Mẹ Nấm - Ngồi viết hàng trăm câu khẩu hiệu hay ho, phản biện, phản bác nhiều ý kiến theo quan điểm cá nhân thì không thể sánh với một bước chân trong cuộc tuần hành để thể hiện lòng yêu nước thật sự. Hãy xuống đường đi các bác ạ. Tuổi trẻ họ nhìn các bác, làm theo các bác và quan trọng là đất nước sẽ lớn mạnh. Một điều không thể không nói ra, đó là ai đó còn băn khoăn thì không biết vô tình hay cố ý đã xúc phạm những người đi biểu tình. Và không những thế, còn tự xúc phạm chính mình.
*
Hai khái niệm trên nếu buộc đứng cạnh nhau nghe ra chả ăn nhập gì hết trọi.
Hội thảo khoa học ở nước ta, xét cho cùng đấy là dịp các nhà khoa học ngồi lại với nhau tập trung lại nói chuyện “gì đó” vui như hội. Bởi, trên thực tế kết quả của các hội thảo đã được áp dụng vào cuộc sống bao nhiêu? Hiệu quả như thế nào? Lại là một chuyện khác.
Nói đơn giản hơn cho dễ hiểu, hội thảo khoa học là nơi các nhà khoa học hiến kế, trình bày những gì của mình nghiên cứu, suy nghĩ để phục vụ chính mình và xã hội. Cũng là dịp các nhà khoa học - trí thức bày tỏ quan điểm và lòng yêu nước nữa.
Trí thức, một lực lượng “làm thay đổi” xã hội nhanh nhất. Tốc độ phát triển xã hội được thúc đẩy hay bị kéo lại thì lực lượng này “góp” lực không nhỏ. Ai cũng nhận ra điều đó như một xu thế tất yếu ,bởi vốn từ xưa, xứ ta đã có quan niệm “nhất sĩ” là vì thế thôi.
Trí thức góp công vào các công trình nghiên cứu phục vụ nhân sinh xã hội. Hơn thế, họ góp những ý kiến phản biện nghiêm túc, hợp pháp cho chính quyền, cho nhà cầm quyền mà họ đang phục vụ.
Một số “phản biện” xã hội gần đây của giới trí thức đối với những quyết sách của nhà cầm quyền rất rõ nét như chúng ta thấy, đọc nghe qua các phương tiện truyền thông.
Chưa đề cập đến chuyện nhà cầm quyền có “lắng nghe” hay không.(Nó là hiệu quả phản biện) nhưng để thấy rằng họ không hoàn toàn lệ thuộc như trước, nghĩa là phần nào thoát cái gọi là “trí thức nô lệ”. Dĩ nhiên, phần lớn những quyết sách của nhà nước là do số đông các trí thức tham mưu và xây dựng. Vậy, mâu thuẫn nằm ở chỗ nào? Các bác trí thức trả lời câu hỏi này dễ quá!
Từ đầu tháng Sáu, những cuộc biểu tình tuần hành của những người yêu nước. Những người yêu hòa bình, những người mong muốn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, an ninh quốc gia được bảo đảm đã nổ ra ở hai thành phố lớn của nước ta. Thủ đô Hà Nội và Sài Gòn.
Hiệu quả của những cuộc biểu tình như thế nào khó mà thống kê và đặt tên. Và dĩ nhiên bên cạnh đó không thể không kể đến các hệ lụy. Chuyện chính quyền gây “khó dễ’ cho những người tổ chức và tham gia biểu tình là đương nhiên. Bởi, chính quyền hiện nay có những cư xử như thế nào thì đó là câu trả lời về nguyên nhân hệ lụy. Một “hệ lụy” kéo theo mà không thể không kể đến, đó là sự “phân hóa” cái “nguyên khí” quốc gia. Thành “hiền tài” và “hỗn tài”.
Một số trí thức mải băn khoăn, rằng “biểu tình làm gì” rồi thì “sẽ được cái gì”…này nọ.
Nay xin mạn phép nhắc lại, thông điệp của các cuộc biểu tình cơ bản là “phản đối hành vi gây hấn của nhà cầm quyền Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng tới chủ quyền hợp pháp của Việt Nam”.
(Ảnh của Chinh Phạm)
Tôi không phải là trí thức, chỉ đơn thuần là một công dân thực hiện những nghĩa vụ và được hưởng những quyền lợi hợp pháp. Lỡ hẹn với cuộc biểu tình đầu tiên ở Sài Gòn bởi một lý do “lãng nhách”. Các bạn đã biết chuyện này. Rồi thì các cuộc biểu tình kế sau (chỉ xảy ra vào các Chủ Nhật) tôi cũng chưa có dịp tham gia trực tiếp. Và vì thế, lần ra Hà Nội vừa rồi, tôi không để “thoát” một lần trực tiếp tham gia biểu tình khi có cơ hội.
Hòa vào dòng người, hô to khẩu hiệu , mang băng rôn, biểu ngữ …hát vang giữa đường phố. Một cảm xúc thật khó tả. Có lẽ, cảm xúc mấy năm trước đây được gợi lại và hơn thế nữa, bên cạnh tôi là sự tham gia đông đảo các thành phần. Các bạn trẻ nhiệt tình hăng say đã đành, còn có các trí thức cấp tiến. Thật đáng quý và đáng trân trọng.
Vậy thì, câu hỏi biểu tình để làm gì có nghĩa gì với tôi không? Liệu có ai đó đặt ra cho riêng tôi câu hỏi này hay cho toàn dân? Cho một số người đứng ra tổ chức hay cho giới trí thức nhân sỹ nói riêng..??
