Thái Bình Dương chỉ yên ổn khi chúng ta làm chủ nó
Mao Trach Dong (28/6/1958) : “Thái Bình Dương chỉ yên ổn khi chúng ta làm chủ nó”
Tình hình Biển Đông sôi động hiện nay có thể nói bắt đầu từ chủ trương về hải phận của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) trong thập niên 50 vào thế kỷ trước. Đây là một hiện tượng mới mẻ vào thời đó vì dưới chế độ quân chủ trước thế kỷ 20, vua chúa Trung Quốc chưa nghĩ đến việc bành trướng ra biển cả.
1- Tâm lý điền chủ của các triều đình Trung Quốc
Cho đến đầu thế kỷ 20, Trung Quốc là một nước thuần túy nông nghiệp, “dĩ nông vi bản” tức lấy nông nghiệp làm căn bản. Khi nói đến nông nghiệp là nói đất đai, ruộng đồng canh tác. Vua chúa Trung Quốc thường tự cho mình cái quyền là điền chủ của tất cả đất đai trong thiên hạ. Trong Kinh thi do Khổng Tử (551-479) san định cách đây khoảng 2500 năm, có hai câu: “Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ”, nghĩa là “khắp cõi dưới trời, không có chỗ nào không phải là đất của vua”.(1)
Nhìn vào bản đồ Trung Quốc, phía đông là biển, phía tây là đất liền. Vì vậy, vua chúa Trung Quốc luôn luôn nuôi mộng chiếm thêm đất đai về phía tây, xâm lăng các nước láng giềng, chiếm Mông Cổ, Tân Cương, Vân Nam, Tây Tạng, nhiều lần tấn công Đại Việt… và hầu như không chú ý đến phía đông là Thái Bình Dương. Chỉ có một ít dân chúng tiến ra các đảo cận duyên định cư vì lánh nạn hay mưu sinh.
Trịnh Hòa (Zheng He / Cheng Ho), sinh năm 1371, tên thật là Mã Hòa (Ma Ho)
Trong lịch sử Trung Quốc, dưới đời Minh Thành Tổ (trị vì 1403-1424), đô đốc Trịnh Hòa (Cheng Ho, 1371-1433) đã bảy lần dẫn hạm đội Trung Quốc từ 1405 đến 1431, vượt Thái Bình Dương, qua Ấn Độ Dương, xuống tận Phi Châu.
Thậm chí tác giả Gavin Menzies, trong sách 1421: The Year the Chinese Discovered the World, (1421: Năm Trung Quốc phát hiện ra Thế giới) (New York Magazine, 2002), còn cho rằng Trịnh Hòa đã khám phá ra Mỹ Châu trước cả người Tây phương.
Tuy vậy, những chuyến hải hành của Trịnh Hòa không phải để tìm kiếm thuộc địa, chiếm đất. Việc Trịnh Hòa ra đi lần đầu tiên bắt nguồn từ một việc rất thường tình.
Nguyên vào năm 1398, Minh Thái Tổ (Minh Tai Zu, trị vì 1368-1398) từ trần. Thái tử đã chết, con của thái tử, tức cháu nội Minh Thái Tổ, lên ngôi tức Minh Huệ Đế (Minh Hui Zi, trị vì 1399-1402).
Người con thứ hai của Minh Thái Tổ, tức chú của Minh Huệ Đế, tên là Chu Đệ (Zhu Di) ở Yên Kinh (Bắc Kinh). Ông là một tướng tài nhiều tham vọng.
Năm 1402, Chu Đệ đem quân về kinh đô Yên Lăng (Nam Kinh), lật đổ Huệ Đế.
Khi vào Yên Lăng, quân của Chu Đệ tìm được xác của hoàng hậu, hoàng tử, và xác một người bị cháy không nhận diện, được nghi là Huệ Đế. Tuy nhiên, lúc đó lại có dư luận tại kinh đô cho rằng Huệ Đế có thể đã trốn thoát ra các hải đảo.
Chu Đệ lên ngôi hoàng đế, tức Minh Thành Tổ (Minh Cheng Zu, trị vì 1402-1424). Thành Tổ vẫn lo ngại Huệ Đế còn trốn tránh ở hải ngoại, nên ra lệnh thành lập một hạm đội hùng mạnh và sai giám quan Trịnh Hòa đi tìm Huệ Đế.(2) Không tìm được Huệ Đế, nhưng Trịnh Hòa đem về nhiều ngọc ngà châu báu, nên từ đó có những chuyến hải hành kế tiếp.
Có thể nói, Trịnh Hòa đưa hạm đội ra các đại dương hoàn toàn không phải là vì tham vọng chiếm đóng thuộc địa của vua nhà Minh. Trịnh Hòa là phái đoàn duy nhất của triều đình Trung Quốc viễn du trên đại dương, nhưng không vì mục đích chiếm đất.
Hai hải đảo lớn gần lục địa Trung Quốc là Đài Loan và Hải Nam.
Năm 111 trước Công nguyên, Hán Võ Đế (Han Wu Ti, trị vì 140-87 TCN) sai Lộ Bác Đức (Lu Bode) đem quân đánh nước Nam Việt (Quảng Đông) do nhà Triệu cai trị. Lộ Bác Đức tiến quân chiếm luôn đảo Hải Nam và đặt một binh trạm ở đây, nhưng vào năm 46 TCN, nhà Hán cho rằng việc chiếm đóng quá tốn kém nên rút lui.
Từ đó, Hải Nam tuy tự trị nhưng về hành chánh khi thì thuộc Quảng Đông, khi thì thuộc Quảng Tây. Trong thế chiến thứ hai (1939-1945), Nhật Bản chiếm đóng Hải Nam. Khi cộng sản chiếm được lục địa Trung Quốc năm 1949, cộng sản chiếm luôn Hải Nam năm 1950.
Đảo Đài Loan cũng thế. Nhà cầm quyền Trung Quốc có thể biết đến Đài Loan từ thế kỷ thứ 3, thời Tam Quốc (213-280).
Tuy nhiên thổ dân địa phương tự trị. Đây là một nhánh thuộc tộc người Mã Lai đa đảo (Malayo-polynesian). uối thế kỷ 16, người Bồ Đào Nha đến đây năm 1590, gọi đảo nầy là Ilha Formosa (Đảo xinh đẹp). Người Bồ không ở đây lâu.
Năm 1622, Công ty Đông Ấn Hòa Lan (The Dutch East India Company) đặt căn cứ quân sự ở quân đảo Pescadore (còn gọi là Penghu hay Bành Hồ), nhưng bị người Trung Quốc đánh đuổi, phải bỏ qua Đài Loan và xây dựng cơ sở ở đây từ năm 1624.
Người Hòa Lan cai trị Đài Loan cho đến khi bị Trịnh Thành Công (Cheng Cheng-kung), một cựu tướng nhà Minh, đánh bại năm 1662. Trịnh Thành Công dùng Đài Loan làm căn cứ chống nhà Thanh (Ch’ing, 1644-1911).
Truyền đến đời cháu nội là Trịnh Khắc Sảng, mới 12 tuổi, thì Trịnh Khắc Sảng bị đô đốc của nhà Thanh là Thi Lang (Shih Lang) đánh bại năm 1683. Thi Lang chiếm Đài Loan.
