Monday, August 22, 2011

Báo chí Hà Nội lên án 'biểu tình tự phát'


An ninh mặc thường phục và sắc phục bắt hơn 40 người biểu tình khỏi trung tâm Hà Nội hôm 21/8

Trong vòng 48 giờ qua, báo chí của thủ đô Hà Nội liên tiếp có bài phê phán "biểu tình tự phát, gây mất trật tự" và nêu tên tuổi một số trí thức như Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện trong chiến dịch truyền thông do công an định hướng để ngăn làn sóng phản đối Trung Quốc.

Ngay từ sau khi có thông báo cấm tụ tập tại Hà Nội trong một văn bản không số và không có người ký, truyền thông chính thống mà một số dân mạng gọi là "lề phải" đã chuẩn bị dư luận cho việc ngăn chặn biểu tình nhân dịp các ngày lễ lớn kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Sau khi cuộc tuần hành lần thứ 11 diễn ra quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm sáng Chủ Nhật 21/8 với vài chục người nhanh chóng bị công an đưa đi, báo chí của Hà Nội tiếp tục dòng thông tin và bình luận lên án họ.

Tờ Bấm An ninh Thủ đô trong bản điện tử ra trước lúc nửa đêm Chủ Nhật viết:

"Những ngày gần đây, lợi dụng tình cảm yêu nước của nhân dân, các thế lực chống đối Nhà nước Việt Nam trong và ngoài nước đã và đang kêu gọi, kích động, hướng dẫn quần chúng biểu tình, tuần hành tự phát gây mất an ninh trật tự ở Thủ đô."

"Có thể khẳng định, nhiều kẻ trong số những người tham gia biểu tình, tuần hành tự phát trong thời gian qua đã khoác “vỏ bọc” yêu nước, đứng đằng sau kích động và trực tiếp tham gia tuần hành nhằm gây rối, ảnh hưởng đến an ninh trật tự..."

Yêu nước nhưng đừng biểu tình?

Có vẻ như báo chí chính thống đang cố gắng cân bằng giữa hai xu hướng.

Một mặt, họ xác nhận biểu tình "phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam" là cách thể hiện lòng yêu nước.

Mặt khác, họ cho rằng "yêu nước là hiểu và ủng hộ những việc làm của Đảng và Nhà nước ta trên các mặt trận chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa để đạt được các mục tiêu đề ra".

Thời gian qua đã có tin nói Trung Quốc yêu cầu Việt Nam chấn chỉnh dư luận khi các cuộc tuần hành của trí thức và thanh niên trong nước biến quan hệ hai bên trở nên khó xử, nhất là khi Trung Quốc vẫn liên tục nêu cao và có hành động cụ thể khẳng định chủ quyền tại Biển Đông.

Tiến sĩ ngành Hán Nôm, ông Nguyễn Xuân Diện bị báo chí của nhà nước nêu tên vì đưa tin về biểu tình

Phía Việt Nam chính thức chỉ đưa ra các thông báo yếu ớt từ Bộ Ngoại giao hoặc cho trí thức, cán bộ tham gia các hội thảo trong và ngoài nước để xác định chủ quyền biển đảo và dò xét việc liên kết với các nước khác để chống đỡ lại phía Trung Quốc.

Trong lúc một phần dư luận biểu tình để 'bỏ phiếu' bất tín nhiệm chính sách đối ngoại và an ninh của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc về biển đảo, nhà chức trách đã ngăn một số cuộc biểu tình ở Hà Nội và tuyệt đối ngăn chặn tại TP HCM.

Công tác định hướng dư luận được chính quyền thành phố thực hiện qua nhiều cách như vận động các tổ dân phố, Đoàn Thanh niên và báo chí vào cuộc dưới sự chủ trì của cơ quan an ninh và Đảng.

Nếu tin vào nội dung đăng trên báo An ninh Thủ đô, thì những cuộc biểu tình trước đó tạm coi là chấp nhận được nhưng lần thứ 11 hôm 21/8 được cho là ngưỡng không được phép vượt qua.

Tờ báo viết:

"Nhận thức và đồng tình với chủ trương của thành phố, nhiều công dân trước đó có tham gia tuần hành nay đã không tham gia hoạt động biểu tình, tuần hành tự phát,"

"Hành động vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng của họ đã bị các lực lượng chức năng xử lý trong sự đồng tình, ủng hộ của những người thật sự yêu nước"

TS Vũ Duy Thông

"Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận các cá nhân, thậm chí cả những người được xem là trí thức, vẫn cố tình vi phạm, không chấp hành yêu cầu của UBND thành phố."

