Nguyễn Công Bằng (ĐVDVN)
Khác với hình thức biểu tình tương đối ôn hoà ở Tunisia hay Ai Cập, sau khi biểu tình ôn hoà và bị đàn áp dã man, nhân dân Libi vùng dậy với vũ lực và súng đạn. Nhưng Hoa Kỳ và thế giới tự do không gọi đó là “khủng bố”. Không những thế, các siêu cường Tây phương đã còn chính thức lên tiếng ủng hộ công khai và cung cấp nhiều vũ khí, quân dụng, tiếp liệu cho lực lượng kháng chiến từ hơn hai tháng qua. Từ ngày 22/08/2011, quân nổi dậy Libi tiến vào thủ đô Tripoli bằng sức mạnh vũ trang. Chế độ độc tài của Đại tá Muammar al-Gaddafi ở Lybia có thể sẽ bị lật đổ trong một thời gian ngắn. Diễn tiến sự sụp đổ của chế độ độc tài ở Libya có nhiều điểm đáng để chúng ta chú ý và suy nghĩ.
Lybia
Trước nhất, lý do đơn giản dẫn đến sự hậu thuẫn là cuộc chiến vũ trang đó không nhằm chống lại phương Tây; nếu không muốn nói là sự sụp đổ của chế độ Gaddafi sẽ còn có thể giúp các nước này giải toả được nhiều bế tắc về quyền lợi ở vùng Bắc Phi, đặc biệt là vấn đề dầu hoả.
Lý do quan trọng khác là sự đoàn kết. Lybia không phải là một dân tộc đặc chủng mà là sự kết hợp của nhiều bộ tộc. Tuy nhiên trong cuộc chiến đấu lật đổ chế độ độc tài, các lực lượng nổi dậy chống lại Gaddafi đã liên kết được với nhau để thành hình “Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya” (The Interim Transitional National Council of Libyan Republic). Nhờ vậy, họ có được sự thống nhất về sách lược và sức mạnh lãnh đạo. Thế liên kết này đóng một vai trò quan trọng trong quá trình vận động thành công sự ủng hộ của quần chúng Libi, và phía quốc tế.
Một lý do đáng chú ý khác là hàng trăm ngàn người Libya đã dám đánh đổi sinh mạng của chính mình để quyết chiến với chế độ độc tài. Theo ước tính của hãng truyền thông quốc tế, có ít nhất là ba ngàn chiến sĩ tự do Libi đã hy sinh kể từ trung tuần tháng 02/2011. Cuộc đấu tranh dân chủ hoá Libya thành công với thiệt hại nhân mạng cao hơn ở Tunisia (224 chết) và Ai Cập (846 chết) nhưng nó khẳng định một điều có giá trị gần như chân lý rằng: Chỉ có vũ lực mới đánh thắng được một chế độ độc tài đã cướp và giữ chính quyền bằng bạo lực. Ở Syria, cuộc nổi dậy cũng đã hy sinh trên hai ngàn người và vẫn đang tiếp diễn không nhân nhượng với chế độ độc tài.
Không có cuộc cách mạng nào có thể thành công chỉ bằng các hình thức ôn hoà thụ động, nhất là đối đầu với bạo quyền. Hình thức ôn hoà song quyết liệt đã thành công chỉ xảy ra ở những nước có nền dân chủ cơ bản; tối thiểu là quyền được lập hội và biểu tình. Đấu tranh với bạo quyền thì phải có sức mạnh, tức là vũ lực, kể cả vũ trang. Nhưng Vũ Lực không có nghĩa là khủng bố hay bạo lực. Và vũ trang chỉ là một trong những phương tiện để tạo nên vũ lực.
Nhưng khác với ba cuộc cách mạng ở Tunisia, Ai Cập và Libya, cuộc đấu tranh dân chủ hoá Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi vô cùng khắc nghiệt. Ở nước ta, chế độ độc tài không nằm trong tay một cá nhân như các nước Bắc Phi. Ngược lại, nó mang bản chất Cộng sản, với một quá trình cướp và giữ chính quyền bằng bạo lực; được bảo hộ bởi Trung Cộng — một chế độ cũng có bản chất giống như vậy. Nó tồn tại được đến nay là nhờ đàn áp, đàn áp và đàn áp.
Nếu sự đàn áp liên tục trong mấy mươi năm qua đã làm thui chột ý chí vùng dậy của nhiều người, thì tình trạng khủng hoảng lãnh đạo và mất niềm tin là hai lý do tiếp nối khiến các tầng lớp nhân dân bất mãn vẫn còn là một tiềm lực đối kháng, thay vì là một thực lực hăng hái dấn thân đấu tranh như dân chúng ở các nước Bắc Phi. Các tổ chức đấu tranh chưa nỗ lực đủ để tạo được sự tín nhiệm và ủng hộ của nhân dân. Sự bang giao, viện trợ của các nước đồng minh cũ của miền Nam với chế độ độc tài đương quyền cũng là một nguyên nhân tế nhị khác góp phần dẫn đến tình trạng bị động đang có. Bài toán Việt Nam vẫn còn nhiều ẩn số và thách thức cam go.
Đấu tranh cần có sức mạnh để thành công. Và trong đấu tranh, sức mạnh nào cũng hợp lý và cần thiết miễn là nó không đi ngược lại đạo lý. Và chỉ khi nào sức mạnh dân tộc được phục hồi, thì quyền tự quyết mới có cơ hội thực thi.
Khi có sức mạnh, quần chúng sẽ tin tưởng, đảng cầm quyền sẽ nhân nhượng và quốc tế sẽ tín nhiệm. Kinh nghiệm cho thấy là các nước lớn chỉ có thái độ và hành động hậu thuẫn cụ thể khi đã có các biến động khả dĩ thay đổi được chế độ. Quan trọng hơn nữa là sự thay đổi thể chế ở Việt Nam sẽ có lợi gì cho tất cả thành phần và quốc gia liên hệ. Trả lời được câu hỏi đó là đã tìm được một nửa đáp số cho bài toán Việt Nam.
Loại bỏ được chế độ độc tài của Muammar al-Gaddafi chỉ là bước đầu trong tiến trình xây dựng dân chủ ở Lybia. Ổn định xã hội và phát triển đất nước từ những đổ nát, khủng hoảng do chế độ này gây ra cần nhiều yếu tố để biến ước mơ thành hiện thực. Loại bỏ chế độ độc tài là yêu cầu tiên quyết để một đất nước có thể vươn lên. Và nhân dân Libi đã chọn một con đường đấu tranh thật cam go nhưng vô cùng anh dũng.
Tóm lại, có phải chăng thành công của cuộc đấu tranh bằng vũ lực ở Libya là một kinh nghiệm cần học hỏi cho tiến trình giải trừ nạn độc tài, tham ô và bất công ở quê hương ta?
Nguyễn Công Bằng
TTK/ĐVDVN
0 comments:
Post a Comment