Tuesday, July 5, 2016

Nhà hoạt động xã hội trẻ tại VN: “Cần một vụ án hình sự” cho sự cố Formosa

 
AuthorXuân NguyênSourceRFAPosted on: 2016-07-05


Các quan chức Việt Nam và video xin lỗi của Chủ tịch Tập đoàn Formosa Hà Tĩnh trong một cuộc họp báo công bố lý do cá chết hàng loạt ở miền trung Việt Nam, tại Hà Nội vào ngày 30 Tháng Sáu năm 2016. AFP PHOTO
Sau khi Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm về việc gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển, rất nhiều người không đồng tình về việc chính quyền Việt Nam để yên cho nhà máy Formosa Hà Tĩnh tiếp tục hoạt động. Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, giới luật sư cho rằng ‘cần có một vụ án hình sự’ đối với thủ phạm.
Các nhà hoạt động xã hội trẻ tại Việt nói gì về điều này?
Việc chính quyền Việt Nam (VN) nhận 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ đồng từ Formosa Hà Tĩnh để khắc phục thảm họa ô nhiễm môi trường đã khiến cho trí thức, các nhà hoạt động xã hội và người dân VN bất bình.
Thay vì đóng cửa, rút giấy phép đầu tư vĩnh viễn đối với Formosa, chính quyền VN lại đứng ra xin nhân dân VN tha thứ cho họ. Hành động đó khiến rất nhiều nhà hoạt động xã hội trẻ tại VN bức xúc, họ không thể đứng nhìn môi trường biển của VN tiếp tục bị phá hoại bởi Formosa và những thủ phạm liên quan.
Cần khởi tố điều tra Formosa
Từ Hà Nội, người nghiên cứu luật, nhà báo trẻ Nguyễn Đình Hà cho rằng, bằng chứng đã đưa ra là quá rõ ràng, kết luận điều tra của bộ tài nguyên môi trường và tất cả các bộ ngành liên quan đều chứng minh Formosa là thủ phạm và họ cũng đã nhận trách nhiệm. Anh Hà tiếp lời:
“Formosa đáng phải bị khởi tố điều tra. Đây là một vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về tội gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại nguồn thủy sản, cũng như hủy hoại nguồn nước.”
Anh Hà nói thêm, việc các cơ quan thanh tra đã phát hiện ra 53 lỗi sai phạm của doanh nghiệp Formosa là một thí dụ điển hình về sự tắc trách và vô trách nhiệm của họ, cũng như việc làm sai các quy định của pháp luật của những người liên quan.
Từ Lâm Đồng, nhà báo trẻ Trần Minh Nhật thấy rằng, nên có những biện pháp pháp lý để đòi lại quyền lợi chính đáng cho ngư dân vùng thảm họa. Đồng thời răn đe những công ty khác và cũng đòi hỏi sự thượng tôn pháp luật, chứ không thể để thủ phạm muốn làm gì là làm. Theo anh Nhật, ngoài việc truy tố hình sự đối với Formosa, còn phải truy tố trách nhiệm hình sự đối với những bên liên quan, những người đã tiếp tay cho Formosa Hà Tĩnh đầu độc biển Đông và người dân VN. Anh phân tích:
“Các nhà chức trách có một cái tội rất nặng. Tội mà mình không thể bỏ qua được. Đó là họ từ công đoạn kiểm duyệt dự án, từ công đoạn thông qua dự án, rồi kiểm tra mức độ vệ sinh môi trường, kiểm tra công nghệ xử lý rác thải hay cả quy trình hoạt động của Formosa. Thì các cơ quan nhà nước đã chấp nhận, đã có công văn nói rằng công ty này hoạt động an toàn.