Trong chiến tranh Trung Nhật 1894-1895, Trung Quốc thất bại, phải ký hòa ước Shimonoseki năm 1895, nhượng Đài Loan cho Nhật Bản.
Năm 1945, Nhật Bản thất trận, trả Đài Loan lại cho Trung Quốc.
Năm 1949, Quốc Dân Đảng thất bại ở lục địa, di tản ra Đài Loan, tiếp tục lập chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tại đây.
Như thế, rõ ràng cho đến thế kỷ 20, vua chúa Trung Quốc không chú ý đến việc tiến ra các hải đảo, kể cả hai hải đảo lớn và gần là Đài Loan và Hải Nam.
Với tâm lý điền chủ, các triều đại Trung Quốc chỉ nghĩ đến việc sở hữu đất đai trên lục địa, về phía tây mà thôi. Những đảo lớn ở gần như Đài Loan và Hải Nam còn chưa nghĩ đến, nên chắn chắn những triều đình Trung Quốc chưa nghĩ đến những đảo xa xôi như Hoàng Sa và Trường Sa.
Gần đây, báo China Daily ngày 22-7-2011 trang 9, đăng bài “Claim over Islands Legitimate” của Li Guoqiang” (Lý Quốc Cường?), cho rằng: “Chính quyền Quốc Dân Đảng đã nghiên cứu và xác định tên tiếng Trung Quốc và tiếng Anh cho toàn bộ các đảo, vỉa đá Trung Quốc trên biển phía nam Trung Quốc vào tháng 12/1934 và tập hợp chúng lại thành bốn quần đảo lần đầu tiên.
Một bản đồ ấn hành vào tháng 4-1935 cho thấy chi tiết các đảo của Trung Quốc trên biển phía nam Trung Quốc, đánh dấu mũi cực nam của biển phía nam Trung Quốc là Zengmu’ansha ở vĩ độ 4 độ Bắc chí tuyến.
Một bản đồ khác, ấn hành tháng 2/1948 cho thấy, sự phân chia hành chính của Trung Hoa Dân Quốc.
Bản đồ còn cho thấy đường nối dài 11 điểm bao quanh bốn quần đảo với mũi cực nam ở Zengmu’ansha. Đây là bản đồ đầu tiên đánh dấu biên giới hình chữ U của Trung Quốc trên biển phía nam Trung Quốc.
Các bản đồ ấn hành sau khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc thành lập [1949] đã giữ lại đường nối dài 11 điểm, và cho tới năm 1953, thì hai điểm đánh dấu Vịnh Bắc Việt bị xóa bỏ. Sau đó, tất cả bản đồ Trung Quốc đều theo đường nối dài
chín điểm, hình chữ U.” (3)
Những bản đồ trên đây chỉ được vẽ từ năm 1934, nhưng không có bằng cớ lịch sử thực tế chứng tỏ sự hiện diện của người Trung Quốc tại các quần đảo ghi trong bản đồ. Chính vì vậy mà hội nghị Hòa bình San Francisco năm 1951 đã bác bỏ lập luận của Liên Xô đòi giao các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.
2- Hội nghị Hòa Bình San Francisco 1951
Những tài liệu của Việt Nam đưa ra về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có thể bị các nước trên thế giới, nhất là Trung Quốc bỏ qua, không tin tưởng, nhưng có một tài liệu quốc tế mà các nước không thể chối bỏ, đó là Treaty of Peace with Japan (Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản) ký kết ngày 8-9-1951 tại San Francisco.
Protocol to the Treaty of Peace with Japan. September 1951. Ảnh tư liệu từ Google
Nguyên từ ngày 4 đến ngày 8-9-1951, tại San Francisco, diễn ra Hội nghị hòa bình giữa 51 nước trong đó có cả Nhật Bản,(4) bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Châu Á Thái Bình Dương và ký kết một hiệp ước hòa bình với Nhật Bản. Cả Trung Hoa Dân Quốc lẫn Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) đều không được mời tham dự vì hội nghị không biết mời ai là đại diện cho Trung Quốc tại hội nghị.
Khi dự thảo hiệp ước được đưa ra bàn luận, về các hải đảo ở Biển Đông, ngày 5-9-1951 đại diện Liên Xô là Andrei Gromyko cho rằng các đảo Paracels (Hoàng Sa) và các đảo khác về phía Nam, được xem là lãnh thổ không thể nhân nhượng được của Trung Quốc, và yêu cầu bổ sung vào hiệp định là các hải đảo đó thuộc chủ quyền của CHNDTQ.
Tuy nhiên, Gromyko không đưa ra bằng chứng cụ thể nào về chủ quyền của CHNDTQ đối với các đảo trên.
Vì vậy, trong cuộc bỏ phiếu, chỉ có 3 phiếu của 3 nước cộng sản thuận (Soviet Union, Czechoslovakia, Poland), còn tất cả các nước khác đều bác.
Điều nầy chứng tỏ rằng ngoài các nước cộng sản đồng minh của Trung Quốc, không nước nào trên thế giới cho rằng các quần đảo Hoàng Sa và phía nam thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Cuối cùng, hội nghị đi đến việc ký kết bản Treaty of Peace with Japan (Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản) ngày 8-9-1951 trừ 3 nước cộng sản, đồng minh của Trung Quốc không chịu ký.
Bản hiệp ước gồm 7 chương, 27 điều, trong đó khoản (b) và khoản (f), điều 2, chương II, liên hệ đến Trung Quốc và Việt Nam nguyên văn như sau:
“Japan renounces all right, title and claim to Formosa and Pescadores.” (Nhật Bản từ bỏ mọi quyền hành, danh nghĩa và đòi hỏi đối với Đài Loan và Bành Hồ.). “Japan renounces all right, title and claim to the Spratly Islands and to the Paracels Islands.”(5) (Nhật Bản từ bỏ mọi quyền hành, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo
Spratly [Trường Sa] và quần đảo Paracels [Hoàng Sa].)
Cần lưu ý, đây là hiệp ước hòa bình sau khi Nhật Bản thất trận và đầu hàng Đồng minh năm 1945. Nhật Bản tuyên bố từ bỏ quyền hành ở các hải đảo, nhưng hiệp ước nầy không ghi là giao lại cho ai, vì hải đảo của nước nào thì đương nhiên nước đó nhận lại. Riêng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn là của Việt Nam, và trước thế chiến thứ 2, khi Nhật Bản đến Việt Nam, Việt Nam do Pháp bảo hộ, nên hai quần đảo nầy do Pháp cai quản. Liên Xô yêu cầu giao hai quần đảo nầy cho Trung Quốc, nhưng không có tài liệu cụ thể nên bị hội nghị bỏ phiếu từ chối, nghĩa là mặc nhiên công nhận hai quần đảo nầy thuộc Việt Nam và do Pháp quản trị.
Vì vậy, cũng trong ngày ký kết hiệp định nầy (8-9-1951), trưởng phái đoàn Quốc Gia Việt Nam (trong Liên Hiệp Pháp) là thủ tướng Trần Văn Hữu đã tuyên bố như sau: “Cũng vì thành thật lợi dụng mọi cơ hội hầu dập tắt những mầm mống tranh chấp về sau, chúng tôi tuyên bố xác nhận chủ quyền của chúng tôi tại các quần đảo Hoàng Sa và Hoàng Sa, từ lâu đời, những nơi đó vốn thuộc lãnh thổ Việt Nam chúng tôi.”(6) Lời tuyên bố nầy không gặp sự phản đối nào của các thành viên tham dự hội nghị.
