Thursday, August 11, 2011

Báo chí Pháp lo ngại : Hà Nội không nương tay với giới ly khai

Giáo sư Phạm Minh Hoàng tại phiên xử 10/8/2011 (VNA / AFP)
Giáo sư Phạm Minh Hoàng tại phiên xử 10/8/2011 (VNA / AFP)

Hôm qua 10/08/2011, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt ông Phạm Minh Hoàng, giảng viên đại học người Việt quốc tịch Pháp, 3 năm tù giam và 3 năm quản thúc tại gia với tội danh «hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ». Báo chí Pháp đặc biệt quan tâm phân tích sự kiện này.

Nhật báo Libération chạy hàng tựa : « Hà Nội không dao động trước phe ly khai » và nhận định : « Việc kết án ông Phạm Minh Hoàng vào hôm qua cho thấy ý định bịt miệng xã hội dân sự ».

Tờ báo nhắc lại, ông Phạm Minh Hoàng đã phải bị giam giữ gần một năm trước khi nhận bản án chính thức vào hôm qua với tội được tuyên là « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ». Tòa án chỉ rõ, dưới bút danh Phan Kiến Quốc, ông Phạm Minh Hoàng đã viết trên trang blog của mình 33 bài viết, trong đó đa số là « bôi nhọ hình ảnh đất nước ».

Libération thuật lại, trước tòa, ông Hoàng đã phủ nhận cáo buộc trên và khẳng định : « Những bài viết của tôi không nhằm lật đổ ai cả. Tôi chỉ phản ánh những tiêu cực trong xã hội và tôi cho rằng, đất nước cần phải được dân chủ hơn ».

Paris lập tức lên tiếng cho rằng bản án trên là « quá nặng », và kêu gọi phía Hà Nội xem xét lại. Tối qua, Bộ Ngoại giao Pháp đã cho biết là giữa hai nước chưa có thỏa thuận tư pháp hoặc chuyển giao tù nhân nào.

Theo Libération, ngoài việc ông Phạm Minh Hoàng thuộc đảng Việt Tân, một đảng mà Hà Nội xếp vào « các tổ chức khủng bố », thì ông Hoàng còn bị nhắm đến bởi việc ông đã từng lên tiếng chống tham nhũng và phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Tờ báo cũng cho rằng, vấn đề bauxite Tây Nguyên vốn rất nhạy cảm tại Việt Nam, vừa qua nó cũng đã gây hệ lụy đến một người phản đối khác, đó là ông Cù Huy Hà Vũ, con trai của một người bạn chiến đấu của người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ tịch Hồ Chí Minh.

Libération cho biết thêm, ngoài hai bản án trên, còn có việc bắt giam 8 người Công giáo, blogger Paulus Lê Sơn và linh mục Nguyễn Văn Lý từ cuối tháng 7. Tờ báo nhận định : « Vụ việc cho thấy chính quyền đang ở thế phòng thủ ».

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhật báo Công Giáo La Croix có bài viết : « Một người Việt quốc tịch Pháp bị kết án vì tội âm mưu lật đỗ chính quyền ».

Tờ báo cũng thuật lại phiên tòa xét xử ông Phạm Minh Hoàng hôm qua, với lời buộc tội của hội đồng xét xử và ý kiến phản bác của đương sự. La Croix cũng nhắc lại việc ông Phạm Minh Hoàng là đảng viên đảng Việt Tân có trụ sở tại Mỹ, và bị chính quyền Việt Nam xem là « một tổ chức khủng bố ».

Liên quan đến nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc, La Croix cho hay, theo lời của vợ ông Phạm Minh Hoàng, thì ông bị truy tố do đã lên tiếng phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Tờ báo nhận định, việc khai thác bauxite là rất ô nhiễm và tạo ra lượng bùn đỏ khổng lồ. Dự án này đã làm dấy lên nhiều chỉ trích, nhất là từ phía « nhà ly khai nổi tiếng » Cù Huy Hà Vũ, người vừa bị xử phúc thẩm với mức án 7 năm tù, mà theo La Croix cũng có thể là do đã lên tiếng phản đối dự án bauxite nói trên.

