, khá xinh đẹp: “Cô Xuân rất xinh gái, da trắng nõn, miệng tươi như hoa“.(6)
Năm sau, bà Xuân sinh hạ một người con trai được đặt tên là Nguyễn Tất Trung. Sau một thời gian chung sống, HCM sa thải bà Xuân. Viên bộ trưởng công an nhà cầm quyền CS là Trần Quốc Hoàn đã hiếp dâm bà Xuân, rồi cho người thủ tiêu bà Xuân một cách tàn bạo.(6)
Trong thời gian nầy, đảng LĐ có ý định đưa cô Nguyễn Thị Phương Mai, tỉnh uỷ viên tỉnh Thanh Hóa, về Hà Nội để làm vợ HCM. Cô Phương Mai đòi công khai hóa cuộc hôn nhân giữa hai người, thì bị từ chối, nên cô rút lui.(7)
Năm 1959, Đào Chú, uỷ viên thường vụ bộ chính trị đảng Cộng Sản Trung Quốc, Phó thủ tướng chính phủ CSTQ, sang Bắc Việt nghỉ dưỡng. Một bộ trưởng trong chính phủ Hà Nội nói riêng với Đào Chú rằng HCM muốn tái hôn với một người vợ Quảng Đông (Trung Quốc). Đào Chú rất hoan hỷ giúp đỡ, nhưng thủ tướng CSTQ là Chu Ân Lai đã thận trọng yêu cầu phía Việt Nam xem xét vấn đề cẩn thận.
Hội nghị do Lê Duẫn triệu tập đi đến quyết định là phải bảo vệ hình tượng HCM, nên việc HCM muốn tái hôn với một phụ nữ Quảng Châu không thành.(8) Hồ Chí Minh cho Đào Chú biết ông muốn tái hôn, có nghĩa là ông ta tự thú nhận đã kết hôn một lần nào đó rồi.
Khi Nông Đức Mạnh, bí thư đảng uỷ đảng CSVN tỉnh Bắc Thái được bầu làm uỷ viên dự khuyết Trung ương đảng tại Đại hội 6 đảng CSVN vào tháng 12-1986, đã có dư luận cho rằng ông Mạnh là con rơi của HCM, được một gia đình người Tầy nuôi nấng. Theo sách Encyclopedia of the Vietnam War, ông Mạnh “không bao giờ chối bỏ dư luận nầy“.(9)
Nông Đức Mạnh thăng tiến rất nhanh. Trong Đại hội đảng CSVN lần thứ 9 từ 19 đến 22-4-2001, ông Mạnh được bầu làm tổng bí thư đảng. Dư luận về việc ông Mạnh là con rơi của HCM sống trở lại. Ký giả Dominic Whiting, trong bản tin của hãng thông tấn Reuters, cho biết đã có lần cựu đại sứ Úc tại Việt Nam tên là Sue Boyd, hỏi thẳng ông Mạnh về dư luận nầy, câu trả lời của ông Mạnh được mô tả là “lửng lơ“, nghĩa là không phủ nhận mà cũng không thừa nhận.
Như thế huyền thoại thứ ba về HCM, hy sinh cuộc sống cá nhân, sống độc thân để toàn tâm toàn ý lo việc nước, là một câu chuyện bí mật giấu đầu lòi đuôi. Hồ Chí Minh có vợ là một chuyện bình thường, nhưng bản thân HCM và đảng CS trước sau luôn luôn che đậy việc nầy để lừa bịp nhân dân Việt Nam và dư luận thế giới.
Kết hôn, lập gia đình là điều chẳng có gì xấu xa, nhưng xử sự tàn bạo với những người đã từng sống với mình, che đậy việc kết hôn, lừa bịp trắng trợn mọi người là điều mà không một nền luân lý nào chấp nhận.
Sau khi HCM chết, trong lời kêu gọi đưa ra ngày 3-9-1969, đảng LĐ đã viết: “…Cuộc đời của Người là một tấm gương chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần đoàn kết, của đạo đức giản dị, khiêm tốn, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư…” (BNCLSĐ, tr. 160). Hãy nhìn vào cách sống của HCM để biết ông có phải là người “giản dị, khiêm tốn” hay không?