Lần đầu tiên, tờ báo này nêu đích danh ông Nguyễn Xuân Diện và bà Đặng Ngọc Phượng, hai trí thức Hà Nội cho tới nay vẫn được tự do sinh hoạt.

"Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Xuân Diện (SN 1970) - Phó Giám đốc Trung tâm Tư liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm,"

"Trong suốt thời gian qua, ông Diện vừa trực tiếp tham gia tuần hành, vừa lập trang web cá nhân để kêu gọi, kích động và hướng dẫn việc tham gia biểu tình, hay bà Đặng Bích Phượng, trú ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thường xuyên và ngang nhiên lôi kéo, kêu gọi quần chúng tụ tập đông người…"

Tiến sỹ Diễn trước đó nói trên blog rằng chính quyền Hà Nội thừa nhận công văn đề nghị ngưng biểu tình của họ không hợp lệ.

Chiều 22/8, một số nguồn tin từ Hà Nội cho BBC hay có lo ngại trong giới bạn bè của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện về lời lẽ trên báo chí liên quan đến ông.

Tuyên giáo và an ninh

Giới quan chức báo chí tại Hà Nội cũng vào cuộc để phê phán những người biểu tình chống Trung Quốc.

Tiến sĩ Vũ Duy Thông vừa có bài lên án "hành vi vi phạm pháp luật, thất bại và trở nên lố bịch" của các trí thức tham gia biểu tình.

Trong bài "Bấm Cần nhận rõ những mưu đồ thâm độc" đăng sáng sớm thứ Hải 22/8/2011 trên trang Hà Nội Mới bản điện tử, tiến sĩ Thông phân loại những người biểu tình làm hai loại.

Trung tướng Trần Đại Quang muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành cùng công an Việt Nam

Theo ông, "nhiều người tham gia thường nhẹ dạ, cả tin, không biết mình đang bị lợi dụng", còn một số khác thì "có mưu đồ "phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá Đảng và Nhà nước ta, làm suy yếu để đi đến lật đổ chế độ".

Trong bài báo nặng nề hơn cả bài trên An Ninh Thủ Đô của ngành công an, tiến sĩ Vũ Duy Thông, đã quy tội cho "những kẻ xấu, chủ mưu vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng".

Là một cây bút của ngành Tuyên giáo, tiến sĩ, nhà thơ Vũ Duy Thông, người từng trả lời phỏng vấn hồi tháng 11/2010 phê phán Đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết vì chất vấn chính phủ, nay còn khen ngợi lực lượng an ninh trong vụ bắt những người biểu tình hôm Chủ Nhật:

"Hành động vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng của họ đã bị các lực lượng chức năng xử lý trong sự đồng tình, ủng hộ của những người thật sự yêu nước, yêu chuộng hòa bình."

Các hoạt động của ngành tuyên giáo và báo chí Việt Nam gần đây có sự chỉ đạo trực tiếp từ khối an ninh và các nhân vật cao cấp nhất trong Bộ Chính trị nhiệm kỳ mới sau đ̣ai hội Đảng hồi đầu năm.

Mới hôm 19/8 vừa qua, Trung tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an, và các lãnh đạo Bộ Công an đã có buổi làm việc với lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Ông Trần Đại Quang, ủy viên Bộ Chính trị đã xác định với báo chí rằng "tình hình an ninh, trật tự sắp tới còn diễn biến phức tạp, căng thẳng, đặt ra những nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn cho lực lượng Công an trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội."

Chính vì thế, ông mong muốn các cơ quan báo chí "hãy tiếp tục đồng hành, ủng hộ, giúp sức cùng với lực lượng Công an trong nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ an ninh tổ quốc trong thời gian tới".

Đại diện ngành báo chí, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ thông tin Truyền thông đáp lời rằng "mong rằng thời gian tới lực lượng Công an sẽ tiếp tục phối hợp với báo chí, tăng cường cung cấp thông tin để báo chí góp phần giữ gìn an ninh tổ quốc trên mặt trận thông tin".

0 comments:

Powered By Blogger