Ngoài Hiệp định Hòa bình San Francisco, Nhật Bản còn ký riêng với Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) hiệp định hòa bình ngày 28-4-1952, theo đó có khoản thừa nhận điều 2 chương II của Hiệp định Hòa bình San Fracisco về việc Nhật từ bỏ quyền hành, danh nghĩa và đòi hỏi đối với các quần đảo ở Thái Bình Dương đã đề cập trên đây.
Trong khi đó, sau khi Nhật Bản thất trận, Anh đến Việt Nam giải giới quân đội Nhật ở phía nam vĩ tuyến 16 theo tối hậu thư Potsdam ngày 26-7-1945. Quân đội Pháp theo quân đội Anh trở lại Đông Dương, và dần dần thay thế quân đội Anh ở nam vĩ tuyến 16. Cũng theo tối hậu thư Potsdam, ở phía bắc vĩ tuyến 16, quân đôi Trung Quốc đến Việt Nam giải giới quân đội Nhật. Ngày 28-2-1946, Pháp và Trung Quốc ký hiệp ước Trùng Khánh, theo đó Trung Quốc đồng ý
cho quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Quốc ở Bắc vĩ tuyến 16 và quân Trung Quốc rút về nước. (Hoàng Sa nằm ở 15,45 độ Bắc và 17,15 độ Bắc. Trường Sa ở 6,50 độ Bắc và 12 dộ Bắc.) Đổi lại, Pháp nhượng lại cho Trung Quốc một số quyền lợi kinh tế của Pháp ở Trung Quốc và ở Bắc Việt.
Sau thỏa thuận nầy, Pháp cho quân đổ bộ lên các hải đảo vừa kể vào tháng 6-1946 và tái tổ chức hành chánh, cho đến khi giao lại hoàn toàn cho chính phủ Quốc Gia Việt Nam sau năm 1954. Qua thời Việt Nam Cộng Hòa, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam và Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy.
Lịch sử rõ ràng là như thế, nhưng kẻ cường bạo có lý lẽ riêng của súng đạn
3- Hoàn cảnh xuất hiện Tuyên cáo 4-9-1958 \
Sau thế chiến thứ hai (1939-1945), tranh chấp Quốc-Cộng tái phát ở Trung Quốc. Năm 1949, đảng CS Trung Quốc thành công.
Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng chạy ra Đài Loan tiếp tục chính thể Trung Hoa Dân Quốc (THDQ). Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập chính thể Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) ngày 1-10-1949.
Năm sau (1950), chiến tranh Triều Tiên bùng nổ giữa Bắc Triều Tiên với CHNDTQ một bên và Nam Triều Tiên cùng Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc một bên. Hoa Kỳ phái Đệ thất hạm đội đến bảo vệ Đài Loan và eo biển Đài Loan. Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt năm 1953.
Sự hiện diện của hạm đội Hoa Kỳ ở eo biển Đài Loan được Trung Quốc xem là một mối đe dọa Trung Quốc. Nguyên trong eo biển Đài Loan, hai quần đảo Kim Môn-Mã Tổ, nằm cách hải cảng Hạ Môn (Xiamen), tỉnh Phúc Kiến (Fujian) của Trung Quốc khoảng 15 cây số, trong khi cách bờ biển Đài Loan khoảng 270 cây số, nhưng hai quần đảo nầy lại thuộc quyền kiểm soát của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan).
Tháng 9-1954 Trung Quốc mở cuộc pháo kích hai đảo Kim Môn và Mã Tổ. Đây là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhứt. Đài Loan rất nhỏ so với lục địa Trung Quốc, nhưng lúc đó THDQ (Đài Loan) vẫn là thành viên thường trực của tổ chức Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong khi CHNDTQ rộng lớn hơn rất nhiều, vẫn chưa được vào LHQ.
Ngày 2-12-1954, Hoa Kỳ và THDQ ký Hiệp định Phòng thủ Hỗ tương (Sino-American Defence Treaty) tại Đài Bắc (Taipei) và có hiệu lực từ ngày 3-3-1955.
Trước việc Hoa Kỳ quyết chí bảo vệ Đài Loan, tháng 4-1955, Trung Quốc chịu ngồi vào bàn hội nghị thương lượng và cuối cùng cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhứt chấm dứt vào đầu tháng 5-1955.
Tại LHQ, từ 24-2 đến 29-4-1958, trước sau có 86 quốc gia thành viên họp ở Genève (Thụy Sĩ) để bàn về luật biển. Hội nghị đưa đến kết quả là việc ký kết bốn quy ước về luật biển (United Nations Convention on Law of the Sea, viết tắt là UNCLOS): 1) Quy ước về hải phận và vùng tiếp giáp. 2) Quy ước về thềm lục địa. 3) Quy ước về Hải phận quốc tế. 4) Quy ước về nghề đánh cá và bảo tồn tài nguyên sống ở hải phận quốc tế.
Trong số các quy ước trên đây, riêng Quy ước về hải phận và vùng tiếp giáp, các nước tham dự hội nghị Genève có lập trường khác nhau về chiều rộng của hải phận, và không có lập trường nào hội đủ túc số 2/3, nên tuy Quy ước về hải phận và vùng tiếp giáp ngày 29-4-1958 gồm 32 điều, nhưng không có điều nào của quy ước nầy ấn định chiều rộng nhất định của hải phận các nước trên thế giới. (7)
Trung Quốc và hai miền Bắc và Nam Việt Nam không được mời tham dự hội nghị Genève vì không phải là thành viên LHQ nên không có cơ hội phát biểu lập trường tại diễn đàn LHQ. Trong khi đó, vấn đề quần đảo Kim Môn – Mã Tổ, hai quần đảo nằm sát Trung Quốc, vẫn luôn luôn là bận tâm của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Trước những tranh cãi tại LHQ về chiều rộng của hải phận quốc gia và hải phận quốc tế, Mao Trạch Đông tuyên bố ngày 28-6-1958 với một nhóm tướng lãnh thân cận rằng:
“Hiện nay, Thái Bình Dương không yên ổn. Thái Bình Dương chỉ yên ổn khi nào chúng ta làm chủ nó.” (“Now the Pacific Ocean is not peaceful. It can only be peaceful when we take it over.”) (8) Phát biểu nầy là khởi đầu cho chủ trương mới của Trung Quốc về Biển Đông và Thái Bình Dương.
Ngày 23-8-1958, Trung Quốc pháo kích và đe dọa hai quần đảo Kim Môn và Mã Tổ lần nữa, khiêu khích Đài Loan và Hoa Kỳ. Hành động của Trung Quốc lần nầy có thể nhắm hai mục đích:
1) Trả lời cho LHQ về chiều rộng của hải phận Trung Quốc, vì Kim Môn-Mã Tổ chỉ cách bở biển Trung Quốc khoảng 15 cây số (dưới 12 hải lý).
2) Phá hoại sự xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ và Liên Xô theo chủ trương chung sống hòa bình do Nikita Khrushchev đưa ra từ 1956, đồng thời đưa Liên Xô vào thế phải đứng về phía Trung Quốc trong tình thế căng thẳng, vì nếu không, Liên Xô sẽ mất hậu thuẫn của các nước cộng sản khác trên thế giới. Đây là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai.