Trước hết, chế độ Hà Nội tuyên truyền rằng HCM sống trong một ngôi nhà sàn bằng gỗ. Nghe chữ “nhà sàn”, người Việt thường liên tưởng đến những ngôi nhà của người miền núi, làm bằng gỗ, cách mặt đất khoảng một thước, phía dưới dùng để cất giữ dụng cụ hay nhốt gia súc; hoặc liên tưởng đến những nhà sàn của một số cư dân ven sông hay dọc các kênh đào.
Những ngôi nhà sàn nầy rất đơn sơ, giản dị. Ấn tượng giản dị khiến nhiều người tưởng tượng rằng ngôi nhà sàn của HCM có lẽ cũng thế, và cũng tưởng rằng HCM sống rất bình dân. Thực tế hoàn toàn không như vậy.
NhaSanHCM
NhaSanHCM2
Nhà sàn “giản dị” của Hồ Chí Minh
Những du khách đã từng viếng ngôi nhà sàn của HCM, hoặc những ai đã từng nhìn ngôi nhà sàn nầy qua phim ảnh, rồi so sánh với nhà sàn của người miền núi hoặc của những người sống ven sông, sẽ có cảm nghĩ khác. Ngôi nhà sàn của HCM có vẻ giản dị một cách cố ý, lại rất sang trọng, xây dựng bằng loại gỗ cực tốt, trang bị đầy đủ theo tiện nghi thời đại, có người chăm sóc cẩn thận, và gần như là nhà nghỉ mát mùa hè, hoặc nơi HCM đón tiếp du khách. Như vậy ngôi nhà sàn của HCM chỉ là loại trang trí mắc tiền.
Áo quần lên sân khấu rất quan trọng: luôn luôn giản dị (áo quần màu chàm). Đối với Hồ cũng như Staline, Mao, hoặc Kim Nhật Thành, sự giản dị được nghiên cứu kỹ lưỡng. Áo quần cắt may thô sơ theo kiểu Kroutchev hoặc Ceaucescu, biểu tượng của một thế hệ lãnh đạo cộng sản. Điều đặc biệt của Hồ trong giới lãnh đạo cộng sản là Hồ đi dép lốp (trên nguyên tắc cắt từ lốp xe hơi) … Còn gì ăn ảnh hơn dù là tiền chiến hay hiện đại “Bác” Hồ đi dép lốp trên màn ảnh.”(10)
Sau đây là một màn biểu diễn “dép lốp” (đế dép bằng vỏ bánh xe hơi, sợi dép bằng ruột bánh xe hơi), còn được gọi là “dép râu”, của HCM, do một nhà văn, khi còn ở trong nước đã từng làm nghề quay phim, kể lại:
Một lần tôi quay cảnh ông [HCM] thăm đồng bào nông dân ở Hải Dương, mùa hè năm 1957. Sáng sớm hôm ấy trời mưa to, trên đường còn lại những vũng nước lớn. Đến một đoạn đường lầy lội ông tụt dép, cúi xuống xách lên. Trong ống ngắm của máy quay phim tôi nhìn rõ hai bên vệ cỏ không bị ngập. Tôi chợt hiểu: ông không đi men vệ đường vì ông muốn chưng đôi dép.”(VTH, sđd. tr. 459).
Chỉ với ba thứ trên đây (nhà sàn, áo quần, dép râu), HCM đã chứng tỏ đúng như nhận xét của nhà văn đã từng quay phim cho HCM trên đây: “Trong hành xử ông [HCM] là một diễn viên kỳ tài.”(VTH, sđd. tr. 459).
Một người khác tận mắt chứng kiến cảnh HCM ứng xử đối đáp với sinh viên tại Đông Dương Học Xá ở Hà Nội vào tháng 10-1945, đã đưa ra nhận xét:
Cảm tưởng của tôi hôm ấy đối với ông [HCM] rất rõ ràng. Ông lanh lợi, đóng kịch thật giỏi và chắc chắn về sau nầy ông sẽ không thiếu thủ đoạn chính trị.“(11)
Người ngoại quốc cũng thấy được điều nầy nơi HCM. Bernard Fall đã viết: “Người ta biết rằng ông Hồ là một kịch sĩ có biệt tài đánh lừa kẻ đối thoại.”(12)
Hồ Chí Minh duy nhất chỉ để lộ một sở thích phàm tục rất người, đó là ông thích hút thuốc thơm Hoa Kỳ, đặc biệt là Camel hay Lucky Strike.(13) Không biết đây là dàn kịch để chứng tỏ ông ta cũng bình thường như mọi người, hay quả thật ông ta thích hút thuốc Mỹ. Dầu sao, cuộc sống của HCM không giản dị như người ta tưởng.
Trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Trần Dân Tiên (chính là HCM) đã viết trong phần đầu sách: “Một người như Hồ Chủ tịch của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy và đương lúc bề bộn bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể lại cho tôi nghe bình sinh của người được?“(tr. 9).
Một người dùng một cái tên khác viết sách, tự khen mình là khiêm tốn không muốn nói về mình, rồi sau đó, suốt trong quyển sách lại kể lể tự đề cao sự nghiệp của mình, thì không biết nên xếp vào loại người gì đây?
Cuối sách nầy, Trần Dân Tiên (tức HCM) viết: “Nhân dân gọi Chủ tịch là cha già của dân tộc, vì Hồ Chủ tịch là người con trung thành nhất của Tổ quốc Việt Nam.”
Lời nầy cho thấy HCM muốn gợi ý để được người Việt Nam gọi ông là cha già của dân tộc, nhưng không được dân chúng hưởng ứng, nên ông quay qua dùng chữ “bác”. Ở đây lại thấy HCM thậm khôn, vì trong cơ cấu gia tộc Việt Nam, bác là anh của cha, bác lớn hơn cha và đứng trước cha trong sinh hoạt đại gia đình, hoặc lễ nghi tế tự.
Theo Thành Tín, tức Bùi Tín, cựu đại tá quân đội CS, cựu phó tổng biên tập báo Nhân Dân Hà Nội, thì HCM công khai tự xưng là “bác” năm 1945 trước quần chúng, lúc đó ông khoảng 55 tuổi.(14) Nói chuyện với dân chúng, trong đó có cả những người già cả, đáng tuổi ông, cha, chú, anh, chị mình mà tự xưng bác thì xin khỏi bàn về tư cách của “bác”.
Sau năm 1975, người miền Nam rất lấy làm lạ là trong sinh hoạt thường nhật cũng như trên đài phát thanh, cán bộ cộng sản luôn luôn gọi những địch thủ chính trị của họ bằng “thằng”, “nó”, “hắn”.
Ví dụ khi kể tội nhà văn Trương Tửu trên báo Văn Nghệ số 11 (Hà Nội, 4-1958), nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã viết: “Vẫn một lối huênh hoang và bịp bợm cũ, nó [Trương Tửu] làm như chỉ có nó mới là triệt để cách mạng. Một mặt nó bóp méo, bịa đặt để vu khống. Một mặt khác nó xuyên tạc lời nói của các lãnh tụ. Nó trích dẫn Mác đả kích chính quyền phản động cũ để gián tiếp đả kích chính quyền ta.” (NMC, sđd. tr. 32).
Hoặc tác giả Xuân Dung tố cáo nữ văn sĩ Thụy An Lưu Thị Yến trên báo Thủ Đô (Hà Nội, 23-4-1958):
Có người (hiện đương ở Hà Nội), lại trông thấy Thụy An ngồi chung xe với tên tướng giặc Cô-nhi [Cogny], ấy là chưa kể có tin nó vào Sài Gòn rồi trở ra Hà Nội, một tháng trước khi tiếp quản… Giải phóng thủ đô, nhiều người lạ lùng vì sự có mặt của con nầy.” (NMC, sđd. tr. 30).
Sau đây là lời giải thích của một nhà văn đã từng sống dưới thời HCM: “Cách gọi thằng, con trong ngôn ngữ chính trị có cội nguồn của nó. Nó xuất hiện vào cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Chính ông Hồ Chí Minh dùng cách gọi này trong những cuộc nói chuyện với cán bộ và trong những bài viết trên báo Cứu Quốc: thằng Mỹ, thằng Pháp, thằng Xihanúc, thằng Lý Quang Diệu, thằng Măng-đét Phrăng… Theo gương ông, về sau người ta gọi bất kỳ kẻ thù chính trị nào cũng bằng thằng hết: thằng Bảo Đại, thằng Diệm, thằng Khánh, thằng Kỳ, thằng Thiệu.” (VTH, sđd. tr. 265).