Theo La Croix, từ hai năm nay, chính phủ Việt Nam đã tăng cường các biện pháp trấn áp, và hiện tượng đàn áp người theo Thiên chúa Giáo đã tăng lên. Theo Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Right Watch, người dân miền cao nguyên cũng bị vạ lây : Chỉ trong năm 2010, đã có hơn 70 người bị bắt, trong đó có vài người bị tra tấn, và hiện tại còn khoảng 250 người đang bị giam giữ.

La Croix cho biết, Pháp đã nhiều lần gửi thông điệp cho chính phủ Việt Nam « để một giải pháp ưu ái có thể được tìm thấy cho trường hợp của ông Phạm Minh Hoàng », giảng viên toán học, người từng sống ở Pháp 27 năm. Hôm qua, Pháp cũng đã đề nghị phía Việt Nam xem xét lại bản án dành cho ông Phạm Minh Hoàng.

Trung Quốc hấp tấp trong việc phát triển xe lửa cao tốc

Vụ tại nạn đường sắt tại Ôn Châu vừa qua không phải là trục trặc đầu tiên trong ngành đường sắt Trung Quốc, mà từ vài năm nay, việc nước này bất chấp mọi giá tiếp cận công nghệ tàu cao tốc đã gây nhiều hệ lụy. Hiện tại, đương nhiên bộ chủ quản, tức bộ đường sắt, đang hứng chịu búa rìu dư luận. Thông tín viên nhật báo Le Monde từ Bắc Kinh có bài viết cho hay : « Bộ đường sắt Trung Quốc bị chỉ trích về vấn đề nợ nần và tình trạng tham nhũng ».

Bộ này hiện tại có đến 2,1 triệu nhân viên. Tình trạng hoạt động của bộ này tại Trung Quốc giống như kiểu « nhà nước trong nhà nước », bởi bộ này có công an riêng, có tòa án riêng, và là cơ quan duy nhất trong nước có quyền phát hành trái phiếu nằm ngoài bộ Tài chính.

Tác giả bài báo dùng từ « Gã khổng lồ quan liêu » để chỉ bộ đường sắt Trung Quốc. Theo tác giả, tai nạn vừa qua ở Ôn Châu đến từ lỗi hệ thống báo hiệu, có thể là hậu quả của một cung cách quản lí theo kiểu phiêu lưu, thiếu thận trọng, nhất là hạn chế trong đào tạo nhân lực và sử dụng không hiệu quả những công nghệ tiên tiến nước ngoài. Tuyến đường nơi tai nạn xảy ra không phải được thiết kế cho một vận tốc quá cao, mà chỉ dành cho xe lửa với vận tốc 200 km/h.

Hồi đầu năm, bộ này đã bắt đầu bị tai tiếng khi ông bộ trưởng lúc đó bị bắt về tội tham nhũng, trong khi trước đó ông này từng được mệnh danh là « Người đại nhảy vọt » do đã chỉ huy xây dựng từ năm 2004 hệ thống tàu cao tốc Trung Quốc với thời gian kỷ lục.

Bộ đường sắt Trung Quốc còn bị chỉ trích về vấn đề nợ nần. Theo ước tính, hồi cuối tháng 6, tổng số nợ của bộ này lên đến 227 tỷ euro, chiếm 5% GDP cả nước.

Trong bài xã luận của mình, tạp chí Tài Kinh nhận định : « Mục tiêu đạt được vận tốc cao bất chấp mọi giá chỉ dẫn đến thảm họa ». Tạp chí này cũng đã tiết lộ « những chuỗi lợi ích » giữa bộ đường sắt và các tập đoàn nhà nước thực hiện đơn đặt hàng của bộ.