Khu chính nhà máy thép Formosa Đài Loan ở tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh chụp ngày 3 Tháng 12 năm 2015. AFP PHOTO
Nhưng bây giờ kết quả mọi người nhìn thấy cá chết hàng trăm tấn ở biển miền Trung thì chúng ta không phải chỉ có vấn đề quy trách nhiệm cho Formosa nữa. Đồng thời phải hỏi xem ai là kẻ gián tiếp tiếp tay cho Formosa. Ở đây là bộ tài nguyên và môi trường, đặc biệt là ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trong việc cấp phép cho Formosa 70 năm hoạt động.”
Ngoài những người liên quan ở trên, anh Nhật còn thấy rằng, trong thời gian điều tra nguyên nhân cá chết, một số nhân vật đã liên tục có những phát ngôn để đánh lạc hướng dư luận, để chối tội thay cho Formosa. Những người đó, ít nhất cũng phải từ chức, phải có những hình thức kỷ luật.
Từ Sài Gòn, nhà hoạt động xã hội Lê Văn Sơn thấy rằng, sở dĩ có thảm họa này là vì các cơ quan chức năng đã lạm quyền, tham nhũng, bao che cho Formosa trong thời gian dài. Theo anh Sơn, việc chính quyền Việt truy tố trách nhiệm hình sự đối với Formosa, và những thủ phạm liên quan là điều khó có thể xảy ra. Anh Sơn bày tỏ:
“Tôi không bao giờ tin tưởng vào nền pháp luật do đảng cộng sản cai trị. Nên việc để các bên liên quan liên đới có trách nhiệm trong vụ việc này khó xảy ra, rất khó xảy ra.”
Cần đóng cửa Formosa
Anh Lê Văn Sơn thấy rằng, nếu Việt Nam là một quốc gia có lòng tự tôn dân tộc, hệ thống lãnh đạo đặt con người lên trên hết, thì những việc mà công ty Formosa đã làm đối với con người, đất nước Việt Nam phải được chấm dứt. Anh nói:
“Cần phải chấm dứt ngay, cần phải đình chỉ ngay và chấm dứt hoạt động ngay tức khắc trên lãnh thổ Việt Nam.”
Anh Trần Minh Nhật lại cho rằng, việc đóng cửa hoàn toàn đối với Formosa trong thời điểm này cần phải được cân nhắc thật kỹ, cần bắt buộc Formosa trả lại môi trường trong sạch, khắc phục thảm họa ô nhiễm biển, trong thời gian khắc phục thảm họa, Formosa Hà Tĩnh phải ngừng hoạt động. Anh Nhật nói:
“Mình phải xác định được cái giá bồi thường cho người dân. Đồng thời chúng ta phải bắt buộc Formosa làm sạch lại môi trường. Khi xong rồi chúng ta có thể nói rút giấy phép, cấm Formosa đầu tư vĩnh viễn vào Việt Nam như một số nước đã từng làm với Formosa.”
Về nguyên nhân sâu xa của vấn nạn ô nhiễm môi trường tại VN được anh Nhật phân tích, trong chiến lược phát triển, cạnh tranh của VN đang có vấn đề lớn, Formosa chỉ là hiện tượng mà thôi, trước đó đã có rất nhiều dự án như Vedan, Boxit Tây Nguyên… đã xả thải làm ô nhiễm môi trường cách trầm trọng. Việc xảy ra những thảm họa môi trường như thế là do chính sách của nhà nước chỉ chú trọng đến lợi nhuận, những hứa hẹn kinh tế trước mắt mà phớt lờ những lợi ích lâu dài như lợi ích cộng đồng, vấn đề môi sinh, môi trường. Anh Nhật nói thêm:
“Nhà nước Việt Nam không thực sự chú tâm phát triển kinh tế mà chỉ là bóc lột thiên nhiên, khai thác thiên nhiên, khai thác nguồn nhân lực mà không chú ý đào tạo nguồn nhân lực.”
Anh Nguyễn Đình Hà cho rằng, những tiếng nói trên các trang mạng xã hội, truyền thông độc lập ở trong và ngoài nước đã tác động rất lớn đến người dân trong nước, do đó anh Hà mong đợi:
“Tôi mong đợi tiếng nói người dân cũng như sự phản biện của giới khoa học, tri thức đánh động đến chính quyền. Buộc chính quyền phải làm theo những gì người dân mong đợi, và buộc họ phải thực hiện theo đúng pháp luật mà họ đề ra.”
Những nhà hoạt động xã hội trẻ tuổi tại VN mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng, cần phải có ‘một bản án hình sự’ đối với Formosa và những người liên quan. Để làm được điều này, cần mọi thành phần trong xã hội cùng góp sức, chung lòng. Và tất cả đều thấy rằng, nếu không muốn con cháu sống trong môi trường bị đầu độc, hãy yêu cầu Formosa đóng cửa và rời khỏi Việt Nam ngay sau khi khắc phục thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung.