Chẳng những thiếu kính trọng với người đang sống, HCM còn tỏ ra thiếu lễ độ đối với những người trước ông hàng mấy trăm năm. Hãy đọc những câu thơ của HCM qua bài “Ngẫu hứng” ông viết vào dịp viếng đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1226-1300) khoảng trước năm 1950:
Bác anh hùng, tôi cũng anh hùng,
Tôi, bác cùng chung nghiệp kiếm cung.
Bác thắng quân Nguyên thanh kiếm bạc,
Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng.
Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dắt năm châu đến đại đồng.
Bác có linh thiêng cười một tiếng
Rằng tôi cách mạng đã thành công.”(15)
Trong lúc đắc ý, HCM đã để lộ cái “tôi” quá lớn của ông, tự mình sùng bái mình theo chủ nghĩa sùng bái cá nhân không khác gì Stalin ở Liên Xô. Ở đây cần chú ý các cách chơi chữ của HCM:
1) Ông ta gọi Đức Trần Hưng Đạo bằng “bác”, xưng “tôi”. Trong cách nói của người Việt, đặc biệt của người Bắc, gọi một người khác bằng “bác”, và xưng “tôi”, có nghĩa là hai người ngang hàng nhau, và chữ “bác” là gọi thế cho con của mình.
2) Đức Trần Hưng Đạo thắng quân Nguyên bằng thanh kiếm bạc, tượng trưng cho sức mạnh võ lực trong khi Đức Trần Hưng Đạo là người đã dùng tâm đức để đoàn kết toàn bộ lực lượng dân Việt kháng Nguyên và không bao giờ Ngài tự kể công sức của mình; còn HCM tự khoe rằng chính ông ta là người có công trừ giặc Pháp bằng ngọn cờ hồng, tức là bằng chủ nghĩa cộng sản, chứ không phải nhân dân Việt Nam đã chiến thắng người Pháp.
Hồ Chí Minh còn có tham vọng cực lớn là đưa năm châu tiến đến đại đồng, theo chữ nghĩa cộng sản là tiến lên chủ nghĩa xã hội. Như thếø ông muốn vượt qua luôn các bậc thầy của ông như Mao Trạch Đông và Stalin. Có lẽ vì bộc lộ quá rõ tính sùng bái cá nhân mà bài thơ được phổ biến một thời gian rồi không được in lại và chìm luôn nên ít người biết đến. Tự phong mình là anh hùng đã là chuyện lạ, gọi một vĩ nhân lịch sử sống trước đây hơn 600 năm bằng “bác” là một sự vô lễ lạ lùng chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử Việt Nam.
DenThoDucThanhTran
Đền thờ Đức Thánh Trần ở Sài Gòn
Khi Quốc sử quán triều Nguyễn trình Khâm định Việt sử thông giám cương mục lên vua Tự Đức (trị vì 1848-1883) duyệt, trong khung cảnh xã hội quân chủ, vua là con trời (thiên tử), đại diện Trời để trị vì thiên hạ, vua Tự Đức đã phê bình nhiều nhân vật lịch sử, đôi khi với lời lẽ gay gắt, nhưng chưa bao giờ nhà vua có ngôn ngữ sỗ sàng thiếu lễ độ như HCM. Hồ Chí Minh tưởng rằng gọi Trần Hưng Đạo bằng “bác” là có thể tự nâng mình lên ngang tầm với người xưa, nhưng ngược lại những lời nầy cho thấy hố cách biệt lớn lao giữa một vị thánh và một kẻ tự phụ hợm mình.
Chẳng những thế, người Việt Nam xưng tụng Đức Trần Hưng Đạo là thánh, nên cách xưng hô của HCM xúc phạm đến cả niềm tin tâm linh của dân chúng Việt Nam.
Nếu nói rằng bài thơ nầy là “thơ khẩu khí”, thì càng thấy “khẩu khí” của HCM chẳng khiêm cung tý nào.
Một phát hiện thú vị của một nhà văn thuở nhỏ đã từng sống gần gũi với HCM là: HCM đã từng ôm mộng làm vua.