Một sự kiện quan trọng khác ở Trung Quốc tuy không liên hệ đến luật biển, nhưng đã xảy ra trước khi Trung Quốc ra tuyên cáo về chiều rộng của hải phận Trung Quốc. Đó là vào đầu năm 1958, Mao Trạch Đông ra lệnh quy hoạch dân chúng trong các làng xã thành những “nhân dân công xã”, theo đời sống tập thể cộng sản và phát động chiến dịch “Đại nhảy vọt” (Great Leap Forward) nhằm canh tân đất nước. Bước “Đại nhảy vọt dự tính sẽ gia tăng sản lượng điện, than đá và sắt thép trong vòng ba năm. Các lò luyện thép nhỏ được xây dựng theo phương pháp cổ truyền ngay sau vườn nhà. Nhiều nơi không có nguyên liệu, đã sử dụng cả nồi chảo trong nhà để nấu thép. (Cuộc “Đại nhảy vọt” hoàn toàn thất bại. Mao Trạch Đông phải lùi một bước, nhường chức chủ tịch nước cho Lưu Thiếu Kỳ năm 1959 và cuộc “Đại nhảy vọt” chấm dứt năm 1962.)
Nhà nhà nấu thép. Đem cả xoong nồi ra nấu. Ảnh Google
Tuy thất bại, bước “Đại nhảy vọt” cho thấy sau giai đoạn củng cố chính quyền, đảng CS Trung Quốc bắt đầu nghĩ đến cải cách kỹ nghệ nhằm canh tân đất nước.
Cuộc cải cách kỹ nghệ chắc chắn đòi hỏi phải gia tăng nguyên liệu và nhiên liệu.
Cả hai thứ nầy không phải chỉ tìm kiếm trên đất liền mà còn có thể tìm kiếm dưới đáy đại dương. Phải chăng vì vậy cũng tác động đến sự ra đời của tuyên cáo ngày 4-9-1958?
4.- Tuyên cáo ngày 4-9-1958 của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc
Như đã viết, vào đầu năm 1958 Trung Quốc chưa phải là thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) nên Trung Quốc không có tiếng nói tại diễn đàn hội nghị Genève về hải phận.
Dầu vậy, do sự ra đời của các quy ước về luật biển (UNCLOS) của LHQ ngày 29-4-1958, nhất là Quy ước về hải phận và vùng tiếp giáp, Trung Quốc liền lên tiếng nhằm xác định hải phận của mình.
Ngày 4-9-1958, Ban Thường trực của Quốc hội Trung Quốc đã thông qua bản tuyên cáo về hải phận, được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó bản dịch Việt Ngữ như sau:
Tuyên cáo của chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc về lãnh hải(Ðược thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường Trực Quốc Hội Nhân Dân ngày 4 tháng 9 năm 1958)
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc nay tuyên bố:
(1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.(2)
Các đường thẳng nối liền mỗi điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường căn bản là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh Bohai và eo biển Giongzhou, là vùng nội hải của Trung Quốc.
Các đảo bên trong các đường căn bản, kể cả đảo Dongyin, đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaoqin, đảo Ðại và Tiểu Jinmen, đảo Dadam, đảo Erdan, và đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc.
(3) Nếu không có sự cho phép của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, tất cả máy bay ngoại quốc và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này.
Bất cứ tàu bè ngoại quốc nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc.(4) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.Ðài Loan và Penghu hiện còn bị cưỡng chiếm bởi Hoa Kỳ.
Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Ðài Loan và Penghu đang chờ được chiếm lại.
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Các nước ngoại quốc không nên xen vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.(9)
Mục đích của bản tuyên cáo là xác định hải phận của Trung Quốc.
Tuy nhiên nếu đọc kỹ bản tuyên cáo, có một ý được lập lại nguyên văn như nhau trong điều 1 và điều 4 của một bản tuyên cáo ngắn, với lời lẽ xác định chắc chắn, không có gì phải tranh cãi.
Đó là “quần đảo Penghu [Bành Hồ], quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.”
Sự lập lại nầy rõ ràng là chủ ý của Trung Quốc, khẳng định một số quần đảo trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc và đặt tên là Tây Sa (Xisha) và Nam Sa (Nansha).
Như thế, bản tuyên cáo ngày 4-9-1958 của CHNDTQ có hai chủ điểm:
Thứ nhất xác định lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý.
Thứ hai xác định chủ quyền của Trung Quốc trên một số quần đảo trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dầu Trung Quốc dư biết qua hội nghị San Francisco năm 1951, rằng quốc tế đã bác khước ý kiến của Liên Xô là giao hai quần đảo nầy cho Trung Quốc, cũng như quốc tế không phản đối lời xác nhận chủ quyền của thủ tướng Trần Văn Hữu về hai quần đảo nầy. (Xin xem lại phần 1).
Cần chú ý là theo luận điệu của Trung Quốc, ghi lại trong bài báo “Paracels Islands Dispute” do Frank Ching đưa ra, đăng trên Far Eastern Economic Review tháng 10-1994, thì vào tháng 6-1956, thứ trưởng Ngoại giao VNDCCH Ung Văn Khiêm đã nói với Li Zhimin, uỷ viên Thường vụ Tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội rằng “theo những dữ kiện của Việt Nam, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận lịch sử của lãnh thổ Trung Quốc.” (10) Chuyện nầy chỉ do Li Zhimin (phía Trung Quốc) thuật lại, có tính cách phiến diện, không đủ giá trị pháp lý để làm bằng chứng cho một quyết định quan trọng về lãnh thổ của một nước.
Lời của Ung Văn Khiêm không ghi thành văn bản ngoại giao cụ thể và không tồn lưu, vì nếu có, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra nhằm chứng minh cho những đòi hỏi của Trung Quốc.
Tuy nhiên, công hàm của Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958 thì không còn cách nào chối bỏ được.
5.- Công hàm ngày 14-9-1958 của VNDCCH
Bản tuyên cáo của Trung Quốc đưa đến hai phản ứng khác nhau.
Phản ứng chống đối, đương nhiên trong đó có Hoa Kỳ và Đài Loan. Hoa Kỳ và Đài Loan chỉ chống đối về vấn đề chiều rộng của hải phận, không quan tâm đến chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Phản ứng ủng hộ của khối cộng sản, trong đó có VNDCCH.
Sau đây là nguyên văn bản công hàm của nhà nước VNDCCH do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 14-9-1958.
Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ:
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.
Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.
Hà nội ngày 14 tháng 9 năm 1958
Trước hết, công hàm ngày 14-9-1958 do Phạm Văn Đồng ký tên, nhưng Phạm Văn Đồng không thể tự ý làm việc nầy một mình vì trong chế độ cộng sản ở Bắc Việt Nam, nhà nước chỉ là cánh tay nối dài của đảng Lao Động (tên của đảng Cộng Sản từ năm 1951), và hoàn toàn do đảng Lao Động điều khiển.
Vì vậy công hàm do Phạm Văn Đồng ký ngày 14-9-1958 chắc chắn phải thông qua Ban bí thư Trung ương đảng và Bộ chính trị đảng Lao Động, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch kiêm tổng bí thư. (Trường Chinh bị mất chức tổng bí thư năm 1956 sau vụ Cải cách ruộng đất.)