Các chuyên gia đánh giá rằng Trung Quốc chưa thích hợp để phát triển hệ thống tàu cao tốc. Một giáo sư chuyên nghiên cứu lĩnh vực giao thông đường sắt tại Bắc Kinh nhận định : Trung Quốc đã không lường hết nguy cơ về thương mại, kỹ thuật và tài chính có thể phát sinh từ việc xây dựng một hệ thống tàu cao tốc. Vị giáo sư này cũng phân tích, giá vé TGV tại Trung Quốc là rẽ nhất thế giới, nhưng vẫn còn đắt đối với người dân.

Vì thế, theo ông, Trung Quốc cần có nhiều xe lửa hơn, nhưng không phải là tàu cao tốc mà là xe lửa có toa nằm truyền thống. Chính sự chênh lệch giữa cung và cầu đã tạo ra khủng hoảng tài chính trong bộ. Trong đợt phát hành trái phiếu hôm 8/8 vừa qua với mức 20 tỷ nhân dân tệ, bộ này đã phải trầy trật kiếm người mua trong số các nhà đầu tư Trung Quốc dù lãi suất rất cao.

Nhật Bản : ít nguy cơ lâm khủng hoảng kinh tế

Dù liên tiếp gặp thảm họa từ thiên nhiên đến hạt nhân, nhưng Nhật Bản vẫn điều hành tốt nền kinh tế của mình trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chao đảo. Đó là nhận định của báo Le Monde qua bài viết : « Nhật Bản, nước nợ nhiều nhất thế giới, có thể làm chủ được tình hình nhờ vào tiền gửi tiết kiệm của người dân ».

Trong khi nợ công Hoa Kỳ và Châu Âu đang góp phần làm suy sụp thị trường tài chính thế giới, thì ngược lại, nợ công của Nhật Bản cũng đang lớn dần lên nhưng lại không gây một sự hốt hoảng nào. Hiện tại nợ công của nước này đã lên đến 200% GDP và sẽ tiếp tục tăng lên sắp tới.

Nguyên nhân chính đó là do chi phí tái thiết đất nước sau thảm họa dập dồn vừa qua. Hai dự án ngân sách dành cho việc tái thiết không phải lấy từ việc phát hành trái phiếu mà là trích ra từ các nguồn dự trữ khác. Các nguồn dự trữ này tuy vậy không phải là vô tận, các khó khăn kinh tế sau thảm họa cũng đã khiến cho nguồn thu từ thuế giảm thiểu đáng kể.

Thêm vào đó, chính phủ đang gặp khó khăn trong thảo luận với phe đối lập chiếm đa số tại Thượng viện về những dự thảo phát hành trái phiếu cần thiết cho năm tài khóa 2011 bắt đầu vào ngày 1/4. Trong bối cảnh đó, ba công ty thẩm định tín dụng Hoa Kỳ là Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch đã hạ mức đánh giá xuống còn « viễn cảnh tiêu cực » đối với trái phiếu Nhật Bản hồi tháng năm.

Tuy vậy, tình hình Nhật Bản không hoàn toàn tiêu cực. Hơn 90% trái phiếu nước này nằm trong tay những nhà đầu tư Nhật Bản, dẫn đầu là các ngân hàng và công ty bưu điện Japan Post, những đơn vị này đầu tư cho việc mua trái phiếu bằng nguồn gửi tiết kiệm khổng lồ của người dân. Dù nguồn này đàng dần giảm, nhưng luôn ở mức cao gấp 3 lần GDP cả nước.

Hơn nữa, Nhật Bản lại là một trong những chủ nợ lớn nhất hành tinh, nhất là của Mỹ với nguồn dự trữ ngoại tệ 1151 tỷ đô là theo số liệu cuối tháng 7 rồi. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản còn khả năng lựa chọn cách cải cách thuế khóa, bởi ở nước này thu thuế hiện chỉ mang lại khoảng 25% tổng thu nhập quốc gia, và thuế tiêu thụ chỉ ở mức 5%.