Ông mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới, sao vàng năm cánh mộng hồn quanh. Con rồng, ai cũng biết, là biểu tượng của nhà vua. Ông mơ cưỡi nó thì ông đâu phải là một người trong chúng ta. Than ôi, lũ dân thường chúng ta làm gì có những giấc mơ như thế. Chúng ta chỉ mơ thấy cưỡi bò, cưỡi trâu, cưỡi ngựa. Sang lắm thì cưỡi bình bịch [xe gắn máy] là cùng. Lẽ ra tôi phải hiểu sớm hơn mới phải: bác Hồ của tôi từ lúc đang phải sống lẩn lút để làm cách mạng đã ôm ấp mộng ước làm vua.” (VTH, sđd. tr. 458)
Hồ Chí Minh là chủ tịch miền Bắc, ông có quyền sống một cách tiện nghi đầy đủ để làm việc; thậm chí ông có quyền tận hưởng mọi lạc thú trên đời sau khi đã dày công cực khổ tranh đấu; ông có quyền lực to lớn của một chủ tịch nhà nước CS độc tài; ông có thể vượt qua luật pháp ra lệnh sinh sát mọi người; ông có thể làm bất cứ việc gì ông muốn dưới chế độ độc tài; nhưng nói rằng HCM là người “giản dị khiêm tốn” là điều hoàn toàn sai sự thật.
CHÚ THÍCH
1. Nguyễn Thế Anh, “Hành trình chính trị của Hồ Chí Minh”, đăng trong sách Hồ Chí Minh, sự thật về thân thế và sự nghiệp, một nhóm tác giả, Paris: Nxb. Nam Á, 1990, tr. 25.
2. Hoàng Tranh (Huang Zheng), “Hồ Chí Minh với bà vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh”, đăng trên tạp chí Đông Nam Á Tung Hoành tháng 11-2001. Báo Diễn Đàn, Paris, số 121, tháng 9-2002 dịch đăng lại, tt. 17-20. Sau năm 1954, bà Tăng Tuyết Minh (1905-1991) xin gặp Hồ Chí Minh nhưng bị từ chối.
3. Thành Tín [Bùi Tín], Về ba ông thánh, California, 1995, tr. 136.
4. Nguyễn Thế Anh, bđd. tr. 25.
5. Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Sài Gòn, 1969, tr. 75.
6. Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, hồi ký chính trị của một người không làm chính trị, California: Nxb. Văn Nghệ, 1997, tr. 606. (Viết tắt: VTH, sđd. tr.).
7. Nguyễn Minh Cần, “Thêm vài mẩu chuyện về cuộc đời của Hồ Chí Minh”, nguyệt san
Thế Kỷ 21, Garden Grove, số 96, tháng 4-1997, tt. 33-40.
8. Văn trích tuần báo, số tháng 1-1991, Kirin (hay Jilin), Trung Hoa. Bài báo nhan đề: “Hồ Chí Minh tằng tưởng tái hôn”. Nguyệt san Phụng Sự, Glendale, Phoenix, Arizona, bộ mới, số 10, ngày 15-10-1996, chụp hình và dịch bài báo sang tiếng Việt.
9. Spencer C. Tucker, chủ biên, Encyclopedia of the Vietnam War, a Political, Social, and Military History [Bách khoa chiến tranh Việt Nam: Lịch sử chính trị xã hội và quân sự] , tập 2, Santa Barbara, California: ABC-CLIO, 1998, tr. 505.
10. Oliver Todd, “Huyền thoại Hồ Chí Minh”, Nguyễn Văn dịch, đăng trong sách Hồ Chí Minh, sự thật về thân thế và sự nghiệp, Nxb. Nam Á, Paris, 1990, tr. 276.
11. Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử, Hồi ký chính trị, Paris: Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 2000, tr. 68.
12. Bernard Fall, Les deux Viet-Nam [Hai nước Việt Nam], Paris: Nxb. Payot, 1967, tr. 102.
13. Tạp chí Times, tập 151, số. 14, 13-4-1998, tr. 123.
14. Thành Tín [Bùi Tín], Hoa xuyên tuyết, California: Nhân Quyền, 1991, tr. 117.
15. Phạm Cây Trâm, “Về bài thơ viếng đền thờ Đức Trần Hưng Đạo của ông Hồ”, nguyệt san Thế kỷ 21, California, số 136, tháng 8-2000, tr. 8.
NguyenTatDat
Nguyễn Tất Đạt (anh của HCM) – Nguồn: Daniel He1mery, sđd. tr. 132
(Xin nhớ đón xem kỳ 2)

0 comments:

Powered By Blogger