---------
Ý kiến độc giả

Vân Anh 
nơi gửi Hà Tĩnh
500 triệu USD cùng một lời “xin lỗi” là cái giá rất bèo so với tác hại toàn diện của vụ cố tình đổ chất độc xuống biển của tập đoàn Formsa.
Trước hết là thiệt hại về sinh kế. Hàng triệu ngư dân, thương nhân kinh doanh thủy hải sản, những người làm dịch vụ nhà hàng, du lịch, khách sạn vv... sẽ mất kế sinh nhai trong hàng chục năm trời.
Thứ hai là thiệt hại về kinh tế. Trước khi vụ cá chết xảy ra, mỗi năm riêng ngành xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam thu nhập khoảng 7 tỷ USD. Sắp tới, khi các nước như Hoa Kỳ, Châu Âu, vv.. ngưng nhập khẩu mặt hàng này do lo ngại về an toàn thực phẩm cho người dân xứ họ thì nguồn thu ngoại tệ này sẽ không còn. Nghiêm trọng hơn, hàng loạt các cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy hải sản sẽ bị đóng cửa; Nhà nước sẽ bị thất thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế; hàng trăm ngàn cán bộ, công nhân liên quan sẽ bị thất nghiệp và hậu quả là bất ổn xã hội ngày càng tăng. Mặt khác, ngành kinh tế du lịch quốc gia, đặc biệt là du lịch biển, cũng sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng trong thời gian rất dài.
Thứ ba, sau khi hàng ngàn tấn sinh vật biển chết thành từng lớp dày dưới đáy và trôi dạt vào bờ do bị đầu độc, nguồn tài nguyên hải sản trên vùng biển trải dài từ bắc chí nam sẽ tiếp tục bị cạn kiệt. Ước tính thiệt hại này cũng không hề nhỏ.
Thứ tư, hệ sinh thái biển tại 4 tỉnh miền trung đã bị hủy hoại hoàn toàn. Các rặng san hô, nơi sinh sống của muôn loài sinh vật biển, không còn nữa. Môi trường sống của hàng chục triệu người dân ven biển đã bị nhiễm độc. Để khôi phục lại hệ sinh thái và môi trường như trước đây, chắc sẽ chắn phải tốn nhiều khoản chi phí rất lớn và phải thực hiện trong nhiều năm.
Cuối cùng nhưng quan trọng nhất là thiệt hại về sức khỏe người dân của nhiều thế hệ và chất lượng giống nòi dân tộc Việt. Các hóa chất cực độc, đặc biệt là các kim loại nặng sẽ tồn tại dưới lớp trầm tích biển trong hàng thập kỷ. Mỗi khi có biến động thời tiết, khí hậu nó sẽ chu chuyển khắp nơi theo dòng các hải lưu và gây nhiễm độc nguồn nước biển, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và sự phát triển giống nòi. Ai tính được thiệt hại này là bao nhiêu?
Vì vậy, cho dù Chính phủ đã công bố nguyên nhân và thủ phạm nhưng NHÂN DÂN VIỆT NAM không dễ dàng chấp nhận lời “xin lỗi” cho có lệ cùng với khoản bồi thường bé tí teo chỉ đủ cho khoảng 1 triệu gia đình ngư dân chi tiêu sinh hoạt trong chừng 1 tháng.
Nhất thiết phải kiện Formosa ra tòa hình sự quốc gia và quốc tế; bắt chúng phải trả giá đích đáng cho tội ác tày đình chúng đã cố tình gây ra. Đồng thời, cần khởi kiện người phải chịu trách nhiệm cao nhất hiện nay, tức là người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam, cái tổ chức tự cho mình quyền “lãnh đạo nhà nước và xã hội”.
Tôi đề nghị Giáo phận Vinh và Tổng Giáo phận Huế đại diện cho toàn thể nạn nhân (gồm ngư dân, giáo dân và toàn dân trong khu vực) cùng đứng tên nguyên đơn tiến hành các thủ tục khởi kiện càng sớm càng tốt.
05/07/2016 11:07

0 comments:

Powered By Blogger