Ban lãnh đạo đảng Lao Động biết rõ hai chủ điểm trong bản tuyên cáo ngày 4-9-1958 của Trung Quốc: Thứ nhất bản tuyên cáo xác định hải phận của CHNDTQ là 12 hải lý. Thứ hai bản tuyên cáo xác định chủ quyền của CHNDTQ đối với một số quần đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn là của Việt Nam.
Dầu biết vậy, công hàm ngày 14-9-1958 của VNDCCH vẫn “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.” Viết như thế, có nghĩa là VNDCCH tán thành luôn cả việc “quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.”
Chuyện 12 hải lý là chuyện của Trung Quốc. Phạm Văn Đồng và đảng Lao Động ủng hộ hay không, dân Việt Nam không quan tâm. Tuy nhiên, đối với dân Việt Nam, chuyện Phạm Văn Đồng cùng Hồ Chí Minh và tập đoàn lãnh đạo đảng Lao Động tán thành “quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc” là một hành vi phản quốc trắng trợn, đáng lên án còn hơn cả Trần Ích Tắc vào thế kỷ 13 hay bà thái hậu nhà Lê qua cầu viện quân Thanh vào thế kỷ 18.
Vấn đề đặt ra là tại sao thủ tướng VNDCCH làm như vậy? Làm như vậy với mục đích gì? Có thể có hai nguyên nhân khiến cho Bộ chính trị đảng Lao Động quyết định ủng hộ tuyên cáo ngày 4-9-1958 của CHNDTQ:
Thứ nhất, nguyên nhân lịch sử. Từ những ngày đầu tiên mới thành lập năm 1930, đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã được đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) giúp đỡ tối đa.
Đến cuộc chiến 1946-1954, CSVN thua keo đầu, bị Pháp đuổi chạy từ năm 1946 cho đến năm 1949. Sau khi đảng CSTQ thành công, lập nên nhà nước CHNDTQ năm 1949, Hồ Chí Minh qua Trung Quốc rồi qua Liên Xô cầu viện vào tháng 2-1950. Tại Moscow, lúc đó cũng có mặt Mao Trạch Đông, Stalin đã nói với Hồ Chí Minh:
“Chúng tôi đã trao đổi với các đồng chí Trung Quốc, công việc viện trợ chiến tranh chống Pháp chủ yếu là do Trung Quốc phụ trách thích hợp hơn.”(11)
Từ Moscow trở về Bắc Kinh trên cùng một chuyến xe hỏa, Hồ Chí Minh chủ động qua toa xe của Mao Trạch Đông, nói bằng tiếng Trung Quốc với Mao Trạch Đông: “Mao Chủ tịch, Stalin không chuẩn bị viện trợ trực tiếp cho chúng tôi, cũng không ký hiệp ước với chúng tôi, cuộc chiến chống Pháp của Việt Nam từ nay về sau chỉ có thể dựa vào viện trợ của Trung Quốc…… Vì vậy chúng tôi còn muốn yêu cầu Trung Quốc cử cố vấn quân sự các cấp quân đoàn, đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, giúp chúng tôi huấn luyện bộ đội, xây dựng bộ đội và chỉ huy tác chiến.”(11) (Người viết in đậm.) Đảng CSTQ không bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Nhờ đó, CSVN mới gượng lại được, nhất là từ khi cố vấn Trần Canh (Chen Geng) giúp chiến thắng Đồng Khê và bắt được hai trung tá Pháp tháng 9-1950. Tiếp đó, cố vấn quân sự và chính trị Trung Quốc hướng dẫn từng chiến dịch của CSVN, cho đến trận Điện Biên Phủ (ĐBP) năm 1954. Chiến dịch ĐBP do sáng kiến của các tướng lãnh Trung Quốc, do quyết định của Quân uỷ trung ương đảng CSTQ, và do viện trợ võ khí nhất là trọng pháo của CSTQ. (12) Thậm chí đào chiến hào tấn công ĐBP cũng do kỹ sư Trung Quốc thực hiện. Những kỹ sư nầy có kinh nghiệm từ chiến tranh Triều Tiên. (13)
Khi xin CSTQ viện trợ cho CSVN trong chiến tranh 1946-1954, không biết CSVN đã cam kết những gì để trả nợ Trung Quốc, nhưng trên thế giới nầy, không có cái gì là cho không, biếu không, vì “có qua có lại mới toại lòng nhau”.
Phải chăng vì những nợ nần chồng chất trong quá khứ, đã có một cuộc vận động ngầm thúc đẩy, áp lực Hồ Chí Minh và các lãnh tụ đảng LĐ quyết định ký bản công hàm ngày 14-9-1958.
Thứ hai, nguyên nhân thời cuộc. Vào thời điểm năm 1958, CSVN rất lúng túng trong nội bộ khối cộng sản quốc tế. Nguyên trước đó hai năm, từ 14 đến 25-2-1956, tại Moscow, đảng Cộng Sản Liên Xô (CSLX) tổ chức Đại hội lần thứ 20 đảng CSLX. Trung Quốc và Bắc Việt Nam (CSVN) đều cử đại diện tham dự.
Vào ngày cuối Đại hội, tân lãnh tụ Liên Xô là Nikita Khrushchev đọc một bài diễn văn kịch liệt tố cáo Joseph Stalin là một tên độc tài tàn ác, phạm nhiều sai lầm trong thế chiến thứ hai cũng như trong chính sách nội trị và ngoại giao.
Cũng trong dịp nầy, về bang giao quốc tế, Khrushchev đưa ra chủ trương “sống chung hòa bình” (peaceful coexistence) giữa các nước không cùng chế độ chính trị, hòa hoãn với các nước Tây phương. Trung Quốc chống lại chủ trương nầy.
Từ đó, hai bên lời qua tiếng lại, chống đối lẫn nhau càng ngày càng quyết liệt.
Trước sự tranh chấp giữa hai nước cộng sản đàn anh, CSVN rất khó xử, không dám làm mất lòng một hai nước cộng sản lớn, vì CSVN đều đang cần sự giúp đỡ của cả hai Lúc đó CSVN đang chuẩn bị chiến tranh chống lại miền Nam Việt Nam.
Tuy nhiên, đứng về chính trị quốc tế, CSVN theo chủ trương của Trung Quốc hơn là theo Liên Xô.
Cộng sản VN không chấp nhận chủ trương chung sống hòa bình giữa các nước không cùng chế độ chính trị do Liên Xô đưa ra, vì nếu chấp nhận như thế, Bắc Việt Nam không có lý do gì để tiến đánh miền Nam Việt Nam.
Cũng trên lập trường chính trị, CSVN nghiêng về Trung Quốc vì Trung Quốc cương quyết chống Hoa Kỳ bất cứ ở đâu, và vì lúc đó Hoa Kỳ đang giúp Nam ViệtNam, tức là kẻ thù của Bắc Việt Nam.
Nếu CSVN ủng hộ Trung Quốc trong cuộc tranh chấp Nga-Hoa thì chắc chắn CSVN sẽ làm mất lòng Liên Xô và sẽ không được Liên Xô viện trợ.