Syria : Mỹ có thể yêu cầu ông Assad ra đi trong tuần này

Liên quan đến Syria, trước những hành động đàn áp của chính quyền Assad đối với những người biểu tình chống chính phủ Damas, Hoa Kỳ chỉ lên tiếng phê phán chứ chưa chính thức kêu gọi ông Assad từ bỏ quyền lực giống như trường hợp ông Kadhafi tại Libya. Thế nhưng, Le Figaro hôm nay có bài thông tin : « Barack Obama có thể sẽ bỏ rơi ông Assad ».

Le Figaro cho biết, nhiều phương tiện truyền thông tại Mỹ dẫn nguồn tin thân cận của Nhà Trắng, từ đây đến cuối tuần, tổng thống Obama có thể sẽ chính thức kêu gọi ông Assad ra đi, do tình trạng đàn áp ngày càng tăng tại Syria, và mới hôm qua lại có thêm 16 người bị thiệt mạng tại thành phố Homs. Tuy vậy, tối qua, phát ngôn viên Nhà trắng đã không xác nhận thông tin này.

Tối qua, tổng thống Obama và ngoại trưởng Hillary Clinton đã cùng bàn thảo về vấn đề này. Trước đó trong ngày, bộ tài chính Mỹ đã cho phong tỏa tài sản của ngân hàng thương mại lớn nhất Syria, Commercial Bank of Syria, và cấm mọi giao dịch đối với ngân hàng này. Hoa Kỳ cũng đang xem xét đến hành động phối hợp cùng hành động của Châu Âu và các nước Ả Rập nhằm mục tiêu rút cạn nguồn thu nhập dầu hỏa của chính phủ Syria.

Tính từ ngày 15/3 đến nay, các cuộc trấn áp của chính quyền Assad đã làm hơn 2000 người chết. Vì thế, Nhà Trắng buộc phải có thái độ cứng rắn hơn, nhất là trong bối cảnh Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện chỉ trích thái độ e dè của chính phủ Obama đối với ông Assad.

Le Figaro nhận định, thái độ của Hoa Kỳ theo thời gian ngày càng cứng rắn. Đầu tiên, Hoa Kỳ « liên tiếp cảnh báo » ông Assad, sau đó đã cử đại sứ của mình tại Syria đến gặp gỡ quân nổi dậy tại thủ phủ của họ là thành phố Hama. Tuần rồi, ngoại trưởng Hillary Clinton đã tiếp một phái đoàn quân nổi dậy tại Washington. Hôm thứ ba, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đi xa hơn khi tuyên bố : « Không thể nào có một sự hợp tác đối với một chế độ phạm tội đàn áp như vậy ».

Tuy nhiên, đến hiện tại, Nhà Trắng vẫn chưa chính thức « bỏ rơi » ông Assad bởi Hoa Kỳ đánh giá cao vai trò của ông này đối với sự ổn định trong khu vực. Và Hoa Kỳ cũng nhận thức được rằng đối với chính quyền Damas, Washington còn chưa đủ trọng lượng để tạo ra ảnh hưởng thật sự. Hơn nữa, Tổng thống Obama cho rằng lực lượng kế nhiệm ông Assad còn chưa rõ ràng. Cuối cùng, ông muốn có một tín hiệu mạnh từ các nước Ả Rập và của cộng đồng quốc tế tại Liên Hiệp Quốc. Cuối tuần rồi, ông Obama đã được bước tiến đầu tiên trong vấn đề này khi mà Liên đoàn Ả Rập cũng như Jordania và nhiều quốc gia Vùng Vịnh với Ả Rập Xê Út dẫn đầu, đã đồng loạt lên án sự đàn áp, tuy nhiên vẫn chưa kêu gọi ông Assad ra đi.

Le Figaro nhận định : Sự bừng tĩnh của các nước Ả Rập cũng cố thêm nỗ lực của Hoa Kỳ và Châu Âu để có thể đạt được một nghị quyết chính thức về hồ sơ Syria tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một nghị quyết đến hiện tại đang bị hai thành viên thường trực là Nga và Trung Quốc ra sức ngăn cản.

