Dân được quyền ca ngợi những cái tốt nhưng không được phép nói đến cái xấu, vì như thế là nói xấu Đảng. Tôi cho rằng cái xấu mới đáng nói và cần phải nói chứ không phải cái tốt. Nhà nước để tự do báo chí, lúc nào báo chí không nói cái xấu nữa, lúc ấy chúng ta có quyền tin rằng xã hội chúng ta đã tốt...
*
Gần đây người ta bàng hoàng khi đọc bản tin về một con gấu mẹ đã giết con rồi tự sát ở trại nuôi gấu lấy mật bên Trung Quốc. Chuyện được đăng trên tờ AsiaOne ở Singapore và nhiều trang Việt ngữ khác.
"Một con gấu mẹ đã lồng lên, phá sập cái lồng đang nhốt nó khi nghe thấy tiếng gấu con rít lên lo sợ trước lúc bị một công nhân chích thủng bụng để lấy mật. Gấu mẹ lao thẳng đến chuồng gấu con trong khi công nhân bỏ chạy tán loạn.
Gấu mẹ giật lắc cái chuồng điên cuồng hòng cứu con ra. Không thể phá sập chuồng, gấu mẹ bất ngờ ôm lấy con rồi cuối cùng siết chặt nó đến chết. Bỏ gấu con xuống, gấu mẹ lao đầu vào bức tường gần đó tự sát."
Câu chuyện thương tâm có vẻ được nhân cách hóa nhằm báo động mọi người trước hành động tàn ác quá mức đối với súc vật. Kỹ thuật lấy mật không phải giết gấu được người Bắc Hàn "phát minh" đầu tiên, sau đó được Trung Quốc, Việt Nam "học tập". Ở nước ta hiện nay có nhiều trại nuôi gấu lớn nhỏ, người ta cũng dùng cách hút mật trong lúc vẫn nuôi chúng sống. Thời gian khai thác khổ sai nầy nghe nói kéo dài đến 20 năm.
Gấu bị thọc một lỗ ở bụng, đặt ống dẫn thường xuyên để hút mật mỗi ngày. Mỗi lần hút là một cực hình đối với con vật khốn khổ. Tiếng thét đau đớn của gấu con đã làm gấu mẹ không chịu nổi. Tình mẫu tử điều khiển bằng kích thích tố của một sinh vật cấp thấp có thể đã biến thành một quyết định liều lĩnh của sinh vật cấp cao. Gấu mẹ giải thoát gấu con rồi tự sát vì biết trước sau mình cũng chết.
Đối xử tệ với súc vật thì thật ra ở đâu cũng có, nhưng vấn đề là chúng xảy ra cá biệt hay phổ thông. Dã man quá mức như cách khai thác mật gấu nói trên lại chỉ xảy ra phổ biến ở 3 nước xã hội chủ nghĩa châu Á. Đàng sau bản tin thương tâm là những câu hỏi ray rức về đạo đức, pháp chế và cả trách nhiệm của chính quyền đang quản lý xã hội đó.
Có phải chúng ta đã quen với cái xấu cái ác trong một xã hội dửng dưng giữa người với người, nói chi đến súc vật, kể như chuyện xa xí? Có hay không người châu Á chưa có văn hóa coi trọng động vật? Có thể, nhưng tại sao chuyện chỉ xảy ra ở Bắc Hàn chứ không phải Nam Hàn, ở Trung Quốc chứ không phải Nhật, ở Việt Nam chứ không phải Thái Lan. Mặc dù tất cả những quốc gia trên đều thuộc châu Á.
Bắc Hàn, Trung Quốc, Việt Nam có chung một thể chế chính trị cộng sản. Trong xã hội được cho là tốt đẹp nầy, mỗi con người cứ phải lo đối phó với mọi chuyện chung quanh. Từ việc khóa chặt cửa mỗi đêm đề phòng trộm cắp đến tính toán khôn ngoan thế nào để giữ việc làm, công việc kinh doanh hay thăng quan tiến chức. Từ lo lót chạy cho con vào trường mẫu giáo đến tranh thủ một xuất cho con du học nước ngoài. Người ta luồn lách để chui vào ngỏ hẹp hoặc phải chạy trốn khỏi cái ngỏ hẹp ấy.
Việt Nam có đầy đủ luật. Có luật bảo vệ động vật hoang dã, có công văn quản lý nuôi gấu nhưng việc lấy mật theo kiểu trên vẫn đang xảy ra mỗi ngày trên cả nước. Chuyện là kỷ cương lơi lỏng, luật lệ kém phân minh. Đảng lãnh đạo nhưng từ chối trách nhiệm về kết quả lãnh đạo, nhà nước quản lý nhưng nhân dân lãnh hậu quả.
Dân được quyền ca ngợi những cái tốt nhưng không được phép nói đến cái xấu, vì như thế là nói xấu Đảng. Tôi cho rằng cái xấu mới đáng nói và cần phải nói chứ không phải cái tốt. Nhà nước để tự do báo chí, lúc nào báo chí không nói cái xấu nữa, lúc ấy chúng ta có quyền tin rằng xã hội chúng ta đã tốt.
Ở nước ta, hằng ngày người ta chở đủ loại rắn, rùa, nai, cheo, mễnh... - là động vật hoang dã - vào bán cho các nhà hàng đặc sản. Luật có đó nhưng nhà hàng vẫn bán công khai, dân nhậu vào ra tấp nập mà chưa nghe một trường hợp nào bị truy tố. Cách uống rượi rắn cũng có hình thức dã man. Người ta cắt cổ con rắn ngay tại bàn nhậu trước khi đem làm thịt. Con vật khốn khổ phải trình diện sống trước những người sẽ ăn thịt nó.
Hình như chúng ta đã quen với cái ác ngay cả trong cách gọi hoặc đặt tên. Ở Sài Gòn trên một đường phố trung tâm, có nhà hàng "bò tùng xẻo". Dĩ nhiên người ta không dại gì tùng xẻo một con bò sống để nó văng cứt đái tùm lum trên bàn tiệc, nhưng chữ tùng xẻo có vẻ đã thỏa mãn thú ăn nhậu của một số người nào đó.
Tướng Lưu Á Châu nói:" Một hệ thống tồi khiến một người tốt cũng hành xử tồi, trong khi một hệ thống tốt sẽ khiến ngay cả một người tồi cũng có thể hành xử tốt."
Nếu một xã hội cứ dửng dưng với cái xấu tồn tại, người tốt cứ dần dần trở thành không tốt, xã hội đó đã có vấn đề trầm trọng. Sự phản chiếu từ xã hội bảo chúng ta rằng đó không phải là hệ thống tốt. Lỗi là lỗi của hệ thống. Muốn thay đổi xã hội, cấu trúc thượng tầng của hệ thống phải thay đổi.
0 comments:
Post a Comment