Vì vậy, nhân cơ hội tuyên cáo ngày 4-9-1958 của CHNDTQ về vấn đề lãnh hải, không liên hệ gì đến cuộc tranh chấp Nga – Hoa, VNDCCH (Bắc Việt Nam) liền công khai lên tiếng ủng hộ Trung Quốc để chứng tỏ VNDCCH sẵn sàng đứng bên cạnh CHNDTQ, nhằm lấy lòng Trung Quốc, mà không sợ bị Liên Xô trách cứ.
Cộng sản Việt Nam cần phải lấy lòng Trung Quốc vừa đền ơn sự giúp đỡ của Trung Quốc trong quá khứ, vừa chuẩn bị tiếp tục xin viện trợ quân sự để tấn công miền Nam Việt Nam trong tương lai.
Vì các lẽ trên, Hồ Chí Minh và các lãnh tụ trong Bộ chính trị đảng LĐ chuẩn thuận cho PhạmVăn Đồng ký công hàm ngày 14-9-1958, ủng hộ tuyên bố ngày 4-9-1958 của Trung Quốc. (Việc tấn công miền Nam được đảng Lao Động quyết định trong Hội nghị Trung ương đảng ngày 13-5-1959, rồi sau đó đưa ra Đại hội III đảng Lao Động từ ngày 5-9 đến ngày 10-9-1960.)
6.- Tuyên cáo của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa
Chính vì đã “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958” của Trung Quốc mà CSVN im lặng đồng lõa khi CSTQ xâm lăng Hoàng Sa ngày 19-1-1974. Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã chiến đấu anh dũng, nhưng chiến hạm và hỏa lực yếu hơn, Hoàng Sa đành phải thất thủ.
Trước hành động bạo ngược của CSTQ, bộ trưởng Ngoại giao chính phủ VNCH đã ra tuyên cáo như sau:
TUYÊN CÁO CỦA BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO VIỆT NAM CỘNG HÒA
VỀ NHỮNG HÀNH ĐỘNG GÂY HẤN CỦA TRUNG CỘNG
TRONG KHU VỰC ĐẢO HOÀNG SA
(Ngày 19.1.1974 )
Sau khi mạo nhận ngày 11.1.1974 chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa của Việt Nam Cộng-Hòa, Trung cộng đã đưa Hải-quân tới khu vực Hoàng-Sa, và đổ bộ quân lính lên các đảo Cam-Tuyền, Quang-Hòa và Duy-Mộng.
Lực lượng Hải-quân Trung-Cộng gồm 11 chiến đỉnh thuộc nhiều loại và trọng lượng khác nhau, kể cả một tàu loại Komar có trang bị hỏa tiễn.Để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền an ninh quốc gia trước cuộc xâm lăng quân sự này, các lực lượng Hải quân Việt-Nam Cộng-Hòa trấn đóng trong khu vực này đã ra lệnh cho bọn xâm nhập phải rời khỏi khu vực.
Thay vì tuân lệnh, các tàu Trung-Cộng, kể từ 18.1.1974, lại có những hành động khiêu khích như đâm thẳng vào các chiến đỉnh Việt-Nam.Sáng ngày nay, 19.1.1974 hồi 10h20, một hộ-tống hạm Trung-Cộng thuộc loại Kronstadt đã khai hỏa bắn vào khu vực hạm “Trần Khánh Dư” mang số HQ-04 của Việt-Nam Cộng-Hòa.
Để tự vệ, các chiến hạm Việt-Nam đã phản pháo và gây hư hại cho hộ tống hạm Trung Cộng. Cuộc giao tranh hiện còn tiếp diễn và đang gây thiệt hại về nhân mạng và vật chất cho cả đôi bên.
Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ Việt-Nam Cộng-Hòa, và một lần nữa vạch trần chánh sách bành trướng đế quốc mà Trung Cộng liên tục theo đuổi, đã được biểu lộ qua cuộc thôn tính Tây Tạng, cuộc xâm lăng Đại Hàn và Ấn Độ trước kia.
Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng-Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới.Với tư cách một nước nhỏ bị một cường quốc vô cớ tấn công, Việt Nam Cộng Hòa kêu gọi toàn thể các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình trên thế giới hãy cương quyết lên án các hành vi chiến tranh thô bạo củaTrung Cộng nhằm vào một quốc gia độc lập và có chủ quyền để buộc Trung Cộng phải tức khắc chấm dứt các hành động nguy hiểm đó.
Làm ngơ để cho Trung Cộng tự do tiến hành cuộc xâm lấn trắng trợn này là khuyến khích kẻ gây hấn tiếp tục theo đuổi chánh sách bành trướng của chúng và sự kiện này đe dọa sự sống còn của những nước nhỏ đặc biệt là những nước ở Á Châu.
Trong suốt lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại xâm. Ngày nay, Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa cũng nhất định bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia.
(Tài liệu của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa, Số 015/BNG/ TTBC/TT)
Sau đó, chính phủ VNCH ra tuyên cáo xác định chủ quyền của mình trên những quần đảo ngoài khơi bờ biển VNCH:
TUYÊN CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CỘNG HÒA
VỀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA TRÊN NHỮNG ĐẢO
Ở NGOÀI KHƠI BỜ BIỂN VIỆT NAM CỘNG HÒA
Nghĩa vụ cao cả và cấp thiết của một chánh phủ là bảo vệ chủ quyền, độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của quốc gia.
Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết làm tròn nghĩa vụ này, bất luận những khó khăn trở ngại có thể gặp phải và bất chấp những sự phản đối không căn cứ dầu phát xuất từ đâu.
Trước việc Trung Cộng trắng trợn xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa thấy cần phải tuyên cáo long trọng trước công luận thế giới cho bạn cũng như thù biết rõ rằng:Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.
Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy.
Chừng nào còn một hòn đảo thuộc lãnh thổ ấy của Việt Nam Cộng Hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình.
Kẻ xâm chiếm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi tình trạng căng thẳng có thể do đó mà có.
Trong dịp này, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng long trọng tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những hải đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển Trung Phần và bờ biển Nam Phần Việt Nam, từ trước tới nay vẫn được coi là một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa căn cứ trên những dữ kiện địa lý, lịch sử, pháp lý và thực tại không chối cãi được.
Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên những đảo ấy bằng mọi cách.
trên những dữ kiện địa lý, lịch sử, pháp lý và thực tại không chối cãi được.
Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên những đảo ấy bằng mọi cách.
Trung thành với chánh sách hòa bình cố hữu của mình, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa sẵn sàng giải quyết bằng đường lối thương lượng những vụ tranh chấp quốc tế có thể xảy ra về những hải đảo ấy, nhưng nhất định không vì thế mà từ bỏ chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những phần đất này.
Làm tại Saigon, ngày 14 tháng 2 năm 1974. (14)
7.- Cộng sản Việt Nam ngụy biển
Sau khi CSVN cưỡng chiếm được VNCH (Nam Việt Nam) năm 1975, tỏ ra thân thiện với Liên Xô, Trung Quốc càng ngày càng gây hấn, uy hiếp Việt Nam. Chuyện công hàm năm 1958 do Phạm Văn Đồng ký tên, ra trước dư luận trở lại. Năm 1977, Phạm Văn Đồng lần đầu tiên công khai biện minh cho hành động của mình như sau: “Lúc đó là thời kỳ chiến tranh và tôi đã phải nói như vậy.” (15)
Trung Quốc tiếp tục đe dọa, rồi tấn công Việt Nam năm 1979, “dạy cho Việt Nam [cộng sản] một bài học.” Phải chăng “bài học” nầy liên hệ đến việc CSVN chạy theo Liên Xô, quay lưng với Trung Quốc, quên những hứa hẹn của Hồ Chí Minh khi năn nỉ Mao Trạch Đông năm 1950.