Bệnh thống phong : Nên chú ý đến chế độ ăn uống

Cuối cùng, Le Figaro mang thông tin về bệnh thống phong, hay còn gọi là bệnh gút, một dạng thấp khớp. Bệnh thống phong, một loại bệnh mà người ta tưởng đã biến mất, hiện đang hoành hành tại các nước phát triển. Theo số liệu mới nhất, tại Mỹ có hơn 8 triệu người lớn bị bệnh này, tức cao hơn gấp hai lần so với cách đây 20 năm. Bệnh thấp khớp viêm này đang tăng theo chiều mũi tên ở nhiều nước.

Từ hơn 5 000 năm nay, bệnh này được xem là bệnh nhà giàu, thậm chí là bệnh vương giả, do nó thường xuất hiện ở những người giàu có ăn chơi. Sau khi mất dạng hồi thế kỷ 20, bệnh này đã tái xuất hiện và trở thành căn bệnh thấp khớp viêm phổ biến nhất.

Nước giữ kỷ lục của căn bệnh hiện tại là New Zeland. Nguyên nhân chính được cho là do chế độ dinh dưỡng theo kiểu Châu Âu. Chế độ dinh dưỡng này tiêu thụ nhiều thịt, đồ biển, bia, rượu mạnh, sô đa giàu chất đường. Chế độ dinh dưỡng này dể gây thừa acid uric trong máu. Trong ngắn hạn, sự gia tăng acid uric dẫn đến sự tích tụ các tinh thể Urate sodium trong các khớp và sẽ gây bệnh gút. Nơi thường gặp nhất là ngón chân cái. Bệnh gây đau dữ dội.

Một nguyên nhân khác cũng được đề cập đó là việc tuổi thọ con người ngày càng cao, trong khi bệnh thường xuất hiện ở những người lớn tuổi.

Cuối cùng, các chuyên gia cảnh báo, bệnh thống phong không phải là một căn bệnh không nguy hiểm. Nếu không chú trọng điều trị, nó có thể kéo theo những rắc rối về cơ và thận, chưa kể đến những liên quan nguy hiểm đến bệnh béo phì và tim mạch.

Trang nhất các báo Pháp

Hầu hết các báo Pháp hôm nay 11/8/2011 đều dành trang nhất cho chủ đề kinh tế Pháp. « Khủng hoảng tài chính : tổng thống Sarkozy chuẩn bị phản ứng » trên trang nhất Le Figaro, « Các ngân hàng Pháp giữa cơn bão tài chính » trên trang nhất Les Echos, « Khủng hoảng làm chao đảo các ngân hàng » trên trang nhất Liberation, « Lo ngại về sự sụt lùi của nền kinh tế Mỹ đè nặng các thị trường » trên Le Monde, và « Lên chương trình phá hủy xã hội » trên L’Humanité, các tờ báo đều cho biết, thị trường chứng khoán thế giới và đặc biệt là tại Pháp hôm qua thật ảm đạm do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng ở Hoa Kỳ.

Đặc biệt, nhật báo Le Monde đặt câu hỏi phải chăng Hoa Kỳ nên xem xét lại mô hình phát triển kinh tế của mình. Còn nhật báo Cộng sản Pháp L’Humanité cho biết, hôm qua trở về khẩn cấp từ kỳ nghỉ hè năm nay, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã triệu tập cuộc họp đối phó khủng hoảng tại phủ tổng thống. Theo chương trình, sắp tới ông sẽ cho tiến hành chinh sách khắc khổ tại Pháp dù tình hình kinh tế có tiến triển thế nào. L’Humanié nhận định, việc đó sẽ khiến tăng trưởng vốn đã èo ọt, lại thêm khó khăn.

Lê Phước
Theo RFI

0 comments:

Powered By Blogger