Khi hỏi, tức là người đặt ra câu hỏi còn băn khoăn với hành động biểu tình, với cách thể hiện lòng yêu nước của rất nhiều người. Với tôi, câu trả lời mà tôi cho là đúng nhất rằng:” hãy sống thật với cảm xúc của chính mình, bằng cách thể hiện luôn, hành động ngay những gì mà mình đang nghĩ, vừa nghĩ là phải nên hành động”.
Có người quan sát thấy những cuộc biểu tình , lần sau ít người tham gia hơn lần trước thì dành ra một ít thời gian “hiếm hoi” mà phán. Định danh cho các cuộc biểu tình kéo dài nhiều Chủ Nhật là “biểu tình lai rai” . Đặt tên cho những người tham gia biểu tình là “biểu tình viên” một cách dè bỉu.
Bỏ qua những “nô lệ trí thức” phát biểu. Thì những người nói ra như thế liệu có được đáng “chiêm ngưỡng” những hình ảnh đẹp về các cuộc biểu tình. Có đáng được hưởng hiệu quả những cuộc biểu tình mang lại hay không? Họ cũng chả có tư cách nào mà chỉ trích những cư xử của nhà cầm quyền đối với những cuộc biểu tình. Họ không nên phê phán những hành vi của công an như đàn áp hay hành xử thô bạo với những người biểu tình nữa, bởi tư cách họ và cảm xúc họ không có để phát biểu.
Với những kẻ xuyên tạc thông điệp của những cuộc biểu tình thì chả đáng nói thêm nữa.
Tôi đã đi biểu tình, đã tiếp xúc với những người cùng tham gia. Có những điều mà nói ra ai cũng hiểu, nhìn thấy ai cũng biết. “Sơn hà nguy biến, xin đừng VÔ CẢM” một thầy giáo già đã mang câu này trong hành trình đi biểu tình. Bác ấy nói với tôi, bác không phải ở Hà Nội, nhưng bác vẫn về đây để tham gia biểu tình, bởi trong số những người học trò của bác, nay đã có người làm trong Bộ Chính trị, và họ dường như chẳng quan tâm mấy đến sự an nguy của dân tộc mình.
(Ảnh của Nguyễn Anh Tuấn)
Với tôi, điều này lại là câu trả lời cho sự băn khoăn (nếu là băn khoăn) của ai rằng “biểu tình để làm gì, để được gì..?”
Nhà cháy thì bằng cách nào dập lửa, sao lại băn khoăn dập lửa để làm gì? Nhà cháy còn không biết thì còn biết gì nữa?
Ngồi phòng lạnh với các phương tiện là việc hiện đại, suy xét vấn đề một cách “học thuật” kiểu coi voi. Hãy thử tham gia một lần, hãy thử cùng toàn dân “đối mặt với thử thách” thì mới biết những gì còn băn khoăn là không đáng, thưa các bác.
Ngồi viết hàng trăm câu khẩu hiệu hay ho, phản biện, phản bác nhiều ý kiến theo quan điểm cá nhân thì không thể sánh với một bước chân trong cuộc tuần hành để thể hiện lòng yêu nước thật sự.
Hãy xuống đường đi các bác ạ. Tuổi trẻ họ nhìn các bác, làm theo các bác và quan trọng là đất nước sẽ lớn mạnh.
Một điều không thể không nói ra, đó là ai đó còn băn khoăn thì không biết vô tình hay cố ý đã xúc phạm những người đi biểu tình. Và không những thế, còn tự xúc phạm chính mình.
Nói thế , đâu có gì khó hiểu.
Nếu nhà nước không quay lưng lại với dân, với trí thức thì có còn “lai rai” nữa không?
Nếu Trung Quốc dừng ngay những hành động gây hấn, họ tôn trọng chủ quyền của mình, liệu có “biểu tình viên” nào xuất hiện nữa không?
Những băn khoăn của một số người càng làm cho nhà cầm quyền có thêm “cớ” để đàn áp để ngăn chặn các cuộc biểu tình. Càng làm cho nhà cầm quyền Trung Quốc không “băn khoăn” khi có những hành động mất đi tính-nhắc lại là tính hữu nghị hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Và nguy hại hơn, càng làm cho giới trí thức cũng băn khoăn không kém, và dân chúng nghi ngờ vào những nỗ lực của trí thức chân chính.
Nguy nào hơn nguy này?
Biểu tình là bày tỏ thái độ phản kháng trước những mối nguy hại đối với đất nước từ Trung Quốc. Biểu tình là quyền bày tỏ cảm xúc của mỗi người, cớ sao lại phải băn khoăn khi chính ta sử dụng quyền công dân của ta vào những việc có ích?
Thiết nghĩ, những người còn băn khoăn hãy để “trái tim biểu tình với khối óc” ngay trong chính bản thân một lần xem sao?
Ảnh của Nguyễn Lân Thắng
P.S.
To be or not to be, that's a question.
Nếu quan sát kỹ những tấm hình biểu tình mà xem, bạn sẽ thấy, người Việt thật đẹp, thật rạng ngời. Nói như anh Lê Dũng đấy là: "Biểu tình, biểu lộ cảm xúc làm người ta rạng rỡ, hân hoan, và ai cũng đẹp đẽ hết".
Cám ơn Hà Nội, cám ơn các bác, các cô, chú, các anh, chị & các bạn đã cùng tôi có một ngày Chủ Nhật thật tuyệt vời!
0 comments:
Post a Comment