Tháng 3-1988, Trung Quốc đánh chiếm thêm một số đảo trên quần đảo Trường Sa. Công hàm Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958 vốn đã bị nhiều chỉ trích, và cứ mỗi lần Trung Quốc manh động, gây hấn với Việt Nam, thì lại bị dư luận chỉ trích tiếp.
Để bào chữa, cuối năm 1992, Nguyễn Mạnh Cầm, uỷ viên Bộ chính trị đảng CSVN, bộ trưởng Ngoại giao của CSVN (từ 1991 đến 2000), đã ngụy biện: “Các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã có tuyên bố lúc trước về Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên tinh thần sau:
Lúc đó, theo Hiệp định Geneve 1954 về Đông Dương, các lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 về phía nam, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền miền Nam.
Hơn nữa, Việt Nam đã phải tập trung tất cả các lực lượng quân sự cho mục tiêu cao nhất để chống lại cuộc chiến tranh hung hãn của Mỹ, nhằm bảo vệ nền độc lập quốc gia. Việt Nam đã phải kêu gọi sự ủng hộ của bè bạn trên toàn thế giới. Đồng thời, tình hữu nghị Trung-Việt rất thân cận và hai nước tin tưởng lẫn nhau. Đối với Việt Nam, Trung Quốc đã là một sự ủng hộ rất vĩ đại và trợ giúp vô giá.
Trong tinh thần đó và bắt nguồn từ những đòi hỏi nêu trên, tuyên bố của các nhà lãnh đạo của chúng tôi [ủng hộ Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền của họ trên Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa] là cần thiết vì nó trực tiếp phục vụ cho sự đấu tranh bảo vệ độc lập và tự do cho tổ quốc.
Đặc biệt thêm nữa là cái tuyên bố đó đã nhắm vào sự đòi hỏi cần thiết lúc bấy giờ để ngăn ngừa bọn tư bản Mỹ dùng những hải đảo này để tấn công chúng tôi.
Nó không có dính dáng gì đến nền tảng lịch sử và pháp lý trong chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. (tuyên bố trong một buổi họp báo tại Hà Nội ngày 2/12/1992, được loan tải bởi Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 3/12/1992)” (15) (In đậm do người viết.)
Đúng là theo hiệp định Genève ngày 20-7-1954, các quần đảo phía nam vĩ tuyến 17 do miền Nam Việt Nam quản trị. Dầu thuộc quyền miền Nam Việt Nam, hai quần đảo nầy do ông bà tổ tiên để lại, là của chung của dân tộc Việt Nam, nên CSVN cho rằng hai quần đảo nầy “đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền miền Nam”, rồi nhượng cho Trung Quốc là quá hẹp hòi, thiển cận và phản quốc.
Cũng nên thêm rằng lúc đó, năm 1958, Hoa Kỳ chỉ giúp đỡ Việt Nam Cộng Hòa phát triển kinh tế, chứ Hoa Kỳ chưa đem quân vào Việt Nam, nên Nguyễn Mạnh Cầm nói rằng “để ngăn ngừa bọn tư bản Mỹ dùng những hải đảo này để tấn công chúng tôi” là hoàn toàn ngụy biện.
Chỉ khi CSVN phát động chiến tranh chống miền Nam vào Đại hội III đảng Lao Động (tháng 9 năm 1960) và thành lập Mặt Trận Dân Tốc Giải Phóng Miền Nam (tháng 12-1960), đánh phá miền Nam Việt Nam, thì 5 năm sau Hoa Kỳ mới đem quân vào miền Nam Việt Nam năm 1965.
Như thế, theo lời một uỷ viên Bộ chính trị đảng CSVN tức là một nhân vật cao cấp trong đảng CSVN, chỉ vì cần viện trợ để tiến đánh miền Nam, “mục tiêu cao nhất” của CSVN, mà năm 1958 nhà nước VNDCCH đành bán đứng hai quần đảo do tổ tiên để lại cho Trung Quốc.
Kết luận
Tóm lại, sự bất ổn trên Biển Đông và Thái Bình Dương ngày nay bắt nguồn từ tham vọng về biển cả của CHNDTQ do Mao Trạch Đông đưa ra vào năm 1958: “Thái Bình Dương chỉ yên ổn khi nào chúng ta làm chủ nó.”
Tham vọng nầy ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á và ảnh hưởng đến Việt Nam.
Trung Quốc khó có thể thực hiện tham vọng làm chủ Đông Nam Á, nhưng hiện nay Trung Quốc đang đe dọa Việt Nam trầm trọng.
Khác với những lần trước, lần nầy Trung Quốc đang thực hiện kế hoặch tằm ăn dâu, lấn chiếm Việt Nam từ từ. Chẳng những chiếm đoạt các quần đảo của Việt Nam, Trung Quốc còn dùng sức mạnh để lấn đất, lấn biển, chiếm đoạt ngư trường, tài nguyên Việt Nam, thuê đất ở cao nguyên …
Từ xưa cho đến nay, giới lãnh đạo bá quyền Trung Quốc luôn luôn tìm kiếm thời cơ xâm lăng nước ta.
Lần nầy nguồn gốc hiểm họa Trung Quốc chính là đảng CSVN, kẻ đã rước quân Trung Quốc vào Việt Nam, bắt đầu từ việc Hồ Chí Minh năn nỉ Mao Trạch Đông trên chuyến tàu Moscow-Bắc Kinh năm 1950. Cộng sản Việt Nam mang ơn CSTQ quá nặng.
Vì vậy, CSVN chẳng những không dám chống lại Trung Quốc, mà còn phải nhịn nhục, nhượng bộ Trung Quốc nhằm trả ơn và tiếp tục bám lấy quyền lực.
Vì vậy, lần nầy muốn chống lại hiểm họa Trung Quốc, trước hết người Việt phải loại bỏ cái nguồn gốc đưa đến hiểm họa, tức phải tranh đấu giải thể chế độ CSVN, tiêu diệt kẻ nội ứng, chấm dứt những cam kết ngầm của CSVN với CSTQ.
Nếu không loại bỏ căn nguyên ung nhọt nầy, CSTQ cứ dựa vào những liên hệ bí mật giữa tập đoàn lãnh đạo hai đảng, tiếp tục uy hiếp Việt Nam.
Phía CSVN sẽ tiếp tục cúi đầu nhượng bộ Trung Quốc, tạo điều kiện cho Trung Quốc từ từ thâm nhập theo kiểu tằm ăn dâu, chiếm đóng Việt Nam, thì nguy cơ mất nước không còn bao xa.
Còn chuyện “Thái Bình Dương chỉ yên ổn khi nào chúng ta làm chủ nó” do Mao Trạch Đông đưa ra, có lẽ mãi mãi là giấc mộng không thành của giới bá quyền Trung Quốc, vì Trung Quốc có thể uy hiếp Việt Nam, đe dọa vịnh Bắc Việt, nhưng ra Thái Bình Dương, Trung Quốc còn lâu mới có thể qua mặt Hoa Kỳ.
