Đoàn Trọng/Việt Herald

VH: Là một chiến sĩ QLVNCH, đại tá cảm nhận gì khi hay tin cấp chỉ huy mình, thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, đã ra đi?


ĐT Lê Khắc Lý: Sự ra đi của ông Kỳ, một khuôn mặt để lại rất nhiều suy nghĩ trái ngược nhau của người dân Việt Nam cả trong và ngoài nước. Có người ủng hộ ông hết sức nồng nhiệt, nhưng cũng không ít người chống đối, có thể nói là quá khích và mạnh bạo về thái độ chính trị của ông.


Trước hết, nói về ông Kỳ, tôi nghĩ “
Ông Kỳ đã thất bại về chính trị.” Ông không phải là một chính trị gia.

Việc ông bỗng nhiên gắn liền với chính trị trong khúc quanh lịch sử của đất nước, tôi cho là thời cuộc đưa đẩy. Sự nghiệp của ông nhanh chóng lên đến đỉnh cao quyền lực quốc gia đã cho thấy ông không có sự chuẩn bị đầy đủ như các chính trị gia khác.


Như chúng ta thấy, tại Hoa Kỳ, các vị lãnh đạo đều được đào tạo ngay từ lúc nhỏ. Các Tổng thống Kennedy, Reagan, Nixon là những điển hình. Phần lớn đều trưởng thành qua các chức vụ dân cử từ thấp đến cao.


Tôi muốn nói trường hợp này không riêng cá nhân ông Kỳ, rất nhiều vị đều do thời cuộc đưa đẩy. Cũng vì thế mà cuối cùng, ông đã thất bại.


VH : Là người giữ chức vụ tỉnh trưởng một tỉnh tại miền Trung, đứng đầu tổ chức hành chánh địa phương, theo ông, thời gian ông Kỳ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương, chính phủ ông Kỳ có đem lại thành quả đáng kể nào cho quốc gia, dân tộc không?


ĐT Nguyễn Khắc Lý: Đó là một điểm gây ra nhiều mâu thuẫn. Như tôi đã nói lúc đầu, kẻ tán thành luôn nói lên những thành quả, tuy nhiên, phần lớn cũng phản bác, cho rằng không phải như vậy.


Với tôi, việc đảm nhiệm chức vụ tỉnh trưởng Quảng Ngãi, ngay sau khi cuộc cách mạng 1963 thành công, là do sự chỉ định của thượng cấp dựa trên điều kiện chính trị tại địa phương, lúc đó cần một vị sĩ quan đứng đầu để làm cho tình hình Quảng Ngãi được ổn định hơn. Khi tôi hết làm tỉnh trưởng và đi du học Hoa Kỳ, lúc đó, ông Kỳ đứng ra làm Chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương. Khi tôi trở về, ông Kỳ vẫn còn tại chức.


Tôi theo dõi tình hình và biết được chủ trương cùng khẩu hiệu tiêu biểu cho đường lối của chính phủ ông là “Chính phủ người Nghèo,” Ông cho người dân lao động nghèo quyền sở hữu xe Lam và Taxi để làm kế sinh nhai.


Nhìn qua, thấy rất là phấn khởi, tạo được niềm tin, thế nhưng đi sâu, chỉ thấy thực hiện riêng ở Saigon không mà thôi, không thấy người Nghèo nào được bênh vực trên bình diện toàn quốc cả.


Ông chỉ nói và làm chung quanh Saigon thôi trong khi chức vụ của ông Kỳ thời đó là lo cho cả nước chứ không riêng Saigon .


Qua một điểm này thôi, chúng ta thấy ông cũng không có thành tựu nào nổi bật cho vai trò của ông thời đó trên toàn quốc.


Phía người chống đối đã nêu ra những việc làm không trung thực từ phía chính phủ. Với chiêu bài “Chính phủ của người Nghèo” nhưng thực tế, chỉ có người giàu hưởng lợi mà thôi. Việc này, thực tế tôi cũng chỉ ghi nhận tại địa phương thôi.


Như việc thành lập “Đoàn Thanh Niên Trừ Gian,” thế nhưng phần lớn tin tức đưa ra là chính đoàn thanh niên trừ gian này lại làm nhiều điều “Gian Hùng” hơn ai hết.


Có thể ông
đã làm nhưng hoặc thiếu trách nhiệm, hoặc không kiểm soát được những hành động không tốt, khiến đưa đến nhiều hình ảnh xấu về chính phủ của ông như người dân đã nhận định và gởi đến cho ông như vậy.

Tôi
thực sự chưa thấy ông Kỳ làm được điều gì mang lại công lao lớn cho quốc gia và người dân, lúc ông đảm nhiệm chức vụ ngang với thủ tướng của nền đệ nhị Cọng Hòa.

VH: Là một nhà quân sự thuần túy, ông có nhận định nào về thiếu tướng Nguyễn cao Kỳ xét dưới lăng kính này?


ĐT Lê Khắc Lý: Tôi phải nói thật cùng anh thế này: khi ông hô hào Bắc tiến, thêm vào việc ông thân chinh ra bắc ném bom, tôi thấy con đường ông đi là” Đúng Nhất, Hay Nhất,” phải nói mọi người đều hài lòng và cho rằng ông làm được.


Tôi là một trong những sĩ quan hăng hái ủng hộ điều này. Vấn đề chiến lược là như vậy. Thử hỏi nếu ngược lại thời gian, năm 1965, người Mỹ không đổ quân vào miền Nam mà lại đổ quân phía bắc vĩ tuyến 17, liệu anh có nghĩ tôi và anh giờ này ở đây không?


Nếu nói bị dư luận thế giới lên án “Xâm Lăng” thì sự đổ quân vào miền Nam có tránh khỏi phê phán này không?


Nên tóm lại, tôi cho rằng ý kiến ném bom và bắc tiến của ông Kỳ là chiến lược thích đáng. Dù nó có mang lại nhiều thiệt hại chăng nữa, tình hình ngày nay hẳn đã khác.


Chỉ tiếc là ông nói và làm tượng trưng để gây tiếng vang chứ không đi vào thực tế.

VH: Đại tá nghĩ ông Nguyễn Cao Kỳ đã mang lại sự đoàn kết trong quân đội hay ngược lại, chỉ đem đến sự chia rẽ?



ĐT Lê Khắc Lý: Tôi chỉ nói theo ý kiến riêng qua việc thu thập những tin tức bên ngoài, trong giới sĩ quan cao cấp.


Tôi thấy rõ ông Kỳ “không đem lại sự đoàn kết trong quân đội.” Tôi không ở trong hàng ngũ tướng lãnh và không phục vụ tại Saigon, dù qua suy luận và tin tức thu lượm đó đây, tôi nhận thấy việc ông Kỳ chủ trương chống đối tổng thống Thiệu gây ra nhiều chia rẽ trong lúc quốc gia cần có sự đoàn kết của những người lãnh đạo (Tôi không thuộc phe nhóm của ông Thiệu, dù có nhiều điều sai trái từ phía ông Thiệu nhưng tôi không thể nói ra vì đó là kỷ luật quân đội)


Từ đó, chia ra 2 phía cánh trái và cánh phải dinh Độc Lập. Phía xếp hàng sau lưng ông Thiệu, phía sau lưng ông Kỳ.
Tôi thẳng thắn nhìn nhận và bày tỏ là ông Kỳ đã không mang lại sự đoàn kết trong quân đội.