(Toronto, Canada)© Trần Gia Phụng
© Đàn Chim Việt
Chú thích cho bài trên :
1. Khổng Tử san định, Thi kinh tập truyện, Tạ Quang Phát dịch, tập 2, Sài Gòn: Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục, 1969, Bài thứ 211, Chương 2, câu số 7 và số 8.
2. Louise Levathes, When China Ruled the Seas, New York: Oxford University Press, 1994, tt. 71-73. Sách nầy dựa trên bổ sử Minh thông giám thời nhà Minh.
3. Nguyên văn bằng Anh ngữ “The Kuomintang government examined and approved of both the Chinese and English names for all the Chinese islands and reefs in the South China Sea in December 1934 and grouped them into four archipelagos for the first time. A map published in April 1935 shows the Chinese islands in the South China Sea in details, marking the southernmost tip of the South China Sea as Zengmu’ansha at 4-degree latitude north. Another map, published in February 1948, shows the administrative division of the Republic of China. The map also shows 11 dotted lines encircling the four archipelagos with its southernmost point at Zengmu’ansha. It was the first map to mark the U-shaped maritime boundary of China in the South China Sea. Maps published after the founding of the People’s Republic of China retained the 11-dotted line, and it was not until 1953 that the two dots marking the Beibu Gulf were deleted. After that, all Chinese maps have followed the nine-dotted, U-shaped pattern.” (China Daily, 22-7-2011, p. 9.) Ngoài Trung Quốc, báo nầy còn có ấn bản tại Âu Châu và Hoa Kỳ, và chuyển lên website (http://usa.chinadaily.com.cn/us/index.html). Hình chữ U còn được gọi là hình “lưỡi bò”.
4. Năm mươi mốt nước (cả Nhật Bản) đó là (theo thứ tự ABC): Argentina, Australia, Belgium, Bolivia, Brazil, Cambodia, Canada, Ceylon, Chile, Colombia, Costa Rica, Cuba, Czechoslovakia, Dominican Republic, Ecuador, Egypt, El Salvador, Ethiopia, France, Greece, Guatemala, Haiti, Honduras, Indonesia, Iran, Iraq, Japan, Laos, Lebanon, Liberia, Grand Duchy of Luxembourg, Mexico, Netherlands, New Zealand, Nicaragua, Norway, Pakistan, Panama, Peru, Republic of the Philippines, Poland, Saudi Arabia, Soviet Union, Syria, Turkey, Union of South Africa, United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland, United States of America, Uruguay, Venezuela, Viet Nam.
5. United Nations Treaty Series 1952 (reg. no. 1832), vol. 136, pp. 45 – 164.
6. Phùng Ngọc Sa, “Chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về ai?”, tập san Hiệp Nhất, Santa Ana, số 60, tháng 12-1997, tr. 85.
7. http://untreaty.un.org/ilc/texts/ins...torial_sea.pdf. Lúc đó Hoa Kỳ đề nghị hải phận là 3 hải lý được 45 quốc gia công nhận, 4 quốc gia 4 hải lý, 15 quốc gia từ 5-10 hải lý, 9 quốc gia 12 hải lý và 2 quốc gia 200 hải lý. (1 nautical mile = 1,852m.).
8. Jung Chang and Jon Halliday, The Unknown Story MAO, New York: Alfred A. Knopf, Publisher, 2005, tr. 426.
9. Bản dịch của Trung Tâm Dữ Kiện. (trích Internet). Quần đảo Tây Sa (Xisha) = Quần đảo Hoàng Sa = Paracel Islands. Quần đảo Nam Sa (Nansha) = Quần đảo Trường Sa = Spratly Islands. Penghu = Bành Hồ. (Muốn tìm bản Anh ngữ, xin vào Google, tìm “Declaration of the Government of the Peoples’s Republic of the China on the Territorial Sea”.)
10. Frank Ching, “Paracels Islands Dispute”, Far Eastern Economic Review, Feb 10, 1994.(dùng tựa đề bài báo tìm trong Google). Bài báo nầy gồm nhiều mục. Đoạn nầy trích từ mục số 3. (Bản dịch của điện báo: BáochíVN.)
11. Trương Quảng Hoa, “Quyết sách trọng đại – Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp”, đăng trong Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Tạp chí Truyền Thông xuất bản, Montreal, 2009, tt. 45-48.
12. Năm 1950 các tướng CSTQ là Trần Canh và Vi Quốc Thanh đến giúp Hồ Chí Minh. Sau trận Đồng Khê (tháng 9 và 10-1950), Trần Canh về Trung Quốc. Vi Quốc Thanh cùng đoàn cố vấn đông đảo ở lại giúp Hồ Chí Minh cho đến khi đánh trận Điện Biên Phủ năm 1954. (Xin xem Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Tạp chí Truyền Thông xuất bản, Montreal, 2009.)
13. Qiang Zhai, China & The Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tr. 47.
14. Tập san Sử Địa, số 29. Đăng lại: http://nguyenxuandien.blogspot.com/2...-anh-thep.html
15. Frank Ching, báo đã dẫn. Bản dịch tiếng Việt trích từ điện báo BáochíVN. (Vào google tìm.)
DECLARATION OF THE GOVERNMENT
OF THE PEOPLE’S REPUBLIC OF CHINA
ON THE TERRITORIAL SEA
(Approved by the 100th Session of the Standing Committee
of the National People’s Congress on 4th September, 1958)
The People’s Republic of China hereby announces:
(1) This width of the territorial sea of the People’s Republic of China is twelve national miles. This provision applies to all Territories of the People’s Republic of China, including the mainland China and offshore islands, Taiwan (separated from the mainland and offshore islands by high seas) and its surrounding islands, the Penghu Archipelago, the Dongsha Islands, the Xisha islands, the Zhongsha Islands, the Nansha Islands and other islands belonging to China.
(2) The straight lines linking each basic point at the mainland’s coasts and offshore outlying islands are regarded as base lines of the territorial sea of the mainland China and offshore islands. The waters extending twelve nautical miles away from the base lines are China’s territorial sea. The waters inside the base lines, including Bohai Bay and Giongzhou Strait, are China’s inland sea. The islands inside the base lines, including Dongyin Island, Gaodeng Island, Mazu Inland, Baiquan Island, Niaoqin Island, Big and Small Jinmen Islands, Dadam Island, Erdan Island and Dongding Island, are China’s inland sea islands.
(3) Without the permit of the government of the People’s Republic of China, all foreign aircrafts and military vessels shall not be allowed to enter China’s territorial sea and the sky above the territorial sea.
Any foreign vessel sailing in China’s territorial sea must comply with the relevant orders of the government of the People’s Republic of China.
(4) The above provisions (2) and (3) also apply to Taiwan and its surrounding islands, the Penghu Islands, the Dongsha Islands, the Xisha Islands, the Zhongsha Islands, the Nansha Islands and other islands belonging to China.
Taiwan and Penghu are still occupied with force by the USA. This is an illegality violating the People’s Republic of China’s territorial integrity and sovereignty. Taiwan and Penghu are waiting for recapture. The People’s Republic of China has rights to take all appropriate measures to recapture these places in due course. It is China’s internal affairs which should not be interfered by any foreign country.
Trích từ nguồn: http://law.hku.hk/clsourcebook/10033.htm
0 comments:
Post a Comment